NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Giám khảo
Giám khảo là những vị khoa bảng đã từng thi đỗ trong quá khứ và đang phục vụ trong triều đình hoặc tại một trong sáu bộ của chính quyền thời phong kiến. Bộ Lễ là bộ đứng ra tổ chức các kỳ thi, cho nên quan Thượng Thư Bộ Lễ là người toàn quyền chọn lựa giám khảo. Sau khi được lựa chọn, các giám khảo phải bị cách ly từ ngày khởi sự kỳ thi cho đến khi chính thức niêm yết danh sách các sĩ tử thi đỗ.
Các quan giám khảo sống ngày đêm tại một phần của điện Cần Chánh để chấm bài thi. Họ thảo luận với nhau, ăn và ngủ trong những phòng dành riêng cho họ, và cả ngày lẫn đêm có lính gác kiểm soát mọi sự ra vào. Trong suốt thời gian thi cử, tất cả các giám khảo không được liên lạc với gia đình hoặc bất cứ ai ngoại trừ các quan giám thị tuần tiễu thường trực chung quanh nơi thi.
Số sĩ tử tham dự kỳ thi tại kinh đô thay đổi tùy năm, từ mấy chục cho đến mấy trăm người. Mỗi thí sinh phải nộp tám văn bản viết về những đề mục dựa theo một danh sách những câu hỏi do các quan triều đình cao cấp nhất trình nạp và đươc nhà Vua
phê chuẩn.
Khi nộp bài, phần trên cùng của quyển thi, nơi thí sinh đã viết tên mình, bị rọc phách. Sau đó, mỗi bài thi đã bị rọc phách được chỉ định một con số thứ tự. Danh sách tên thí sinh và số hiệu được giao cho hai sĩ quan. Hai người này giữ danh sách đó
nhưng không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào vì họ không biết chữ. Điều này làm giảm nhưng không hoàn toàn loại hẳn nguy cơ danh sách bị lộ.
Sau khi tất cả các bài thi được chấm điểm từ 1 đến 10, hai sĩ quan trên mang danh sách đến hai vị giám khảo khác nhau để lập một danh sách thí sinh với số điểm của mỗi người. Bài thi của các thí sinh với điểm cao nhất được giao cho một hội đồng giám khảo cao cấp hơn. Những giám khảo này duyệt xét lại từng bài trước khi đệ trình lên nhà Vua. Các giám khảo đó có quyền thay đổi điểm và thứ hạng của bất cứ thí sinh nào nếu họ nghĩ rằng thí sinh đó đã bị đối xử bất công và cần được chấm điểm cao hơn hoặc thấp hơn.
Ngay cả nhà Vua, nếu có học thức, cũng sẽ tự mình đọc bài thi để đánh giá tầm cỡ của các học giả sắp được trao những chức vụ quan trọng nhất trong chính quyền. Đã có trường hợp nhà Vua bỏ qua những học giả đứng hàng đầu để chọn những người xếp hạng thấp hơn, hoặc đã bị loại hẳn. Chuyện này hay xảy ra khi không có ai thuộc một khu vực hay một tỉnh nào, nhất là vùng chung quanh kinh đô, lọt vào danh sách khoa bảng. Với sự can thiệp đó, vị lãnh đạo quốc gia muốn đảm bảo rằng những người dân trung thành với mình và sống gần mình không bị bỏ quên, mặc dầu họ có thể không giỏi hay uyên bác bằng những học giả ở các tỉnh xa hơn.
Nhà Vua cũng có thể đánh rớt một thí sinh nếu không có cảm tình với người đó vì bất cứ nguyên do gì, chẳng hạn nếu có bậc phụ huynh hay tổ tiên trong phe chính trị đối lập hoặc đã từng xúc phạm đến hoàng gia.
Nhà Vua đương thời, vì còn quá trẻ và quá ít học, không thể làm gì hơn là phê chuẩn danh sách thí sinh thi đỗ do ban giám khảo đệ trình lên.
Bonneau và viên Khâm Sứ Pháp đứng trước mặt nhà Vua đang ngồi trên ngai vàng một cách lúng túng. Như thường lệ, Bonneau thông dịch cho cả hai bên Việt Pháp. Hắn ngờ rằng nhà Vua và một số các quan đại thần trong bộ quần áo lụa và mũ cánh chuồn có thể biết một ít tiếng Pháp thô sơ, hay là nhiều hơn thế nữa. Nhưng họ nhất định chỉ nói tiếng Việt. Trong khi đó, Bonneau phải thông dịch cho viên Khâm Sứ không nói được và cũng không muốn nói tiếng Việt.
Hai người Pháp, trong bộ lễ phục quân đội với đầy đủ huy chương và dây trang trí trải từ trên vai xuống dưới áo, với thanh kiếm nghi lễ đeo bên hông, đứng thẳng trước nhà Vua bao quanh bởi các quan đại thần. Bonneau cố gắng vừa làm dịu đi những lời gay gắt của viên Khâm Sứ, vừa giữ đúng ý nghĩa những câu hỏi và lời yêu cầu của cấp trên của mình.
“Thưa Bệ Hạ, mấy năm nay chúng tôi đã khuyên Ngài loại bỏ chế độ thi cử. Nhưng ngay giờ phút này, các kỳ thi đang được tổ chức tại kinh thành, và công việc của chính quyền đã chậm hẳn lại vì quá nhiều quan lại cao cấp nhất trong triều đình phải thi hành nhiệm vụ trong cuộc thi cử. Câu hỏi mà tôi muốn đặt ra với Ngài là như sau: Ngài sẽ làm gì với những học giả sau khi họ thi đỗ?”
Bonneau thông dịch những câu của thương cấp với giọng Huế thuần túy nhất của mình và có lúc còn đệm thêm một vài câu mà viên Khâm Sứ không nói ra. Hắn không muốn ai khó hiểu hay hiểu lầm những chính sách của nước mình, nhưng cũng không muốn tỏ vẻ cọc cằn và đối nghịch. Nước Pháp toàn năng và có thể làm hầu hết những cái gì có lợi cho mình. Tuy nhiên, hắn đã sống ở Việt Nam đủ lâu để hiểu rằng việc làm nhục kẻ đứng đầu một quốc gia không đem lại một lợi ích nào, cả những khi người đó không có thực quyền gì.
Ngay sau khi Bonneau thông dịch xong, quan Thượng Thư Bộ Lễ, Trịnh Toản, một ông quan già với vẻ mặt nghiêm nghị, không đợi nhà Vua cho phép, đã lên tiếng trả lời ngay. Đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng mà vị quan đại thần này hành động như vậy. Thượng Thư Toản tự coi mình là một Nhiếp Chính không chính thức và hay lên tiếng phát biểu ý kiến bất cứ lúc nào ông ta muốn.
“Chế độ thi cử của chúng tôi đã có từ năm 1075 dưới thời nhà Lý, khi mà quý quốc còn ở trong giai đoạn gọi là Thời Kỳ Đen Tối. Với chế độ thi cử này chúng tôi bao giờ cũng chiêu mộ được những học giả tài giỏi nhất để phục vụ đất nước. Trong mấy năm vừa qua, chúng tôi không tổ chức được các kỳ thi vì nước của quý vị đã gây rối loạn trong cuộc xâm chiếm đất nước của chúng tôi. Nhưng bây giờ, sau khi hòa bình trở lại và toàn quốc được ổn định, Hoàng Thượng đã quyết định mở lại các kỳ thi. Triều đình cần có thêm một nguồn tài năng mới để thay cho những vị quan lại đã ra đi vì tuổi già hay vì chiến tranh. Chúng tôi được biết nhiều sĩ tử đến dự thi ở kinh thành là những người mà Hoàng Thượng cần có để cai trị quốc gia. Phẩm chất rất cao của các bài thi chứng minh điều đó.”
Viên Khâm Sứ Pháp cảm thấy khó chịu. Hắn đã nghe những lập luận như vậy nhiều lần trước đây, diễn đạt bằng những ngôn từ thậm chí còn cao siêu hơn, nhưng tất cả chỉ có một ý chính: chế độ thi cử đã đem lại nhiều hiệu quả trong quá khứ và chế độ ấy sẽ tiếp tục được sử dụng vô thời hạn. Hắn lên tiếng cao giọng hơn, làm cho nhà Vua trẻ hoảng sợ. Bonneau tiếp tục thông dịch.
“Quan Khâm Sứ nói rằng xứ sở của Bệ Hạ, nhất là tại miền Bắc, chưa được yên ổn. Tàn quân của bọn giặc Cờ Đen vẫn còn quấy phá một số tỉnh thuộc miền Bắc. Bọn phản loạn Cần Vương, trong đó có cả người của hoàng gia tham gia, vẫn còn khá
mạnh mẽ. Nếu không có sự hiện diện của quân đội và các sĩ quan chỉ huy Pháp, Bệ Hạ sẽ chẳng còn một quốc gia để mà cai trị. Vậy Bệ Hạ hãy cho biết làm thế nào mà việc lựa chọn người tài giỏi bằng cách khảo sát khả năng học thuộc làu các quyển sách Trung Quốc đã có từ cả nghìn năm nay sẽ giúp Bệ Hạ cai trị đất nước.”
Quan Thượng Thư Toản không thèm để ý đến giọng điệu và thái độ trịch thượng của viên Khâm Sứ. Viên quan đại thần lườm nhà Vua một cái. Qua cả liên hệ hôn nhân lẫn huyết thống, hắn rất tự hào về giòng dõi hoàng gia của mình. Hơn nhà Vua một thế hệ, quan Thượng Thư Toản tự coi như là một người chú có thể nạt dọa nhà Vua, khác với người cha của cậu bé, một con người không có xương sống và lý do chính mà người Pháp chọn con trai ông ta để đưa lên ngôi.
Vị Vua trẻ ngượng ngùng nhìn Toản rồi ngồi thẳng dậy trên ngai vàng, như là một học trò vừa bị thầy mắng. Sau khi thấy nhà Vua đã lấy lại được sự bình tĩnh, quan Thượng Thư quay sang phía hai viên sĩ quan Pháp, cặp mắt dưới bộ lông mày đậm
nhìn chằm chặp vào họ, hai đuôi mũ cánh chuôn phấp phới đằng sau gáy.
“Khác với các xứ Tây phương, theo truyền thống học giả của chúng tôi đều thành thạo về chiến lược quân sự cũng như về văn học, và một số đã trở thành những vị tướng lĩnh tài giỏi nhất của nước tôi. Nhà Vua sẽ tuyển lựa một người trong số những học giả thi đỗ kỳ và cho cầm đầu một đoàn quân viễn chinh chống lại bọn hải tặc và phiến loạn hầu lập lại hòa binh trên đất Bắc.”
Vị Khâm Sứ Pháp nhếch mép cười khẩy trước cách chê bai khéo léo sự khiếm khuyết văn học của mình. Hắn và những sĩ quan của hắn là những người đã được phong chức và thăng trật qua nhiều chiến dịch và trận chiến, nhưng vẫn bị các ông
quan đứng cả hai bên của nhà Vua coi là bọn dã man.
Ngay cả Bonneau, con người nói được ngôn ngữ và quen thuộc với thơ ca của họ, với họ vẫn là một kẻ thô lỗ. Người ta thắng trận bằng chiến thuật, kế hoạch, khả năng lãnh đạo, hành động dũng cảm trên chiến trường, và ưu thế về kỹ thuật lẫn công nghệ. Nước Pháp đang thắng trên khắp các chiến trường, nhưng mấy ông quan tại triều đình chỉ nghĩ đến việc chiêu mộ thêm học giả. Nhưng dù sao, vị Thượng Thư già kia đã đưa ra lời hứa táo bạo là sẽ dẹp yên quân phiến loạn, và viên Khâm Sứ nhất định sẽ làm cho lời hứa đó thành tựu.
“Chúng tôi sẽ hợp tác với người mà triều đình chọn lựa. Tôi sẽ cho một số sĩ quan và binh lính của chúng tôi đi cùng ông quan đó lên các tỉnh miền Bắc.”
Hình ảnh sĩ tử trẻ tuổi mà con gái mình đã làm quen xuất hiện trong trí óc của Bonnau. Quan Lễ Bộ Thượng Thư thoáng nhìn thấy Bonneau mỉm cười và ngay lúc đó quyết định sẽ tìm hiểu lý do của nụ cười đó.
Hai viên sĩ quan Pháp xin cáo lui nhưng không khấu đầu trước nhà Vua, một cách sỉ nhục khác mà triều đình phải chịu đựng. Họ quay ngoắt người và ngang nhiên bước ra khỏi phong triều kiến. Ở ngoài kia, một đoàn tùy tùng nhỏ gồm sĩ quan hạ cấp và thư ký đi theo họ ra khỏi hoàng thành.
Hai viên sĩ quan Pháp chèo lên một xe ngựa đang chờ sẵn. Xe ngựa phóng đi, để lại đằng sau những đám bụi nhỏ. Theo chỉ thị của viên Khâm Sứ, đoàn xe Pháp hiên ngang rời hoàng thành bằng cửa Ngọ Môn, cổng dành riêng cho nhà Vua cùng các
quan và binh lính tháp tùng.
Kham, thư ký của Bonneau, đang chuẩn bị leo lên ngựa đi theo chủ mình và quan Khâm Sứ. Tên thư ký chỉ dám đi qua cửa Hiển Nhơn ở phía Đông chứ không dám đi qua cửa Ngọ Môn. Nhưng trước khi anh ta bắt đầu đi, một vệ binh hoàng gia chạy đến và ra hiệu dừng lại.
“Ngài Lễ Bộ Thượng Thư muốn gặp ngươi,” người vệ binh nói lớn tiếng.
(Còn tiếp)
Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-7/
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-6/