YẾN TUYẾT
Bạn có như tôi, vào một lúc rảnh rỗi nào đó, nhớ lại những điều đã xảy ra trong đời và hối tiếc về một số chuyện mình đã làm sai, hay muốn làm nhưng không thực hiện được.
Thí dụ như hối tiếc về vấn việc đã không đi học lại khi còn trẻ; không chọn công việc khác nhàn hạ hơn, đã không đi du lịch khi còn khỏe mạnh, đã không đắn đo hơn khi lập gia đình…
Hoặc có khi bận tâm chỉ vì một chuyện nhỏ như đã không tổ chức được một buổi tiệc đẹp và đầy đủ như dự định, không gọi điện thoại thường xuyên hơn để thăm hỏi anh chị em ở xa; hoặc không liên lạc với người bạn thân cho đến khi người ấy bị bệnh nặng mới biết thì đã quá muộn.
Nếu bạn gật gù vì thấy những điều kể trên hơi giống mình thì bạn hiểu là tôi muốn nói về sự ân hận hay hối tiếc vẫn thường hay ám ảnh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Cảm xúc mà chúng ta hay gặp phải này được bà Margaret Clark, một giáo sư tâm lý tại Yale University, chuyên nghiên cứu về “Sự hối hận và những liên hệ mật thiết” cho cảm xúc này chính là “kẻ giám sát nội tâm” của con người.
Chúng ta có bổn phận với những người thân, bạn bè… và khi không thực hiện được những điều “đáng lẽ phải làm” nào đó thì lương tâm chúng ta cảm thấy cắn rứt.
Theo bà Clark, trong một số hòan cảnh lành mạnh, sự hối hận sẽ giúp cho chúng ta sửa chữa hành động của mình và bày tỏ sự ân hận đúng và cần thiết. Thế nhưng, đụng việc gì cũng cảm thấy băn khoăn cả thì lại không nên tí nào!
Mà phụ nữ thì lại hay mắc phải cái cảm giác hối hận này nhiều hơn là đàn ông mới kỳ chứ!
Giáo sư tâm lý Vicky Henderson của trường đại học Carnegie Mellon khi tìm hiểu về sự khác nhau giữa giới tính, cho biết là phụ nữ thường chú ý đến người khác hơn là nam giới. Phụ nữ thường cảm thấy hối hận khi làm một chuyện gì ảnh hưởng đến người khác, trong khi đàn ông thì lo nghĩ về những gì người khác gây ra cho mình hơn.
Dựa theo những hướng dẫn của một số nhà tâm lý kể trên, tôi đang thử cố học được cách làm sao tránh được sự ân hận.
Chẳng hạn như với bạn bè, khi tôi nói một câu chuyện đùa ngu ngốc làm người khác giận; hoặc khi tôi quên gửi thiệp cảm ơn về món quà người bạn gái ở tiểu bang khác gửi cho tôi dịp sinh nhật mấy tháng trước, tôi sẽ gọi điện thoại hay text để cảm ơn hay xin lỗi, dù muộn màng. Và khi làm xong tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì đã hành động ngay chứ không ở đó mà hối hận từ ngày này qua ngày khác và không làm gì cả.
Thông thường, người được xin lỗi đã tha thứ cho tôi.
Đối với gia đình và con cái, có khi nào bạn trải qua những giây phút hối hận vì đã không giúp con gái tổ chức đám cưới của nó cho chu đáo, chỉ vì giận lẫy khi nó muốn hoạch định mọi thứ theo ý nó, như tôi đã làm?
Tôi từng hối hận vì dọn nhà từ San Diego lên quận Cam ở vì lo âu sẽ không tìm được việc làm như ý lúc ban đầu, và làm cho mấy đứa con phải xa bạn cũ của chúng.
Tôi đã trách mình quá bận rộn nên không đến tham dự buổi lễ phát giải thưởng của con khi nó còn ở bậc trung học. Tôi đã rất buồn vì không đủ khả năng để giúp con trả tiền học vào Đại học mà nó mơ ước.
Đó là những thí dụ rất cá nhân của tôi, nhưng tôi nghĩ nhiều người vợ và mẹ khác cũng có những suy nghĩ và cảm xúc ân hận tương tự.
Các nhà tâm lý nói rằng trên thực tế, không một bà mẹ nào có thể đáp ứng mọi ước muốn và nhu cầu của con cái hay gia đình cả. Họ khuyên chúng ta khi nào cảm thấy mình là người mẹ tệ nhất trên cõi đời này thì hãy ngồi xuống, suy nghĩ xem điều gì quan trọng nhất cho chính mình và gia đình?
Nếu ưu tiên của chúng ta là phải làm xong công việc để được trả lương và nuôi sống gia đình thì chuyện bạn không tham dự được buổi lễ phát thưởng của con là chuyện đương nhiên.
Còn nếu một người vợ rầy rà ông xã vì mua cái TV tốn nhiều tiền quá, cũng chỉ vì bà ấy lo lắng cho ngân sách eo hẹp của một gia đình có lợi tức khiêm nhường.
Nếu chúng ta vẫn còn cảm thấy băn khoăn thì sau đó nên giải thích cho chồng con biết rằng chúng ta rất muốn thực hiện mọi điều nhưng không thể, vì chỉ có hai tay và thời gian thì giới hạn.
Miễn sao, chúng ta nói cho chồng con hiểu là khi nào cũng yêu thương họ và đã cố gắng hết sức mình rồi.
Giáo sư June Tangney, thuộc George Mason University, chuyên tìm hiểu về “ Sự ân hận, nỗi xấu hổ và sự đồng cảm” vạch ra một số trường hợp mà có thể bạn thấy rất quen thuộc và cách đối phó với những cảm xúc ân hận mà chúng gây ra.
Bạn gắt gỏng với chồng trong khi ổng có ý muốn giúp đỡ mình.
Bạn nghĩ rằng đứa cháu ngoại là thằng bé cứng đầu và cha mẹ nó không dạy dỗ nó đúng cách (theo lối suy nghĩ của bạn).
Bà mẹ chồng nghĩ rằng bạn và chồng dành thì giờ cho mẹ ruột của bạn hơn, sau khi cha của bạn mất.
Về việc thăm viếng mẹ ruột và mẹ chồng, ông Tangney khuyên chúng ta nên chia thì giờ cho gia đình cả hai bên một cách đồng đều.
-Về việc ở xa ông bà thì bạn có thể gửi cuốn video quay sinh hoạt của cháu ở chỗ ở mới cho ông bà xem. Với kỹ thuật điện toán như bây giờ, bạn nên dùng Facetime của cellphone để ông bà có thể nói chuyện với cháu và nhìn thấy sinh hoạt của cháu qua máy điện thoại.
-Hãy nhắc nhở con gửi thiệp thăm hỏi ông bà.
-Ngỏ ý xin lỗi chồng vì đã gắt gỏng với ổng một cách vô cớ.
-Một lúc rảnh rỗi và thuận tiện nào đó, tế nhị chia sẻ về cách giáo dục con cái với con trai và dâu của mình, nếu được hỏi ý kiến.
Giáo sự Tangney nói rằng, thật ra chuyện gì cũng có thể gây hối hận được cả.
Thí dụ như khi ở sở làm, thay vì phải hoàn tất bản báo cáo cho sếp, chúng ta dùng thì giờ để lên internet tìm những tài liệu cho bài tập của con ở trường.Bị sếp la thì hối hận.
Chúng ta không mua sắm áo quần cho con và chồng mà chỉ hay mua cho mình thôi. Mỗi khi đi ra đường thấy ngượng vì chồng con mặc áo quần xấu quá và thấy mình có lỗi.
Chúng ta thích xem phim truyện Đại Hàn hơn là đọc báo cho nên khi nói chuyện với ai, mình không biết gì cả về nhiều vấn đề đang xảy ra trong xã hội.
Bạn mập quá vì không bao giờ muốn tập thể dục hay ăn kiêng. Thế tại sao ngồi đó để ân hận mà không lập ra một chương trình để thay đổi như ghi tên vào trung tâm thể dục hay bắt mình đi bộ mỗi ngày.
Nhà tâm lý Tangney nói rằng với những thí dụ kể trên thì chuyện giải quyết rất giản dị nếu chúng ta biết thiết lập mục đích rõ ràng và chắc chắn để nhắm đến (specific and concrete goals).
Chúng ta cần phải giới hạn tối đa ý nghĩ bi quan dành cho những hành động của mình, vì chúng sẽ khiến cho chúng ta giảm khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh một cách có hiệu quả.
Chính ý thức về sự xây dựng lại, có nghĩa là thay đổi những suy nghĩ trong đầu,- sẽ giúp cho chúng ta phấn khởi hơn.
Thí dụ thay vì cứ lo nghĩ về ba điều mình đã làm sai, thì hãy nghĩ đến một việc mình đã làm đúng ngày hôm nay để tự khen ngợi chính mình.
Như thế, bạn đã tự giúp mình tạo được bờ đập, ngăn chặn cơn sóng hối hận kéo đến, và nhờ đó, những giấc ngủ của bạn sẽ êm ái hơn.
Không biết bạn có như tôi đã từng biết đến những người không bao giờ cảm thấy hối hận?
Thật vậy, có những cá nhân không hề hối hận về những việc xấu mà mình gây ra và không cần đếm xỉa gì đến cảm xúc của người khác. Xã hội gọi họ là những kẻ “psychopath”- người bị bệnh tâm thần.
May mắn thay, số người này chỉ chiếm 1% của nhân số trên thế giới. (Theo bà Jane Bybee, một phụ tá giảng sư tại Suffolk University ở Boston thì số người Psychopath này phần lớn thuộc nam giới)!
Tuy vậy, nếu chẳng may một người bị bệnh tâm thần và ích kỷ này mà có quyền lực trong tay thì sẽ làm khổ cho nhiều người.
Bà Bybee ghi nhận rằng khi còn nhỏ, con trai và con gái đều có những xúc cảm không chênh lệch là bao nhiêu. Thế nhưng khi trưởng thành thì người đàn ông ít có cảm xúc hối hận như đàn bà.
Phụ nữ thường tự dày vò và dằn vặt mình lâu dài hơn.
Dĩ nhiên, đàn ông cũng có đôi lúc cảm thấy hối hận nhưng không giữ mãi điều đó trong lòng, thay vào đó, họ hành động tức khắc và bước tới trước.
Thí dụ như nếu người chồng quên chúc mừng sinh nhật của vợ thì vài ngày sau nhớ ra, ông ấy mua một bó hoa và cho rằng như vậy vợ mình sẽ hài lòng và quên chuyện đó!
Đàn ông chỉ cảm thấy hối hận về một vấn đề rõ ràng, như việc quên họ quên số điện thoại quan trọng, nhưng điều đó có thể sửa đổi dễ dàng.
Trong khi đàn bà thì chú ý đến những mối liên hệ trừu tượng khó giải quyết hơn (chẳng hạn như sợ làm người khác buồn lòng).
Bên cạnh việc hay hối tiếc, tôi còn nhận thấy mình có một tật xấu nữa cần được sửa đổi là hay muốn đi tìm sự toàn bích.
May mắn thay, trong đống sách cũ, tôi tìm thấy một cuốn sách từng đọc lâu lắm rồi có tên “Don’t sweat the small stuff”( Đừng bận tâm vì những điều nhỏ nhặt) của Tiến sĩ Richard Carlson.
Đọc lại cuốn sách khi mình đang ở những năm tháng cuối đời này tôi “ngộ” ra được một chút và thấy là lâu nay mình bị căng thẳng và đau bao tử cũng bởi vì “hơi khó tính!”
Tôi nhận ra mình gần tới mức bị xếp vào loại những người suốt ngày đi tìm kiếm những điều toàn bích – perfectionists. Thí dụ như một buổi tiệc thì muốn cho nó thật tươm tất, mọi người phải hoà nhã và thân thiết, lịch sự với nhau. Nếu những điều này không xảy ra, tôi bực bội trong lòng.
Tôi lại còn hay khó chịu vì những điều thật là nhỏ nhặt như cái ly dơ để trên bàn làm việc, cái khăn ướt vất trên sàn nhà, con cái ăn mặc những áo quần không đúng ý mình, người tài xế dễ ghét của chiếc xe cắt ngang trước mặt.
Sắp già thêm một chút nữa, sức khoẻ yếu kém đi thấy rõ, tôi nhắc nhở mình là không còn đủ sức nữa đâu để khó chịu vì những điều không được toàn bích của đời sống. Và nếu tôi tiếp tục là một người suốt ngày mong chờ và tìm kiếm những điều ấy, tôi sẽ trở thành một kẻ độc tài hồi nào tôi không hay, như bà Kathy Cardona, tác giả của cuốn “Let go, let miracles happen” nói:
“Sự toàn bích dẫn bạn đến việc ức hiếp kẻ khác vì những đòi hỏi của mình. Nó cũng làm cho chúng ta không thể trưởng thành một cách sáng suốt, sống một cách đầy thành kiến và bảo thủ.”
Trong quá khứ, tôi ít khi tha thứ cho những lầm lỗi của chính mình như chuyện đổ vỡ trong hôn nhân,vấp ngã trong tình yêu, nuôi dạy con cái, chọn lựa nghề nghiệp, tính toán nhầm lẫn cho tương lai… và vì thế tôi không được hạnh phúc.
Thế nên tôi muốn rằng trong những ngày sắp tới, mình sẽ áp dụng tinh thần “học hỏi từ những kinh nghiệm xấu hay tốt,” để nhờ đó chấp nhận mình và người khác một cách dễ dàng hơn.
Tôi sẽ cười khi mình quên không biết cái thẻ ATM mới xài hôm qua để ở đâu, sẽ không rầy rà ông làm vườn cắt tỉa không vừa ý, sẽ cố đừng có ý kiến về cách trang hoàng hay ăn mặc diêm dúa của bạn.
Nghĩa là cho phép mình thư giãn hơn bằng cách nhắm mắt, làm ngơ nhiều chuyện.
Cuốn sách nhỏ “Don’t sweat the small stuff” này đã nhắc nhở tôi rằng không có điều gì hoàn toàn trên cõi đời này cả; và nếu ai trong chúng ta có phạm phải một lỗi lầm thì chuyện đó cũng không làm cho trái đất ngừng quay cho nên đừng quan trọng hóa nó một cách quá đáng.
Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau bớt đi những ân hận và từ bỏ việc tìm kiếm sự toàn bích, để sống một cách giản dị và thoải mái hơn, tránh được sự căng thẳng vì những chuyện lẻ tẻ của đời sống, vốn đầy những muộn phiền này phải không bạn.
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/yen-tuyet/