Câu kỷ tử – Goji Berry và sức khỏe

by Tim Bui
Câu kỷ tử – Goji Berry và sức khỏe

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Dẫn nhập

Câu kỷ tử vừa là một dược thảo quan trọng và rất phổ biến trong Đông y, vừa là một món ăn lành mạnh, thường được thêm vào món súp hay canh trong những bữa ăn hàng ngày. Tác dụng của Câu kỷ tử được biết đến nhiều nhất là tăng cường thị lực, làm sáng mắt, chống lại tình trạng khô mắt của người lớn tuổi, làm mát gan…

Câu kỷ tử thường được gọi tắt là kỷ tử, có màu đỏ cam rất đẹp, cho vào món súp thì nhìn sẽ hấp dẫn vì khá bắt mắt. Có thể nói, kỷ tử là một dược thảo có nhiều tên gọi nhất trong danh mục các dược vị Đông Y, với hơn 20 tên khác nhau. Câu kỷ tử, khổ kỷ tử, cẩu Kế tử, cẩu cúc tử, điềm thái tử, thiên tính tử, địa tiên tử… Nhưng tên khoa học thì chỉ có một thôi, đó là Fructus Licii.
Kỷ tử thuộc họ cà, cùng một họ với cà chua… Tên tiếng Anh gọi là Goji, Goji Berry, hoặc là Wolfberry.

Theo tài liệu lịch sử, khoảng năm 1000 sau Công nguyên, kỷ tử đã có mặt trong các bài thuốc và y văn cổ. Kỷ tử bắt nguồn từ Trung Hoa, từ bao giờ thì chúng ta chưa biết rõ, nhưng có mặt nhiều nhất tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Cam Túc, Ninh Hạ vì thích hợp với phong thổ quốc gia này. Tuy nhiên, vì thích hợp với những nơi có khí hậu ấm áp nên Kỷ tử cũng được trồng ở Úc Đại Lợi, các quốc gia miền Bắc Mỹ, vùng Địa Trung Hải, vùng Trung Á và Đông Nam Á.

Trong tất cả các nơi, thì kỷ tử trồng ở Cam Túc được xem là tốt nhất, loại này có tên là cam kỷ tử, hay còn gọi là cam câu kỷ. Nhưng Ninh Hạ lại là nơi có sản lượng kỷ tử nhiều nhất, khoảng 45,000 tấn, chiếm gần 50% tổng sản lượng toàn quốc của Trung Hoa mỗi năm. Trung Hoa sản xuất khoảng 92 ngàn tấn/năm, được coi là quốc gia thu hoạch và xuất cảng kỷ tử nhiều nhất trên thế giới.

Theo thống kê, năm 2004 Trung Hoa thu về được 120 triệu Mỹ kim nhờ xuất cảng kỷ tử. Con số này luôn tăng lên, vì càng ngày nhiều quốc gia càng biết đến loại dược thảo này. Những quốc gia tiêu thụ kỷ tử nhiều nhất vẫn thuộc về Á châu như Đại Hàn, Việt Nam, Nhật Bản.

Các quốc gia Âu Châu như Anh quốc đã biết đến Kỷ tử từ trước năm 1997, thậm chí nhiều người còn tìm cách đưa cây kỷ tử về Anh quốc để nuôi trồng. Có một thời gian kỷ tử được xem như là một thực phẩm lạ cần lưu ý. Vào tháng Sáu năm 2007, cơ quan kiểm soát thực phẩm của Anh quốc, gọi tắt là FSA (the United Kingdom’s Food Standards Agency – FSA) công bố kết quả một cuộc khảo sát và xác nhận rằng, kỷ tử là một thực phẩm an toàn cho người sử dụng. Đến đầu thế kỷ 21, Hoa Kỳ và Canada đã chính thức nuôi trồng loại cây này một cách tương đối quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường dược thảo, cũng như kỹ nghệ làm nước cốt – juice, và các thực phẩm chế biến khác.

Tại Trung Hoa cũng như các quốc gia Á châu khác, ngoài việc có mặt trong các toa thuốc Bắc, Kỷ tử thường được nấu chung với cháo, hoặc trong các món súp gồm thịt gà, thịt heo cùng các loại rau quả và vài loại dược thảo khác như cam thảo. Vì người ta biết rằng kỷ tử có thể giúp giải nhiệt, và làm sáng mắt, tăng cường thị lực. Kỷ tử cũng thường được pha chế chung với hoa cúc, và trà xanh thành một loại trà dược thảo. Không những thế, người ta còn dùng kỷ tử làm rượu, gọi là kỷ tử tửu, hoặc làm rượu chung với quả nho. Một vài nơi, người ta còn dùng mầm và lá của cây kỷ tử như một loại rau trong bữa ăn.

Riêng tại các quốc gia Âu châu, kỷ tử thường được chế biến thành các loại nước uống chung với trà xanh, yogurt, hoặc các granola bars, tức là các thanh kẹo làm bằng ngũ cốc, kết hợp với đường nâu, hạt nho khô, dùng để ăn sáng hoặc ăn dặm (snack), thường thấy trong các cửa hàng health food hoặc các tiệm tạp hóa ở Anh Quốc, Pháp Quốc… Đôi khi kỷ tử được biến chế thành một loại nước juice, hoặc được sấy khô rồi xay nhuyễn thành bột… Nói chung, Kỷ tử hiện nay đã khá phổ biến tại nhiều quốc gia Âu châu. Nhưng mãi cho đến sau năm 2000, kỷ tử mới được giới thiệu và đưa vào Canada lẫn Hoa Kỳ, là hai thị trường lớn mang nhiều triển vọng. 

Đến đây người viết xin kể lại một sự kiện xảy ra vào thời đó. Có lẽ vì quá kỳ vọng vào hai thị trường lớn mạnh này, một vài công ty dược thảo đã quảng cáo quá đà, với nội dung như sau: “Có một người đàn ông Trung Hoa tên Li Qing Yuen, nhờ uống kỷ tử mỗi ngày mà được sống thọ đến 256 tuổi, từ năm 1677 cho đến 1933, tức là cuộc đời của người đàn ông này đã trải qua bốn thế kỷ!” Thậm chí, vào tháng Giêng năm 2007, khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CBC trong chương trình Marketplace, người đại diện của một công ty dược thảo đã khẳng định rằng: “Một bệnh viện điều trị ung thư tại New York đã hoàn tất một cuộc khảo sát, và kết quả cho thấy là nước ép kỷ tử có thể ngăn ngừa 75% các trường hợp Ung thư Vú – Breast cancer!”

Cũng cần nói thêm là trước đó, vào năm 2006, cơ quan FDA Hoa Kỳ đã có những văn thư nhắc nhở các công ty nói trên về nội dung quảng cáo quá lời, sai sự thật. Lời nhắc nhở đó dường như không được quan tâm đúng mức, nên đến tháng Năm năm 2009, một tòa án Liên bang ở tiểu bang Arizona đã khởi kiện công ty này.

Kỷ tử và bất kỳ một loại dược thảo nào được nhiều người biết đến cũng đều đã trải qua thực tế sử dụng và nhiều nghiên cứu khoa học. Không nhiều thì ít, các dược thảo đó đã được công nhận là có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, góp phần quan trọng trong việc các vấn đề bệnh lý. Nhưng khẳng định một cách chắc chắn rằng dược thảo đó có khả năng điều trị các căn bệnh nan y, đặc biệt là ung thư, đều không đúng sự thật.

Một từ ngữ mà cơ quan FDA Hoa Kỳ thường sử dụng cho các trường hợp trên là “False Claim,” nghĩa là “nói sai sự thật,” hoặc nặng hơn, “False and deceptive advertising,” tức là “quảng cáo lường gạt và sai sự thật.” Đó là điều mà những người dùng dược thảo cần lưu ý.

Kỷ tử trong nhãn quan Đông y

Theo Đông y, Kỷ tử có vị chua và hơi ngọt, tính bình, tác dụng trực tiếp vào can, phế và thận, với những công năng chính như sau:

Tăng cường chức năng gan và thận. Có thể kết hợp với vài dược vị khác để giảm bớt các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại II, giảm đau nhức vùng lưng và yếu hai chân.

Tăng cường thị lực. Chống khô mắt, hoa mắt, chảy nước mắt sống.

Bồi bổ và tăng cường chức năng phổi. Có thể kết hợp với các dược vị khác để điều trị bệnh ho mãn tính, và phòng ngừa bệnh lao.

Làm đẹp da. Đặc biệt, kỷ tử có tác dụng chống lão hóa rất mạnh, có thể làm giảm các nếp nhăn trên da mặt do nhiều lý do như tuổi tác, căng thẳng, trầm cảm, môi trường sinh sống không lành mạnh và thời tiết khắc nghiệt. 
Ngoài ra, tại Trung Hoa và các quốc gia khác như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam cũng ứng dụng những khả năng trên của kỷ tử vào việc chống lại sự suy nhược tổng trạng, chứng nhức đầu do nội nhiệt và nhiều vấn đề bệnh lý khác.

Công thức dược thảo hiệu quả với kỷ tử

Công thức thứ nhất: là một bài thuốc dùng Kỷ tử ngâm rượu, có tác dụng chống lão hóa, và tăng cường thị lực:

300 grams Kỷ tử đã được giã nhỏ, ngâm với 1 lít rượu 40 độ trong một bình thủy tinh đậy kín nắp 15 ngày. Sau đó mỗi đêm uống  sau 2 tuần lễ ngâm với Kỷ tử, nồng độ rượu sẽ giảm xuống rất nhiều. 

Công thức này có tác dụng tăng cường thị lực, bổ máu và chống lão hóa. Tất nhiên là loại rượu này không thích hợp cho những ai bị huyết áp cao.

Công thức thứ hai: giúp làm đẹp và giảm nếp nhăn trên da mặt: là một loại trà dược thảo gồm: 12 grams Kỷ tử, 5 grams Cúc hoa, pha trong bình với 200cc nước sôi. Sau đó dùng để uống trong ngày. Bài thuốc này cũng có tác dụng giảm cân, làm sáng mắt.

