HÀ GIANG
Sau ba năm rưỡi làm việc với BBC Tiếng Việt ở Bangkok, Thái Lan, trong đó hơn một năm phải đương thân độc mã đương đầu với đại dịch Covid-19, tôi dừng bước giang hồ, bỏ công việc mình rất yêu thích, trở về Cali.
Để ăn cho thoả thích thức ăn Việt Nam cho bõ những tháng ngày ‘chịu trận” với những món ăn Việt rất dở… hơi ở đất Chùa Vàng, tôi lang thang ở Little Saigon, đến những tiệm ăn mình ưa thích. Rồi trong một lúc khoan khoái lau đũa chờ… phở trong một quán quen, bỗng nhận ra mình có cảm tưởng là đã về nhà.
Nhà. Ôi cái chữ đơn giản mà sao thấm đến tận tim gan. Ngôi nhà Việt Nam thứ hai của tôi, ngay giữa lòng đất Mỹ.
Chẳng hiểu sao phải xa Little Saigon mấy năm, lúc trở lại tôi mới nhìn vùng đất này bằng đôi mắt nhiều hoài niệm và trân quý hơn xưa.
Lại mất thêm mấy ngày lang thang nữa, ăn thêm một loạt bún bò, bún ốc, gỏi cuốn, bún vịt sáo măng… mới tìm ra lý do.
Có lẽ là ở nơi mọi người trông rất Việt, cùng nói tiếng Việt, đa số nói tiếng Anh không có ending sounds, có cách hành xử rất Việt (cả tốt lẫn chưa tốt) mọi cửa tiệm, nhà hàng cùng để nhạc Việt, không gian nhiều nơi thơm lừng mùi thức ăn rất Việt, tôi không thấy mình là người ngoại quốc, giống lúc tha thẩn ở những shopping lớn của Bangkok như Siam Paragon, hay ngay cả tại South Coast Plaza, chỉ ở Costa Mesa đây thôi.
Hết những ngày chen vai thích cánh với những ông Thái bà Thái, tai vang vang thứ tiếng cố nghe mãi mà không thể êm tai. Hết luôn cái cảnh cứ mỗi lần thử thêm một tiệm ăn Việt là lại tức anh ách, luôn thèm một bát phở quê nhà, một đĩa bánh cuốn tráng đúng kiểu Việt Nam, chén nước mắm dấm ớt pha không bị ngọt lừ. Hết cái cảm giác lạc lõng, là mình không giống ai xung quanh, là mình không thuộc về, là mình xác đây mà hồn như tận đâu đâu.
Hoàn toàn chủ động, và đã chuẩn bị cả gần hai tháng trước khi khăn gói quả mướp sang đất Thái làm việc, vậy mà khi sống ở Bangkok tôi còn phải đối diện với những cảm giác như thế.
Thử hỏi không biết thưở ấy, đùng một cái hoảng hốt chạy khỏi Việt Nam, bỏ lại mọi thứ sau lưng, đến một nơi mà mọi thứ đều xa lạ, từ con người đến khí hậu, từ vóc dáng đến mầu da, từ tiếng nói đến cử chỉ, từ thức ăn đến văn hóa, từ quan điểm sống đến cách hành xử, vừa lo cho cuộc sống của mình, vừa thương cho người ở lại, thì người Việt tị nạn chúng ta trong những ngày đầu ngơ ngác trên đất Mỹ, đã phải đối diện với những chấn thương tâm lý trầm trọng thế nào.
Hôm ấy, lái xe thong thả trên phố Bolsa, tôi tự hỏi nếu con đường này biết nói, không hiểu nó sẽ tả gì về những ngày đầu tiên người Việt tị nạn khăn gói quả mướp đến đây?
Chắc hẳn phải có những khuôn mặt đăm chiêu khắc khổ của người qua lại…
Phải có cảnh chiều cuối tuần trong tiệm sách Tú Quỳnh, mọi người nối đuôi nhau kẻ chờ trả tiền, người thẩn thơ ngắm bìa những cuốn sách, hay chăm chú ngấu nghiến từng trang giấy, như uống từng viên thuốc nhiệm màu mong sao cho mình bớt đi cái buồn tê dại, và da diết thêm những gắn bó với đất mẹ.
Cũng không thiếu cảnh mọi người kiên nhẫn đứng chờ bàn ở Hủ tíu Thành Mỹ, quán ăn hồi đó nhỏ xíu có mấy bàn, nhưng món hủ tíu Mỹ Tho đậm đà đúng vị không thể chê.
Hay cảnh mọi người mua thức ăn ở chợ Hòa Bình, xếp hàng ở Danh Pharmacy chờ gửi những gói quà dành dụm chắt chiu mãi mới mua được, cho người thương còn kẹt ở quê nhà, đang thiếu thốn đủ thứ.
Little Saigon, thuộc Orange County, Nam California, “thủ phủ của người Việt tị nạn” trải dài qua hai thành phố Fountain Valley, Garden Grove, một phần của Huntington Beach, và Westminster.
Đặc biệt Westminster, tuy nhỏ hơn các thành phố bạn, nhưng từ cách đây hơn 40 năm, đã là khởi thủy và trung tâm của Little Saigon, và cho đến giờ vẫn là tâm điểm của nhiều sinh hoạt cộng đồng, là chiến địa gay go của lằn ranh quốc cộng, nơi cờ vàng ba sọc đỏ phơi phới tung bay trong những ngày lễ Tết, và cờ đỏ sao vàng vẫn cấm chỉ không được ló mặt.
Little Saigon còn được mọi người “âu yếm” đặt cho cái tên là nơi “gió tanh mưa máu”, nhưng người Việt hải ngoại ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu có dịp đến Mỹ, nhất định phải ghé thăm, vì chưa thăm Little Saigon thì coi như… chưa đến Mỹ, mà đã đến Little Saigon thì đã gần như về đến… Saigon.
“Little Saigon với tụi tao như đi hành hương mày ơi, cứ mấy năm không đến là nhớ, nhớ gần bằng nhớ Việt Nam. Ông xã tao nói không về Việt Nam thì đi Little Saigon cũng đỡ ghiền, còn không bị thấy những cảnh ngứa tai gai mắt như về bển…” Một người bạn của tôi, có chồng hồi xưa làm phi công cho quân lực VNCH nói lần nào hai người từ Đức qua thăm con ở Washington DC cũng phải dành vài ngày bay qua Cali để ghé Little Saigon hoặc San Jose mới thấy lộ trình đi Mỹ được ‘hoàn tất’.
Diễm Ly, cô bạn khác, nhà ở Boston, phán: “Muốn ăn thức ăn Việt Nam ngoài Việt Nam thì chỉ Little Saigon là nhất. Có món còn thuần túy Việt Nam hơn ở Việt Nam nữa mày ơi.” Ly nói, và tôi phải nhận là cô nàng nói đúng.
Nhưng chẳng lẽ mọi người Việt khắp nơi về Little Saigon chỉ để ăn? Ngoài Bún bò Huế, Phở, Lẩu và Ốc… chắc phải có những điều gì khác hơn thu hút chúng ta đến nơi này?
Và những điều ngoài ẩm thực Việt đó, có phải là văn hóa Việt, âm thanh Việt, sắc thái Việt, một Việt Nam ngay ở Mỹ, nơi chúng ta đang sống?
Nỗ lực bảo tồn văn hóa
Little Saigon giờ “trưởng thành lắm, phải nói là không gì không có”. Thái, người bạn tôi từ Âu Châu, hơn 15 năm nay mới lại có dịp đến thăm Little Saigon, nhận xét.
Nói đến sự trưởng thành của Little Saigon mà không nói đến nỗ lực bảo tồn văn hóa của người Mỹ gốc Việt dường như là một thiếu sót.
Thoạt nghe, cụm từ “nỗ lực bảo tồn văn hóa” có vẻ là một điều gì xa vời, dao to búa lớn, nhất là trong những ngày người Việt chúng ta chân ướt chân ráo đến xứ Mỹ, phải vất vả kiếm cơm từng ngày, xây dựng lại tất cả từ hai bàn tay trắng.
Nhưng Karst, Kenneth L., tác giả cuốn “Paths to belonging: The constitution and cultural identity” (1986), cho rằng nhu cầu bảo tồn văn hóa, như thức ăn, tiếng nói, âm nhạc, chữ viết, là nhu cầu khá căn bản của một cộng đồng di dân, dù cho cộng đồng ấy có nhận thức được điều ấy một cách rõ ràng hay không.
Karst cho rằng khi đến định cư ở một đất nước mới, các cộng đồng di dân thường có hai lựa chọn, hoặc ‘hướng nội’ để kết thành một khối, hay ‘hướng ngoại’ để hòa nhập.
Việc chọn cách tiếp cận, vẫn theo Karst, phụ thuộc vào vài yếu tố chính:
-Bản sắc văn hóa của người nhập cư so với bản sắc văn hóa ở nước đến. Khoảng cách văn hóa càng lớn thì xác suất hướng nội càng cao.
-Sự lớn nhỏ của cộng đồng người di dân trong lòng cộng đồng bản xứ. Cộng đồng người di dân càng lớn thì càng dễ hướng nội.
Cộng đồng Người Việt ở Mỹ, với con số khá lớn (khoảng 2,2 triệu, tính đến năm 2018, theo US Census Bureau), đã chọn cách tiếp cận “hướng nội”, biến nỗ lực giữ gìn bản sắc và bảo tồn văn hóa thành một quá trình quyết liệt.
Vậy chúng ta đã làm gì để giữ gìn bản sắc?
Trước khi trả lời câu hỏi này, có lẽ cần phải nhận diện bản sắc của tập thể người Việt đã trôi dạt đến đây từ hơn 40 năm qua.
Gốc Việt Nam Cộng Hòa
Bản sắc văn hóa, hay ý thức bản thân của một cá nhân, bắt nguồn từ việc họ là thành viên của một tập thể nào đó, nơi kiến thức, niềm tin, hệ thống giá trị, truyền thống, cách hành xử, và lối sống được truyền tải rồi khắc sâu trong tâm trí.
Bản sắc văn hóa của người Việt ở Mỹ, giống những nhóm di dân khác, được hình thành từ những điểm chung, như gốc gác, tôn giáo, giá trị, niềm tin, nghi lễ, cách ứng xử, ẩm thực, ngôn ngữ, văn học, âm nhạc và nghệ thuật v.v…
Vì thế hệ 1 (first generation) của đa số người Việt ở đây đến Mỹ sau tháng Tư, 1975 đa số là dân miền Nam Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), họ chia sẻ kinh nghiệm đặc thù của những người thuộc ‘phe thua cuộc’, bỗng chốc phải vội vàng rời bỏ xứ sở, bỏ cả người thân ở lại, liều lĩnh đi tìm một bến bờ chưa biết sẽ là đâu.
Nhiều người trong số họ là cựu sĩ quan, giáo sư, và lãnh đạo dân sự của VNCH, sau khi chiến tranh chấm dứt, từng bị đàn áp tù đày trong các trại cải tạo, phải lang thang từ nhiều tháng đến nhiều năm trong các trại tị nạn trước khi được vào Mỹ. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi gần 48 năm sau – dù có rất nhiều điểm chung với người Việt sống trong nước, các đặc tính như kiên quyết chống cộng, và mãi hoài tiếc nhớ lối sống ngày xưa của VNCH, là những yếu tố đặc thù quan trọng trong bản sắc văn hóa của phần lớn người Việt sống ở Mỹ.
Với họ, ký ức về một Việt Nam trong quá khứ, là ký ức của một VNCH tuy từ lâu không còn, nhưng với họ, đại diện cho một Việt Nam bất diệt trong tâm tưởng. Mọi dấu vết của di sản văn hóa mà họ chọn để bảo tồn, trong tiềm thức, vì vậy luôn gắn liền với những ký ức về xã hội tồn tại dưới thời VNCH.
Một hành trình miệt mài
Bước quan trọng đầu tiên của cộng đồng người Việt tị nạn là tụ tập lại để hình thành những “vùng đất” Việt Nam ngay trong lòng các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.
Những vùng đất này, như Little Saigon ở Orange County, Vietnam Town ở San Jose, California, Đại lộ Bellaire ở Houston, Texas, hay Eden Center ở Washington D.C., đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.
Riêng ở Little Saigon, đến giữa năm 1993, đã có gần 1.000 cửa hàng và văn phòng, theo Pham Vu Hong, tác giả cuốn “Cultural Crossroads: The Formation of Vietnamese American Consciousness for the 1.5 Generation.”
Sự phát triển nhanh của những cơ sở thương mại kéo theo một sinh hoạt cộng đồng nhộn nhịp, trở thành hai thành tựu đáng kể của tập thể người Mỹ gốc Việt, nhất là khi trước đó không lâu, họ hầu hết rời Việt Nam trong hoảng loạn, nhiều người không mang theo gì hơn ngoài tấm áo trên lưng.
Không có thống kê, nhưng chúng ta có thể đoán khá chính xác là phần lớn trong số 1.000 cơ sở kinh doanh ở Little Saigon năm 1993 đều là siêu thị hoặc quán ăn nhỏ, vì thực phẩm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người.
Tác giả Nguyễn Thanh Việt viết về việc cha mẹ ông có một siêu thị ở San Jose, California vào năm 1978. Tại siêu thị này, cậu bé Thanh Việt đã quan sát mọi khía cạnh của cuộc sống người Việt tị nạn, rồi nhiều năm sau đó, biến họ thành những nhân vật sống động trong tác phẩm ‘The Sympathizer’ qua cây bút đoạt giải Pulitzer của mình.
