Theo hồ sơ 100 nhân vật từng được đề cử giải Nobel văn chương năm 1972 của Viện hàn lâm Thụy Điển công bố vào đầu năm nay, có tên nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Thật ra, trước Vũ Hoàng Chương, năm 1969 nhà văn Hồ Hữu Tường cũng từng được đề cử vào giải thưởng danh giá nầy.
Hồ Hữu Tường (1910-1980) người Cái Răng, Cần Thơ, sinh sống ở Sài Gòn, không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương và nghiên cứu văn học, mà còn có nhiều tác phẩm về chính trị, kinh tế, triết học. Ông cũng tham gia biên soạn sách giáo khoa bậc trung học cho Bộ Giáo dục của chánh phủ Trần Trọng Kim năm 1946. Tác phẩm của ông được nhắc tới nhiều nhứt hiện nay là loạt tiểu thuyết Phi Lạc.
Theo thông tin do Viện hàn lâm Thụy Điển công bố, người đề cử nhà văn Hồ Hữu Tường là một giáo sư ngành văn học Việt Nam tại Đại học Sài Gòn (University of Saigon) có tên Dong-Ho. Đây có thể là nhà thơ, nhà văn hóa, giáo sư văn chương Đông Hồ, tên thật là Lâm Tấn Phác (1906-1969) – một trí thức văn nghệ sĩ nổi bật khác của thế kỷ trước.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976), người Hưng Yên, sinh sống ở Sài Gòn, nổi tiếng với tập thơ “Say” xuất hiện trên văn đàn năm 1940 và “Mây” ba năm sau đó.
Năm 1954 ông di cư vào nam và snh sống tại Sài Gòn. Ông là đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Văn bút châu Á (1964) tại Bangkok và Hội nghị Văn bút Quốc tế vào năm 1965 và 1967, lần lượt tại Nam Tư và Bờ Biển Ngà.
Ngoài sáng tác, Vũ Hoàng Chương vốn là một nhà giáo ở miền Bắc lẫn sau khi di cư vào Nam. Dù vậy, khi trả lời phỏng vấn với đài Tiếng nói Tự do vào năm 1973, ông lại nó “việc chính yếu của tôi là làm thơ, còn việc dạy học chỉ là phụ thuộc.”
Theo hồ sơ của Viện hàn lâm Thụy Điển thì người đề cử ông là Thang Lang. Cá tên nầy khiến người ta nghĩ đến giáo sư Thanh Lãng, khi ấy là Chủ tịch Hội văn bút Việt Nam.