HÀ GIANG
LGT: Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nơi thời gian đang mài mòn những lớp ký ức tập thể, thì thế hệ trẻ – những người sinh ra sau chiến tranh hoặc trưởng thành trên đất mới – chính là những người quyết định văn hóa Việt sẽ sống tiếp hay lặng lẽ tàn phai.
Không phải ai cũng chọn dấn thân, nhưng có những người đã và đang chọn đứng giữa hai thế hệ, giữ một tay vào ký ức, một tay vào tương lai. Nguyễn Lập Hậu là một người như thế.
Hậu sang Mỹ năm 1993 theo diện HO, lúc đó là một thanh niên đã theo đuổi ngành hội họa từ Sài Gòn.
Hình ảnh sâu đậm nhất trong tâm trí Hậu về Sài Gòn xưa là khu cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã tư Phú Nhuận – nơi Hậu sống cùng ông ngoại và học tiểu học. “Cả tuổi thơ của em gắn liền với nơi đó,” Hậu kể, “từ việc mỗi sáng xách gamelle theo cậu đi mua đồ ăn sáng cho ông ngoại – có khi là bún bò Huế ở ngay ngõ vào cư xá – đến việc đi mua lăng quăng cho cá ăn hay theo các dì đi chợ Lò Đúc, chợ Phú Nhuận…” Âm nhạc cũng là một phần của ký ức ấy. “Mỗi khi nghe những bài hát của Khánh Ly đều làm em nhớ về tuổi thơ. Có lần sau giờ tan học, em và đám bạn đi bộ ngang qua một quán cà phê mái lá. Họ bật bài ‘Diễm xưa,’ cả đám đứng lại nghe cho hết rồi mới chịu về.” Hậu chia sẻ.
Những ký ức cứ âm ỉ trong lòng ấy là điều thúc đẩy Hậu chọn con đường mình đã và đang đi: Dùng ánh sáng và cọ để vẽ lại hình ảnh quê hương. Mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn dưới đây của Hà Giang với Nguyễn Lập Hậu.
HÀ GIANG: Xin cho biết sơ về thân thế của Hậu?
NGUYỄN LẬP HẬU: Em sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Em rời Việt Nam năm 1993 theo chương trình HO. Lúc đầu em định cư ở Olympia, tiểu bang Washington khoảng một năm, sau đó dọn qua Connecticut hơn 12 năm, em đi học ngành Graphic Design ở đó, rồi mới qua California từ 2005 tới bây giờ.
HÀ GIANG: Xin nói vài nét nét về song thân và thời niên thiếu hay những ngày đầu đến Mỹ?
NGUYỄN LẬP HẬU: Bố Mẹ em gốc người Hà Nội. Họ di cư vào Nam năm 54 và gặp nhau ở Sài Gòn. Bố em là sĩ quan không quân, lúc 75 thì đang mang quân hàm trung tá. Mẹ em là cựu nữ sinh Trưng Vương niên khóa 1957-1964. Thời em mới lớn ở Sài Gòn thì đã là giai đoạn sau 1975, ngoài chuyện đi học ra em có ghi danh đi học các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc và hội hoạ nhưng vì thời gian đó phương tiện hỗ trợ cho việc học âm nhạc rất khó cho nên em bỏ cuộc, em chỉ còn theo học hội hoạ, mà chủ yếu là các lớp tư nhân dạy vẽ.
HÀ GIANG: Ngoài chụp ảnh, thiết kế flyer cho những sinh hoạt cộng đồng Hậu làm gì?
NGUYỄN LẬP HẬU: Ngoài chụp ảnh và thiết kế quảng cáo cho cộng đồng thì em thường vẽ tranh theo yêu cầu của từng cá nhân, phần lớn là tranh chân dung và một phần nhỏ là phong cảnh. Thật ra background về hội hoạ của em vững hơn là thiết kế. Em nhớ lúc học học ở trường đại học, em thấy ngành hoạ khó kiếm việc sau này khi ra trường, cho nên em quyết định học thiết kế vì ngành này đang nở rộ vào thời điểm đó. Ngoài ra trang trí nội thất và landscape design cũng là hai bộ môn em khá thích thú và hay tự nghiên cứu qua TV và sách vở.
HÀ GIANG: Cơ duyên gì đã đưa Hậu đến với, và gắn bó với những sinh hoạt của người Việt ở Little Saigon? Có thể lại một vài kỷ niệm lúc mới bắt đầu tham gia?
NGUYỄN LẬP HẬU: Khi mới sang California em chưa quen biết ai, lúc đó gia đình em còn ở Connecticut, em share phòng ở nhà một người quen, chị chủ nhà thường hay sinh hoạt văn nghệ thế là chị ấy dẫn em theo chơi. Em biết thêm vài người, họ biết em học ngành thiết kế nên nhờ em làm vài project nhỏ. Một thời gian ngắn, em bắt đầu thiết kế poster cho các chương trình văn nghệ mà người tìm đến em đầu tiên là Luân Vũ của Nhóm The Friends… rồi từ từ sản phẩm của em được biết đến nhiều hơn, họ tìm đến em nhờ làm bìa CD, DVD, bìa sách… cho đến tận bây giờ.
HÀ GIANG: Những sinh hoạt cộng đồng đóng vai trò thế nào trong đời sống của Hậu?
NGUYỄN LẬP HẬU: Sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về văn hoá Việt Nam của em, mà văn hoá và cội nguồn luôn làm em quan tâm, theo dõi, học hỏi và đổi mới. Nhờ có những sinh hoạt này mà em mới có cơ hội để học thêm những cái hay hoặc chưa hay. Ví dụ như các kiểu thiết kế mới và các ý tưởng mới, hoặc ngôn ngữ tiếng Việt sau này người ta dùng có thích hợp cho những thiết kế của mình hay không. Nói chung là có cái cần thêm và có cái bỏ bớt.
HÀ GIANG: Có một hình ảnh nào về Sài Gòn cũ mà Hậu vẫn mang theo mình suốt từ 1993 đến giờ không?
NGUYỄN LẬP HẬU: Hình ảnh mà em nhớ nhiều về một Sài Gòn cũ là khu cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã tư Phú Nhuận, bởi vì hồi nhỏ em ở với ông ngoại ở gần đó và em học cấp 1 tại trường Chu Mạnh Trinh mà lúc vừa sau năm 75 có tên mới là Đông Nhất A. Sau này khi lớn lên em học vẽ thì không cố tình chọn nơi học nhưng nó cũng lại nằm gần ngã tư Phú Nhuận. Có thể nói cả tuổi thơ của em gắn liền với nơi đó, từ việc mỗi sáng xách gamelle theo cậu đi mua đồ ăn sáng cho ông ngoại, có khi là bún bò Huế ngay ngõ vào cư xá Chu Mạnh Trinh, hoặc mỗi ngày em đi mua lăng quăng về cho ông ngoại cho cá ăn ở đối diện trường Võ Tánh, hoặc đi theo các dì đi chợ Lò Đúc ở đường Nguyễn Minh Chiếu, hoặc chợ Phú Nhuận…
HÀ GIANG: Có khi nào Hậu đang làm việc, thì một ca khúc, một câu nói, một mùi hương… bất chợt kéo Hậu về ký ức tuổi thơ?
NGUYỄN LẬP HẬU: Rất nhiều lúc em nghe một bài hát nó làm em nhớ lại thời còn bé, đó là lúc em đang ngồi vẽ. Mỗi khi em nghe những bài hát của Khánh Ly đều làm em nhớ về tuổi thơ. Em nhớ có một lần em và đám bạn đi bộ về nhà sau khi tan trường, đến một con dốc có quán cà phê mái lá bên đường, lúc đó là khoảng đầu những năm 80s, họ bật bài Diễm Xưa vừa đủ nghe, thế là cả đám đứng lại nghe cho hết rồi mới về… trong nhà em mỗi khi kiếm được mấy cái dĩa vinyl còn sót lại từ xưa thì đều là dĩa của Khánh Ly hoặc có Khánh Ly hát trong đó.
HÀ GIANG: Trong hành trình hòa nhập, có giai đoạn nào Hậu mệt mỏi muốn bỏ hết — không vẽ, không thiết kế nữa không?
NGUYỄN LẬP HẬU: Trong hành trình hòa nhập, khi đó thật sự không có thời gian ngồi vẽ, ngoại trừ khi em học ngành thiết kế, họ đòi hỏi phải lấy vài lớp vẽ thì em mới có cơ hội ngồi vẽ mà thôi, và thời gian đó còn đang học ngành thiết kế chưa ra trường… em nhớ hầu như tất cả các thứ như phim ảnh hay ca nhạc đều phải gác sang một bên, nhưng em nghĩ nếu nói bỏ thì chắc không bỏ được đâu, vì nó là văn hoá, nó là dòng máu trong người nên không bỏ được, chỉ là tạm gác lại thôi.
HÀ GIANG: Khi phải chọn giữa một thiết kế “rất hợp thời” và một thiết kế “rất Việt nhưng hơi cũ,” Hậu có phân vân không?
NGUYỄN LẬP HẬU: Thông thường khi thiết kế thì chủ đề đã nói lên tất cả rồi, mình phải làm theo yêu cầu mà chủ đề đòi hỏi, rất ít khi có sự pha trộn giữa cái cũ và mới trong một thiết kế. nhưng nếu em có quyền chọn lựa để thể hiện góc nhìn của mình, thì em sẽ chọn cái cũ, bởi vì nó sẽ có nhiều đất cho em được phô bày và diễn tả hơn.
HÀ GIANG: Hậu có khi nào cảm thấy tiếng Việt mình dùng không còn là tiếng Việt của ba mẹ nữa?
NGUYỄN LẬP HẬU: Tiếng Việt của em cho đến nay vẫn may mắn là tiếng Việt của thời bố mẹ, em đặc biệt hay để ý ngữ pháp và chính tả. Bạn bè em hay nói em là cảnh sát chuyên đi moi lỗi của ai viết sai chính tả. Thật ra em cảm thấy đó là một thứ tiêu khiển của em khi đọc chữ của người khác viết. Còn thế hệ sau nữa thì em nghĩ sẽ không còn là tiếng Việt khi xưa nữa đâu, nó sẽ bị lai hoặc biến dạng.
HÀ GIANG: Theo Hậu, điều gì là “chìa khóa” để các bạn trẻ giữ được văn hoá Việt mà không thấy nặng nề hay bị ép buộc?
NGUYỄN LẬP HẬU: Sự hòa nhập với đà tiến triển của nhân loại sẽ giúp thế hệ trẻ dễ chấp nhận văn hoá cũ của người Việt hơn. Các sự kiện như phim ảnh hay ca nhạc nên có hai thứ ngôn ngữ Anh và Việt quảng cáo song song, các bài phát biểu của các diễn giả cũng nên có hai thứ tiếng. Hiện nay em thấy ở California có nhiều nơi đã làm như vậy. Mình có thể mời người nước ngoài thuyết trình về nguồn gốc văn hoá cũng như sự bảo tồn nó cho thế hệ sau này.
Nghe thì có vẻ hơi lạ nhưng em nghĩ người Việt có một cái tính gọi là “Bụt nhà không thiêng,” ở nhà nói chẳng nghe nhưng người ngoài nói thì lại nghe. Bản thân em là một ví dụ… Hồi xưa em rất thích phim ảnh, văn hoá & nghệ thuật, thời trang, kiến trúc v.v… của Âu Mỹ, em xem nhẹ văn hoá và thẩm mỹ của Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông khác nói chung. Cho đến khi em vào trường đại học, cô giáo dạy sử của em là người Mỹ, bà ta chuyên về lịch sử văn hoá của các nước Á Đông, bà đã nghiên cứu, giảng dạy và đi du lịch hầu hết các nước nên kiến thức rất sâu rộng, có thể sự hiểu biết còn nhiều hơn những người Á Đông thông thường. Chính cô giáo em đã làm em say mê và đã làm em có cái suy nghĩ hoàn toàn khác so với trước. Và từ đó em dần dần hướng về cội nguồn.
HÀ GIANG: Thế hệ cha mẹ sẽ qua đi, tương lai của cộng đồng người Việt hải ngoại là do thế hệ của Hậu tiếp nối, Hậu có nhận xét, ưu tư gì và đề nghị gì về việc này?
NGUYỄN LẬP HẬU: Em không chắc chắn là nét văn hoá và nghệ thuật riêng của người Việt được duy trì trọn vẹn (hay một phần lớn) trong tương lai, mặc dù người Việt ở hải ngoại vẫn đang cố gắng giữ gìn truyền thống đó. Một trong những thứ mà em nghĩ quan trọng là ngôn ngữ tiếng Việt, càng ngày các em nhỏ và con cháu càng ít nói tiếng Việt hơn, trong gia đình em là một điển hình, các cháu nghe được tiếng Việt và chỉ nói được vài câu chào hỏi thông thường. Theo em, văn hoá tập tục của người Việt có thể vào thư viện tra khảo cũng được cho dù là người Mỹ hay Âu, nhưng riêng ngôn ngữ tiếng Việt nếu muốn duy trì thì bắt buộc phải học và nói mỗi ngày. Điều này khó ở chỗ là nếu thế hệ sau này họ không muốn học thì không ai ép được, trừ khi là họ tự nguyện và cảm thấy cần thiết.
Thế hệ trẻ thời nào cũng có văn hoá tôn sùng thần tượng, có lẽ thần tượng của họ nói gì thì họ sẽ làm theo, vấn đề là bây giờ mình cần phải tạo ra những thần thượng của giới trẻ mà có thể ảnh hưởng tốt đến tương lai con em chúng ta, từ đó nét văn hoá và truyền thống mới có cơ hội duy trì lâu dài hơn mà thôi.
HÀ GIANG: Nếu được gửi một thông điệp bằng hình ảnh cho thế hệ sau, Hậu sẽ vẽ gì?
NGUYỄN LẬP HẬU: Nếu có thể gửi một thông điệp cho thế hệ sau bằng một hình vẽ của sự hy vọng, em sẽ vẽ hình hai đứa bé người Việt Nam, một trai một gái dắt tay nhau bước đi vào một thế giới của tương lai… ở đó tất cả có thể đều thay đổi nhưng nguồn gốc và màu da mãi mãi không đổi thay.
HÀ GIANG: Cảm ơn Hậu đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/ha-giang/






