Vương Trung Hiếu
Cụ Nguyễn Đình Chiểu có người con gái thứ năm làm thơ, viết báo rất nổi tiếng. Bà có bút danh là Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản ở Sài Gòn năm 1918 với tên gọi “Nữ giới chung” (tiếng chuông của giới nữ). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu bút danh của bà chỉ có hai chữ là “Nguyệt Anh”, sau khi chồng qua đời bà mới thêm chữ “Sương” vào để có bút danh là “Sương Nguyệt Anh”. Chữ “Sương” có nghĩa là “người đàn bà góa chồng”, ý nói bà nguyện thủ tiết thờ chồng.
Trong Hán ngữ, quả thật có chữ sương 孀 (bộ Nữ) nghĩa là “người đàn bà góa chồng”, nhưng hiện nay, sau khi tra cứu từ Google chúng tôi thấy rằng tất cả các trang mạng tiếng Việt đều ghi bút danh chữ Hán của bà là 湯月英 (Sương Nguyệt Anh), kể cả Wikipedia tiếng Việt. Trong Wikipedia tiếng Ý, tên chữ Hán của Sương Nguyệt Anh cũng được viết là 湯月英 (mục Nome cinese di cortesia, số 37 – tiểu mục Vietnamita); còn trong Wikipedia tiếng Latin, tên chữ Hán của bà cũng được viết là 湯月英 (mục Nomen urbanitatis, số 37 – tiểu mục Vietnamens)…
Thật là kỳ lạ, tất cả đều công nhận chữ 湯 trong bút danh của Sương Nguyệt Anh đọc là sương nhưng chữ này hoàn toàn không có nghĩa là “người đàn bà góa”. Vậy có gì nhầm lẫn ở đây chăng? Theo chúng tôi:
- Không thể phiên chữ 湯 (bộ Thủy) là sương, bởi vì, theo các vận chú trong Khang Hi tự điển, thiết âm của chữ 湯 như sau:
Thổ lang thiết (đọc là thang).
Tha lang thiết (đọc là thang).
Dư chương thiết (đọc là dương).
Tha lãng thiết (đọc là thảng).
Thấu không thiết (đọc là thông)
Còn trong Thuyết văn giải tự, thiết âm của 湯 là:
Thổ lang thiết (đọc là thang).
Thủy dương thiết (đọc là thương).
Như vậy, nếu phiên thiết sang từ Hán Việt nên chọn một trong những âm ghi là thang, thảng, thông, dương, thương, bởi vì giọng Bắc Kinh đọc chữ này là tāng; không nên viết là sương, cho dù trên thực tế đôi khi người Trung Quốc còn đọc chữ này là shāng.
2. Nếu chữ sương trong bút danh Sương Nguyệt Anh thật sự có nghĩa là “người đàn bà góa chồng” thì phải viết là 孀 (bộ Nữ).
Các vận chú trong Khang Hi tự điển ghi thiết âm của chữ 孀 này là: Sắc trang thiết (đọc là sang), Sư trang thiết (đọc là sang), Sắc tráng thiết (đọc là sáng); còn trong Thuyết văn giải tự ghi: Sở trang thiết (đọc là sang). Vậy, chữ 孀 có thể chuyển sang từ Hán Việt là sang, sáng hoặc sương (căn cứ vào giọng đọc Bắc Kinh: shuāng).
Tóm lại, bút danh của Sương Nguyệt Anh cho thấy 2 điều:
Nếu chữ sương không có nghĩa là “người đàn bà góa” thì có thể sử dụng chữ 湯 như cách ghi của các trang mạng hiện nay.
Trong trường hợp chữ sương là “người đàn bà góa”thì hầu như, nếu tìm từ Google, tất cả các trang mạng tiếng Việt đều ghi sai tên chữ Hán của Sương Nguyệt Anh (tính đến ngày 20/4/2017). Theo chúng tôi, viết đúng phải là sương 孀 và đây là từ mà chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Chữ này đã được khẳng định trong quyển The Oxford Handbook of Classical Chinese Literature (1000 BCE-900CE) của Wiebke Denecke, Wai-Yee Li và Xiaofei Tian (Oxford University Press, 2017): Sương Nguyệt Anh 孀月英 (Nguyệt Anh the Widow), editor-in-chief of the first Vietnamese newspaper for women, composed poems in Chinese-style forms and in chữ quốc ngữ vernacular, also translating Chinese vernacular novels and writing editorials defending women’s rights (Sương Nguyệt Anh 孀月英 (Góa phụ Nguyệt Anh), chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên về phụ nữ, người đã sáng tác những bài thơ bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ, cũng như dịch những tiểu thuyết tiếng Trung Quốc và viết những bài xã luận bảo vệ nữ quyền) – trích mục Literary Heritage in the Sinorgaphic Sphere, tr. 529.
VTH