Kỷ tử trong nhãn quan Tây y

Các phòng xét nghiệm ghi nhận kỷ tử hàm chứa nhiều hóa chất thiên nhiên có khả năng chống lão hóa, và loại trừ độc tố trong cơ thể, như là lutein, lycopene, zeathancine, selenium, polysaccharides…, nhiều khoáng chất và kim loại cần thiết, như Sodium, Potassium, Iron, Zinc, các loại vitamin như: beta-carotene – tức là tiền vitamin A, B1, B2, vitamin C… với những công năng như kiểm soát lượng đường trong máu, giảm cholesterol xấu – LDL, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư, bảo vệ gan, hệ tiêu hóa và tim mạch, bảo vệ các tế bào não, giúp làn da chống lại các tác hại của tia cực tím, tăng cường sức mạnh của hệ miễn nhiễm, giảm căng thẳng, giúp ngủ ngon và tăng cường thị lực.

Vì sao vậy?

Kỷ tử hàm chứa những hóa chất thiên nhiên có khả năng làm giảm lượng đường trong máu mà không gây một phản ứng phụ nào cả. Khả năng thứ hai của Kỷ tử là vô hiệu hóa các gốc tự do (free radical), vốn là mầm mống của các căn bệnh nan y, vì hàm chứa các hóa chất thiên nhiên cực mạnh, có tác dụng cô lập và loại trừ các gốc tự do này. Các gốc tự do nếu không bị loại trừ ra khỏi cơ thể, theo thời gian sẽ có thể làm tổn thương tế bào, hủy hoại chuỗi di truyền DNA, từ đó gây ra nhiều loại bệnh nan y. Cũng từ khả năng loại trừ các gốc tự do, mà Kỷ tử có thể bảo vệ tim mạch, duy trì sức hoạt động của các mô tim luôn được tốt đẹp.

Các nghiên cứu còn cho thấy là các dưỡng chất trong Kỷ tử có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa. Giảm căng thẳng và mệt mỏi. Củng cố chức năng của hệ thần kinh và não bộ, bằng cách bảo vệ các tế bào não, các tế bào thần kinh trước các tác hại của các gốc tự do.

Riêng về gan, một cơ quan có khả năng tự hồi phục mạnh nhất, nhưng nếu chu kỳ bị tổn thương rồi tự hồi phục cứ lập đi lập lại nhiều lần (do rượu chẳng hạn), chính lá gan cũng sẽ bị suy yếu đi. Tinh chất kỷ tử cũng có thể giúp cho gan được an toàn phần nào trong trường hợp này.

Chức năng bảo vệ làn da cũng vậy. Các hóa chất thiên nhiên trong kỷ tử sẽ giúp chúng ta không bị viêm da, không bị tổn thương dưới tác dụng của tia cực tím. Và cuối cùng là kỷ tử có khả năng bảo vệ mắt, tăng cường thị lực, và tránh cho mắt nhiều loại bệnh liên quan.

Kỷ tử và các tác dụng phụ (side effects)

Trong vài trường hợp hiếm hoi, kỷ tử cũng gây ra một vài tác dụng phụ cho những ai quá nhạy cảm, với những triệu chứng: Khó thở, ngứa ngáy vùng miệng hay vùng tai, nổi mẩn ngứa trên da, nổi mề đay, sổ mũi, viêm mũi. Dù các tác dụng phụ này hiếm xảy ra, nhưng trong lần đầu tiên dùng kỷ tử, chúng ta không nên dùng quá 12 grams. Sau khi dùng vài giờ đồng hồ, nếu không có gì xảy ra, nghĩa là kỷ tử thích hợp với quý vị. 

Lưu ý khi dùng kỷ tử với Tây dược

Ngoài ra, nếu quý vị đang dùng các loại thuốc Tây, xin hãy lưu ý những trường hợp sau:

Khi đang dùng Warfarin, Aspirin 81 mg… là các loại thuốc có tác dụng làm loãng máu, chúng ta không nên dùng Kỷ tử. Vì tác dụng của hai loại thuốc này xảy ra cùng một lúc sẽ có thể gây xuất huyết nội và ngoại cho một số người. 

Đồng thời, khi uống các loại thuốc có tác dụng giảm đau như Ibuprofen, Naproxen, chúng ta cũng không nên dùng thêm Kỷ tử, vì có thể sẽ gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể.

Khi đang dùng thuốc trụ sinh. Kỷ tử cũng có thể gây ra những tác dụng bất lợi cho cơ thể khi dùng chung với các loại thuốc trụ sinh, thuốc chống siêu vi trùng, thuốc chống nấm, các biệt dược trị ung thư, thuốc hạ cholesterol, các loại thuốc liên quan đến tim mạch, các biệt dược liên quan đến hệ nội tiết, các loại thuốc trị loãng xương, và các loại thuốc dùng sau khi cấy ghép một nội tạng nào đó.

Khi dạ dầy đang bị suy yếu, hoặc bị rối loạn tiêu hóa, như tiêu chảy kéo dài, chúng ta không dùng kỷ tử trong thời gian này.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/nguyen-duc-cuong/

You may also like

Verified by MonsterInsights