Cảm hứng nhân dịp Tết Trung Thu

by Tim Bui
Cảm hứng nhân dịp Tết Trung Thu

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Bánh trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tên gọi trong tiếng Hoa là “Nguyệt bính” có nghĩa  là bánh mặt trăng.

Bánh trung thu điển hình là bánh ngọt, có hình tròn, đường kính khoảng 10cm và dày khoảng 3cm, và thường được ăn ở khu vực miền Nam và miền Bắc Trung Quốc. Nhân bánh thường được làm từ đậu đỏ hoặc bột hạt sen được bao quanh bởi lớp vỏ mỏng và có thể chứa lòng đỏ từ trứng vịt muối, tượng trưng cho mặt trăng. Bánh trung thu thường được dùng buổi tối kèm theo trà. Ngày nay, theo thông lệ, các doanh nhân và gia đình sẽ mua bánh tặng cho khách hàng hoặc người thân làm quà, giúp thúc đẩy nhu cầu về bánh trung thu cao cấp.

Do ảnh hưởng của Trung Quốc, bánh trung thu và Tết Trung thu cũng được thưởng thức và tổ chức ở các khu vực khác của châu Á. Bánh trung thu cũng đã xuất hiện ở các nước phương tây như một hình thức du nhập văn hóa.

Ở Trung Quốc thuở xa xưa, nhiều Lễ hội được liên kết chặt chẽ với truyền thuyết của Hằng Nga – nữ thần Mặt trăng bất tử. Theo Kinh Lễ, một cuốn sách ghi lại các phong tục và nghi lễ, trong bộ tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc, viết rằng Hoàng đế Trung Quốc nên hiến tế cho mặt trời vào mùa xuân và mặt trăng vào mùa thu. Ngày 15 tháng 8 âm lịch là ngày trăng sáng nhất trong năm, do đó đêm 15 tháng 8 được gọi là “Đêm của mặt trăng”, được chọn làm thời điểm cúng tế mặt trăng. Trong văn hóa Trung Quốc đêm này gọi là đêm “Trung Thu” (ngay giữa mùa thu).

Có giả thuyết cho rằng, Lễ hội Trung Thu với truyền thống làm bánh hình tròn và lòng đỏ của trứng muối tượng trưng cho mặt trăng sáng rực là do một vì quan Thái Sư dưới thời nhà Chu trong thời kỳ Xuân Thu (771-476 TCN) đặt ra. Lúc đó, văn hóa còn thô thiển, nên người ta đặt tên cái bánh này là bánh Thái Sư. Đây có thể coi như là “thủy tổ” của bánh trung thu. Ban đầu, bánh này chỉ có dạng nhỏ như bánh Pía (có nơi gọi là bánh Bía) với nhân đậu xanh.

Đến thời Tây Hán (206 – 9 TCN), Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt mè, hạt hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho loại bánh này, nên nó được thêm loại nhân hồ đào và được nhiều mến chuộng. Giới trưởng giả gọi loại bánh này là bánh hồ đào.

Đến thời Đường (618- 907), ở thành phố Trường An, từng là kinh đô của nhiều triều đại, có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm trung thu, Đường Huyền Tông, một vị vua có nhiều truyền thuyết lãng mạn như Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào, thưởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh không hay nên đặt tên là bánh nguyệt (bánh mặt trăng) cho thơ mộng hơn. Từ đó về sau người Trung Quốc gọi nó là bánh mặt trăng.
Căn cứ theo văn hóa Trung Quốc qua các thời kỳ, lễ hội trung thu trước đó cũng là một lễ hội bình thường như những lễ hội thưởng trăng khác như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Chạp… Cho đến khi quân Mông Cổ thống trị Trung Nguyên, vào thế kỷ thứ 13, lực lượng cách mạng của Minh giáo, là tên gọi tiểu thuyết của Bái hỏa giáo, một giáo phái thờ Thần lửa, do một nhà sư hoàn tục tên Chu Nguyên Chương lãnh đạo, chọn ngày Lễ trung thu làm thời điểm tổng khởi nghĩa. 
Để qua mặt hệ thống gián điệp của chính quyền Mông Cổ, Minh giáo phổ biến một thông điệp qua một mật mã được in vào bề mặt của bốn chiếc bánh trung thu. Để đọc thông điệp này, mỗi trong bốn chiếc bánh trung thu được cắt thành bốn phần.16 mảnh. Kết quả được ghép lại với nhau theo một phương thức bí mật đã được phổ biến trước để diễn dịch thông điệp. Những miếng bánh trung thu sau đó được ăn để phá hủy thông điệp này.

Cuộc khởi nghĩa thành công. Minh giáo và lực lượng khởi nghĩa cuối cùng đánh bại quân Mông Cổ và lập nên nhà Minh, cai trị Trung Quốc hơn 200 trăm năm. Để tưởng niệm ngày phát động khởi nghĩa, Lễ trung thu trở thành một ngày lễ của quốc gia. Cái tên “Tết Trung Thu” được ra đời từ đó và hình dạng bánh trung thu cũng thay đổi với các chữ in trên mặt như dạng bánh bây giờ.

Tết Trung Thu đã du nhập vào văn hóa Việt Nam như thế nào?
Có giả thuyết cho rằng Lễ hội Trung Thu của Việt Nam không bắt nguồn từ Trung Quốc. Giả thuyết này cho rằng có hình ảnh trên Trống Đồng diễn tả sinh hoạt lễ hội đón ánh trăng. Thiết nghĩ hình ảnh thô sơ này không đủ tính thuyết phục.
Xét cho cùng thì văn hóa Việt Nam căn bản là văn hóa Trung Hoa. Thời điểm mà các vua Hùng xây dựng nước Lạc Việt vào khoảng 4000 năm về trước, khi mà người Lạc Việt còn mặc quần áo bằng lá cây và ở trên các chòi cao để tránh thú dữ như đã được mô tả trên mặt Trống Đồng, thì người Trung Nguyên, dưới thời nhà Chu đã có quần áo làm bằng lụa là, có xe tứ mã rèm che, và đã có đền đài cung điện. Văn hóa Việt Nam ta có tính tiếp thu và sẵn sàng học hỏi văn minh của nước ngoài. Cho nên không có gì xấu hổ khi thừa nhận là Lễ hội Tết Trung Thu, hay Tết Nguyên Đán và còn nhiều thứ nữa là từ Trung Quốc du nhập vào.

Vậy nó đã du nhập vào từ thời điểm nào?
Nếu xem lại các mốc quan trọng nhất trong lịch sử có thể kể đến giai đoạn 1000 Bắc thuộc (thế kỷ thứ 1 – thế kỷ thứ 10), rồi đến 20 năm trong thời kỳ Minh thuộc (1407-1427) thì sinh hoạt Lễ hội Trung Thu ít nhiều đã có ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là trong thời kỳ cận đại hơn, khi các chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ về phía Nam đã tiếp nhận ba nhóm người Tàu từ các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung quốc vào định cư ở Biên Hòa -Sài gòn, Định Tường- Mỹ Tho, và Hà Tiên-Rạch Giá ở miền Nam Việt Nam bây giờ.

Nên nhớ rằng nhà Minh khởi nghiệp ở Nam Kinh thuộc miền Nam của Trung Quốc rất gần với khu vực Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây). Cho nên phong tục Tết và bánh trung thu rất thịnh hành ở miền Nam Trung Quốc, có lẽ do những nhóm di dân này mang vào miền Nam nước Việt Nam.

Cũng giống như những loại thức ăn khác như mì, hủ tiếu của Trung quốc với nước lèo, vài lát thịt, và mấy cọng rau, thì khi vào miền Nam nước ta, với thức ăn phong phú, thì được bỏ thêm tôm mực và hành ngò hẹ giá. Bánh Trung Thu truyền thống của Trung Quốc, nguyên thủy từ bản quốc chỉ có nhân là đậu xanh, hồ đào, hoặc hạt sen xay nhuyễn cộng với một lòng đỏ hột vịt muối, thì khi vào miền Nam Việt Nam thì về hình thức có dạng hình tròn, có cái hình vuông; đến nội dung thì có nhân thập cẩm đủ loại hạt, gà quay, hay xa xỉ hơn còn có bào ngư  và vi cá nữa. Còn lòng đỏ trứng muối thì có cái có hai, nhiều cái “bự hơn” có đến bốn lòng đỏ.

Bánh trung thu ở Việt Nam, ngoài mua dùng trong dịp Tết Trung Thu, còn là món quà có ý nghĩa để tặng thân nhân – bạn bè, đáp đền ơn thầy cô trong dịp lễ hội này, ngoài ra còn là phương tiện để giới thương gia đút lót chánh quyền. Dĩ nhiên là không đơn giản chỉ là cái bánh thập cẩm trứng muối, mà trong lòng bánh còn có vàng lá – hột xoàn.

Một phiên bản khác của bánh trung thu là bánh Pía. Bánh Pía thường có kích thước hình tròn nhỏ hơn bánh Trung Thu, thường có nhân đậu xanh trộn với mứt bí đao, và cũng có lòng trứng muối. Nhiều nhà sản xuất trộn thêm ít sầu riêng vào nhân làm cho hương vị chiếc bánh Pía càng đậm đà và thơm ngon hơn. Hiện nay, có thể nói tỉnh Sóc Trăng là nơi sản xuất bánh Pía trứ danh nhất với tầm cỡ rất lớn và xuất cảng ra nhiều nước trên thế giới nơi có cộng đồng người Việt.
Một đặc điểm văn hóa đáng được ghi nhận là bánh trung thu hầu như sản xuất bởi những người Việt gốc Hoa. Nghề này có tính cha truyền – con nối. Nếu như thế hệ sau không tiếp tục, thì bộ đồ nghề làm bánh sẽ được tặng chứ không bán cho những đệ tử yêu nghề. Mỗi năm, khi đến dịp làm bánh trung thu, người nhận bộ đồ nghề sẽ tặng cho sư phụ những cái bánh mới ra lò có chất lượng nhất để tỏ lòng nhớ ơn.

Dù sao đi nữa thì văn hóa Tết Trung Thu cũng là một sinh hoạt lành mạnh, đáng được bảo tồn. Người lớn, sau những ngày làm lụng vất vả, đây quả là một dịp xả xì-trét giữa năm, khi đó mọi người có một buổi tối nhâm nhi miếng bánh ngọt khoái khẩu cùng với vài chung trà đầy hương vị. Còn trẻ nhỏ thì có dịp cùng nhau đi rước đèn tháng Tám.

Thuở nhỏ ở quê tôi, vào dịp lễ hội này, các thầy bậc tiểu học thường ra đề thủ công “xếp đèn Trung Thu”. Các trẻ tùy theo khả năng và sức tưởng tượng của mình thi thố tài năng. Có đứa thì làm đèn xếp hình tròn, có em thì dùng tre làm khung làm đèn hình con này con nọ, còn có  trẻ nhà nghèo thì lấy hộp lon sữa bò bỏ đèn cầy vào trong làm đèn xe đẩy.  Sau khi chấm điểm xong thì các đèn này sẽ cùng các em tung tăng ra khắp phố phường để cùng nhau đốt đèn ca hát.

Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm

Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng

Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu.
Tít trên cao dáng tròn xinh xinh
Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng
Rằm tháng Tám bóng Hằng trong sáng
Em múa ca vui đón chị Hằng.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights