Bờ kè chống sạt lở bờ sông Tiền và rạch Cái Dầu khu vực chợ Bình Thành được tỉnh Đồng Tháp đầu tư năm 2015, với chiều dài 850 m, kinh phí hơn 90 tỉ đồng. Các năm 2019, 2021 và 2022, các đoạn bờ kè nầy đã sạt lở 3 lần với tổng chiều dài 100 m. Hiện, đoạn kè dài 30 m nằm trong khu vực rạch Cái Dầu lại tiếp tục sạt lở, bong tróc vỉa hè và phần đỉnh kè bê tông bị nghiêng ra bờ sông.
Ông Trần Chí Tâm (ngụ xã Bình Thành, H.Thanh Bình) cho biết: “Đoạn kè này bị sụt lún 4 lần rồi. Ba lần sụt lún trước được khắc phục, còn lần bị sạt lở này quá sâu, nhìn ghê quá. Năm 2019, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng xây nhà, thấy có kè khang trang tôi mừng lắm. Giờ bờ kè sạt lở hoài, ăn ngủ không yên”.
Theo hồ sơ, năm 2019, khi đơn vị thi công là Công ty CP Nhân Bình (trụ sở ở Hà Nội) đang thi công phần thân kè, lát mái kè, hệ thống lan can, vỉa hè, thoát nước… thì một đoạn thân kè dài 40 m, ăn sâu vào đất liền 9 m bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Tiền. Đến tháng 4.2021, một đoạn chân kè dài 60 m gần đó tiếp tục sạt ra lòng sông. Đến năm 2022, tại vị trí đoạn kè sạt trượt năm 2021 tiếp tục sạt trượt đỉnh kè ra bờ sông dài khoảng 60 m.
Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nguyên nhân làm đoạn kè dài 30 m sạt lở gần đây là do quá trình thi công cầu Cái Dầu.
“Từ khi nghiệm thu kè đưa vào sử dụng đến trước khi thi công cầu rạch Cái Dầu thì chưa phát hiện kè chuyển vị. Do khu vực này có địa chất yếu, khả năng chịu tải kém, dễ bị biến dạng khi có tác động của ngoại lực, nên khi đóng cọc mố cầu rạch Cái Dầu sâu 38 m, chỉ cách đỉnh tường kè khoảng 6 m thì lực xung động làm biến dạng lớp đất yếu, gây chuyển vị, sụp nghiêng đỉnh kè. Chúng tôi yêu cầu tháo dỡ, giảm tải phần đỉnh kè đã chuyển vị để lên phương án thiết kế, khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Ngoan nói.