HÀ GIANG
Một nhà báo ở Nam Cali từng dùng câu “sự lên ngôi của thức ăn lề đường” để nói về hiện tượng street foods, món ăn bình dân ngày càng xuất hiện trên thực đơn của những nhà hàng sang trọng ở Mỹ nói riêng và ở ngoài Việt Nam nói chung.
Ở Mỹ, người Việt chúng ta thường lấy làm thú vị khi thấy cảnh một ông mắt xanh mũi lõ ngồi ăn món Gỏi Đu Đủ Bò Khô hay Cơm Tấm Bì trong nhà hàng thanh lịch Brodard Chateau ở Little Sài Gòn, hay một bà tóc vàng chăm chú thưởng thức món Phở hay Gỏi Cuốn ở Crustacean ở Beverly Hills, một nhà hàng Việt Nam được xem là sang trọng bậc nhất tại Hoa Kỳ.
Có lần tôi nói với người bạn nước ngoài là hình như người ngoại quốc chỉ biết đến nền ẩm thực của Việt Nam qua những “thức ăn lề đường”, rồi bị lúng túng khi họ hỏi ngược lại: “Vậy những món ăn không lề đường là món gì?”
Ừ nhỉ!
Rủ bạn đi ăn thức ăn Việt Nam mà không chọn Phở, Hủ Tíu, Bánh Cuốn, Bánh Xèo, Đu Đủ Bò Khô, Gỏi Cuốn, Bún Chả Hà Nội, Cơm Tấm Bì Chả, Cơm Sườn Nướng, thì mời họ món gì bây giờ? Cơm phần chăng? Lỉnh kỉnh quá! Những món măng miến, gà đút lò, chỉ dùng để nấu cỗ, thì lại càng không thực tế.
Vậy câu hỏi được đặt ra là có phải nước Việt Nam chúng ta có nền ẩm thực lề đường phong phú, hay ngoài những món lề đường chúng ta không có món ăn nào đáng kể?
Câu trả lời dành cho những chuyên viên nghiên cứu ẩm thực nước nhà. Bài viết này xin chỉ tập trung vào đề tài thức ăn lề đường Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều tạp chí du lịch, một trong những thú vui của người thích đi đó đi đây, là được nếm thức ăn của dân bản xứ, và muốn hiểu thấu đáo được nền ẩm thực của nước nào thì chắc chắc phải “thức ăn lề đường” của dân tộc đó.
Việt Nam được nhiều du khách cho là một trong những quốc gia có một văn hóa thức ăn lề đường phong phú. Các blogs du lịch nói nhiều đến món ăn lề đường của chúng ta, mà đứng đầu phải kể là Phở, Gỏi Cuốn, Bánh Mì Thịt, Cơm Tấm Bì, Bún Thịt Nướng, những món hiện giờ đang được nhiều người ưa chuộng, và có thể nói là nổi tiếng thế giới.
Nhưng ăn thức ăn lề đường mà ngồi trong một nhà hàng sang trọng thì hỏng kiểu.
Muốn thưởng thức thức ăn lề đường chính hiệu thì phải ăn ở lề đường cơ, còn nếu cần phải ngồi trong nhà hàng cho đàng hoàng tươm tất, thì ít nhất cũng phải chọn nhà hàng chỉ nấu đặc biệt có một hay hai món.
Ăn ở lề đường là hòa mình với dòng sống của địa phương mình đến thăm. Quán lề đường có thể chật hẹp hay thoáng rộng, ghế ngồi có thể là những chiếc ghế nhựa nhỏ xanh đỏ đủ màu, hay bằng gỗ cũ kỹ đến không còn nhận ra được mầu gì, cô bán hàng có thể xinh xắn hay tuổi đã xế chiều, nhưng thức ăn ở những quán lề đường, thì chắc chắn là nóng hổi, tươi, ngon, vì quán chỉ tập trung bán mỗi một món đó, và chỉ khi khách gọi thì mọi thứ mới được bầy vào tô đĩa. Trong lúc đợi ăn, khách nhìn bàn tay nhà hàng thoăn thoắt thái, cắt, mở vung nồi, và hít vào phổi những hương vị thơm ngon vừa bay lên, và những điều đó là món khai vị tuyệt vời nhất.
Hồi còn nhỏ, khi lâu lắm được mẹ cho một tí tiền ăn vặt, tôi thường tìm ngay đến xe của ông bán đu đủ bò khô gần nhà. Món này sao mà khoái khẩu thế, cay, chua, ngọt, dòn, bùi, thơm đủ vị. Một phần có lẽ bụng trẻ con lúc nào cũng đói, phần vì mẹ tôi sợ mất vệ sinh không thích cho con ăn quà rong, nên trong thủa thiếu thời, tôi chưa bao giờ được ăn vặt cho… đã miệng.
Gọi xong một phần rồi, tôi bắt đầu khoan khoái ngồi nhìn ông bán hàng chuẩn bị đĩa ăn cho mình.
Thoạt tiên ông sẽ lấy ra một chiếc đĩa nhỏ xíu và mỏng dính ra từ chùm đĩa nhôm chất cao trên một bên xe, xong sẽ bốc những sợi đu đủ trong cái thùng đựng đu đủ bào với những sợi xanh lẫn với màu vàng hườm hườm. Tôi sẽ tiếc hùi hụi, khi nhìn những sợi đu đủ hiếm hoi từ tay ông rơi từ từ trở lại thùng, còn ông thì cứ sới mãi những sợi đu đủ lên cho đĩa trông đừng ít quá.
Sau đu đủ là đến tiếng kêu tách tách của chiếc kéo cắt những miếng bò khô và gan cháy nâu óng ả thành từng sợi. Những sợi rau quế thơm lừng cũng được cắt sợi. Rau quế cắt xong rồi, như một phù thủy, ông vẩy tay rắc lên đĩa những hột đậu phộng rang vàng rượm. Cuối cùng khi hai tay ông cầm hai chai nước dấm dầm tỏi xì dầu và tương ớt rắc rắc nhịp nhàng lên đĩa là nước miếng tôi đã ứa ra, trước khi đưa tay đỡ lấy chiếc đĩa nhôm và cả đôi đũa cũng bằng nhôm.
Sau này về Việt Nam, món đu đủ khô bò có vẻ cũng khác đi nhiều, ngoài bò khô gan cháy còn có thêm lỉnh nhỉnh những thứ khác, và đặc biệt là không còn tìm đâu thấy những đôi đũa nhôm thật nhẹ và chiếc đĩa nhôm mỏng dính, đã từ lâu trở thành icon của món ăn độc đáo này.
Gỏi Cuốn là một món lề đường khác cũng một thời làm tôi điên đảo, nhưng thôi để hẹn đến bài sau…