Trí tuệ nhân tạo AI – Điều chúng ta nên sợ hãi hay ôm lấy?

by TYTNT

HÀ GIANG

AI, trí tuệ nhân tạo, hay thông minh nhân tạo (mà trong bài này chúng ta sẽ gọi là AI cho tiện) đang đươc phát triển nhiều và nhanh với tốc độ chóng mặt.

Vì được cho là nhanh nhậy, có sự chính xác cao, lại hứa hẹn có nhiều ứng dụng cho nhiều lãnh vực, đặc biệt là trong ngành y học, AI được chế tạo với mục đích tiết kiệm thời gian cho con người.

Mục đích ban đầu là thế, nhưng ngày càng có nhiều người nhìn AI với cặp mắt e de, lo rằng công nghệ được lập ra để phục vụ con người này rất có sẽ gây ra nhiều thảm họa cho chính đối tượng mà AI được sinh ra để phục vụ.

Trong nhiều giới, AI là đề tài luôn được tranh luận sôi nổi. Bên ủng hộ không ngừng ca ngợi ưu điểm của AI, trong khi bên không thích luôn đưa ra những nguy cơ, nhiều khi nghe thật đáng sợ, mà công nghệ này có thể mang đến cho nhân loại.

Nghe những tranh luận này, tôi vừa thích thú vừa sợ hãi, và thú thật là chưa biết mình phải có cái nhìn thế nào về AI cho đúng. Tạm thời chỉ có thể kết luận là mình phải tìm hiểu cho kỹ trước khi có ý kiến về đề tài hết sức phức tạp này.

Vậy AI là gì? Ảnh hưởng của nó trong đời sống chúng ta ra sao? Đâu là lợi ích và đâu là những hiểm họa của nó? Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm câu trả lời…

AI là gì?

AI bắt chước trí thông minh của loài người, là công nghệ do con người tạo ra với mục đích tự động hóa các hành động đòi hỏi sự thông minh của người, từ đó cắt giảm bớt nỗ lực của nhân công trong nhiều lãnh vực.

Ngoài việc thay thế con người làm việc, AI còn biết liên tục học hỏi để cải tiến, bằng cách ghi nhận những tiến trình giải quyết công việc qua sự lặp lại và từ đó đào tạo ra thuật toán cần thiết cho tương lai.

Nói cách khác, AI trở nên “thông minh” hơn sau mỗi quá trình thực hiện một công việc nào đó, vì mỗi tương tác cho phép AI thử nghiệm và đo lường các giải pháp, đồng thời phát triển kiến thức chuyên môn để thi hành nhiệm vụ nó được chế tạo để hoàn tất.

Vì quá trình rút tỉa kinh nghiệm này được AI hoàn thành một cách tự động và nhanh hơn gấp bội so với tốc độ con người, các hệ thống AI có thể biến thành chuyên gia rất nhanh cho một lãnh vực nào đó.

AI được dùng để làm gì?

Với sự đầu tư khủng lồ của các công ty lớn như Google (30.7 tỷ đôla), Facebook (22.1 tỷ), Amazon (10 tỷ), Microsoft (10 tỷ), IBM (2 tỷ), Baidu (200 triệu), Intel, Alibaba, Tencent và SAP, với tiền vốn liên tục được đổ thêm vào, AI đã được dùng trong rất nhiều công nghệ và đang có mặt khắp nơi.

Tám thí dụ về áp dụng của AI mà bạn đọc có thể đang gặp hay dùng hàng ngày là:

1) Google hay Apple Maps dùng trên điện thoại thông minh
2) Chức năng Nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại thông minh
3) Chức năng Biên tập văn bản hoặc Tự động sửa lỗi mà nhiều người viết thường dùng trước khi nộp bài, đăng bài, hoặc gửi email
4) Thuật toán tìm kiếm và đề nghị khi bạn tìm hiểu hoặc mua hàng online
5) Ứng dụng Chatbot trả lời những câu hỏi khách hàng thường có trên máy tính hoặc điện thoại thông minh
6) Chức năng Trợ lý kỹ thuật số, chẳng hạn khi đang lái xe bạn có thể yêu cầu ứng dụng này gọi điện thoại hay text cho ai đó trong danh sách bạn bè của mình
7) Mạng xã hội dùng AI để giám sát nội dung, đề nghị kết bạn, và phân phát quảng cáo cho người dùng sao cho thích hợp
8) Ứng dụng Trả tiền qua điện thoại giúp chúng ta khỏi phải đến ngân hàng để thanh toán các hóa đơn hay chuyển tiền.

