Gần 20 năm trước, có một bạn xin vào Thanh Niên làm nghề báo sau khi tốt nghiệp đại học báo chí.
Là con gái một vị tướng giữ chức rất to trong quân đội, bố bạn ấy có thể xin cho con vào báo này báo kia, nhưng bạn ấy đã tự mình xin vào báo Thanh Niên, nơi không biết bạn ấy là con ai. Tôi là người hướng dẫn tập sự. Điều rất lạ là những gì bạn ấy đăng ký viết đều là đề tài báo chí mà ngay cả các phóng viên lâu năm cũng không có nhiều người phát hiện được, song bạn ấy viết thành bài thì không thành công. Lý do đơn giản là bạn ấy viết theo những gì đã học, từ ngôn ngữ cho đến cấu trúc. Viết theo cái khuôn nhà trường ấy làm sao chuyển tải được những câu chuyện hấp dẫn. Bạn ấy rất hoang mang, định chuyển sang làm nghề khác.
Tôi góp ý, em rất có khả năng làm báo, chỉ cần em quên đi những gì đã học thì sẽ trở thành một nhà báo giỏi.
Bạn ấy không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi bảo, khi em chứng kiến một câu chuyện, nếu như em thấy hay, em sẽ có nhu cầu kể câu chuyện đó cho mẹ em hay cho người yêu của em nghe, em sẽ kể bằng lời của em bằng giọng của em, họ chắc chắn sẽ thấy đó là câu chuyện thú vị.
Nếu em viết đúng như những gì em kể, đó sẽ là một bài báo hay. Nếu như em kể bằng ngôn ngữ của nhà trường, mẹ em hay người yêu của em sẽ không quan tâm đến câu chuyện đó, mà họ sẽ lo lắng vì nghĩ em có vấn đề về tâm thần. Người đọc báo cũng vậy, không ai đọc những bài viết của mấy đứa khùng. Từ hôm đó, bạn ấy viết bài nào cũng hay và trở thành người viết về văn hóa sinh động nhất của báo Thanh Niên khi tôi còn làm tòa soạn.
Thanh Niên từng có một thời kỳ bài báo nào cũng viết theo một kiểu giống hệt nhau. Ấy là do những người biên tập trảy bỏ hết văn phong cá tánh của người viết. Khi tôi làm tòa soạn, nguyên tắc đầu tiên tôi yêu cầu ở người biên tập là tôn trọng tối đa cá tánh của phóng viên. Người biên tập giỏi nhiều khi không phải biên tập gì hết.
Rất tiếc là hiện nay hầu hết các báo đều sử dụng một thứ ngôn ngữ giống nhau, cách kể chuyện giống nhau. Ngôn ngữ đó, cách kể chuyện đó xa lạ với cuộc sống. Cho nên người ta đọc báo chủ yếu để biết tin tức, ít thấy những điều thú vị. Những bài báo có phong cách, có giọng riêng ngày càng hiếm. Đọc mạng xã hội thấy gần với cuộc sống hơn. Gần hơn là so với báo chí, chứ so với cuộc sống thì khoảng cách vẫn còn xa lắm.
Hôm nay đọc lại những bài viết của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo trong cuốn sách “Tiếng Việt -Văn Việt – Người Việt” mà giật mình. Giáo sư Hạo dẫn lời một giáo sư văn học : “Mong sao sau mười hai năm học phổ thông con tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt như trước khi đi học”.
Ông cho rằng, sở dĩ như vậy là nền giáo dục của chúng ta đã bắt học sinh phải học thứ tiếng Việt được mô phỏng theo một thứ ngữ pháp tiếng Pháp cổ lỗ của thời trước Đại chiến thứ nhất, rằng “sách ngữ pháp của ta là một tập hợp những sắc lệnh võ đoán mà người học phải chấp nhận như một giáo lý thiêng liêng hơn cả những sự thật hiển nhiên mà họ (và người ban bố sắc lệnh) có thể quan sát mỗi ngày mấy trăm lần trong tiếng nói của toàn dân và của chính mình”.
Theo giáo sư Hạo, 12 năm học “tiếng Việt” trong nhà trường vẫn không đủ để tiêu diệt hết cái cảm thức về tiếng mẹ đẻ là nhờ chúng ta vẫn sống trong lòng nhân dân, cho nên vẫn có thể nói đúng tiếng Việt trong những điều kiện sinh hoạt tự nhiên. Nhưng khi viết thì thường bị các quy tắc võ đoán kia chi phối, vì vậy “nhiều khi người ta thường viết ra những câu mà thường ngày người ta không bao giờ nói và nghe người Việt nói, và nếu có nghe ai nói như thế thì người ta phải bật cười”.
Và đây là bi kịch của tiếng Việt :
“Khổ thân nhất là những học sinh có cha mẹ hay chú bác có chút văn hóa đủ để biết thế nào là một quy tắc, một khái niệm, một thuật ngữ khoa học, và thế nào là một câu tiếng Việt tử tế : cái vốn văn hóa ấy mà dùng vào việc “phụ đạo” cho con cháu chắc chắn sẽ làm cho chúng ăn điểm 1 điểm 2 suốt đời, vì sách giáo khoa tiếng Việt không hề căn cứ vào một cái gì mà người Việt có văn hóa phải biết cả”.
“Nếu giờ học tiếng Việt bị học sinh và giáo viên của ta coi như một buổi cỏ-vê tẻ nhạt, hoàn toàn vô bổ và thậm chí đáng ghê sợ, thì đó tuyệt nhiên không phải vì họ không còn yêu tiếng Việt, không còn cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt nữa, mà vì người ta bắt họ dạy và học một thứ “tiếng Việt” chẳng ra Tây chẳng ra ta, chỉ còn có cái tên là tiếng Việt, không hề truyền đạt và hấp thụ lấy một phần ngàn cái linh hồn bất diệt của nó”.
Tiếng gào thét của vị giáo sư ngôn ngữ uyên thâm khả kính gần 20 năm nay vẫn rơi vào những đôi tai điếc của ngành giáo dục.
Ngày nay, không chỉ nhà trường làm hư hỏng tiếng Việt mà hậu quả của nó là tại các gia đình của những người “có học” ở đô thị, nhất là gia đình quan chức, tiếng Việt cũng đang dần mai một, sáo rỗng và mất hồn.
Có lẽ phải vào chợ, phải về quê mới nghe được tiếng Việt của người Việt. Có lẽ phải xuống ruộng, ra công trường, đến bến xe bến tàu mới nghe được tiếng Việt của người Việt.
HOÀNG HẢI VÂN