“Tôi” luôn “Yêu Tiếng Nước Tôi”!

by Tim Bui

TONY TÂM BÙI

Từ xưa nay các tờ báo thường dùng 2 chữ gọi tên như Trắng Đen, Văn Học… Song song đó có nhiều tờ báo dùng 4 chữ để gọi tên như Văn Nghệ Tiền Phong, Việt Nam Hải Ngoại… Đa số là dùng danh từ gọi tên nhưng có phần trừu tượng. Gần đây trong cộng đồng miền Nam California có thêm một tờ bán nguyệt san với cái tên dài 5 chữ khá lạ: “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Tên tờ báo không là danh từ mà lại là câu hát có Chủ từ “Tôi” + động từ “Yêu” + túc từ “Tiếng Nước Tôi”. Một cái tên vừa dễ nhớ, lại có tính trầm bổng và thân thiết chi lạ!

Tôi không biết cảm tưởng của các bạn ra sao, chứ riêng tôi mỗi tháng hai lần khi cầm trên tay tờ báo “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” (TYTNT) là lòng tôi bồi hồi vì quá nhiều kỷ niệm xưa tuôn trào về trong tâm thức.

Là độc giả thường trực của Tạp chí TYTNT tôi tâm phục, ý phục và tâm đắc cùng các bạn chủ trương đã mạnh dạn tiên phong dám chọn 5 chữ TYTNT làm tên cho tờ báo của mình.

Với tôi, tạp chí “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” quả là một đứa con tinh thần của cộng đồng hội đủ 3 yếu tố “chính tâm + thành ý + quyết chí vươn lên” vươn trên sự bình thường.

Theo dõi “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” đã lâu, tôi thấy phục nhóm chủ trương, người chủ bút cũng như những người cộng tác, vì thấy có nhiều tiết mục phong phú và hữu dụng qua những bài viết giá trị có tính văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế…

Này nhé, chỉ nêu vài bài tiêu biểu thôi: bài lịch sử rất công phu “Nhà Tiền Lý – Nước Vạn Xuân (544-602)” của Lý Thành Phương
giúp tôi giải thích cho đàn cháu ngoại của tôi khiến chúng thích thú vì bố nó họ Lý. Nhà tôi là người mê vọng cổ nên bà ấy thích loạt bài “Hồi ký của ‘Vua vọng cổ’ Viễn Châu”. Con gái tôi thì thích đọc bài thật hay của bà Yến Tuyết về “Vui buồn chuyện lái xe” rất hữu ích và thiết thực. Tôi tâm đắc đọc say sưa bài “Lang thang bên dòng sông Cửu Long” do tác giả Hà Giang thuật lại từ chuyến đi tận sang Thái Lan để chính tai tác giả nghe “tiếng than của một dòng sông”.

Chao ôi sao mà ví von dòng sông Cửu Long hay chi lạ, như người tình đã nuôi sống hàng triệu triệu người con dân đất Việt. Nay cho dù xa xứ nhưng hàng triệu con tim vẫn thổn thức khi nhìn Chín Con Rồng uốn khúc từ dãy Hy Mã Lạp Sơn uốn khúc đến tận miền Nam Việt Nam chúng ta.

Chính vì nhiều tài liệu hữu ích và những lời văn sâu sắc nên tôi có thói quen thích lưu giữ TYTNT trong tủ sách gia đình. Bài hát “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” giờ đây quá phổ thông trong sinh hoạt cộng đồng. Đó là nhờ tiếng hát cao vút của nữ danh ca Thái Thanh làm cho bài hát âm vang trong lòng người xa xứ. Đây là tác phẩm xuất phát từ sự rung động của một người trẻ Phạm Duy tham gia kháng chiến chống Pháp trong thời toàn dân trào dâng ý chí “bảo vệ đất nước, kháng chiến chống thực dân».

Người trẻ Phạm Duy thời đó đã rung động đồng nhịp với bao người – yêu người, yêu vật, yêu đời và cũng là yêu nước, yêu cả tiếng nước tôi. Trong âm thanh êm dịu đó đã từng chất chứa năng lượng và nguồn sống của bao người nên vừa hát lên là thấy rung động trong tim.

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời…” Tại hải ngoại cũng đã có nhiều ca sĩ diễn đạt bài hát này rung động người nghe như ca sĩ Anh Dũng, Tuấn Minh hay Ngọc Hạ vì các bạn này biết trao gởi trọn vẹn tâm hồn mình hòa cùng vận nước nổi trôi.

“Nước,” yếu tố của sự sống tạo nên quê hương đất nước: Từ hàng nghìn năm qua chúng ta đã chứng kiến bao nền văn minh
nhân loại đều phát triển nhờ tập trung hai bên bờ sông. Khởi đầu tụ tập hai bên bờ sông để trao đổi vật dụng dần dà có tiếng
nói thô sơ rồi biến thành nhạc thuật thơ văn để thành “tiếng nước tôi”. Chính cách sống tương nhượng, tương kính, đùm bọc
và hòa điệu nhau qua sự sinh động của dòng nước đã tạo thành văn hóa, văn minh cho bộ tộc Bách Việt và truyền mãi biến thể thành xã hội Việt Nam ta.

Song song với dòng chảy của “nước” bên ngoài, thì mỗi cá thể không thể nào quên có dòng chảy liên tục trong huyết quản
mỗi chúng ta. Quán chiếu (contemplate) nội tâm để “Ồ” lên kinh ngạc trước nguồn sống vô tận bên trong ta! Eureka! đây rồi trong ta cũng từng có hàng triệu dòng nước luôn luôn cuồn cuộn chảy. Trong từng giây phút hàng tỷ tỷ tế bào di chuyển trong hàng triệu kilômét dòng sông máu huyết mang chất bổ và dưỡng khí liên tục luân lưu trong cơ thể của chúng ta. Hãy nhìn cho kỹ bạn sẽ thấy trong mạch huyết quản đó có 3 chất liệu Tinh Khí Thần (Tinh lực vô cùng tận + Khí lực vô
biên + Thần kỳ ứng biến hóa) giúp duy trì sự sống của mỗi người.

Nhiệm vụ của mỗi cá thể ngoài việc bảo vệ mảnh đất bên ngoài mang danh “nước tôi” còn phải biết lắng nghe “Tiếng Nước
Tôi” trong nội tâm của chính mình. Làm sao biết hàng tỷ tỷ tế bào reo vang vui mừng hay đang úa tàn trong cơ thể ta? Mỗi sáng thức dậy khi đón nhận những tia sáng bình minh mà ta sảng khoái sung mãn là bạn biết chắc rằng hàng tỷ tỷ tế bào đang cất vang câu hát “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Còn khi bạn uể oải, lè nhè vì cơn say rượu từ party tối qua thì hàng tỷ tỷ tế bào trong người bạn cũng đang chèo queo và giảm sút ở mức báo động. Chỉ cần bạn điều chỉnh và thay đổi cách sống thì nguồn sinh lực sẽ điều hòa ngay.

Ngoài đón đọc Tạp chí “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”, mong bạn có cơ hội tìm đọc quyển sách của một người Nhật Masaru
Emoto “The True Power Of Water”để hiểu rõ là những Phân tử nước quanh ta cũng cảm nhận được tâm tư của môi trường
chung quanh. Hãy tập sống thoải mái, tự tại nhìn cuộc đời trôi qua như sương mai rơi đầu cành, như ánh chớp trên trời cao để tận hưởng “Nguồn Nước” đang sống trong “Chính Ta” và “Chính Ta đang là Nguồn Nước” Được như thế thì bạn sẽ sống vượt
thời gian, hòa vào không gian vô biên để rồi sẽ luôn “Yêu Tiếng Nước Tôi” vậy.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights