Bút ký VÕ ĐẮC DANH
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, bảo vệ luận án Tiến sĩ Thần học tại Hoa Kỳ, ông tâm sự rằng không hiểu vì sao, sau khi rời lực lượng Thanh niên Xung phong, ông muốn đi tu nhưng chưa có khái niệm rõ ràng về một tôn giáo nào. Ông nghiên cứu về đạo Cao Đài, Phật giáo, Thiên Chúa giáo . . . nhưng vẫn cứ phân vân. Rồi ông đi học hớt tóc với ý định mang bộ đồ nghề đi lang thang hớt tóc miễn phí cho trẻ bụi đời, người điên và người cơ nhỡ. Nhưng rồi như một cơ duyên, người dạy ông hớt tóc, sau khi nghe ông nói rằng ông muốn đi tu nhưng chưa biết chọn tôn giáo nào, ông ta giới thiệu với ông về giáo phái Tin lành Mennonite, một trong năm trường phái chính của châu Âu và Bắc Mỹ, được hình thành từ năm 1525 và du nhập vào Việt Nam từ năm 1954.
Từ cơ duyên đó, ông Quang trở thành tín đồ Mennonite. Năm 1992, ông sang Thủ Thiêm, cùng với người mẹ và người em trai mua gần ba ngàn mét vuông đất nông nghiệp. Ông Quang còn nhớ, ở đó có cả cái chuồng trâu và ao rau muống của người chủ cũ. Cuộc sống ban đầu dựa vào những công việc đồng áng, đặt trúm, đặt lọp, đặt lờ, giăng lưới, cắm câu. Dần dần, ông Quang tu bổ nhà cửa, dựng lên một cơ sở từ thiện và tôn giáo gồm một nhà nguyện, một thư quán hướng đạo, một phòng y tế, có cả một nơi dành cho học sinh sinh vên nghèo, bệnh nhân nghèo và người già neo đơn, không nơi nương tựa . . . Ở đây lúc nào cũng có hơn một trăm người tá túc, ông Quang vận động nguồn gạo, họ tự trồng rau, kiếm cá và tự quản, người mạnh chăm sóc người bệnh và phân công công việc cho nhau như một đại gia đình.
Trải qua gần hai mươi năm, kẻ đến người đi, có những sinh viên nghèo trở thành kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, có những kẻ xì ke, bụi đời trở thành lương thiện, có những bệnh nhân trở nên lành lặn, và, có những người xấu số được tiễn đưa trong ấm cúng, đàng hoàng trong tiếng cầu kinh của Giáo phái Mennonite.
Thế rồi tang thương ập đến, ông Quang cùng với hơn một trăm con người cơ khổ ấy phải chịu chung số phận với hàng vạn đồng bào trên đất Thủ Thiêm. Ngày 14 tháng 12 năm 2010, trong lúc cả vườn nguyện đang chuẩn bị cho mùa Giáng sinh thì hàng trăm nhân viên công lực tới bao vây, họ dùng loa phóng thanh đọc lệnh cưỡng chế rồi xông vào bắt trói, đánh đập hàng chục người, quăng lên xe công vụ chở đi. Trong đó có bà Trần Thị Chuốt, 73 tuổi. Bà Chuốt vào đây chữa bệnh cùng với đứa cháu ngoại bị bại liệt. Sau khi lành bệnh, bà tình nguyện ở lại làm tạp vụ và chăm sóc cho đứa cháu tật nguyền. Hôm ấy bà phản đối không chịu đi, liền bị nhân viên công vụ hốt quăng lên xe, họ quăng bà từ trên cao rớt xuống, bị gãy be sườn và chấn thương nặng, họ đưa bà đi cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi. Ông Quang lên phường xin đưa bà về chỗ cũ làm đám tang theo nghi thức của đạo, nhưng ông liền bị nhốt lại, sau đó người ta đưa xe công vụ tới chở bà Chuốt đi hỏa táng.
Hai hôm sau ông Quang được thả ra, ông trở về chỗ cũ thì hỡi ơi, hơn năm trăm mét vuông nhà tiền chế, ao cá hàng chục tấn, vườn kiểng, vườn cây cổ thụ . . . tất cả thành đống xà bần vụn nát.
Cùng số phận với khu vườn nguyện của ông Quang, chùa Liên Trì, đình Thần An Khánh cũng bị san bằng. Hôm cưỡng chế chùa Liên Trì, nhà sư Thích Không Tánh bị ngất xỉu tại chỗ, người ta đưa ông đi cấp cứu, đến khi trở về, ông chỉ còn biết cầm cây nhang quỵ xuống đống gạch ngói đổ nát. Tất cả tượng Phất và hài cốt Phật tử cùng với vật dụng thờ cúng trong chùa, người ta chở vào nhà kho.
Ông Lê Văn Tốt, Trưởng Ban Quý tế Đình Thần An Khánh nói rằng, hôm giải tỏa ngôi Đình ông không đủ can đảm để chứng kiến, ông ngồi nhà mà nghe nhói trong tim, ruột gan như ai cào ai cấu. Ông Tốt đưa chúng tôi xem bức ảnh của một người nào đó tặng ông, bức ảnh chụp lúc giải tỏa lăng mộ Tiền hiền Trần Thông Quân và phu nhân, ông nói ở nước ta hiếm có ngôi đình nào có được lăng mộ của tiền hiền, vậy mà, vì lòng tham, người ta sẵn sàng quật mồ của tổ tiên, người đã có công gầy dựng nên đất Sài Gòn -Gia Định. Một không gian cho Lễ Hội Kỳ Yên tưởng nhớ TIỀN HIỀN KHAI KHẨN – HẬU HIỀN KHAI CƠ gần hai ngàn mét vuông đã bị tước đoạt, tất cả vật dụng thờ cúng, sắc phong, hài cốt và linh hồn của tiền nhân giờ phải náo nương, ở trọ trên Đình Long Phú.
Đau xót biết chừng nào ? Quả báo nầy sẽ thuộc về ai ?
( Còn tiếp )
Đọc thêm:
Thủ Thiêm – Kỳ 5: Đau thương chồng đau thương
Thủ Thiêm – kỳ 4: Tội ác nối dài tội ác
Thủ Thiêm – Kỳ 3: Ta thán nhân tình