TRÙNG DƯƠNG
Ngày 26 tháng 8 hàng năm tại Mỹ là ngày Phụ Nữ Bình Đẳng, kỷ niệm ngày Tu Chính Án 19 (TCA 19) công nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ Mỹ, sau cả một thế kỷ tranh đấu của giới phụ nữ để giành lấy quyền có tiếng nói. Nhân dịp này, chúng ta cùng ôn lại hành trình kéo dài cả thế kỷ để tu chính án này được công nhận.
Mặc dù TCA 19 đã được chính thức phê chuẩn công nhận bởi tiểu bang cuối cùng là Tennessee trong số 36 tiểu bang cần có, tức hai phần ba các tiểu bang trên nước Mỹ, bỏ phiếu thuận vào ngày 18 tháng 8, nhưng theo luật liên bang thì mãi tới ngày 26 tháng 8, 1920 khi Bộ trưởng Ngoại giao Brainbridge Colby ký tuyên ngôn công khai nhìn nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ thì TCA 19 mới thực sự trở thành chính thức và được đưa vào Hiến pháp, chấm dứt một thế kỷ tranh đấu cam go, kể cả bị nhạo báng nhục mạ, bạo hành bởi nhân viên chính quyền và bị tù tội, của giới phụ nữ để giành được quyền này. (Mặc dù quyền đầu phiếu cho phụ nữ Da Mầu vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa mới thành hiện thực.)
Tuy vậy, vào cái ngày lịch sử 18 tháng 8 năm 1920 ấy, TCA 19 suýt tí nữa bị rớt đài nếu không nhờ một lá phiếu duy nhất của một dân biểu 24 tuổi của Tiểu bang Tennessee, Harry Burn, với một bà mẹ rất có uy quyền đối với cậu con trai.
Dân Biểu Burn đã có ý định bỏ phiếu chống, bằng việc cài một bông hồng đỏ vào ve áo vét, khiến các đồng viện cùng ý hướng rất hài lòng, cầm chắc cái thắng trong tay. Bông hồng đỏ lúc ấy là biểu tượng của phe chống lại đề luật TCA 19 của Hiến pháp Hoa Kỳ, mở đầu bằng tuyên ngôn rằng “Quyền đầu phiếu của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị từ chối hay hạn chế bởi Hoa Kỳ hay bởi bất cứ tiểu bang nào vì lý do giới tính.”
Vào mùa hè năm 1920, 35 tiểu bang đã phê thuận (trong số 36 tiểu bang cần có, tức hai phần ba, cần phải hội đủ để thông qua đề luật TCA 19), chỉ còn thiếu có một phiếu nữa thôi là đủ 36. Ở Tennessee, đề luật đã thông qua Thượng viện nhưng bị đình trệ tại Hạ viện, khiến hàng ngàn nhà hoạt động ủng hộ và chống quyền bầu cử của phụ nữ đổ về Nashville, thủ đô của tiểu bang. Chỉ còn cần một lá phiếu thuận để phá vỡ thế hòa là đề luật TCA 19 sẽ vượt qua rào cản cuối cùng trên con đường được thông qua. Một khi được thông qua, đề luật sẽ được chuyển lên chính quyền liên bang ký để đưa vào Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc.
Sau nhiều tuần vận động ngoài hành lang ráo riết và tranh luận căng thẳng trong cơ quan lập pháp Tennessee, một kiến nghị đề ra nhằm loại bỏ đề luật TCA 19 không bàn tới nữa đã bị đánh bại cũng với tỷ số hòa 48-48. Chủ tịch Hạ viện, với 100% là nam giới, lại kêu gọi bỏ phiếu phê chuẩn đề luật này lần chót. Thất vọng về số phận mong manh như treo sợi chỉ mành này của đề luật TCA 19, song nhiều người ủng hộ quyền bầu cử đã chen chúc vào điện Capitol với những bông hồng vàng—tượng trưng ủng hộ đề luật TCA 19, ngược với bông hồng đỏ là chống lại–, khăn san quàng qua người và các khẩu hiệu đòi quyền bỏ phiếu. Họ có vẻ như chắc chắn rằng cuộc gọi điểm danh cuối cùng này rồi cũng lâm vào bế tắc.
Thế nhưng sáng hôm đó, Dân biểu Harry Burn– người cho đến thời điểm đó vẫn chịu ảnh hưởng của phe chống quyền bỏ phiếu của phụ nữ và cả của cử tri đã bầu anh vào chức vụ dân biểu–nhận được một lá thư của mẹ anh, Bà Phoebe Ensminger Burn, được gia đình và bạn bè gọi là Bà Febb.
Trong thư, bà Febb viết, “Hoan hô, con hãy bỏ phiếu cho quyền bầu cử nghe! Đừng khiến họ [suffragists, là những nhà tranh đấu cho quyền đầu phiếu] sống mãi trong hoài nghi nghe con. Mẹ đã thấy một số bài phát biểu chống lại đề luật này. Họ có vẻ cay nghiệt. Mẹ vẫn theo dõi để xem thế đứng của con như thế nào, nhưng vẫn chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu gì.”
Và bà kết thúc bức thư bằng lời ủng hộ nhiệt tình dành cho nhà lãnh đạo quyền bầu cử Carrie Chapman Catt, và mong mỏi con trai bà “hãy là một cậu bé ngoan ngoãn và giúp bà Catt thành công.”
Vẫn với bông hồng đỏ của phe chống phê chuẩn đề luật TCA 19 còn gắn trên ve áo vét, song tay nắm chặt lá thư của mẹ, DB Burn đáp “Aye” (đồng ý) nhanh tới độ các đồng viện của anh phải mất một lúc mới ghi nhận được lời đáp không mong đợi ấy.
Với câu ngắn ngủi ấy, cậu dân biểu trẻ đã nới rộng quyền bỏ phiếu cho giới phụ nữ Mỹ và chấm dứt một thế kỷ tranh đấu không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ tranh đấu cho quyền đầu phiếu, trong đó có những tên tuổi như Susan B Anthony, Alice Paul, Lucy Burns và đã hẳn, Bà Carried Chapman Catt, người mà mẹ Febb ngưỡng mộ. DB Burn cũng đồng thời khiến đám đồng viện mang bông hồng đỏ vô cùng giận dữ, nhưng điều đó đối với cậu hiển nhiên không quan trọng bằng mối quan tâm làm mẹ bất bình.
Hôm sau ngày bỏ phiếu thuận chuẩn đề luật TCA 19, chàng dân biểu trẻ lên diễn đàn Hạ Viện, và lần đầu tiên cậu bầy tỏ công khai sự ủng hộ quyền đầu phiếu cho mọi người (universal suffrage). “Tôi tin là chúng ta có bổn phận luân lý và pháp lý để phê chuẩn,” cậu tuyên bố. Song cũng không che đậy là mình chịu ảnh hưởng của Bà Febb—cũng như vai trò nòng cốt của bà trong câu chuyện nữ quyền tại Mỹ. “Tôi tin là lời khuyên của một bà mẹ luôn an toàn nhất cho người con trai của bà,” cậu giải thích. “Và mẹ tôi muốn tôi bỏ phiếu thuận chuẩn.”
Vào ngày 26 tháng Tám, TCA 19 chính thức được thông qua và đưa vào Hiến pháp theo tuyên bố của Ngoại trưởng Bainbridge Colby.
Mặc dù trong suốt thời gian một thế kỷ tranh đấu cho quyền đầu phiếu, phụ nữ Da Đen cũng đã đóng góp nhiều, nhưng quyền bỏ phiếu vẫn xa vời với họ vì các luật lệ địa phương đặt ra nhằm ngăn cản họ bỏ phiếu, như luật phải đóng thuế mới được bỏ phiếu (poll taxes), các luật lệ bầu cử linh tinh khác ở cấp địa phương, và những hạn chế khác–hạn chế không chỉ nhắm vào phái nữ mà còn cả nam giới người Da Đen. Phải mất hơn 40 năm nữa để tất cả mọi công dân Mỹ bất kể mầu da đạt được sự bình đẳng trong bầu cử với việc ban hành Luật Công Dân Bầu Phiếu 1965 dưới thời Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Lyndon B. Johnson ban hành, kết quả của cuộc tranh đấu cho dân quyền dưới sự lãnh đạo của Mục sư Martin Luther King.
Dù vậy, từ gần chục năm trở lại đây người ta lại thấy có những hạn chế đủ loại của chính phủ các tiểu bang, phần lớn là các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa, nhằm làm nản lòng cử tri, như đòi phải trình căn cước có hình ảnh mới được lãnh phiếu bầu, hoặc rút ngắn hạn ghi danh xin bỏ phiếu bằng thư hoặc bỏ hẳn không cho bỏ phiếu qua bưu điện, gây khó cho cử tri giới lao động không xin được phép nghỉ, dù chỉ vài tiếng đồng hồ, để đi bầu vào ngày trong tuần, hoặc hạn chế số thùng bỏ phiếu nơi công cộng, v.v… Chưa kể có thứ luật vớ vẩn, nếu không là vô nhân đạo, như cấm cung cấp nước uống và đồ ăn cho những người xếp hàng chờ vào phòng phiếu nữa.
Theo cơ quan nghiên cứu Brennan Center for Justice, trong năm 2021, đã có tới 19 tiểu bang, nằm trong vòng kiểm soát của Đảng Cộng hòa, ban hành 33 luật mới nhằm làm cho việc bỏ phiếu khó khăn hơn.
Cũng vậy là những hạn chế gần đây với giới phụ nữ, đặc biệt quyền làm chủ chính thân xác mình cũng như quyết định của mỗi gia đình với việc xây dựng gia đình của riêng mình mà không bị chính quyền dù là liên bang hay tiểu bang xen vào, hoạch định này khác, như trong một chế độ độc tài kiểu cộng sản. Điển hình là việc cấm phá thai, ngay cả trong những trường hợp bị hãm hiếp hay thai nhi bất bình thường, có thể gây nguy hại tới sức khỏe của sản phụ, hoặc xẩy thai, hoặc vì các lý do kinh tế gia đình, kể từ khi luật cho phép phá thai bị Tòa Tối Cao Pháp Viện Mỹ bác bỏ mặc dù đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ qua. Từ đó gây ra những thảm kịch giây chuyền khác, kể cả việc hành nghề theo lương tâm của giới y khoa.
Đôi khi tôi không khỏi tự hỏi: không biết những nhà lãnh đạo trong giới bảo thủ và chịu ảnh hưởng bởi các thế lực Thiên Chúa giáo có nhận thấy là khi cấm phá thai, giới bị ảnh hưởng nhiều nhất là dân Da Màu, mà phần lớn là giới kém lợi tức. Giới bảo thủ, ai cũng biết là gồm đại đa số là Da Trắng và khá giả, ít nhiều đều muốn duy trì nước Mỹ như một quốc gia của người Da Trắng, và thuộc Thiên Chúa giáo, dù ít ai nói ra điều này. Khi cấm phá thai, hiển nhiên là dân số dân Da Màu sẽ chỉ thêm tăng trưởng. Khối dân gọi là thiểu số gồm người Da Màu thực ra đã và đang trở thành đa số và đa dạng, đa sắc mầu, bên cạnh các sắc dân di cư từ bốn phương tiếp tục tới hàng năm tiếp tay xây dựng đất nước này. Những người bảo thủ liệu có nhìn xa được đến thế?
Điều hiển nhiên ai cũng biết, quyền đầu phiếu là quyền căn bản của người dân của một nước dân chủ. Nó cho người dân cái quyền có tiếng nói: Nếu vị dân cử nào không biết lo và phục vụ quyền lợi của người dân, hoặc tham nhũng, người dân có quyền bỏ phiếu loại vị đó ra, và bầu cho người họ cho là đặt quyền lợi của đại đa số dân chúng và của quốc gia trên cả những liên hệ bè nhóm đảng phái cá nhân. (Dân tộc Việt Nam chỉ được hưởng quyền này, dù bầu cử chưa được hoàn thiện, trong vòng vỏn vẹn có 20 năm dân chủ ngắn ngủi 1955-1975.)
Hàng năm tại Mỹ, ngày Phụ Nữ Bình Đẳng là ngày mừng những thành quả đã đạt được của các nhà hoạt động cho nhân quyền cho nữ giới. Đồng thời để bảo đảm là nữ giới phải có được các cơ hội để phát triển qua giáo dục và thăng tiến trong nghề nghiệp, bên cạnh những hỗ trợ cần thiết cho sức khỏe, gia đình với trẻ nhỏ, và các điều kiện kinh tế, xã hội khác. Và đặc biệt, là quyền riêng tư tự quyết định trong việc sinh sản của cá nhân và gia đình mình.
[TD2023-08]
Tìm hiểu thêm:
One Hundred Years Toward Suffrage: An Overview
https://www.loc.gov/rr/print/list/076_vfw_timeline.html
Women’s Suffrage – Primary Source Set
https://www.loc.gov/classroom-materials/womens-suffrage/?loclr=bloglaw
How Suffragists Pioneered Aggressive New Tactics to Push for the Vote
https://www.history.com/news/women-suffrage-movement-new-tactics-protest-vote
Voting Rights Milestones in America: A Timeline
Through the decades, the right to vote in U.S. elections has seen massive change and expansion.
https://www.history.com/news/voting-rights-timeline
Voting Rights Act of 1965
https://www.history.com/topics/black-history/voting-rights-act
Women’s Suffrage Worldwide
https://www.wilsoncenter.org/article/worldwide-womens-suffrage-timeline