Về quán ăn, đế chế nhà hàng trị giá hàng triệu triệu đôla Crustacean Beverly Hills của gia đình họ An, hiện có chi nhánh ở nhiều nơi, là thí dụ thành công vượt bực của một tiệm ăn Việt. Ai đến Crustacean ngày nay cũng suýt xoa thán phục, nhưng ít ai biết toàn bộ đế chế của Crustacean được xây dựng từ Thành Long, một nhà hàng nhỏ chỉ 20 chỗ ngồi, được mở cửa ở San Francisco từ năm 1971, nhưng chỉ trở nên phát đạt sau khi người Việt tị nạn hàng loạt kéo nhau đến Mỹ.
Tái tạo nền ẩm thực Việt ở quê hương thứ hai có lẽ là động thái giữ gìn bản sắc đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Mỹ, dù chắc chắn những người mở siêu thị, mở nhà hàng lúc đó hoàn toàn không ngờ mình đã góp phần vào việc bảo tồn văn hóa.
Bát phở quê hương
Lần đầu tiên tôi đột nhiên có được nhận thức về nỗ lực giữ gìn bản sắc của cộng đồng là trong chuyến đi thăm Orlando, Florida cách đây hơn ba thập niên.
Chúng tôi ở Orlando một tuần, nhưng chỉ sau ba, bốn ngày, con trai tôi bắt đầu thèm thức ăn Việt Nam. Khi cậu con nhắc đến phở lần thứ ba, tôi tra niên giám điện thoại để tìm cho ra một nhà hàng Việt. Và đến giờ cũng không quên được niềm vui ríu rít khi, trong ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đặt được chân vào một nhà hàng Việt Nam, điều không phải dễ tìm thời đó.
Hương Quê là một tiệm ăn nhỏ và mộc mạc, nhưng cách trang trí của nhà hàng cho thấy chủ nhân đã đặt cả trái tim, tâm hồn và có lẽ tất cả vốn liếng vào cơ sở thương mại tí hon của gia đình.
Trong khi chờ thức ăn, máy ảnh trong tay, tôi lơ đãng nhìn quanh định chụp vài bức ảnh, rồi một bức thư pháp đóng khung ở một góc tường bỗng nhảy ra.
“Chúng ta đi mang theo quê hương.’’ Bức thư pháp với hàng chữ màu đen trên nền trắng làm tôi xúc động. Chúng ta đi mang theo quê hương, thấm thía quá!
Trở về bàn, tôi chợt nhận ra là mỗi người Việt rời xa đất nước đều đã, trong vô thức, mang theo mọi dấu vết về bản sắc của mình: Tiếng nói, âm nhạc, phong tục, nghi lễ, ngôn ngữ, sách vở, nghệ thuật, và tất nhiên là ẩm thực, bởi không gì có thể khơi dậy trong ta cảm giác thân thuộc gần gũi của quê nhà như thức ăn.
Tầm quan trọng của ẩm thực Việt Nam được thấy rõ qua việc số nhà hàng ở đây ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt. Không ai có dữ liệu chính xác, nhưng theo ‘The Institute for Immigration Research’ tính đến năm 2014, đã có khoảng 9.000 nhà hàng Việt Nam hoạt động tại Mỹ, con số này tăng nhanh mỗi năm, chưa tính những tiệm bán thức ăn nhanh.
Chiều hôm đó, khi những tô phở được bưng ra, tôi hít lấy hương thơm quen thuộc với cảm giác ấm áp lạ thường.
Bên cạnh chiếc tô phở nóng hổi bốc khói, là một đĩa đầy giá sống, rau húng và ngò ta. Một đĩa nhỏ hơn với miếng chanh và vài lát ớt thái mỏng nằm giữa tô phở và đĩa rau, giá. Bát phở của Hương Quê được trình bày y hệt như ở những tiệm phở Việt Nam trước tháng Tư năm 1975 khiến tôi trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy mình như chưa bao giờ xa nhà.
Nhà, đương nhiên là ngôi nhà của cha mẹ thời thơ ấu, ở SàiGòn, miền Nam Việt Nam.
Bố tôi, người Bắc di cư năm 1954 có lẽ sẽ không hoàn toàn đồng ý với cách ăn phở này.
Tôi còn nhớ câu nói quen thuộc của ông: ”Người Bắc không bao giờ ăn phở với những loại rau làm mất đi hương vị phở như vậy!” ông khoát tay chỉ vào đĩa giá và rau thơm đi kèm, mặt chìm vào vùng trời ký ức.
Nhưng ăn phở với giá là cách người dân miền Nam Việt Nam hồi đó ăn phở, và đó cũng chính là cách mà hầu hết người Việt Nam ở Mỹ kỳ vọng về tô phở ‘chính thống’ từ những nhà hàng ở đây. Hóa ra ngay cả cách chúng ta ăn uống cũng có mối liên hệ chặt chẽ với miền Nam Việt Nam, nguồn gốc của đa số người Mỹ gốc Việt, ít nhất là cho đến bây giờ.
“Hơn bốn mươi năm sau Chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà hàng Việt Nam ở Mỹ vẫn là dấu ấn của một thời và một nơi không còn tồn tại: Sài Gòn vào thập niên 1970.
Trong một khoảng thời gian rất dài, thức ăn Việt Nam ở Mỹ bị đóng băng vào thập niên 70, tất cả các món trong thực đơn đều là bức ảnh chụp nhanh về ẩm thực của miền Nam Việt Nam từ năm 1975, khi hầu hết chúng tôi rời bỏ đất nước.” Tác giả Soleil Ho viết.
Tương tự, trên diễn đàn Reddit, một du khách đến Việt Nam đặc biệt để thưởng thức món ăn Việt đã đặt câu hỏi tại sao thức ăn ở Hà Nội lại rất khác với thức ăn Việt trên đất Mỹ.
Nhận xét của người này thu hút nhiều lời bình, và câu trả lời chung là món ăn Việt Nam ở Mỹ thường là món ăn của miền Nam Việt Nam trước đây.
“99% thức ăn Việt Nam tại Hoa Kỳ là thức ăn miền Nam Việt Nam. Miền Nam đã thất trận trong chiến tranh, vì vậy nhiều dân miền Nam qua Mỹ tị nạn, mở nhà hàng Việt Nam, và giới thiệu món ăn miền Nam với Mỹ và đó là món ăn mà người Mỹ quen với. Có rất nhiều món ăn miền Bắc gần như không thể tìm thấy tại các nhà hàng Mỹ.” Một người bình luận.
Giờ mới hiểu tại sao đi xa Little Saigon mấy năm, vừa về tôi đã vội đi tìm ăn những món ăn Việt Nam quen thuộc. Tôi cần hít hà lấy mùi hương, cần nếm lấy vị của thức ăn quê mẹ, cần chạm tay vào cái bản sắc mà trong vô thức lúc nào tôi cũng sợ sẽ mất đi của mình, hệ lụy của bao năm dài sống xa quê hương.
Và bài thơ về Phở rất thiết tha của tác giả Vũ Kiện giờ đọc lại sao thật thấm thía:
Ôi mai mốt về quê hương có phở
Cởi mở tâm tình ngò ngát hành hoa
Ðời hạnh phúc chan hòa thêm nước tiết
Ta mời nhau một bát làm quà
Gánh giang son gồng bằng đôi gánh phở
Quẩy lên đường nghi ngút ấm tình thân
Ðường Nam Bắc vượt bằng tô xe lửa
Dù bà con xa cũng hóa thành gần
Mình hãy quên đi những ngày khốn khó
Trại lao tù bụng lép đến nôn nao
Ở ngoài chợ tháng lương tròn ký thịt
Già hom còm, trẻ đói đến xanh xao
Hãy xóa hết những tháng ngày bỏ xứ
Ừ đấy thiên đường thừa nạm vè gân
Sao vẫn thiếu trong chập chờn thức ngủ
Một vị gì ngan ngát của quê thân
Nước dùng đậm vì muối nồng biển mẹ
Nước dùng trong vì ngọt nước sông cha
Bánh sợi dẻo vì gạo đồng lúa Việt
Bò thanh hơn vì bò cỏ quê nhà
Ôi mai mốt về quê hương có phở
Cởi mở tâm tình ngò ngát hành hoa
Ớt tiêu cay cay tràn đôi lệ nóng
Mừng anh em vui núi thuận sông hòa…
Hành trình và nỗ lực bảo tồn văn hóa của người Mỹ gốc Việt là một đề tài lớn mà tôi hy vọng sẽ có dịp nghiên cứu và viết thêm.
Nguồn:
1. Soleil Ho, Why is Vietnamese Food in America Frozen in the 1970s? (available online at https://tastecooking.com/vietnamese-food-america-frozen-1970s/)
2.Saturn, Regional food varieties in Vietnam vs. Vietnamese food in the USA (available online at https://www.reddit.com/r/VietNam/comments/8yc8tm/regional_food_varieties_in_vietnam_vs_vietnamese/)