LÝ THÀNH PHƯƠNG
Dân tộc Hebrew còn gọi là Israel, hay Do Thái, là một giống dân du mục sống trong vùng Chaldee của văn minh Lưỡng Hà.
Vào khoảng năm 1200 TCN, bộ tộc du mục Do Thái di chuyển đến lưu vực sông Nin và bị người Ai Cập bắt làm nô lệ. Có một năm nước Ai Cập bị bệnh dịch hoành hành, quốc vương Ai Cập nghe theo lời các vị tu sĩ, ra lệnh bắt các trẻ sơ sinh Do Thái đi trấn nước để tế thần sông Nin mong thần giúp khống chế bệnh dịch.
Một phụ nữ nô lệ người Do Thái, sau khi sinh hạ một con trai, đã tìm cách giấu đứa bé đi và khi biết không thể bảo vệ đứa bé lâu hơn nữa, đã đặt đứa bé vào một cái nôi và thả trôi theo dòng sông Nin. Chiếc thuyền con định mệnh này đã trôi giạt vào nơi công chúa Thermuthis đang tắm cùng các nữ tì. Công chúa thấy đứa bé nằm trong nôi bèn ra lệnh vớt lên, đem vào cung, và nhận làm con nuôi. Công chúa đặt tên đứa bé là Mosheh hay ngày nay gọi là Moses, trong tiếng Hebrew là Mashah nghĩa là được “cứu khỏi nước.”
Khi trưởng thành, Moses nhận thấy người Do Thái phải sống lầm than trong kiếp nô lệ. Khi chứng kiến một quản nô Ai Cập đánh đập một người Do Thái, Moses giết người quản nô Ai Cập và vùi xác người ấy trong cát. Không ngờ việc giết người bị tiết lộ cùng với xuất thân nô lệ của Moses, chính quyền Ai Cập ra lệnh lùng bắt ông để xử tử, nên ông phải trốn khỏi kinh thành.
Một ngày kia khi lang thang trên núi, thì Thượng đế hay thường được gọi là Chúa (God) hiện ra và chỉ cho Moses con đường để dẫn dắt dân tộc Do Thái đến một vùng đất mà Chúa dành cho họ gọi là “Đất Hứa.” Theo lời chỉ dẫn của Chúa, Moses trải qua nhiều năm mới dẫn dắt đồng bào của mình đến miền đất hứa, xây dựng nên thành Jerusalem, và lập ra nước Israel.
Sau huyền thoại Moses, người Do Thái tin rằng Thiên Chúa là đấng sáng tạo ra vũ trụ và các giống loài trên vũ trụ. Đạo Do Thái được hình thành từ tín ngưỡng này, họ chỉ thờ Thiên Chúa và lúc đó họ gọi là Yahve. Đạo Do Thái cho rằng tổ tiên của giống dân Do Thái và Ả Rập là ông Abraham, vị vua đầu tiên đã hướng dẫn các bộ tộc ở Trung Đông cách tổ chức xã hội, trồng trọt, chăn nuôi và hình thành một nền văn minh sớm nhất của xã hội loài người thời đó. Những câu chuyện bắt đầu từ lúc Abraham lập quốc, đến Moses, và nhiều vị vua khác được ghi lại bằng ngôn ngữ và chữ viết Hebrew trong kinh thánh Tanakh. Sau này chúa Jesus, một người Do Thái đã khởi nguồn cho đạo Công Giáo, do đó kinh Tanakh được người Công Giáo đổi tên thành kinh thánh Cựu ước.
Sau Ai Cập, các thế lực khác lần lượt nổi lên đánh chiếm lãnh thổ Israel của người Do Thái như Assyrie, Ba Tư, Hi Lạp, rồi La Mã, và sau này đế quốc Hồi giáo Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Do Thái mất nước đi lưu lạc khắp nơi.
Trong thời gian thuộc La Mã, sự kiện ra đời của chúa Jesus vào năm đầu của Công nguyên đã làm thay đổi vận mạng của người Do Thái. Chúa Jesus xuất thân trong một gia đình Do Thái và tự nhận là mình là con của Thiên Chúa có sứ mạng xuống thế cứu rỗi loài người. Việc này làm cho những bậc trưởng lão trong Do Thái giáo cho là sự xúc phạm đến Thiên Chúa của họ. Cuối cùng với áp lực của các trưởng lão, chính quyền La Mã buộc phải xử tử chúa Jesus bằng cách đóng đinh ngài trên thập tự giá. Ngay khi chúa Jesus ngã xuống thì có một trận động đất xảy ra ở Jerusalem nơi hành quyết ngài, điều này làm cho người thời đó rất tin chúa Jesus.
Dần dần người La Mã và người ở Âu Châu thuộc Đế quốc La Mã càng ngày càng bị thuyết phục bởi giáo lý của tín đồ theo chúa Jesus. Đạo Công Giáo ra đời và càng ngày càng lớn mạnh thu hút đại đa số dân Âu châu. Kinh Tân ước viết lại sự giáng sinh của chúa Jesus, những lời giảng dạy của ngài, cùng với việc hy sinh trên thập tự giá với nguyện vọng rửa tội cho loài người. Cùng với kinh thánh Cựu ước cải tên từ kinh thánh Tanakh, hai bộ kinh này trở thành kinh thánh của đạo Công Giáo.
Nhưng sự kiện chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá trong kinh thánh Tân ước làm cho người Công Giáo nghĩ rằng nguyên nhân là do người và đạo Do Thái gây ra. Vì vậy nó trở thành một mối ác cảm triền miên với những người Do Thái.
Từ truyền thuyết Moses là sứ giả đầu tiên của Thượng đế phái xuống cứu dân tộc Do Thái và dẫn dắt họ về miền đất hứa đã hình thành đạo Do Thái và kinh Cựu ước. Những người Do Thái đều rất tin tưởng vào huyền thoại này, do đó hầu như người Do Thái nào cũng theo đạo Do Thái và học tập theo kinh thánh của họ. Có thể nói người Do Thái và đạo Do Thái là một tổng thể không thể tách rời ra.
Kinh thánh Cựu ước không phải đơn thuần là những lời giảng của Thượng đế dạy cách làm người, mà còn là một tổng hợp của những kiến thức văn minh của nhân loại bao gồm các lĩnh vực triết học, văn học, lịch sử, và khoa học cho đến thời điểm trước khi chúa Jesus giáng sinh.
Từ sự ngoan đạo và siêng năng học tập kinh thánh qua nhiều thế hệ, đại đa số người Do Thái có kiến thức tốt, kỹ năng tốt, sáng tạo, hiền lành, ít bạo động, và có tinh thần giáo dục con cái tốt. Truyền thống này, trải qua nhiều thế hệ, đã làm cho người Do Thái càng ngày càng trở nên thông minh và khéo léo hơn các chủng tộc khác. Cộng đồng của họ lúc nào cũng dẫn đầu trong tỷ lệ những nhà thông thái, những nhà buôn thành công, hay có tay nghề tốt. Sự nổi bật này gây ra một sự kỳ thị bởi các chủng tộc khác, làm cho những cộng đồng Do Thái trở nên co cụm lại để bảo vệ lẫn nhau. Điều này càng làm cho sự ác cảm đối với chủng tộc Do Thái càng sâu sắc hơn.
Vào khoảng thế kỷ thứ 14, thơ truyện của Shakespeare được nhiều trí thức ở Âu châu ưa chuộng. Trong thơ văn của ông có nhiều đoạn diễn tả hình tượng người Do Thái làm cho độc giả có cảm tưởng những người Do Thái có chung một đặc tính là ích kỷ, tham lam, và bần tiện.
Với những mâu thuẫn về tôn giáo, chủng tộc, và xã hội như vậy, người Do Thái càng ngày càng bị kỳ thị ở những nơi mà họ dung thân. Trong nhiều quốc gia ở Đông Âu, người Do Thái bị tập trung sống trong những vùng gọi là Ghetto có nghĩa là vùng hạ tiện.
Vào khoảng năm 1930, sự trỗi dậy của nước Đức sau thế chiến thứ nhất và đảng Đức Quốc Xã dưới sự lãnh đạo của Hitler với thuyết chủng tộc cho rằng chủng tộc Đức là thông minh nhất. Nhưng có thuyết cho rằng giống Do Thái – Ashkenazi thông minh hơn cả giống Đức. Có lẽ điều này đã làm cho Hitler nảy ra ý định tiêu diệt hết những người Do Thái ở nước Đức và những vùng lãnh thổ mà quân đội Đức Quốc Xã chiếm đóng ở Đông Âu, để chỉ còn lại chủng tộc Đức là siêu việt nhất. Hàng triệu người Do Thái bị đưa vào những trại tập trung của Đức Quốc Xã, lao động khổ sai, rồi bị thảm sát.
Trong khi đó ở những nơi chính trị thoáng hơn như Anh, Pháp, và Hoa Kỳ thì có rất nhiều người gốc Do Thái rất thành công trong lĩnh vực chính trị và tài chánh. Hiện tượng người Do Thái bị thảm sát đã gây ra một sự bức xúc lớn trong cộng đồng họ. Những người Do Thái có uy tín ở các quốc gia này đã thành lập một tổ chức gọi là Lyonnais với mục đích cứu những người Do Thái khỏi bàn tay diệt chủng của Đức Quốc Xã.
Hội này quyên góp tài chính từ các cộng đồng Do Thái ở khắp nơi trên thế giới rồi đến vùng đất Jerusalem lúc đó là lãnh thổ của nước Palestine của những người Hồi giáo Ả Rập, nơi từng là vùng đất hứa mà Thượng đế bảo Moses dẫn dắt người Do Thái đến lập quốc, để điều đình với các địa chủ người Ả Rập ở đó mua từng mảnh, từng mảnh đất nhỏ ở nơi đó. Hội này dùng ảnh hưởng chính trị và tài chánh của họ cứu thoát hàng trăm ngàn người Do Thái và dùng tàu chở những người này đến vùng đất mới. Chiến dịch này gọi là “Exodus” tạm dịch là “Về miền đất hứa”.
Với sự hỗ trợ về tài chánh và kỹ thuật, những người tị nạn Do Thái này bằng nhiều hình thức sáng tạo khác nhau như trải cao su trong lòng đất để giữ nước, dẫn thủy nhập điền… Họ đã biến vùng sa mạc khô cằn thành những cánh đồng nông nghiệp phì nhiêu làm nơi dung thân mới.
Những chính quyền Ả Rập chung quanh vùng đất hứa Jerusalem dần dần nhận ra ý đồ phục quốc của hội Lyonnais. Những cuộc xung đột thường xuyên xảy ra, nhưng những người tị nạn Do Thái này, có tổ chức tốt, có sự hỗ trợ từ bên ngoài, và với tinh thần phục quốc mãnh liệt đã chống trả quyết liệt để bảo vệ mảnh đất hứa này. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt vào năm 1945, sau nhiều cuộc vận động của ảnh hưởng Do Thái ở Anh và Mỹ, Liên Hiệp Quốc đã quyết định công nhận quốc gia Israel vào năm 1948.
Hiện tượng một nước Do Thái và đạo Do Thái phục quốc ngay trong lòng của một quốc gia Hồi giáo Ả Rập và bao bọc chung quanh là những nước Hồi giáo Ả Rập lớn mạnh khác trở thành một cái gai trong tim của những người Hồi giáo. Chính quyền yếu kém Palestine với sự hỗ trợ tối đa của các chính quyền Hồi giáo Ả Rập chung quanh liên tục tấn công nước Israel non trẻ này. Vào năm 1967, liên quân 7 nước của cộng đồng Hồi giáo Ả Rập bao gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq, và Cộng Hòa Ả Rập Thống Nhất với sự trợ giúp vũ khí từ Liên Xô và nhiều nước khác đã tấn công Israel.
Với sự chênh lệch quá lớn về quân số, vũ khí, và nhân lực vật lực cho cuộc chiến, nhưng những người Do Thái với sự trợ giúp của Mỹ, đã đánh bại liên quân Ả Rập chỉ trong vòng 6 ngày và phá hủy gần như toàn bộ máy bay quân sự của liên quân Hồi giáo. Thậm chí họ còn chiếm thêm nhiều lãnh thổ của liên quân tiếp giáp với vùng biên giới của họ.
Từ đó đến nay sự mâu thuẫn của khối Hồi giáo Ả Rập và Do Thái – Mỹ tiếp tục gia tăng. Khối Hồi giáo Ả Rập tuyên bố một cuộc thánh chiến với Mỹ và Do Thái. Họ thực hiện nhiều hoạt động phá hoại khủng bố khắp nơi cụ thể nhất là biến cố 9-11 năm 2001 khi Bin Laden tổ chức thành công phá tan tòa tháp tài chính Twin Tower ở New York.
Do Thái ngày nay
Với dân số khoảng hơn 8 triệu người, thủ đô là Tel-Aviv, quốc gia Israel – Do Thái ngày nay được xem là một nước khá phát triển, mặc dù lợi tức trung bình không phải vào hàng bậc nhất, nhưng họ dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như khoa học, y tế, và nhất là hệ thống giáo dục.
Ngoài người Do Thái ở trong nước, còn có khoảng 6 triệu người gốc Do Thái sống ở Mỹ và khoảng 3 triệu khác sống ở nhiều nước văn minh khác trên thế giới. Những cộng đồng Do Thái ở khắp nơi trên thế giới nổi tiếng có tỷ lệ thành đạt, nhất là trong lĩnh vực tài chính, cao nhất và vượt bậc trong các chủng tộc trên thế giới. Kinh thánh Cựu ước không những ghi lại những biến cố lịch sử liên hệ đến người Do Thái mà còn những kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác tổng hợp văn minh của người phương Tây vào thời thượng cổ. Đây quả là một công trình để lại ngàn đời sau của người Do Thái cho nhân loại.