Trên đây chỉ là những ứng dụng tiêu biểu.

Nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy AI còn đứng sau các thuật toán quyết định video nào bạn nên xem tiếp trên các kênh Youtube, AI được sử dụng trong tuyển dụng để lọc các đơn xin việc, AI được các công ty bảo hiểm dùng để tính phí bảo hiểm cho nhanh, và AI cũng có thể chẩn đoán các tình trạng y tế của bệnh nhân (mặc dù bác sĩ vẫn là người có quyết định cuối cùng).

Và còn nhiều nhiều nữa…

‘Một hôn nhân hoàn hảo’?

Sự kết hợp giữa con người và máy móc, ở một khía cạnh nào đó, từng được cho là một hôn nhân hoàn hảo trong thiên đường của năng xuất.

Nếu không có máy móc, loài người đã không tiến xa được. Hãy thử tưởng tượng đời sống của chúng ta nếu không có xe hơi, máy bay, máy cày, máy giặt, máy xấy, máy rửa bát… Từ những bánh xe đã cách mạng hóa ngành nông nghiệp đến chiếc tua vít đã liên kết các dự án xây dựng ngày càng phức tạp với hệ thống lắp ráp dây chuyền do robot ngày nay hỗ trợ, máy móc đã đưa cuộc sống của con người đến được mức tân tiến ngày nay.

Tuy thế, bất chấp những tiện ích dường như vô tận của máy móc, con người lâu nay vẫn có khuynh hướng sợ… chúng! Cụ thể hơn là sợ viễn ảnh một ngày nào đó máy móc có thể có được trí thông minh của con người và tự quyết định tấn công loài người. Không ngạc nhiên khi chúng ta có xu hướng đón nhận những khả năng vượt trội của AI với sự mê hoặc lẫn nỗi lo ngại.

May mắn thay, trí tò mò của con người, có khả năng vượt thắng sợ hãi, đã giúp biến khoa học viễn tưởng thành khoa học thực tế.

Các nhà lý thuyết của thế kỷ 20, như nhà khoa học máy tính kiêm toán học Alan Turing, đã hình dung ra một tương lai trong đó máy móc có thể thực hiện nhiều công việc thay cho và nhanh hơn con người. Sự tận tụy của Turing và nhiều người khác đã sớm biến điều này thành sự thật.

Máy tính cá nhân trở nên phổ biến vào thập niên 1970 và đến năm 2016, tài liệu của cơ quan Census Hoa Kỳ cho thấy 89% gia đình Mỹ có máy tính. Máy móc – tức là máy móc ngày càng thông minh – giờ đây chỉ là một phần bình thường trong cuộc sống và văn hóa của chúng ta.

Những cỗ máy thông minh đó ngày càng nhanh hơn và phức tạp hơn. Một số máy tính hiện đã vượt qua ngưỡng exascale, nghĩa là chỉ trong một giây, chúng có thể thực hiện nhiều phép tính so với một người phải làm trong 31.688.765.000 mới xong.

Hay ‘nguy cơ của nhân lọai’?

Khác với máy móc và robot chỉ làm được những việc nặng nhọc và nhàm chán, AI ngoài khả năng tính toán, còn có thể thực hiện những chức năng mà chúng ta trước đây liên kết với trí óc con người, chẳng hạn như nhận thức, suy luận, học hỏi, tương tác với môi trường, giải quyết vấn đề và thậm chí là rèn luyện khả năng sáng tạo.

Như đã trình bày ở trên, nhiều người trong chúng ta có thể đang xử dụng AI mà không nhận ra — những ứng dụng dùng giọng nói như Siri và Alexa và chatbot đều được chế ra dựa trên công nghệ AI.

AI giúp đời sống chúng ta khá nhiều. Nhưng sự trưởng thành quá nhanh chóng của AI cũng mang đến nhiều lo ngại.

Tiến sĩ Geoffrey Hinton, một chuyên gia tâm lý nhận thức học (Cognitive Psychologist) kiêm khoa học máy tính, người được cho là cha đỡ đầu của AI, ngay sau khi ngưng làm việc với Google để nghỉ hưu, đã lên tiếng báo động về những nguy cơ ngày càng tăng từ công nghệ trí tuệ thông minh này.

Mối nguy hiểm của chatbot AI “khá đáng sợ”, Tiến sĩ Hinton, năm nay 75 tuổi, nói với BBC News.

“Theo tôi biết thì ngay bây giờ, AI chưa thông mình hơn con người, nhưng điều đó sẽ xảy ra nhanh hơn chúng ta tưởng.” Ông nói.

Trong một văn bản gửi cho tờ New York Times, ông Hinton cho biết ông giờ đây có lúc thấy “hối hận” về công việc trước đây của mình.

Lý do chính khiến Tiến sĩ Hinton thấy hối hận là vì nghiên cứu tiên phong về mạng thần kinh và học sâu (Deep learning) của ông đã mở đường cho các hệ thống AI hiện tại như ChatGPT.

Mạng lưới thần kinh của AI được chế tạo thành một hệ thống tương tự như bộ não con người. Mạng lưới này cho phép AI học hỏi kinh nghiệm, giống y như người, khả năng này được giới chuyên môn gọi là học sâu.

Và chính khả năng học sâu này đã khiến Tiến sĩ Geoffrey Hinton và nhiều người khác lo ngại. Họ cho rằng chatbot có thể sớm vượt qua mức độ thông tin mà bộ não con người nắm giữ.

Cũng trong bài báo trên New York Times, ông Hinton đề cập đến kịch bản “những kẻ xấu”, những người sẽ cố gắng sử dụng AI cho “những điều xấu”.

“Bạn có thể tưởng tượng, ví dụ, một số kẻ xấu như [Tổng thống Nga Vladimir] Putin có thể quyết định trao cho robot khả năng tạo ra các mục tiêu phụ của riêng chúng.”

“Và hãy thử tưởng tượng AI có thể “tạo ra các mục tiêu phụ như ‘Tôi cần có thêm quyền lực. (AI) mà chúng ta đang phát triển rất khác với trí thông minh tự nhiên mà con người có”. Ông nói thêm.

“Con người là những hệ thống sinh học trong khi AI là những hệ thống kỹ thuật số. Sự khác biệt lớn là với các hệ thống kỹ thuật số, bạn có nhiều bản sao ở khắp nơi. Tất cả những những bản sao này có thể học riêng nhưng ngay sau đó chia sẻ kiến thức vừa học ngay lập tức. Vì vậy, hãy tưởng tượng bạn có 10.000 người và bất cứ khi nào một người học được điều gì đó, tất cả 10.000 người sẽ tự động biết điều đó. Đó là lý do khiến những chatbot này có thể rất nhanh chóng biết nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào.”

Matt Clifford, Chủ tịch cơ quan Nghiên cứu và Phát minh Tiên tiến của Vương quốc Anh, phát biểu với tư cách cá nhân, nói với BBC News rằng báo động của Tiến sĩ Hinton “nhấn mạnh tốc độ tăng khả năng ngày càng nhanh của AI”.

“Công nghệ này mang đến nhiều lợi ích, nhưng điều cần thiết là thế giới phải đầu tư mạnh mẽ và khẩn cấp vào sự an toàn và kiểm soát AI”.

Không riêng chỉ Tiến sĩ Hinton, nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ sự lo ngại về AI – cả về tốc độ phát triển và hướng đi của nó.

Trong tháng Ba, một bức thư ngỏ – được ký bởi hàng chục người trong lĩnh vực AI, trong đó có tỷ phú công nghệ Elon Musk – kêu gọi tạm dừng tất cả các phát triển tiên tiến hơn phiên bản hiện tại của AI chatbot ChatGPT để có thể thiết kế các biện pháp an toàn mạnh mẽ.

Yoshua Bengio, một người được gọi là cha đỡ đầu khác của AI, cùng giành được Giải thưởng Turing 2018 cho công trình học sâu, với Tiến sĩ Hinton và Yann LeCun, cũng ký vào bức thư này.

Ông Bengio viết rằng vì sự tiến nhanh không nghề của hệ thống AI mà chúng ta “cần phải lùi lại một bước”.

Mức tăng nhanh của khả năng AI mặc dù đáng sợ, nhưng Tiến sĩ Hinton nói với BBC rằng “trong ngắn hạn”, ông nghĩ AI sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người hơn là rủi ro, “vì vậy tôi không nghĩ chúng ta nên ngừng phát triển công cụ này”, ông nói thêm.

Vả lại, dù có muốn ngừng phát triển cũng không được. Dù nguy cơ lớn đến đâu, cạnh tranh quốc tế sẽ khiến không nước nào muốn “lùi lại một bước” như bức thư ngỏ đề nghị.

Cách tiếp cận có trách nhiệm là câu trả lời. Tiến sĩ Hinton đề nghị.

Phản ứng trước phát biểu ‘có lúc hối hận’ của Hinton, Jeff Dean, nhà khoa học trưởng của công ty Google tuyên bố trong một văn bản:

“Chúng tôi, Google vẫn cam kết thực hiện một cách tiếp cận có trách nhiệm với AI. Chúng tôi không ngừng học hỏi để hiểu những rủi ro mới nổi đồng thời cũng mạnh dạn trong việc sáng và đổi mới.”

Nói tóm lại, tốc độ học hỏi ngày càng nhanh của AI đã khiến ngay cả những người tạo ra nó phải ngạc nhiên, và e ngại. Ngay cả ông chủ của Google, Sundar Pichai, đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ngay cả ông cũng không hiểu hết mọi thứ mà AI chatbot của nó, Bard, đã làm.

Lo ngại mất việc

Với giới hiểu rõ khả năng và tiềm năng của AI, nỗi lo một ngày nào đó AI có thể tạo ra những nguy cơ lớn cho con người nếu công nghệ này rơi vào tay kẻ xấu chắc chắn là một e ngại hợp lý.

Tuy nhiên nhiều người quan tâm đến một nguy cơ họ cho là cấp bách hơn: AI có thể sẽ cướp đi công ăn việc làm của họ.

Một tường trình gần đây của ngân hàng ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết AI có thể thay thế tương đương 300 triệu việc làm toàn thời gian. Điều này có nghĩa là khoảng 300 triệu người sẽ bị mất việc, vì AI có thể thay họ làm những gì họ đang làm hàng ngày.

Theo Goldman Sachs, AI có thể thay thế 25% công việc hiện đang do con người đảm nhận tại Hoa Kỳ và Châu Âu nhưng điều này cũng có thể có nghĩa là AI sẽ tạo ra việc làm mới và năng suất của mọi ngành nghề sẽ được tăng vọt.

Nhìn xa hơn nữa, Goldman Sachs cho rằng AI cuối cùng có thể tăng tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ hàng năm được sản xuất trên toàn cầu lên 7%.

Đặc biệt trong ngành viết lách, khả năng có thể tạo ra nội dung không thể phân biệt được với nội dung do người soạn thảo của AI là “một tiến bộ lớn”, Goldman Sachs nhận định.

Tại Vương Quốc Anh, hiểu được nỗi bất an của nhiều người về AI, Bộ trưởng Công nghệ Michelle Donelan khẳng định với báo giới: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng AI đang bổ sung cho cách chúng ta làm việc ở Vương quốc Anh, chứ không làm gián đoạn nó – làm cho công việc của chúng ta tốt hơn chứ không phải lấy đi công việc của chúng ta”.

Tường trình của Goldman Sachs lưu ý rằng tác động của AI sẽ khác nhau lên các lĩnh vực khác nhau – 46% công việc trong hành chính và 44% trong ngành luật có thể được (hay bị?) AI tự động hóa, nhưng chỉ 6% việc trong ngành xây cất và và 4% trong ngành bảo trì bị ảnh hưởng.

Ngoài việc lo âu bị AI cướp đi việc làm, nhiều người còn lo vì AI mà tiền lương của họ sẽ bị giảm.

Carl Benedikt Frey, giám đốc phòng Tương lai của Công việc tại Đại học Oxford, nói với BBC News: “Tương lai khó biết sẽ ra sao. Nhưng điều duy nhất tôi có thể đoan chắc là không có cách nào biết được có bao nhiêu công ăn việc làm sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo AI.”

“Ví dụ, những gì ChatGPT đã làm là cho phép nhiều người trước kia chỉ có khả năng viết trung bình giờ đây viết được các bài tiểu luận và bài báo.

“Do đó, báo giới sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn, điều này sẽ làm giảm tiền lương của họ, trừ khi chúng ta thấy nhu cầu đối với công việc đó tăng lên đáng kể.

“Hãy xem xét ảnh hưởng của công nghệ GPS và các nền tảng như Uber lên tài xế. Đột nhiên, khả năng thuộc hết mọi còn đường và quen biết với khu vực của họ bỗng có giá trị thấp đi rất nhiều – và do đó, lương của nhiều tài xế đang hành nghề đã bị cắt giảm không ít, khoảng 10% theo nghiên cứu của chúng tôi.”

“Kết quả là lương thấp đi chứ không phải ít tài xế hơn.”

“Trong vài năm tới, AI có thể sẽ có những tác động tương tự với một loạt công việc đòi hỏi sự sáng tạo”. Ông Carl Benedikt Frey nói.



Phải nói rõ thêm, bản tường trình của Goldman Sachs vạch ra là 60% công nhân ngày nay đang làm những công việc không có vào thập niên 1940.

Nhưng nhiều nghiên cứu khác cho thấy sự thay đổi công nghệ kể từ thập niên 1980 đã thay thế người lao động nhanh hơn là tạo ra việc làm mới.

Như vậy, nếu AI, giống như những tiến bộ công nghệ thông tin trước đây, rất có thể nó sẽ làm giảm công ăn việc làm trong thời gian tới.

Tác động lâu dài của AI, thật ra cho đến giờ vẫn còn chưa rõ. Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation Torsten Bell đề nghị: “mọi dự đoán hay kết luận chắc chắn nên được đưa ra một cách hết sức dè dặt”.

Ông nói: “Chúng ta vẫn chưa biết công nghệ AI sẽ phát triển như thế nào hoặc các công ty sẽ tích hợp AI vào cách họ làm việc như ra sao.”

“Điều đó không có nghĩa là AI sẽ không thay đổi cách chúng ta làm việc – nhưng chúng ta cũng nên tập trung vào những lợi ích tiềm năng mà AI có thể mang đến cho đời sống con người như công việc hữu hiệu hơn, thay vì chỉ lo là mình sẽ bị bỏ rơi nếu các công ty và nền kinh tế khác thích ứng tốt hơn với tiến triển công nghệ này.” Ông Carl Benedikt Frey kết luận.

‘Bước tiến công nghệ quan trọng nhất’

Trong số những người không nhìn AI với ánh mắt e dè, có thể nói đi hàng đầu là ông Bill Gates.

Trong một bài viết trên blog cá nhân gần đây, ông Bill Gates, đồng sáng lập viên của Microsoft, cho rằng sự phát triển của AI là “bước tiến công nghệ quan trọng nhất” trong nhiều thập niên.

Với Bill Gates, AI là một công nghệ then chốt như bộ vi xử lý, máy tính cá nhân, Internet và điện thoại di động.

“Nó sẽ thay đổi cách mọi người làm việc, học hành, du lịch, chăm sóc sức khỏe và giao tiếp,” ông nói.

Bài viết của Bill Gates đặc biệt tập trung công cụ chatbot ChatGPT, một ứng dụng quan trọng của AI.

Do công ty OpenAI phát triển, ChatGPT là một chatbot AI được lập ra để trả lời các câu hỏi trực tuyến bằng ngôn ngữ tự nhiên, giống con người.

Vào tháng Giêng năm 2023, nhóm chuyên gia phát triển ChatGPT đã nhận được khoản đầu tư hàng tỷ đô la từ Microsoft – nơi ông Gates, sau khi nghỉ hưu, vẫn giữ vai trò cố vấn.

Nhưng ChatGPT không phải là chatbot duy nhất. Google gần đây đã ra mắt Bard, đối thủ đáng gờm của ChatGPT.

“Tôi là một trong những người đầu tiên truy cập vào Bard và nhóm chúng tôi đang tìm cách thử lửa nó bằng cách đặt ra những câu hỏi khó.” Bill Gates kể.

“Cho đến giờ, Bard đã cho tôi một câu trả lời đầy triết lý về ý nghĩa cuộc sống.

“Bard cũng đã cung cấp thành viên làm báo của nhóm một lịch sử khá có thẩm quyền về quan hệ Nga-Trung khi người này đưa tin về cuộc gặp giữa Putin và Tập Cận Bình – không giống như ChatGPT, Bard có thể truy cập các vấn đề thời sự.

Một biên tập viên tôi quen đã yêu cầu Bard đề nghị một khung hấp dẫn cho chương trình tin tức của cô ấy. Bắt đầu với câu chuyện quan trọng nhất trong ngày, Bard gợi ý, và kết thúc với một nhạc sĩ hoặc diễn viên hài. Bard cũng làm được thơ khá hay dù không đặc sắc và tường trình rất tốt về cây cỏ và hoa lá.” Ông Gates chia sẻ.

Bill Gates cho biết ông đã gặp OpenAI – nhóm phát triển chatbot ChatGPT – từ năm 2016. Và vào năm 2022 đã thách thức nhóm OpenAI đào tạo một AI có thể vượt qua kỳ thi Sinh học Nâng cao (AP) – với quy tắc nghiêm ngặt cụ thể rằng AI không được luyện chỉ trả lời câu hỏi Sinh học.

Vài tháng sau, nhóm phát triển ChatGPT cho biết kết quả – Bill Gates nói, điểm thi gần như hoàn hảo: 49/50.

Sau kỳ thi, ông Gates cho biết đã yêu cầu AI trả lời cho một người cha có con bị ốm.

“ChatGPt có lẽ đã viết một câu trả lời ân cần và sâu sắc hơn hầu hết chúng ta có thể viết được,” ông nói.

“Tôi biết mình vừa chứng kiến bước tiến quan trọng nhất trong công nghệ kể từ giao diện đồ họa người dùng (GUI).”

GUI là màn hình trực quan – cho phép một người tương tác với hình ảnh và biểu tượng, thay vì màn hình chỉ hiển thị văn bản và yêu cầu nhập lệnh.

Sự phát triển của GUI đã dẫn đến hệ điều hành Windows và Mac OS vào thập niên 1980 và hiện vẫn là một phần quan trọng của điện toán.

Bill Gates tin rằng công nghệ AI sẽ dẫn đến những tiến bộ tương tự.

Tương lai của AI

Đồng chủ tịch Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates kêu gọi các chính phủ hợp tác với ngành công nghiệp để “hạn chế rủi ro” của AI, nhưng cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng để cứu mạng người.

“Những cải tiến dựa trên AI sẽ đặc biệt quan trọng đối với các nước nghèo, nơi xảy ra phần lớn các trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.” Ông viết trong blog cá nhân.

“Nhiều người ở những quốc gia đó không bao giờ được gặp bác sĩ và AI sẽ giúp các nhân viên y tế mà họ có thể giao tiếp làm việc hiệu quả hơn.”

Một số ví dụ mà Bill Gates đơn cử gồm việc hoàn thành các nhiệm vụ lặp đi lặp lại như khai hồ sơ bảo hiểm, điền giấy tờ và ghi chú.

Nhưng để có thể tận dụng được sự hữu hiệu của AI, Bill Gates kêu gọi cách tiếp cận có mục tiêu với công nghệ AI trong tương lai.

“Thị trường sẽ không tự nhiên tạo ra các sản phẩm và dịch vụ AI với mục đích giúp đỡ những người nghèo nhất. Điều ngược lại có lẽ có xác suất cao hơn”.

“Với sự tài trợ tài chánh vững bền và chính sách phù hợp, các chính phủ và tổ chức từ thiện có thể đảm bảo rằng AI được sử dụng để giảm thiểu sự bất bình đẳng.

“Giống như thế giới cần những người thông minh nhất tập trung vào những nan đề lớn nhất của vũ trụ, chúng ta sẽ cần tập trung những AI tốt nhất thế giới vào những vấn đề nan giải nhất của con người.”

Đọc đến đây bạn đang thấy thích hay sợ AI?

HÀ GIANG

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights