TRÙNG DƯƠNG
Gần đây, một nhóm bạn và tôi cùng đọc lại “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” (Sóng, Saigon, 1973; và Sống Mới in lại tại Hoa kỳ, 1989), mục đích là chọn ra 10 truyện hay nhất, thể theo lời yêu cầu của Giáo sư môn Sử, Nguyễn Dịu Hương, thuộc Đại học Tiểu bang California tại Irvine. GS Hương vừa xin được một cái grant nhỏ để chọn dịch và xuất bản 10 truyện ngắn hay nhất của Miền Nam. Tiện cuốn sách này đã được số hóa, nên chúng tôi chọn cuốn này cho tiện, vì mỗi truyện vốn đã được chính mỗi tác giả chọn là ưng ý nhất của mình trao cho nhà xuất bản Sóng, thay vì phải lục tìm đâu xa. Tuy nhiên mỗi người vẫn có thể đề chọn một hay hai truyện mà mình ưng ý nhất bên ngoài những truyện trong tuyển tập.
Điều thú vị là hầu hết nhóm bạn của tôi chọn “Rừng Mắm” của nhà văn Bình Nguyên Lộc trong số vài truyện ngắn khác.
Đọc truyện ngắn này đã lâu, nhưng tôi cũng tìm đọc lại, thích thú với văn phong rất “nam kỳ” của tác giả. Và không khỏi suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa của truyện ngắn trong bối cảnh môi trường hiện nay tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long mà tác giả đã dùng để dàn dựng truyện ngắn này.
Bình Nguyên Lộc: một cây bút không ngừng nghỉ
Bình Nguyên Lộc là một trong các nhà văn nổi tiếng trong giới văn học Miền Nam trước 1975 chuyên khai thác các đề tài Nam bộ, trong đó có vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, còn gọi là Châu thổ (vùng đất bồi, song cũng có thể duy ra là đất châu báu, đất quí). Bình Nguyên Lộc, tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh năm 1914 tại Biên Hòa, và mất năm 1987 tại Sacramento, Bắc Cali, ở tuổi 73. Nổi tiếng là cây bút viết không ngừng nghỉ với đủ mọi thể loại từ sáng tác tới biên khảo, ông là tác giả của khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” chỉ được in phần đầu, phần còn lại độ 800 trang viết tay coi như bị thất lạc, theo Wikipedia.org.
Tôi có được cái may mắn tiếp xúc trao đổi với ông nhiều lần trước khi ông qua đời, và có ghi lại trong một lá thư không gửi mà viết để tưởng nhớ, dài sáu trang đánh máy bỏ dấu tay, còn giữ được, viết cho ông nhân bữa tới thăm ông và được tin ông đã qua đời. Hình ảnh tôi còn giữ được về ông là dáng vóc nhỏ bé, gầy gò, nhưng ở ông là một niềm ham sống ham tìm hiểu mãnh liệt.
Khi tôi gặp ông, ông và bà vợ–bà bị liệt nửa người từ nhiều năm trước khi còn ở quê hương–mới tới Mỹ, trước sau chưa đầy hai năm. Ông không có thì giờ gậm nhấm hay buồn bã về cuộc đời lưu vong, còn an ủi bà đừng quá lo buồn có hại cho sức khỏe. Ông bảo tôi là ông cần tranh thủ để ghi lại những biến đổi dâu bể của Miền Nam mà ông vẫn giữ kín trong tâm tư, và bắt kịp những biến chuyển của một thập niên qua của cộng đồng tị nạn Việt trên khắp thế giới nói riêng và của thế giới bên ngoài nói chung. Do đấy ông không có thì giờ để ưu buồn về thân phận lưu vong–điều mà nhà văn nào khi bị bứt ra khỏi quê hương, nơi đã nuôi dưỡng, vun sới và gợi hứng cho mình, mà không khỏi cảm thấy hụt hẫng, u mặc. Đặc biệt nơi ông Bình Nguyên Lộc, tác giả của những sáng tác và nghiên cứu phản ảnh rất đặc thù nơi ông sinh ra và đã sống gần hết đời–một vùng đất trù phú, đầy dấu vết của những nền văn minh cổ và không thiếu huyền thoại, lịch sử và giai thoại của những lớp người di dân mang theo hành trang tứ xứ tô điểm cho vùng đất mới. Với các con lo ngại cho sức khỏe của ông, ông nói ông còn còn sống lâu để viết sách cho các cháu nội ngoại của ông đọc nữa.
Nhà văn Mai Thảo một lần ghé thăm ông ở Sacramento, trong khoảng thời gian trên một năm khi tác giả “Đò Dọc” định cư tại Mỹ, mô tả trong một bài bút ký về sức khỏe mong manh của ông từ trước 1975, cho thấy mặc dù luôn phải phấn đấu với bệnh tật, nhưng ông vẫn làm việc cật lực, và có lẽ cũng vì thế một phần khiến ông càng bệnh vì thiếu nghỉ ngơi. Ông Bình Nguyên Lộc qua đời vì bệnh áp huyết cao khá trầm trọng, cộng thêm với những dồn ép của nững năm sau khi Miền Nam đổi chủ.
“Ông nhà tôi vẫn còn ham sống lắm, cô à,” bà ngậm ngùi nói với tôi khi tôi ghé thăm bà sau đám tang của ông, tại phòng khách của căn chung cư một phòng trong một khu gia cư phía nam Sacramento, trang trí rất đơn sơ, mà Phúc, con trai út của ông bà, đã dọn nguyên cái giường đôi của mẹ ra đặt đối diện với tấm ảnh bán thân phóng lớn của ông đặt trên bàn thờ. “Tui lẽ ra phải là người đi trước ổng mới đúng chớ đâu phải ổng đi trước tui, một người tàn tật đến cái nhà cũng không dọn nổi cho coi được… Thiệt giờ nghĩ lại tui cũng ân hận chớ. Cô coi, tui nằm chỗ đã hổng dọn dẹp chi được mà ổng bầy quá xá đi, sách báo tùm lum, chút nữa cô vô phòng ngủ mà coi, tui dời ra ngoài này nằm cũng là vì trỏng bừa quá mà nói hổng đặng. Có lần tui bực quá cỡ, kêu xấp nhỏ dâu lớn tới đón tui qua chỗ tụi nó, bị ổng biểu tui muốn đi chỗ khác ở thì đi. Vậy đó mà tui mới vừa qua chỗ tụi nó hôm trước hôm sau ổng kêu điện thoại cả ngày hỏi tui chớ chừng nào về. Tánh ổng cả nể lắm, cô à. Ai kêu viết bài là nhận lời, thức hôm thức đên để viết bất kể tình trạng sức khỏe. Tui có can ngăn thì ổng gạt đi, nói tui biết chi chuyện văn chương mà xía vô. Sở dĩ mà anh em văn nghệ biết tin ổng mất là nhờ gọi điện thoại hỏi thăm bài vở tới đâu rồi, thế cho nên họ mới biết tin, rồi người này báo cho người kia, nên sáng nay cũng có đông bạn bè văn nghệ từ xa tới đưa đám ổng…” [Trích Thư Gửi Bình Nguyên Lộc, California một ngày cuối đông 87]
Truyện ngắn “Rừng Mắm”
Theo vanhoahoc.org (có lẽ đã ngưng hoạt động nhưng một số bài vở còn lưu lại trên archive.org), thì “Rừng Mắm, truyện ngắn được xem là tác phẩm cô đọng của trường thiên tiểu thuyết Phù Sa, hoặc ngược lại Phù Sa là tác phẩm triển khai ra cho dài của truyện Rừng Mắm, theo ghi chú của nhà xuất bản Văn Nghệ, đã được nhà thơ Xuân Việt, tức là giáo sư đại học luật khoa Nghiêm Xuân Việt dịch ra tiếng Pháp (vào khoảng cuối thập niên 1950), đăng ở tập san Pen Club. Bản dịch ra Anh văn do nhà văn James Banerian ở San Diego, California, Hoa kỳ, cho đăng tải trong tập ‘Vietnamese Short Stories,’ đã xuất bản. Bản dịch thứ ba là của một tác giả ở Tây Ðức. Và bản dịch thứ tư cũng ra tiếng Pháp là của Phan Thế Hồng với sự hợp tác của Danielle Linais ở Việt Nam.”
“Rừng mắm,” không rõ thời điểm của truyện là khi nào, mở đầu bằng cảnh nhân vật chính, một cậu thiếu niên vừa bước vào tuổi dậy thì, say sưa theo giõi vài con chim săn mồi giữa chốn đồng không mông quạnh của vùng U Minh, nay thuộc tỉnh Cà Mâu, nơi chỉ lưa thưa vài gia đình vô sản cùng đinh, như gia đình cậu gồm ông nội và cha mẹ cậu, tìm tới nơi này để cắm cọc khai khẩn đất hoang hy vọng trở thành chủ nhân miếng đất đó. Có dịp gặp một cặp tình nhân tới đây tình tự, nghe họ nói về đời sống nơi phố chợ, cậu ao ước có dịp tới đó. Khi cậu tỏ ý đó một cách bâng quơ, ông nội cậu không nói gì, chỉ bảo với người con trai và cháu nội chuẩn bị để hôm sau đi biển. Tại vùng ráp gianh với biển này, ông nội kể cho cháu biết về rừng mắm (tức mangroves trong tiếng Anh), và tác dụng của loài cây này. Ta hãy nghe hai ông cháu đối đáp trong đoạn cuối truyện “Rừng Mắm”:
– Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ?
– Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.
– Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy?
– Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
– Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Ðời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng. Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi? Vả lại con không thích hy sinh chút ít cho con cháu của con hưởng hay sao?
Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ bỏ mả ông cha để hì hục năm năm trong đồng chua, nước mặn của ổ Heo.
Phải, cứ theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng tuy không nhiều, mà rồi sẽ nhiều.
Nó nắm chặt tay ông nội nó và thấy nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà.
– Ông ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá!
– Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công, và sẽ gọi dân cấy ở xa để phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước tràn tới đây mà phá rừng, vùng ổ Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu. Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần…
– Và sẽ có chè ăn?
Ông nội cười ha hả mà rằng:
– Gì chớ chè thì sẽ có lu bù.
– Mà ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm về ổ Heo?
– Hai năm nữa người ta sẽ đồn đất ổ Heo thuần… Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong được tới đây. Ông nói điều này, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ miền trung tràn vào đây đều chịu số phận là cây mắm cả, từ xứ Đồng Nai nước ngọt tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối lội qua lộ nước rộng đắp đường để làm cầu cho bạn đi sau vào nơi có chất ngọt. Tất cả mấy lớp tiên phong đầu đều ngã gục như rừng mắm rồi ông sơ ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn…
– Tía!
Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không và kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức.
– Thôi nhổ sào đi về cho kịp con nước, ông nội ra lịnh.
Ông nội vui vẻ quá, ông bỗng nhớ sực lại những câu hò của thế hệ người tiên phong đi khai thác đất hoang ở miền nam, mà ngày nay thế hệ tràm không hát nữa. Ông cất giọng khàn khàn lên:
Hò… ơi! Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong sao cứ chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Theo chân hai ông cháu thằng Cộc đi thăm vùng đất địa đầu của Miền Nam hơn một thế kỷ trước tới đây, làm sao người đọc không ngăn được ngậm ngùi khi nghĩ tới vùng đồng bằng Sông Cửu Long từ cuối thế kỷ trước bước vào hai thập niên đầu của thế kỳ 21 này?
Đồng bằng Sông Cửu Long hôm nay
Từ trên ba thập niên nay, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và là bối cảnh của các tác phẩm của tác giả “Rừng Mắm,” đã phải trải qua những biến đổi mà tác giả có nhìn hay nghe biết chắc vô cùng đau lòng chết được.
Do tình trạng nước sông Mekong bị ngăn chặn từ thượng nguồn ở Tây Tạng (nay thuộc Trung Hoa) và một hệ thống hàng chục đập dài theo 4.909 km (3,050 mi) chiều dài của Sông Mekong, mà lượng nước chảy xuống vùng ĐBSCL đã bị suy giảm. Không những chỉ lượng nước bị suy giảm, mà đất phù sa cũng bị những con đập này ngăn chặn. Chưa kể ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu cư dân sinh sống hai bên bờ trông vào nguồn hải sản cũng đang bị suy giảm của con sông huyết mạch.
Miền Nam Việt Nam nằm ở cuối nguồn hiển nhiên lãnh đủ. Và còn lãnh thêm những tai họa khác nữa. Do hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu, dẫn tới những thay đổi khí hậu, nước biển dâng cao, ngập lụt và cả hạn hán. Vùng Cà Mâu nổi tiếng đất bồi tạo thêm đất đai nay không những không thêm đất mà còn bị mất đất vì nước biển xâm thực. Theo một tài liệu của Việt Ecology Foundation, khoảng 600 ha, tức 1,500 acres, đất bị lẹm mất mỗi năm.
Môi sinh quanh vùng thay đổi, nhiều loài tôm cá bị tuyệt chủng. Đời sống của khoảng 20 triệu cư dân vùng ĐBSCL đã phải hứng chịu trầm trọng. Nhiều người đã phải bỏ quê hương chòm xóm đi tha phương cầu thực.
“Dân bỏ xứ đi, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao?” đài Radio Free Asia đã chạy tít báo động trong một chương trình phát thanh vào cuối năm 2020.
“Khu vực miền Tây Nam Bộ, còn được gọi tên ‘Đồng bằng sông Cửu Long’ (ĐBSCL) là vùng châu thổ trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhất ở Việt Nam. ĐBSCL được dân gian truyền miệng rằng vùng đất Phương Nam ‘chim trời cá nước’ là một nơi không bao giờ bị đói khát vì được bao bọc bởi những đồng lúa cò bay thẳng cánh và dòng Mekong mênh mông với 9 nhánh sông đầy ấp tôm cá quanh năm, nhiều nhất vào mùa nước tràn đồng mỗi năm,” RFA mở đầu chương trình. “ĐBSCL được xem là vựa lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng để trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nơi đây còn là khu vực phát triển nông nghiệp chủ lực với nhiều mặt hàng nông sản đa dạng, không những cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.”
Tuy nhiên, bức tranh tuyệt vời đó đang nhanh chóng lui dần vào dĩ vãng. Trích lời một nhà báo địa phương ẩn danh để tự bảo vệ an ninh, RFA phát sóng như sau:
“Mười năm trở lại đây, bất lợi thứ nhất là biến đổi khí hậu và làm cho một số tỉnh ven biển bị ngập mặn như Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Nước ngập mặn xâm phạm vô vườn cây ăn trái hoặc các loại thủy hải sản, làm cho bị hư, bị chết. Rất nhiều trường hợp nông dân bị lao đao do biến đổi khí hậu đó. Còn những tỉnh không bị xâm nhập mặn như Đồng Tháp, An Giang… nhưng bị xói mòn và lở đất do dòng chảy của nước bị thay đổi. Nguyên nhân thay đổi là do khai thác cát, nhất là ở khu vực đầu nguồn Campuchia bị tận thu cát quá nhiều cho nên rất nhiều hộ dân phải sống khổ sở do vấn đề dòng chảy bị thay đổi gây ra.”
Do đấy, nhà báo ẩn danh này cho biết, đã có trên một triệu người, phần lớn là giới trẻ, phải bỏ xứ ra đi kiếm ăn ở các vùng khác.
Nhóm có công đúc kết những thay đổi và không ngừng lên tiếng cảnh báo về thảm họa môi trường đến từ cả bên ngoài (hệ thống đập của các nước ven sông Mekong) lẫn bên trong (sự vô tài, thư lại, thiển cận, thiếu chính sách của nhà nước Cộng sản Việt Nam) tới vùng trù phú nhất của đất nước này, là Nhóm Bạn Cửu Long với sự hợp tác đắc lực của nhà văn y sĩ Ngô thế Vinh.
Ngô Thế Vinh là người đầu tiên một mình lên tận ngọn ngành để ghi nhận tận mắt nơi phát sinh thảm trạng ĐBSCL hôm nay, đó là khu hệ thống ba con đập vùng sông Lancang trên đất Trung Hoa. Anh đã báo động qua hai tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng” (2000) và “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007). Cuốn sau cũng đã được chuyển sang dạng audiobook để độc giả mắt yếu cũng có thể theo giõi, và dịch ra tiếng Anh cho các thế hệ Việt sinh trưởng ở nước ngoài cùng biết. Bên cạnh đó, anh và Nhóm Bạn Cửu Long gồm nhiêu chuyên viên về môi trường trong nước cũng đã thiết lập và duy trì trang Web Viet Ecology Foundation (http://vietecology.org/) phong phú tài liệu và các ghi nhận về hệ thống môi sinh của vùng châu thổ này.
Vào đầu năm nay, ở tuổi ngoài 80, Ngô Thế Vinh đã đúc kết, như một bản di chúc—hay đúng ra là một bản cáo trạng dành cho chính quyền Cộng sản VN?—, công trình nghiên cứu suy nghiệm lâu nay về dòng sông như đã trở thành huyết mạch trong chính người anh, với bài “Nửa thế kỷ cải tạo làm cạn kiệt tài nguyên một ĐBSCL đang chết dần.” Nơi phần đầu bài viết, tác giả đề tặng Nhóm bạn Cửu Long đã lâu nay cùng anh đồng hành, và đặc biệt, khiến người đọc không khỏi xót xa, “Gửi ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói.”
Trong bài viết đề ngày đầu năm Quý Mão 2023, dài trên 14,000 chữ, tác giả “Vòng Đai Xanh” đề cập tới sự suy thoái của dòng sông huyết mạch Mekong gây ra từ các động lực bên ngoài, như hệ thống hàng chục con đập của Trung Hoa, Lào, Thái Lan, Cao Miên không chỉ ở dòng chính mà còn tại các nhánh phụ; và từ thiên nhiên, như hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu và nạn khí hậu thay đổi. Đặc biệt, anh cũng nêu lên nguyên do suy thoái của vùng ĐBSCL đến từ các tác động bên trong, như các công trình cứu vãn ĐBSCL chưa chín, nửa vời, tắc trách, điển hình là các hệ thống nhằm ngăn mặn ven biển, của giới chức địa phương tại Miền Nam, và như việc cho phép khai thác cát ven sông cho những lợi nhuận riêng tư gây sụt lở, kéo theo nhà cửa, ruộng vườn của cư dân trong vùng, mà họ không biết kêu cứu nơi nào.
Tuy nhiên, Ngô Thế Vinh và Nhóm bạn Cửu Long của anh cũng đặt hy vọng ở công trình đại quy mô do World Bank tài trợ, với sự góp công sức nghiên cứu của nhiều quốc gia, đặc biệt của Hòa Lan là nước cũng đã và còn đang phải đối phó với nạn nước biển dâng cao, nhằm giúp Việt Nam đối phó với hiện tượng nhiệt hóa và khí hậu thay đổi. Hòa Lan đã giúp Việt Nam thiết lập một kế hoạch đại quy mô (master plan), đường dẫn bên dưới trong phần Tài liệu tham khảo. Cho tới nay, các nước tham gia, qua World Bank, đã đóng góp 1.6 tỉ Mỹ kim cộng thêm 880 triệu Mỹ kim để thực hiện các dự án đề ra trong kế hoạch đại quy mô cho công cuộc giúp phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Liệu Việt nam có đáp ứng được những trợ giúp và mong mỏi quốc tế để giải quyết vấn nạn của ĐBSCL, ta phải chờ xem. Từ hải ngoại, người Việt còn thiết tha tới quê hương chỉ biết hy vọng và… cầu nguyện. Người trong nước dù không sinh sống trong vùng ĐBSCL tưởng cũng không nên thờ ơ cho là mình không sống ở đó nên không phải lo. Bởi vì ĐBSCL không chỉ là nơi nuôi dưỡng 20 triệu người mà còn là kho lúa gạo nói chung của Việt Nam vậy.
*
Xưa là thế. Chứ mà bây giờ hậu duệ của những “người xa xứ” muôn năm cũ ấy, trong số trên một triệu người đã phải bỏ quê đi nơi khác tìm miếng sống, có lẽ phải hát ngược lại: Thương người bản xứ phải lìa xa quê…
Dầu sao, cũng hy vọng cuộc ly hương của họ chỉ là tạm thời. Mong vậy thay.
[TD2023/07]
Tài liệu tham khảo:
Starving the Mekong – Lives are remade as dams built by China upstream deprive the Mekong River Delta of precious sediment
https://www.reuters.com/graphics/GLOBAL-ENVIRONMENT/MEKONG/egpbyyadnvq/
Major dams on the Mekong River (graphics)
https://chinadialogue-production.s3.amazonaws.com/uploads/content_image/content_image/6859/20200422_Mekong_dams_map_English_v3.png
The drought and salinity intrusion in the Mekong River Delta of Vietnam
https://cgspace.cgiar.org/rest/bitstreams/78534/retrieve
Dân bỏ xứ đi, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao?
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-delta-future-when-millions-of-residents-moving-out-of-the-area-12172020144021.html
Viet Ecology Foundation
http://vietecology.org/
Audiobook câu chuyện của dòng sông (Dòng Sông Nghẽn Mạch)
https://nghiencuuyhoc123.blogspot.com/2017/05/audiobook-cau-chuyen-cua-dong-song.html
Ngô Thế Vinh, “Nửa thế kỷ cải tạo làm kiệt quệ tài nguyên ĐBSCL”
https://www.voatiengviet.com/a/nua-the-ky-cai-tao-lam-can-kiet-tai-nguyen-mot-dbscl-dang-chet-dan/6952111.html
Vietnam-Netherlands Mekong Delta Masterplan project
https://silo.tips/download/vietnam-netherlands-mekong-delta-masterplan-project
The Mekong Delta Conference 2021: Contributions from Development Partners
https://www.worldbank.org/en/news/speech/2021/03/13/the-mekong-delta-conference-2021-world-bank-country-director-for-vietnam-s-speech
Phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Thời kỳ 2021-2030, Tầm Nhìn Đến Năm 2050
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-287-QD-TTg-2022-phe-duyet-Quy-hoach-vung-dong-bang-song-Cuu-Long-505561.aspx