Trong phiên thảo luận chiều 27-10, ba bộ trưởng Bộ Nội vụ, Giáo dục – Đào tạo và Y tế đã có giải trình với Quốc hội Việt Nam về vấn đề gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó ngành giáo dục, y tế chiếm tỉ lệ nhiều nhất.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay theo số liệu tổng hợp của 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành trung ương, từ 1-1-2020 đến 30-6-2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. Trong đó có hơn 4.029 công chức, chiếm 10%, 35.532 viên chức, chiếm 90%. Số công chức, viên chức cấp trung ương thôi việc chiếm 18%, cấp địa phương chiếm 82%.
Phân theo vùng thì Đông Nam Bộ chiếm 37,36% tổng số thôi việc, Đồng bằng sông Cửu Long là 22,88%, Đồng bằng sông Hồng là 14,41%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 10,92%. trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chiếm tỉ lệ thấp.
Các địa phương có số cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là TP.HCM với hơn 6.000 người, Đồng Nai và Hà Nội hơn 2.000 người, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ 800-900 người.
Theo lĩnh vực, giáo dục có hơn 16.424 người, chiếm hơn 41%, y tế hơn 12.198 người, chiếm hơn 30%.
Cũng trong 2,5 năm vừa qua, theo bà Trà, tổng số công chức viên chức được tuyển dụng mới là 143.961 người, gồm 18.867 công chức và hơn 125.000 viên chức. Số viên chức giáo dục được tuyển mới là hơn 74.000 người và y tế là hơn 38.000 người.
Từ số liệu trên, bà Trà đánh giá số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế không lớn, tuy nhiên lại tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực giáo dục, y tế. Đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người…
Số nghỉ việc đa số trong độ tuổi trẻ, từ 40 tuổi trở xuống, và 50% có trình độ đại học. Đa số nghỉ việc ở các vùng có đông khu công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh…
Bà Trà nhận định cần nhìn nhận tổng thể, khách quan vấn đề này, trong đó việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong hơn 2 năm qua vẫn là vấn đề đáng quan ngại, cần xem xét nghiêm túc.
Một số nguyên nhân khác dẫn đến việc này được bà Trà nêu ra: tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp; áp lực công việc, nhất là viên chức y tế, giáo dục ngày càng cao; môi trường làm việc có sự rủi ro nên một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tự diễn biến, tự chuyển hóa vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ làm ảnh hưởng danh dự, uy tín xã hội của khu vực công…
Giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Trà xác định là thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc cải cách tiền lương…
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết theo tính toán, đến năm 2026 số giáo viên thiếu cần bù đắp, bổ sung là 107.000 người.
Ông Sơn nêu các nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên: từ nhiều năm trước đã không đủ và số lượng bỏ việc, giảm biên, nhiều năm không tuyển được hoặc tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu, do thừa thiếu cục bộ…
Về giải pháp, ông Sơn nói Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành 65.000 chỉ tiêu để tuyển đến năm 2026. Năm 2022 được tuyển hơn 27.000 chỉ tiêu.
Bộ trưởng Sơn đề nghị 65.000 chỉ tiêu nói trên có thể dồn tuyển dụng vào các năm 2023-2024 bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Đợi đến sau năm 2024 khi triển khai chương trình phổ thông mới đã xong thì tuyển không còn ý nghĩa.
“Các địa phương cần tuyển ngay, tránh để dồn 1-2 năm mới tuyển”, ông Sơn nói.
Người đứng đầu Bộ Giáo dục – Đào tạo nói thêm: số lượng giáo viên ở bậc mầm non nhiều nhất, chiếm hơn 40%, nên đề nghị tăng mức phụ cấp ưu đãi với giáo dục mầm non.
Cùng với đó là đề nghị triển khai chính sách các địa phương sử dụng ngân sách địa phương ký hợp đồng với các giáo viên không thuộc các chỉ tiêu biên chế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thì cho hay tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, “làn sóng” chuyển dịch từ khu vực công sang khu vực tư nhân, xảy ra ở nhiều nước, không phải chỉ riêng Việt Nam.
Theo bà Lan, qua rà soát, đánh giá nhân viên y tế nghỉ việc, thấy quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương.
Đề cập đến giải pháp, bà Lan cho biết bộ đã trình Chính phủ nghị định sửa đổi nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
(Theo TTO)