LÊ CÔNG TRỨ
Trong lịch sử, kể từ khi các đời Vua Hùng dựng nước, ngành ngoại giao của Việt Nam đã được hình thành và phát triển xuyên suốt qua các Triều đại kế tiếp như: An Dương Vương, Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn.
Quan hệ ngoại giao sơ khai nhất của Việt Nam là quan hệ ngoại giao với các Triều đại Phong kiến của Trung Quốc, Chàm, Lâm Ấp…
Tham khảo nhiều tài liệu lịch sử, chúng tôi có nhận xét rằng: trong giai đoạn sơ khai với các lân bang như Trung Quốc, Chàm, Ai Lao, nền ngoại giao Việt Nam phát triển rất đa dạng, phong phú và bình đẳng.
Dưới các triều đại vua chúa, các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam, trong lịch sử gọi nôm na là “đi sứ” mang nhiều nội dung khác nhau, không chỉ là trao tặng phẩm vật giữa hai triều đình mà còn có các hoạt động trao đổi về văn hoá như thơ, ca, hoạ, xướng … Mặc khác, qua các “chuyến đi sứ”, các đoàn sứ giả của Việt Nam luôn luôn tìm hiểu, học hỏi về tính hình xã hội, sản xuất, sinh hoạt của các địa phương mà họ đi qua; Đây cũng là một dạng “tình báo kinh tế” – nói theo ngôn ngữ hiện đại.
Bản chất của các chuyến “đi sứ sang tàu” của các Triều đại Việt Nam là muốn được Triều đình Phong kiến Trung Quốc thừa nhận tính chính danh, bên cạnh đó có trao tặng phẩm vật giữa các bên song song với các hoạt động văn hoá.
Ở chiều ngược lại, các đoàn “sứ Tàu sang Việt” cũng không ít. Ngoài việc, trao “chiếu chỉ” của “thiên triều”, các đoàn “sứ Tàu” cũng có các hoạt động văn hoá tại Việt Nam.
Nền ngoại giao của Việt Nam hiện nay được thực hiện dựa theo một “Báo cáo Chính trị”. Loại báo cáo này có thể thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau.
Hiện nay, chính phủ Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc và phân chia quan hệ ngoại giao theo các cấp độ như sau: (i) Quan hệ đặc biệt; (ii) Đối tác chiến lược lĩnh vực; (iii) Đối tác toàn diện; (iv) Đối tác chiến lược; (v) Đối tác chiến lược toàn diện.
Quan hệ đặc biệt
Theo quan điểm của chính phủ Việt Nam, Quan hệ đặc biệt là mối quan hệ thân thiết, gắn bó lâu dài với lịch sử phát triển giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, trong mọi văn kiện, dữ liệu, Việt Nam không định nghĩa thế nào là lâu dài và gắn bó (?).
Hiện nay, Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với 3 quốc gia: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campodia và Cộng hoà Cuba.
Đối tác chiến lược lĩnh vực
Đối tác chiến lược lĩnh vực là sự hợp tác giữa Việt Nam và một quốc gia khác trong một lĩnh vực chuyên sâu nào đó – không lan sang các lĩnh vực khác – có mức độ tin cậy lẫn nhau cao nhất.
Trước đây, năm 2010, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược lĩnh vực với Vương quốc Hà Lan trong Quản lý Nước và Ứng phó với Biến đổi khí hậu. Vào năm 2014, hai nước chính thức thiết lập thêm Đối tác chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực.
Đến năm 2019, Việt Nam và Hà Lan đã thoả thuận nâng quan hệ hai nước lên thành Đối tác toàn diện.
Đối tác toàn diện
Đối tác toàn diện là một sự lựa chọn quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia khác một cách toàn diện, có ý nghĩa nhấn mạnh mối hợp tác giữa hai quốc gia với nhau. Bản chất mối quan hệ này là sự gắn kết với nhau trong lĩnh vực kinh tế, mậu dịch.
Mối quan hệ này chưa đủ sự tin cậy lẫn nhau, vì thế hai quốc gia cần phải tiếp tục xây dựng lòng tin, cùng hướng tới tương lai và chọn thời điểm thích hợp để nâng cấp quan hệ ngoại giao cao hơn.
Hiên nay, Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia: Nam Phi (2004), Chile (2007), Brazil (2007), Venezuela (2007), Argentina (2010), Ukraine (2011), Hoa Kỳ (2013), Đan Mạch (2013); Myanmar (2-17), Canada (2017), Hungary (2018), Brunei (2019) và Hà Lan (2019).
Đối tác chiến lược
Theo chính phủ Việt Nam, đây là mối quan hệ then chốt, toàn diện, có giá trị lâu dài và có thể có cả sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quân sự.
Hiện nay Việt Nam có 17 nước là đối tác chiến lược gồm: Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nhật Bản, (2009), Hàn Quốc (2009), Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), Italy (2013), Thái Lan (2013), Indonesia (2013), Singapore (2013), Pháp (2013), Malaysia (2015), Philippines (2015), Úc (2018) và New Zealand (2020).
Đối tác chiến lược toàn diện
Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai quốc gia xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, hai quốc gia phải xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 quốc gia, đó là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn độ (2016) và Hàn Quốc (2022).
Đối tác Chiến lược Toàn diện là cấp độ ngoại giao cao nhất trong 5 cấp độ ngoại giao của Chính phủ Việt Nam. Từ đầu những năm 2000, chính phủ Việt Nam đã có mục tiêu nâng mối quan hệ ngoại giao ở cấp độ Đối tác Chiến lược Toàn diện với tất cả 5 Uỷ viên Thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Hoa Kỳ); Tuy nhiên, đến nay – tháng 04/2023 – Việt Nam chỉ thực hiện được mục tiêu này với Trung Quốc và Nga mà thôi.
Tài liệu tham khảo:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nhà Xuất Bản Thời Đại
Việt Nam Sử Lược, Nhà Xuất Bản Kim Đồng
Bộ Ngoại giao Việt Nam
Foreign relations of Vietnamhttps://en.wikipedia.org/wiki/Foreign_relations_of_Vietnam#International_relations