NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Đi ngược lại lộ trình buổi sáng hôm đó, Giang và Tâm trở về kinh thành. Mặt trời còn cao và buổi chiều khá nóng nực. Dưới nón Giang đang đội, chàng nhìn thấy một lớp mồ hôi mỏng ở thái dương của nàng. Tâm biết mình cũng đang đổ mồ hôi.
Nàng vừa đi vừa trò chuyện và chỉ cho chàng biết những đặc điểm ở hai bên đường. Thời gian trôi nhanh qua, và chẳng bao lâu đã về đến nhà của Giang. Một người lính chạy ra mở cổng.
Tâm đang chuẩn bị chào tạm biệt thì chị hầu chạy ra đón. Chị ấy hỏi và trách Giang liên tục.
“Cô nương đi đâu vậy? Mạ cô lo lắm. Bà ấy mắng cháu tại sao không đi theo và để cho cô đi quá lâu mà không thấy mặt mũi đâu cả. Cơm trưa đang chờ cô nương, nhưng bây giờ nguội tanh rồi. Trông mặt cô đỏ rực còn quần áo thì ướt đẵm.”
Giang cố trấn an chị hầu.
“Tôi đưa Thầy Tâm đi viếng chùa Thiên Mụ và ăn bữa trưa ở đó với Ông chú rồi. Chùa không xa nhưng cũng phải mất thời gian vừa đi vừa về. Rồi còn ghé sang thăm cô nhi viện nữa.”
Tâm lúc đó mới nhận định rằng hơn nửa ngày đã trôi qua: “Để tôi vào cho mạ của Giang biết rằng không có gì để lo, và luôn
tiện xin lỗi đã bắt Giang đi quá lâu.”
Giang vừa đi vừa nói: “Thầy muốn vào thì vào, nhưng Thầy không phải xin lỗi gì cả. Mạ sẽ không mắng em, nếu Thầy lo lắng về chuyện đó.”
Qua cổng rồi, Giang quay lại hỏi:
“Thầy Tâm có biết cưỡi ngựa không?”
“Hồi còn nhỏ, tôi được cưỡi ngựa, nhưng chỉ một lần thôi,” chàng trả lời, trong bụng thắc mắc không hiểu tại sao nàng lại hỏi câu đó và có ý định gì. Nhưng nàng không nói thêm điều gì.
***
Lúc gần cuối ngày, sau khi tắm xong Giang đang chải mái tóc ướt trong phòng ngủ chung trong khi cô em chăm chú nhìn chị. Mai nhận thấy một sự thay đổi trong khí sắc của người chị sau chuyến đi bộ ngày hôm đó. Măc dầu có khó chịu khi không biết Giang đi đâu trong ngày, bà mẹ đã không ra mặt phẫn nộ, nhất là sau khi được biết hai người đã lên chùa gặp và ăn trưa cùng thượng tọa trụ trì, chú ruột của mình. Còn Giang thì mơ màng trong khi đang lau khô và chải tóc.
“Chị ơi, nếu chị cho em biết trước chị đi lên chùa, em đã nói đỡ cho chị với Mạ rồi.”
“Nhưng cho tới khi Thầy Tâm nói muốn đi xem chùa Thiên Mụ, chị không biết sẽ đi đâu.”
Mai đằng hắng rõ rệt trước khi nói:
“Em chẳng dám đi một mình với Thầy Tâm, trừ phi xịn phép Mạ trước. Chị liều hơn em nhiều. Dạo này, chị chỉ toàn nói chuyện
về người ta. Chị đừng tưởng em không để ý đâu.”
“Thế còn mi với tên sĩ quan Pháp thì sao?
Đừng tưởng chị không để ý đến đôi mắt cún con của em mỗi khi hắn đến nhà này.”
Mai thở dài.
“Chị Giang ơi, hắn lâu lâu mới đến đây, và lần nào cũng vì công việc với ba. Hắn không để ý đến em, nhưng mà sĩ tử của chị không thờ ơ với chị đâu.”
“Chị không biết gì về chuyện đó.”
“Chuyện người ta nghĩ gì về chị hả? Nếu em là chị, em sẽ hỏi người ta ngay. Hà!”
Giang chìm đắm trong những suy nghĩ riêng tư của mình một lúc lâu rồi mới lên tiếng.
“Chị sẽ không hỏi. Khi người ta muốn, người ta sẽ nói cho chị biết. Chị sẽ chờ.”
Sau vài ngày, Giang và Tâm quay trở lại cô nhi viện. Hôm đó Giang mang theo mấy túi lớn đựng thực phẩm. Thay vì đi với chị hầu, nàng mời Tâm đi cùng.
Cả hai đi bộ bên cạnh con ngựa. Như thường lệ, Bác Thanh và lũ trẻ chào đón nhiệt tình. Những đứa lớn lanh lẹn khiêng các túi lớn xuống, rồi sau đó Giang và mấy đứa nhỏ đi về phía nhà bếp, để Tâm ở lại với ông già.
“Bác Thanh, tôi có thể làm gì phụ bác hôm nay?”
Ông già lắc đầu.
“Thầy không phải làm gì cả. Việc Thầy đến đây đủ làm cho bọn trẻ thích rồi. Chúng nó thường mong thấy cô nương, nay lại có Thầy nữa, chúng nó mừng lắm!”
“Bác phải giao cho tôi một phận sự gì chứ. Ở quê nhà, tôi trông nom vườn rau và tất cả cây cối. Vì vậy tôi biết những công việc phải làm rồi. Nói thật với bác, tôi nhớ những việc đó lắm từ khi đến kinh thành.”
Bác Thanh và Tâm đi về phía sau cô nhi viện, nơi trồng rau trên những luống đất thật dài. Không thấy bóng một đứa trẻ nào cả. Bác Thanh trả lời câu mà Tâm dự định hỏi.
“Mỗi đứa trẻ đều có phận sự trong vườn rau, nhưng chúng nó chắc đang vây quanh cô nương. Mỗi lần đến đây là cô ấy mang mè xửng hoặc những thứ bánh kẹo khác, và bao giờ bọn trẻ cũng muốn được thêm những đồ ngọt đó.”
“Vậy bác để tôi làm nốt công việc có đứa bỏ dở. Ở chỗ này, dường như ai đó bắt đầu làm cỏ nhưng chưa xong. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho tới khi xong chỗ này.”
Ông già phản đối thêm một lần chót.
“Nếu Thầy muốn làm cỏ, nhưng thật sự Thầy không phải làm gì cả!”
Tâm cởi áo dài ra và định treo lên một bụi cây cao nhưng Bác Thanh cầm lấy đem đi.
“Tôi sẽ treo áo vào trong nhà cho Thầy.”
Chàng sắn tay áo, cầm cuốc lên và khởi sự làm cỏ. Chàng thích cảm giác của những động tác quen thuộc và chỉ trong chốc lát đã di chuyển một cách thành thạo theo các luống rau. Khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng và mỗi luống đều có cây rau ở nhiều
giai đoạn tăng trưởng khác nhau, có lẽ để tránh tập trung các vụ gặt hái và dồn quá nhiều rau hái được vào cùng một thơi điểm. Đang mải miết với công việc làm vườn, chàng không để ý đến một đứa bé gái đã đến gần và đang quan sát chàng. Cô bé theo sát chàng như hình với bóng cho tới lúc chàng nhìn thấy và ngưng tay lại.
“À, cháu bé đấy hả!”
Cô bé mỉm cười và đôi mắt mở to ra thêm, hài lòng vì chàng đã không quên mình. Mồm cô bé đang nhai, chắc là một miếng mè xửng.
“Cháu ăn gì vậy?” Tâm hỏi.
“Kẹo,” cô bé trả lời, giơ tay phải lên và xòe bàn tay ra để lộ một miếng kẹo. “Miếng này cho Thầy.”
“Ồ, cám ơn em, nhưng thôi em giữ cho em đi.”
“Cô ấy bảo mang ra mời Thầy.” Rõ ràng cô ấy là Giang.
“Thế hả? Vậy bây giờ tôi cho em. Giữ lấy để lát nữa ăn.”
Cô bé khăng khăng.
“Không, chảu muốn Thầy ăn.”
Chàng đành phải cầm lấy miếng kẹo.
“Tên cháu là gì?”
Trước khi trả lời, cô bé nhìn kỹ cho tới khi Tâm để miếng kẹo vào trong mồm và bắt đầu nhai.
“Lượm.”
“Tên cháu là Lượm? Thật hả?”
“Dạ. Ông Thanh lượm được cháu ở ngoàicổng, và ai cũng gọi cháu là con Lượm,” cô bé giải thích, làm như cái tên đó là cái tên tự nhiên nhất đặt cho mình.
Tâm lấy hai bàn tay nắm vào cán cuốc, chống cằm nhìn cô bé rồi nhìn dòng sông Hương lóng lánh đằng xa. Chàng thử tưởng
tượng hoàn cảnh của người mẹ phải bỏ đứa con của mình. Gia đình người mẹ nghèo đói, hay là có lý do gì khác? Đứa bé đã lớn lên và trở thành một cô bé xinh xắn. Nếu nhìn thấy con bây giờ, người mẹ sẽ nói gì? Còn người cha đâu?
“Hôm nay Thầy Tâm kiếm được một cô bạn gái nhỏ phải không?” Giang mỉm cười hỏi chàng. “Từ hôm đầu đến bây giờ, nó vẫn nhớ đến Thầy. Lúc em phân chia kẹo mè xửng ra, nó xin em thêm một miếng để đưa cho Thầy.”
“Cô bé xinh quá, với một cái tên lạ lùng,” chàng nói.
“Không người nào biết cô bé từ đâu đến hoặc cha mẹ là ai. Mẹ, hay một người nào khác, đã bỏ đứa bé ở trước cửa cô nhi viện
khi nó chỉ mới được vài tuần.”
“Mới ra đời như vậy làm sao mà sống nếu không có sữa mẹ?”
“Bác Thanh phải khổ công đi chung quay đây xem nhà nào có một bà mẹ mới sinh để hỏi xem có ai bằng lòng cho nó bú hàng ngày không. Cũng may là có một người đang dự định cai sữa cho con. Người ta chịu cho Lượm bú để đổi lấy gạo nuôi cả gia đình. Cô bé rất ngoan, không khóc nhiều, và đã sống sót được cho đến bây giờ.”
Lòng Tâm vẫn còn nhớ đến hình ảnh cuối cùng lúc rời cô nhi viện.
“Cô bé trông thật xinh đẹp ngay cả lúc buồn rầu vì hai chúng mình phải đi về. Sao lại có người bỏ con như thế được?”
Những ngày sau đó, Tâm quay trở lại cô nhi viện mỗi khi có cơ hội. Bác Thanh yêu cầu chàng mở lớp dạy cho lũ trẻ. Chàng dạy chúng những bài thơ nổi tiếng và kể cho chúng nghe về đời và thời đại cúa những vị anh hùng trong lịch sử Việt Nam. Chàng còn vẽ bản đồ trên mặt đất để cho các đứa bé thấy vị trí của những vùng chính trong đất nước và vị trí liên quan đến kinh đô Huế.
Một hôm, chàng đang mải kể chuyện cho lũ trẻ và không nhìn thấy Giang đang đứng ở một góc nhìn chàng không biết từ bao giờ. Khi hai đôi mắt tình cờ gặp nhau, nàng gật đầu, mỉm cười, rồi bỏ đi lo công chuyện khác. Chàng mê mẩn nhìn vào không gian trống nơi nàng mới bỏ đi. Một lúc sau, chàng cảm thấy có ai kéo tay áo.
“Thầy kể nốt chuyện đi,” cô bé tên Lượm yêu cầu.
(Còn tiếp)
Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-6/
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-5/