Trần Hữu Ngư
Tôi nhớ nhạc sĩ Phạm-Thế-Mỹ, nhớ tôi với anh có “Những ngày xưa thân ái” ở Quận Tư Khánh-Hội Saigon. Vậy mà, khi tôi viết bài này là anh đã qua đời đúng 1 con Giáp (1930 – 2009) !
Cảm ơn hòa-bình, vì nhờ có hòa-bình mà tôi bỏ Bình-Tuy lưu lạc vào Saigon mới được gặp anh.
Những ngày xa xưa đó, tôi tìm đến đến anh chỉ vì tôi muốn phỏng vấn anh về ca khúc “Nắng lên xóm nghèo”. Anh hiền như những nốt nhạc của anh, và anh cũng nghèo như “Nắng lên xóm nghèo !”.
12 năm… đã vụt qua, “Những ngày xưa thân ái” cũng đi qua cái vèo !
Khi viết về âm nhạc, thỉnh-thoảng tôi lật Tự-điển Âm nhạc của Tống-Ngọc-Hạp (Cuốn Tự-điển này nhỏ và mỏng thôi, xuất bản ở Paris năm 1953. Tôi mượn của anh Phạm-Thế-Mỹ để lật-đật chay ra tìm chỗ photo).
Nay, cần tra một vài chữ trong cuốn Tự-điển này, tôi nhìn cuốn Tự-điển lại nhớ anh, nhớ những ngày xưa thân ái ấy.
Tôi lật mấy tập nhạc để tìm “Những ngày xưa thân ái”. May mắn, tôi có bản nhạc này, do Mỹ-Hạnh in và phát hành vào tháng 9.1972 :
“… Những ngày xưa thân ái
Anh gởi lại cho ai?
Gió mùa Xuân êm đưa
Rung hàng cau lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ
Áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở
Ôi bây giờ anh còn nhớ?
Những ngày xưa thân ái
Anh gởi lại cho ai?
Trăng mùa thu lên cao
Xóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ
Ra ngồi trên lá đổ
Trông bày chim trắng hiện
Mơ một nàng Tiên dịu hiền…”
(…)
“… Thời gian qua mau
Tìm anh nơi đâu?
Tôi về qua xóm nhỏ
Con đò xưa nay đã già
Nghe tin anh gục ngã
Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương ?
(…)
Bài hát “Những ngày xưa thân ái” đẹp quá, nếu ở đoạn kết không có những câu này :
“… Những ngày xưa thân ái
Xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi ?
Tôi còn gì cho em ?
Chỉ còn tay súng nhỏ
Giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái
Xin gữi lại cho em !…”
Vậy thì “Những ngày xưa thân ái” anh viết cho ai ?
Nhân bài viết, em xin phép hương hồn anh Phạm-Thế-Mỹ, em nói điều này, nếu sai xin anh tha thứ cho:
“… Em nghe người ta nói, anh là “cán bộ nằm vùng”, điều này em đã nghe lúc anh còn sống, nhưng em không dám hỏi. Và anh cũng từng phản đối rằng, anh viết “Trăng tàn trên hè phố” là viết cho phía bên kia, chớ đừng hiểu lầm là viết cho phía bên này… ?”
Và ai trong “Những ngày xưa thân ái” ?
Nếu “Những ngày xưa thân ái” và “Trăng tàn trên hè phố”, hai bài hát này là viết cho “Bên thắng cuộc” thì Bộ Thông Tin của “Bên thua cuộc” là “những người không biết thẩm-định bài hát, để lọt lưới nhà những nhạc phẩm “nằm vùng” ?
“Trăng tàn trên hè phố” được kiểm duyệt cấp phép lưu hành ngày 15.10.1964, và “Những ngày xưa thân ái” ngày 10.9.1972.
Tôi nghĩ, dù viết cho bên này hay bên kia thì cuộc chiến kéo dài đến 20 năm ! Và những người cầm súng cũng là những đứa con Lạc-Long-Quân & Âu Cơ, 50 xuống biển, 50 mươi lên rừng :
“… Xưa, Lạc-Long-Quân lấy Âu-Cơ
Sinh một trăm trứng
Nở một trăm con
50 lên rừng 50 xuống biển
Rừng thì sương mù
Biển thì phẩn nộ
Những đứa con không còn gặp nhau
Cũng từ đó họ bặt tin tức
Nay, biển dâng lên cao
Rừng cây trút lá
Họ gặp nhau ngỡ ngàng xa lạ
Kẻ nói biển của Cha
Người đòi rừng của Mẹ
Họ đánh nhau tơi bời
Máu chảy xuống đại dương
Thây phơi trên rừng núi
Lạc-Long-Quân nhìn Âu-Cơ rơi lệ
Những giọt lệ đầu tiên
Rơi xuống Việt-Nam…”
(Bài thơ “Bài học vỡ lòng”- trích trong tập Thơ “Những dằn vặt vọng âm” của Trần-Hữu-Ngư chưa xuất bản).
Một nén nhang thành kính đốt lên, gởi về anh Mỹ của những ngày xưa thân ái.
TRAN-HUU-NGU
(Saigon, cuối tháng 12.2022)