Nhà của ông Võ Văn Beo (43 tuổi, ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là một căn nhà sàn nằm bên một xẻo nhỏ. Sông Hậu ngay trước nhà ông cách đoạn giáp với sông Vàm Nao khoảng chừng 2km. Ông Beo làm rẫy trồng hoa màu, vợ ông bán cà phê và đồ ăn sáng.
Khoảng 10 tháng trước, ông Beo trong lúc bán cà phê phụ vợ thì thấy khúc sông trước nhà có một đàn cá diêu hồng nhỏ bằng ngón tay kéo đến. Thấy thương, ông Beo liền lấy cơm nguội rải cho chúng ăn mỗi ngày hai bữa.
Cho cá ăn được 10 ngày liền, ông Beo cùng một số người trong xóm rủ nhau chặt tre cắm hàng rào chung quanh xẻo, đồng thời đặt các nhánh cây khô xuống để cá trên có chỗ ở. “Mình cho cá tự do vô ra, mình không nhốt nó, để nuôi dưỡng tạo nguồn cá thiên nhiên” – ông Beo nói.
Ông Beo cùng bà con lối xóm gom góp tiền mua đồ ăn cho cá cũng như kiếm thêm rau cho đàn cá ăn. Dưới sự “cưu mang” của nhiều người, đàn cá diêu hồng lớn dần, nhiều loại cá khác như cá he, cá mè vinh cũng kéo đến. Ông Beo ước tính hiện nơi đây có hàng ngàn con cá lớn nhỏ các loại.
Ông Beo cho rằng đàn cá nơi bến sông trước nhà ông có điểm khác so với một số đàn cá tự nhiên khác mà người dân “cưu mang” trên sông rạch ở tỉnh An Giang. “Đàn cá nơi khác đa số là cá tra, còn đàn cá này đa số là cá diêu hồng” – ông Beo nói.
Ông Beo kể đàn cá nương nhờ ở tại bến sông trước nhà được một thời gian ngắn cũng là lúc có người đến xuyệt điện và đặt “12 cửa địa ngục” để bắt cá.
Thấy vậy, ông Beo ôn hòa nói chuyện để người xuyệt điện tránh ra xa một chút. Đêm đêm, vợ chồng ông Beo bật một bóng đèn điện ngay bến sông để canh giữ cá.
“Có thể chúng mến tay mến chân nên nương nhờ tại bến sông này. Tôi cùng bà con lối xóm sẽ cố gắng giữ đàn cá này đến khi nào chúng còn duyên quý mến ở tại đây” – ông Beo chia sẻ.
Chứng kiến từ lúc đàn cá nhỏ xuất hiện rồi chung tay chăm đàn cá, ông Trần Văn Nhiều (56 tuổi, ngụ xã Bình Thủy) nó: “Đàn cá này mình nghĩ nó có duyên ở chỗ này nên mới vào đây ở. Đồ ăn cho cá không đủ thì mình đi kiếm thêm rau cho nó”.
Ông Nhiều mong muốn nhiều người chung tay bảo vệ đàn cá trên, cũng như khu vực trên không còn những người có ý định bắt cá.
“Người ta đánh bắt cá, mình chỉ khuyên đánh cá xa xa chút, chứ không có hành động gì để người ta hờn giận mình” – ông Nhiều bảo.