Feuilleton – đất sống của các nhà văn – kỳ cuối

by Vy Trần

TRẦN NHẬT VY

Nếu có ai hỏi nhà văn sống bằng gì? Thì câu trả lời khá đơn giản: “Sống bằng sáng tác”. Thế nhưng sáng tác mà để trong hộc tủ thì làm sao sống được? Phải có ở đâu đó đăng lên thì người đọc mới biết có nhà văn và nhà văn mới có tiền để sống! Song từ tháng 4-1975 báo chí “cách mạng” không sử dụng feuilleton nữa khiến các nhà văn…

Chính cái nghề viết feuilleton đã nuôi sống nhiều thế hệ nhà văn ở Sài Gòn ít ra cũng từ đầu thế kỷ 20. Gần như không có nhà văn nào ở cái đất Sài Gòn này mà chưa từng viết feuilleton. Bởi viết một cuốn sách hoàn chỉnh rồi in ra chưa chắc đã bán được. Và trong thời gian ngồi viết thì nhà văn không thể hít không khí để sống chứ chưa nói đến nuôi gia đình. Bởi vậy, các nhà văn Sài Gòn trước đây, đều viết feuilleton. Đầu tiên là có thu nhập hàng tháng để lo cho nồi cơm. Thứ nữa là cho độc giả biết tên tuổi, biết tiểu thuyết của mình. Thứ ba là việc viết feuilleton thúc đẩy nhà văn phải sáng tác liên tục, đồng thời nắm được thị hiếu, yêu cầu của người đọc đương thời. Tất nhiên, sau khi đăng báo rồi, các feuilleton ấy được các nhà văn gọt dũa lại, biên tập lại cho gọn gàng, khúc chiết và in thành sách. Nếu truyện đã được độc giả khoái thì việc in thành sách bán chạy, tác giả có đời sống thoải mái. Bằng không thì…

Như đã nói, Phú Đức là nhà văn có tác phẩm rất được độc giả yêu thích. Truyện của ông sau đó được in thành sách cũng bán chạy như thường. Thậm chí, cho tới sau năm 1975, nhiều tác phẩm của ông in lại cũng được độc giả đón nhận như xưa. Do đó, lúc sanh thời, ông là nhà văn có cuộc sống thoải mái nhất, có xe hơi để lái đi du hí, có ngựa đua để hàng tuần vô trường đua Phú Thọ. Cuộc sống mà không phải ai mơ cũng được.

Nhà văn Sơn Nam cũng là một cây feuilleton. Ông viết đằm thắm và thường lồng vào truyện những nét văn hóa riêng của miền Nam. Tuy không phải là cây viết bestseller nhưng ông cũng như các đồng nghiệp khác phải chạy sô hàng ngày để sống. Có lần, tôi vô nhà ông, lúc còn ở chợ Ông Địa thuộc quận Tân Bình, ngồi trong nhà ngó ra hàng ba, tôi thắc mắc khi thấy mấy dây kẽm (thường dùng để phơi quần áo) giăng quá khít nhau, các dây cách nhau chừng một hai tấc. “Giăng sào vậy làm sao mà bố phơi đồ?”. Ổng cười nói “đâu có để phơi đồ! Đó là sào phơi bài!”. Nghe vậy, tôi hỏi kỹ hơn mới hay, mỗi ngày ông ngồi ngay bàn viết gần cửa sổ để viết. Viết xong thì lấy kẹp treo bài trên sào đó. Các tờ báo cử người tới, cứ lật bài thấy tên báo mình thì đem về vì tác giả bận viết không tiếp khách.

Còn An Khê một nhà văn nổi tiếng “chạy sô” nhiều nhất trong làng viết feuilleton, vốn là con của một bác sĩ kiêm nhà văn Nguyễn Bính (không phải Nguyễn Bính nhà thơ) có bút hiệu là Biến Ngũ Nhy là một trong những nhà văn thuộc thế hệ đầu của văn học quốc ngữ. An Khê tên thiệt là Nguyễn Bính Thinh, gốc người Trà Vinh nhưng sanh tại Sa Đéc năm 1923 và trưởng thành ở Rạch Giá Kiên Giang. Năm 1952 ông vào quân đội và năm 1954 sau khi bị thương ở đèo, An Khê hư cánh tay mặt. Từ đó ông lấy bút hiệu An Khê và gõ máy một tay để viết tiểu thuyết Dã Sử Việt Nam. Ông viết tiểu thuyết đăng các báo hàng ngày cho các nhật báo ở thủ đô và viết rất khỏe. Năm 1966 ông là chủ nhiệm nhật báo Miền Tây, là tờ báo đầu tiên của vùng, sau biến cố năm Mậu Thân tờ báo đình bản. Năm 1988, ông định cư tại Pháp. Ra hải ngoại vì tuổi tác và sức khỏe kém, nhất là cánh tay bị đau nhức nên ông chỉ viết được ít truyện ngắn cộng tác với một số báo ở hải ngoại như: Làng Văn, Tiểu Thuyết Nguyệt San, Văn Nghệ Tiền Phong, Viên Giác Ái Hữu và Ngày Mai. Năm 1993 Cơ sở Làng Văn (Canada) có giúp ông hoàn thành tác phẩm cuối đời cuốn hồi ký ngắn: Từ Khám Lớn Đến Côn Đảo.

Ông bắt đầu viết từ năm 1958 và viết khá nhiều, với đủ các thể loại. Ban đầu thì ông viết loại truyện dã sử cho các báo Đọc Thấy, Đời Mới với bút hiệu Cửu Lang như Xương Máu Phiên Ngung, Người anh Hùng mặt Sắt, Đoàn Quân Ma…Sau chuyển dần sang loại tiểu thuyết tình cảm thì được độc giả ưa thích. Và tác phẩm ăn khách nhất của ông là Người Vợ Hai Lần Cưới viết vào năm 1960 (in thành sách năm 1961, tái bản năm 1962 và 1963). Khi feuilleton này đăng trên báo Tiếng Chuông, chỉ một thời gian ngắn số báo in tăng vọt ngoài sự chờ đợi của chủ báo là Đinh Văn Khai. Truyện cũng đơn giản là khi đi rước dâu, bất ngờ chú rể nghi cô dâu có chửa hoang nên cuộc đón dâu bị xù. Cô dâu buồn vô chùa tu. Sau đó, khi biết rõ chuyện là đứa bé ấy là con của chị cô do ngoại tình mà có nên cô phải nuôi cháu. Và lại có cuộc rước dâu lần thứ hai. Truyện còn được đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga dựng thành tuồng Hai chuyến xe hoa với nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ vai chánh rất ăn khách.

Sau Người vợ hai lần cưới, An Khê nổi tiếng là cây viết feuilleton tình cảm xã hội. Từ 1958 đến 1972, ông viết tới 200 tiểu thuyết đủ loại, trong đó có cả tiểu thuyết gián điệp Người Yêu của X13 và X13 Trong Lưới Nhện với bút danh Nguyễn Bính Long (tên người anh ruột của An Khê).

Nhiều tác giả khác như Bình Nguyên Lộc, Dương Trữ La, Ngọc Linh, Lê Xuyên, Bà Tùng Long, bà Lan Phương… cũng phải sống bằng nghề viết feuilleton.

Bình Nguyên Lộc là một trong những cây viết “đại thụ” của làng báo, làng văn Sài Gòn. Ông tên thật là Tô Văn Tuấn, gốc người Tân Uyên, Biên Hòa trong một gia đình buôn bán. Từ năm 1942, ông bắt đầu theo nghề viết và năm 1949 thì ở hẳn tại Sài Gòn. Ban đầu ông chỉ viết truyện ngắn, đến năm 1965 thì mới thật sự viết những tiểu thuyết dài hơi. Tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc dung dị, gần gũi với người miền Nam, mang hơi thở cuộc sống đương thời nên ông khá được độc giả ưa chuộng. Có năm ông phải viết mỗi ngày đến 11 feuilleton cho các tờ báo. Ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết dài, ông còn viết biên khảo có giá trị như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Lột trần Việt ngữ… Ông mất năm 1987 tại Mỹ để lại một gia sản đồ sộ 50 tiểu thuyết dài, trên 200 truyện ngắn, một số tác phẩm nghiên cứu và khoảng 100 truyện ngắn chưa in.

Dương Trữ La cũng là một tay feuilleton có hạng, còn có bút hiệu là Tâm Đạm khi làm thơ. Ông tên thật là Dương Ngọc Lạc sanh năm 1937 tại Gò Vấp. Ông bắt đầu cầm viết từ cuối thập niên 1950 bằng nghề viết báo và làm thơ! Đến năm 1963, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Tiếng Chuông thì ông bắt đầu viết tiểu thuyết và cũng từ đó bút danh Dương Trữ La xuất hiện. Đầu tiên ông viết chung với Bình Nguyên Lộc trong feuilleton mang tên Lòng Ngỡ Quên Mà Nhớ Rất Xa vào năm 1963-1964, rồi sau đó là một loạt tiểu thuyết như Nhớ Nhung, Gái Hoàn Lương, Vẫn Còn Dang Dở, Chiều Nghiêng Bóng Nhỏ, Nắng Bên Kia Đồi…Tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh cuộc sống của dân nghèo thành thị những năm 1955-1975. “Văn phong ông giản dị mà chân thật thẳng thắn, bình dân mà súc tích, huỵch tẹt mà bao dung độ lượng, khác nào tính khí người Sài Gòn”. Đây là nhận xét của nhà báo Thiên Hà, một người được coi là bạn của ông.

Sau năm 1975, ông công tác với nghề bảo tàng và bắt đầu viết lại năm 1982 với hai tác phẩm dài là Tình ơi…chia xa (1990) và Đời em như áng mây (1991). Ông mất năm 2000.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những nhà văn viết feuilleton như thế. Họ viết tức là họ đang sống. Họ làm cho các tờ báo sinh động mỗi ngày và cuộc sống của họ cũng cập nhật tình hình mỗi ngày. Với họ, viết chính là vận động để tiến tới, nếu ngừng lại thì cuộc đời nhà văn của họ cũng chấm dứt. Và chính những ngày nhà văn phải viết để sống, viết để tồn tại nhiều tác phẩm để đời đã được sanh ra. Và cũng chính những ngày vắt mồ hôi mưu sinh ấy, tên tuổi của họ sống mãi trong lòng độc giả.

Nhà văn An Khê

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights