Chuyện báo chí Sài Gòn xưa – kỳ 2 Bút Trà – Nguyễn Đức Nhuận: Từ Sài Thành đi tới Sài Gòn

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa

TRẦN NHẬT VY

Ông Trương Duy Toản (1957-1885), người Vĩnh Long là nhà văn, nhà báo quốc ngữ hàng đầu của làng báo Việt. Ông tham gia Hội Minh Tân từ năm 1907, sau đó trở thành thơ ký cho Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Năm 1913, ông tháp tùng Kỳ Ngoại Hầu bí mật qua Paris rồi bị bắt. Năm 1916, ông bị đưa về làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ “an trí”.

An trí là giam lỏng trong một khu vực làng xã. Đây là cách giam chớ không giữ, vừa đỡ tốn kém ngân sách của chánh quyền, mà người tù cũng thong thả. Tù nhân bị an trí nghĩa là được sống “tự do”: tự do cùng gia đình sinh hoạt, tự do tiếp xúc, tự do làm việc… dĩ nhiên phải “trình diện” chánh quyền địa phương trong một khoảng thời gian qui định. So với việc bị giam cầm trong bốn bức tường hay trong một nhà giam nào đó thì an trí sung sướng hơn rất nhiều! Trong thời gian bị an trí, ông Toản
sáng tác một số bài hát theo điệu cổ bản Tứ Đại Oán như Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim Kiều hạnh ngộ… cho đoàn Kịch-Xiệc (vừa diễn kịch theo kiểu Tây phương, vừa hát xiệc nay kêu là xiếc) Sadec Amis của ông bầu Andre Thận.

Năm 1919, có lẽ đã hết hoặc sắp hết thời hạn quản thúc, ông được hai nhà báo lớn đương thời bảo lãnh về Sài Gòn làm báo.
Đó là ông Trần Chánh Chiếu, có Pháp tịch, người từng chủ trương Minh Tân (cách gọi phong trào Duy Tân ở miền Nam) ở Nam Kỳ, chủ khách sạn Minh Tân và hãng xà bông Con Vịt. Và ông Huyện Nguyễn Văn Của, đương kim chủ tịch Hội báo chương Nam Kỳ (tương tự Hội nhà báo hiện nay), chủ nhân tờ Nam Trung Nhựt Báo và chủ nhà in Nguyễn Văn Của, đồng thời là cha của ông Nguyễn Văn Xuân, sĩ quan Pháp là người Việt đầu tiên.

Ông Xuân năm 1947 là thủ tướng của Nam Kỳ Tự Trị. Sau này khi có dịp chúng tôi sẽ nói sâu hơn về ông Của và ông Xuân. Nhờ hai ông này bảo lãnh, ông Toản về Sài Gòn làm Phó chủ bút cho tờ Nam Trung Nhựt Báo của ông Của. Đây cũng là lúc ông bước vô nghề báo ở Sài Gòn. Xin nói ngoài lề một chút. Hồi xưa, báo chí ở Sài Gòn là hoạt động kinh doanh của tư nhân, chánh quyền không tổ chức làm báo, trừ tờ báo đầu tiên là tờ Gia Định Báo.

Báo chí tư nhân thường có 3 loại: loại ủng hộ chánh quyền hết mức, chuyện gì của chánh quyền cũng tung hô; loại đối lập luôn có những bài báo bàn bạc cái hay dở hoặc chê bai những chánh sách của chánh quyền và loại trung lập, ai làm gì thì làm, ta cứ đi đường của ta. Trong mỗi tờ báo thì phải có một ông chủ bút (luật báo chí 1898 bắt buộc) và nhiều phụ bút.
Do hoạt động báo chí còn hẹp, in ấn còn hạn chế, giao thông từ nơi này qua nơi khác còn khó khăn và người theo nghề báo không nhiều nên chủ bút và các phụ bút là những người viết hầu hết những bài vở trên báo. Chức vụ Phó chủ bút nhằm để sẵn sàng thay thế cho chủ bút nếu cần.

Làm báo khoảng 10 năm trải qua nhiều tờ báo, có lẽ dành dụm được chút tiền và có lẽ thấy làm chủ báo dễ làm giàu hơn viết báo, ông Toản xin phép ra tờ Sài Thành. Tờ Sài Thành ra đời ngày 23-11-1930, tòa soạn đặt ở số 23 Filippini (nay là đường Nguyễn Trung Trực, Sài Gòn) do chính ông Trương Duy Toản làm Tổng lý (chủ nhiệm, kiêm chủ bút, kiêm quản lý).

Báo ra hàng ngày, 4 trang khổ lớn, có phụ trương đua ngựa hàng tuần, giá 6 xu/tờ. Sau năm 1917, nhờ sự “mở cửa” đối với làng báo của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, chủ nhiệm báo chí Việt ngữ không còn bị buộc phải là người Pháp nữa nhưng vẫn phải làm đơn “xin phép ra báo” do Toàn quyền Đông Dương ký.

Ra báo hàng ngày là một sự khá “liều lĩnh” của ông Toản. Bởi ông không nhiều tiền bằng Lục Tỉnh Tân Văn của ông Nguyễn Văn Của, không có nhà in riêng để giảm chi phí in ấn. Sài Thành của ông Toản là tờ báo “trung lập” bởi ông từng có án tịch, chỉ có thể cạnh tranh với những tờ nhật kỳ (hai hoặc ba ngày ra một số) hoặc báo tuần như Đuốc Nhà Nam, Phụ Nữ Tân Văn…
Khi Sài Thành ra đời thì Phụ Nữ Tân Văn đang nổi đình nổi đám với loạt tin bài về vụ nổi loạn ở Yên Thế, và tiểu thuyết feuilleton “Mảnh trăng Thu” của Bửu Đình, người hoàng tộc đang ở tù ngoài Côn Đảo! Để hấp dẫn bạn đọc và có chút gì đó khác với những tờ báo có tên tuổi đương thời như Nông Cổ Mín Đàm, Trung Lập Báo, Công Luận Báo, Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung… Sài Thành có hẳn một phụ trương đua ngựa hàng tuần để kéo người đọc.

Trò chơi đua ngựa ở Sài Gòn bắt đầu có từ khi người Pháp chiếm Nam Kỳ. Cuộc đua đầu tiên diễn ra vào tháng 1865-5 tại trường đua Đồng Tập Trận, khu vực nay từ ngã Sáu Hiền Vương (đường 2-3), Cao Thắng, Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ)
Sài Gòn. Năm 1938, Hội đua ngựa Sài Gòn mới mua miếng đất 48 ha ở làng Phú Thọ lập trường đua Phú Thọ và dời trường đua Đồng Tập Trận về. Tới năm 1975, thì trường đua Phú Thọ ngưng hoạt động một thời gian, rồi thập niên 1990 hoạt động lại vài năm rồi sau đó bị cấm vĩnh viễn. Vì miếng đất quá ngon nên nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay xẻ ra bán, chỉ để một
phần nhỏ làm trung tâm Thể dục thể thao, nơi các thanh niên rèn luyện thể lực…

Đua ngựa là một trò chơi vui, thú vị và…tốn kém! Rất nhiều gia đình tan nát vì trò chơi này. Nhiều chủ nuôi ngựa đua cũng
thất điên bát đảo. Nhưng trò chơi này cũng góp phần cho ra đời nhiều nghề như làm báo chuyên về đua ngựa (tờ Tuyệt
Phích chuyên bàn về ngựa đua và các trận đua ngựa nổi tiếng một thời), nghề nài ngựa (cỡi ngựa đua), nghề chăm sóc ngựa
đua, nghề đóng móng ngựa, lai giống ngựa…

Vùng đất Bà Điểm, Hóc Môn, Đức Hòa xưa rất nhiều người sống bằng nghề này bởi vùng này đất cao và khá gần Sài Gòn. Ngựa không sống được ở vùng đất thấp, sình lầy nhiều muỗi mòng. Bị sình lầy nhiều ngựa bị thúi móng mà chết, bị muỗi
cắn cũng chết…

Nhưng người có số, nghề có thời. Thấy người ta làm ăn nghề nọ sung túc thì mình cũng làm theo. Nhưng người ta sung túc,
giàu có còn mình thì xập tiệm vì không có thời.

Có lẽ ông Toản cũng vậy. Nghề làm chủ báo thời ấy lắm người giàu có, làm chủ báo rồi làm chủ nhà in… Tỉ như ông Tây lai De Chevrotière, báo chí xưa kêu ông này là Đờ Cheo Leo, xuất thân nhà nghèo nhưng khi làm tờ Impartial, rồi Trung Lập Báo trở nên giàu sụ, cất khách sạn, nhà hàng ở trung tâm Sài Gòn như khách sạn Grand, Palace nay vẫn còn, xưa vốn là của ông. Ông Toản thì khác. Chỉ hơn một năm làm chủ báo thì ông gần xập tiệm!

Đúng lúc đó thì ông Bút Trà xuất hiện. Ông Bút Trà (1981-1900) người Tư Nghĩa, Quảng Ngãi nhưng gốc là người Quảng Nam, rời quê vào Sài Gòn làm báo từ những năm đầu thập niên 1920. Là người giỏi Hán học nhưng không đi thi được vì chánh quyền nhà Nguyễn đã bỏ các cuộc thi chữ Hán từ năm 1919. Vì vậy, đầu thập niên 1920, ông cùng em trai là Hồng Tiêu-Nguyễn Đức Huy bỏ vào Sài Gòn, vùng đất hứa cho nhiều người miền Trung, Bắc.

Thuở ấy, ông Nguyễn Kim Đính, Tổng lý tờ Công Luận Báo, gốc là nhân viên Hỏa xa Đông Dương, quảng giao, đã đi đó đi đây nhiều và có nhiều bạn bè ở hai miền Trung Bắc. Vì vậy, nhà ông Đính ở làng Bình Hòa, Gia Định trở thành “nhà khách” của bạn bè từ các miền, trong số đó có ông Bút Trà. Thuở ấy, có lẽ ông Bút Trà cũng có làm thơ nhưng không phổ biến nên đời sau ít người biết. Cũng vì mối quen biết ấy, ông đã cộng tác với tờ Công Luận Báo trong vai trò thơ ký tòa soạn chuyên biên dịch các thông tin chữ Hán trên các báo Tàu.

Ông làm cho tờ báo này khá lâu và cứ tưởng sẽ đi cùng với tờ báo cho đến cuối đời. Song trong ông vẫn mơ ước một ngày nào đó trở “chủ báo” như người ta nhưng thuở ấy, muốn ra báo riêng thì phải có thiệt nhiều tiền, mà anh em ông thì…
nghèo. Trong khi ông Bút Trà làm báo thì ông Hồng Tiêu đi dạy học kiếm sống.

Sau vụ chủ Trung Lập Báo là ông De Chevrotière đòi “đá đít” ông Trịnh Hưng Ngẩu trong vụ đón ông Bùi Quang Chiêu từ Pháp về; rồi Trung Lập Báo “làm lơ” không nói năng gì tới đám tang rần rộ ở Sài Gòn của ông Phan Châu Trinh, thì ông Phú Đức ngưng không cộng tác với Trung Lập Báo nữa. Vụ này đã nói ở kỳ trước. Năm 1927, ông Phú Đức được chủ nhiệm tờ Công Luận Báo mời về làm chủ bút.

Và một ngày đẹp trời, ông Bút Trà được chủ bút Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận phân công “Bữa nay anh thay tôi tiếp bà Tô Thị Thân”. Lý do vì ông Bút Trà cùng tên Nguyễn Đức Nhuận với chủ bút! Được giao nhiệm vụ nhưng ông Bút Trà từ chối vì “Tôi đâu biết gì về vụ đó!”. Phú Đức nói “Đừng lo! Ông Sée dặn mai ngưng vụ này rồi”. Ông Sée, thường gọi là Đại tá Sée lúc ấy là chủ nhiệm tờ Công Luận Báo.

Lúc đó, Công Luận Báo dẫn đầu dư luận “đánh” những tiệm cầm đồ của Hoa kiều vì cho rằng những tiệm này “hút máu dân
nghèo”. Loạt bài về các tiệm cầm đồ khiến các tiệm này xính vính. Vì vậy, giới chủ tiệm mới kiếm người đến gặp chủ bút để
thương lượng. Bà Tô Thị Thân có chồng là người Hoa có 20 tiệm cầm đồ, được chọn vì bà là người Việt, dễ nói chuyện với báo
chí người Việt.

Khi bà tới gặp ông chủ bút Nguyễn Đức Nhuận thì phong trào công kích đã giảm và đã có quyết định “thôi, không nói nữa”.
Thoạt đầu thì ông Bút Trà giao trước “chỉ gặp bà mười phút thôi”. Thế nhưng cuộc gặp gỡ ấy kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.
Sau cuộc gặp gỡ ấy thì Công Luận Báo thôi không “đả” các tiệm cầm đồ nữa và các chủ tiệm coi đó là công của ông Bút Trà và bà Tô Thị Thân. Cũng chính vì vậy mà trong mắt bà Thân ông Bút Trà là một “thần tượng”. Giới chủ tiệm cầm đồ đã tổ chức một buổi “gặp mặt làm quen” ở một nhà hàng lớn trong Chợ Lớn và ông Bút Trà là thượng khách. Trong buổi gặp gỡ này, ông trùm tiệm cầm đồ của người Hoa và ông Bút Trà đã “bút đàm” (ông Bút Trà biết chữ Hán nhưng không nói được) một cách rất thân tình. Sau cuộc nói chuyện bằng viết này thì họ thân với nhau và “cáp đôi” bà Thân với ông Bút Trà.

Rồi sau đó, anh em trong tòa soạn thấy ông Bút Trà bỗng làm thơ tình và qua lại với bà Tô Thị Thân khá thường xuyên. Rồi tới một ngày, ông tuyên bố nghỉ làm ở Công Luận Báo và ra làm chủ một tờ báo khác. Đó là tờ Sài Thành.

Như đã viết ở trên, tờ Sài Thành nguyên do ông Mạnh Tự Trương Duy Toản làm chủ, nhưng tới năm 1931 thì yếu lắm rồi. Trong bài thơ “Hồn di viếng làng báo” ông Phan Quấc Quang tức Thượng Tân Thị là đồng hương Vĩnh Long với ông Toản đã
hạ bút:

Ông Trương Duy Toản báo Sài Thành
Vùng vẫy theo đời buổi cạnh tranh,
Bút mực đã khô gan lại héo,
Tình người nghĩ lại bắt buồn tanh.


Để được làm chủ báo, ông Bút Trà phải làm đơn xin Toàn quyền Đông Dương cấp phép, và thông thường hai năm mới có giấy phép. Để được làm báo liền trong khi chờ đợi có giấy phép, ông Bút Trà sang lại tờ Sài Thành của ông Trương Duy Toản đang “xuống sắc”. Là người mang nhiều hoài bão, làm phó chủ bút tờ Trung Lập một thời gian dài rồi ra tờ Sài Thành.

Nhưng chỉ sau một năm, ông Toản không chịu đựng nổi vì tiền ít mà báo thì bán không chạy lắm! Bởi vậy, khi có người đặt vấn đề sang lại tờ báo có lẽ ông không từ chối! Do vậy, qua đầu năm 1932, trên năng sét tờ Sài Thành, Trương Duy Toản trở
thành người “sáng lập” còn chủ nhiệm tờ báo đã là ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận.

Khi nắm tờ Sài Thành trong tay, ông Bút Trà lập tức dời tòa soạn về số 39 đường Grimaud, thay đổi nội dung và trang mục tờ báo. Ông tăng số trang từ 4 lên 6 trang, tăng số trường thiên tiểu thuyết mỗi kỳ từ 1 lên hai truyện, thỉnh thoảng còn đăng
truyện ngắn gọi là Đoản thiên tiểu thuyết. Số tin tức trong và ngoài nước cũng tăng lên gấp đôi, nội dung tập trung vào các
vấn đề dân sinh, quyền lợi của dân nghèo…

Đọc vài cái tựa tin, bài trên Sài Thành, chúng ta sẽ thấy liền. Số 167 ngày 20-9-1932: “Xin chỉ cách làm giàu cho mấy ông”,
“Chút đỉnh ý kiến để giúp anh em thất nghiệp”, “Những tiếng la hoảng của nông dân Đông Dương”, “Nhịn đói và nhắm
mắt”. Số 191 ngày 18-10-1932: “Vụ án một người cai sở cao su giết chết cu li Annam”, “Tây bắn tá điền bị đuổi về Tây”… Và ngay cả mục quảng cáo cũng được viết hấp dẫn. Trên trang quảng cáo số báo 191 viết: “Tin thêm về vụ bí mật”: Từ ngày ở Saigon có hội gót giày đỏ bí mật (Au talon Rouge) thì nghe đâu đã xảy ra lắm chuyện lôi thôi. Bữa nọ có một cô kia ra tòa xin ly dị chồng vì chồng cô chẳng chịu mua cho cô đôi giày ở hiệu Au talon Rouge. Còn vụ đổ máu ở đường Bonnard mớ rồi cũng chỉ vì một thầy kia nói rằng giày Bata rẻ, còn thầy khác lại nói rằng giày dép ở Au talon Rouge rẻ mà tốt hơn. Độc giả muốn biết thiệt hơn xin mời lại Au talon Rouge số 136 rue D’ Espagne tél No 850 bên hông sau chợ Bến Thành coi xem sẽ rõ.”
Quảng cáo mà giống như viết tin tức, quả là tài tình!

Việc nội dung báo tập trung vào số người đọc đông đảo trong xã hội là người lao động cũng là mục tiêu chính của ông bà Bút Trà. Trong hồi ký của mình, nhà văn Bình Nguyên Lộc kể: “Lúc đó tôi cũng đã nổi tiếng mới ghé gặp chị Bút Trà và hỏi:

-Chị có cần em giúp gì không?

-Không cần!

-Sao vậy?

-Cậu là nhà văn viết toàn chuyện trên trời. Còn báo của chị phải viết sao cho chị bán rau, cô bán cá ngoài chợ cũng đọc
được!…”

Nhà văn Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn. Còn bà Bút Trà tên là Tô Thị Thân. Hai người không có bà con gì hết.
Bà từng là vợ của một người Tàu, quen cách sống, cách nghĩ của người Tàu nên với bà hễ ai đồng tông thì coi như người
thân. Ông Bình Nguyên Lộc nhỏ tuổi hơn nên bà coi như em út trong nhà. Sau này, người quản lý tờ Sài Gòn Mới đời cuối là
ông Tô Văn Mạnh cũng là người đồng tông với bà.

Nhờ đổi mới trang mục, đổi mới nội dung, tờ Sài Thành mạnh lên lần lần. Ông bà Bút Trà (phải nói vậy mới đúng vì ông Bút Trà chỉ lo phần nội dung tờ báo, còn sau lưng là bà Bút Trà lo tiền bạc, buôn bán, chạy quảng cáo, in ấn…) mua một miếng đất khá rộng (ước khoảng một hecta) ở Phú Nhuận cất một biệt thự, xây nhà in và chia đất cho các nhân viên của báo làm nhà ở. Điều đáng nói là căn biệt thự ở Phú Nhuận gần như ông bà Bút Trà không ở mà để không rồi sau làm nhà bảo sanh. Còn ông bà cho tới khi qua đời vẫn “bám trụ” trong căn phòng nhỏ trên lầu tòa soạn ở số 39 Grimaud, là nhà mướn của Chú Hỏa!

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights