LÝ THÀNH PHƯƠNG
Theo truyền thuyết về họ Hồng Bàng thì Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú đến núi Ngũ Lĩnh trong dãy núi Lĩnh Nam, nằm trong tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, phía nam của sông Dương Tử và Động Đình Hồ.
Câu hỏi được đặt ra là: Vậy thì Đế Minh là vua nước nào và đã từ đâu mà đi tuần thú đến núi Ngũ Lĩnh.
Nếu dựa trên lịch sử của Trung Quốc, thì Vua Thần Nông là một trong ba vị vua trong Tam Hoàng trong huyền thoại về Tam Hoàng – Ngũ Đế của thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc trong khoảng từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN. Vị vua nầy cùng với Phục Hy – Nữ Oa đã dạy dân cách trồng trọt, săn bắn, đánh cá, viết chữ, và hôn nhân theo chế độ phụ hệ. Họ là những người đầu tiên thiết lập nền móng cho nền văn minh sông Hoàng Hà của Trung Quốc. Nền văn minh này đã truyền bá khắp Trung Nguyên lan đến vùng đất Kinh Sở.
Theo sử ký Trung Quốc, đất Kinh Sở gọi là nước Sở, nằm ở vị trí tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, phía bắc của Động Đình Hồ, mà thủ đô của họ từng được xây dựng ở Kinh Châu, trải qua 20 đời vua trong thời kỳ nhà Chu thống trị Trung Nguyên. Cho nên có thể nói, trong khi các vua nước Sở đang cùng các chư hầu Trung Nguyên ở phía bắc như Tần, Tấn, Tống, Tề trong thời kỳ Xuân Thu (770-403 TCN) tranh bá, thì Đế Minh, một quý tộc của đất Kinh Sở, có lẽ đã đi đến phía nam của Động Đình Hồ, nơi bộ tộc Bách Việt sinh sống, để thu phục lãnh thổ phía nam.
Ngoài ra, tổ tiên của nước Sở vốn có tên là Hùng Dịch. Các vua nước Sở đều có tên mang chữ Hùng như: Hùng Thông (Sở Vũ Vương), Hùng Vận (Sở Thành Vương), Hùng Hòe (Sở Hoài Vương) … Người Việt còn hay gọi mình là người Kinh, có lẽ chữ Kinh nầy và chữ Kinh trong danh hiệu của Kinh Dương Vương xuất phát từ chữ Kinh châu của nước Sở.
Lịch sử Việt Nam bắt đầu bằng những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian ở vùng Lĩnh Nam, vì cho đến trước thời Bắc thuộc lần thứ nhất (khoảng 200 TCN) người Việt vẫn chưa có chữ viết. Những truyền thuyết này, có lẽ lần đầu tiên được biên soạn thành sách Lĩnh Nam Chích Quái, bởi danh sĩ Trần Thế Pháp vào cuối đời nhà Trần (thế kỷ thứ 13).
Cũng vào thời nhà Trần, một học giả khuyết danh đã soạn ra cuốn lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán gọi là Việt sử lược. Quyển sách này sau đó bị thất lạc, có lẽ đã bị quân Minh lấy đem về Trung Quốc trong thời kỳ 20 năm đô hộ Việt Nam. Mãi đến đời vua Càn Long nhà Thanh trị vì Trung quốc (1736 –1795), sách mới được tìm thấy trong Khâm định tứ khố toàn thư của triều đình Thanh ở Trung quốc.
Quyển lịch sử Việt Nam đầu tiên có thể nói là quyển Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu biên soạn cũng vào đời nhà Trần. Nhưng Đại Việt sử ký cũng chịu chung số phận với quyển Việt sử lược trước đó, toàn bộ đã bị thất truyền trong thời kỳ Minh thuộc. Nhưng nội dung của sách, phần lớn vẫn còn được lưu truyền trong dân gian, chỉ kể lại lịch sử Việt Nam từ thời Triệu Đà lập ra nước Nam Việt (vào năm 207 TCN) và kết thúc vào thời Lý Chiêu Hoàng (1224-1225).
Dựa trên những thông tin quí giá còn truyền lại, vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), sử giả Ngô Sĩ Liên đã cho ra mắt quyển Đại Việt sử ký toàn thư. Trong quyển lịch sử nầy, tác giả đã kết hợp những truyền thuyết được ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái cùng với những thông tin còn lại của Đại Việt sử ký, và những sự kiện lịch sử tiếp nối thời của Lý Chiêu Hoàng của Đại Việt sử ký củ đến thời vua Lê Thánh Tông, để hoàn thành quyển sách lịch sử nổi tiếng để lại đến bây giờ.
Bàn về cái mốc thời gian khởi thủy của họ Hồng Bàng vào năm 2879 TCN có lẽ là không hợp lý. Có thể những học giả thời tự chủ đã bị ảnh hưởng sâu nặng bởi văn hóa và lịch sử Trung Quốc qua cả ngàn năm bắc thuộc đã dùng khung thời gian của lịch sử Trung Quốc để cố mô phỏng lại quá trình hình thành của bộ tộc Bách Việt chăng. Vì rằng vào thời điểm đó, Trung Quốc mới bắt đầu thời kỳ Tam Hoàng, là những vị vua huyền thoại bắt đầu tạo dựng ra nền văn minh sông Hoàng Hà, mà ngay cả tại Trung Nguyên, con người hãy còn sống trong chế độ thị tộc từ xã hội công xã nguyên thủy và xã hội chiếm hữu nô lệ.
Truyền thuyết về xứ Việt Thường ở vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh cống chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương (khoảng năm 1000 TCN) cho thấy rằng, Việt Thường cũng đang bắt đầu xây dựng một xã hội phong kiến và xưng chư hầu với thiên tử nhà Chu vào khoảng năm 1000 TCN.
Truyền thuyết về thánh Gióng, Phù Đổng Thiên Vương vào thời vua Hùng Vương thứ sáu đã đề cập đến con ngựa sắt và cây gươm sắt. Nên biết rằng thời kỳ đồ sắt bắt đầu ở Trung Nguyên vào khoảng 500 TCN. Trong thời kỳ đó, nước Việt với Việt Vương Câu Tiễn và nước Ngô nổi tiếng với Ngô Vương Phù Sai trong thời Xuân Thu, hùng cứ ở lưu vực sông Dương Tử, phía bắc của vùng Lĩnh Nam. Nước Việt đã nổi tiếng với nghề luyện sắt với những thanh gươm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Mạc Tà Can Tương. Vào thời điểm ấy, sắt được xem cứng và sắt bén hơn đồng. Cho nên ai mà có một thanh gươm sắt thì có thể tung hoành trong chiến trận. Vì vậy thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương đã được mô tả trong Lĩnh Nam Chích Quái, với một thanh gươm sắt đã đánh tan tành đám giặc Ân xâm lược.
Nếu lấy sự tích thánh Gióng để suy luận thì thời điểm của vua Hùng Vương thứ sáu của nước Văn Lang và thánh Gióng là vào khoảng 500 TCN, không thể sớm hơn được, vì trước đó không có sắt. Căn cứ theo Lĩnh Nam Chích Quái, thì đời Hùng Vương thứ 18, trước khi nước Văn Lang bị An Dương Vương vua nước Âu Việt chiếm và thành lập nước Âu Lạc vào khoảng năm 250 TCN, thì 12 đời vua Hùng (từ thứ sáu đến thứ 18) mất khoảng 240 năm, trung bình mỗi vị vua trị vì khoảng 20 năm là rất hợp lý cho thời điểm đó.
Với cùng chốt thời gian như vậy, thì nếu vua Hùng Vương thứ sáu trị vì trong những năm 500 TCN, thì thời điểm của vua Hùng Vương thứ nhất phải là vào khoảng hơn 600 TCN, vì vào thời điểm nầy là lúc nhà Chu vẫn còn hùng mạnh, với chủ thuyết phong kiến mới mẻ, được sự thần phục của các chư hầu khắp nơi ở Trung Nguyên. Những bộ tộc trong nhóm Bách Việt lúc đó có thể là phụ dung của một chư hầu phương bắc (phụ dung là chư hầu nhỏ của một chư hầu lớn hơn).
Bài viết này tác giả không có ý định thay đổi lịch sử mà chỉ phân tích tính logic của một số dữ kiện được thu thập trong thời kỳ phôi thai nhất trong lịch sử dân tộc.
1 comment
* Bàn thêm về “người Kinh”.
Thời nhà Trần mỗi khoa thi chọn 2 trạng nguyên : Kinh trạng nguyên (vùng Thăng Long và phụ cận) và Trại trạng nguyên (vùng Thanh Nghệ).
Phân vùng Kinh (Lộ) – Trại đã có từ năm 1010, đời vua Lý Thái Tổ.