NGUYỄN TRỌNG HIỀN
“Người chủ thuyền có ý gì khi nói sẽ báo cho thầy điều gì?” Giang hỏi.
“Tôi không biết rõ,” Tâm trả lời. “Chắc anh ta cũng chỉ đoán rằng có chuyện gì đó đang xảy ra có thể làm trì hoãn việc công bố kết quả kỳ thi.”
Nàng lập tức bối rối và lo lắng.
“Làm sao mà anh ấy biết được chuyện đó?”
“Đúng vậy, chủ thuyền không biết đâu. Nhưng có một người hành khách của anh ấy đã có hành động kỳ lạ và nói lảm nhảm về kỳ thi. Tôi có gặp người đó trên thuyền hôm đi thăm các lăng tẩm. Ông ta là một thầy giáo làng như tôi. Không hiểu tại sao lại dính líu đến thi cử kỳ này. Tuy nhiên, ngay bây giờ chúng ta không làm gì được. Vậy mình cứ tiếp tục đi ra biển.”
Hai người đi tiếp, không nói nữa. Chàng thấy trán nàng hơi nhăn, chắc vì nàng đang suy nghĩ về những điều mà người chủ thuyền nói. Chàng cũng thấy hơi bối rối nhưng cố gắng không để lộ ra. Tuy nhiên, mối ưu tư của cả hai chỉ là tạm thời. Gió biển mát mẻ và trong lành thổi từ biển vào và sớm làm tiêu tan sự bất an và lo lắng của cả hai.
Đôi bạn đến bãi biển trước giờ trưa. Vì trước đó chưa bao giờ được thấy biển gần như vậy, Tâm thấy choáng ngợp với sự bao la của đại dương. Chàng đứng nhìn chân trời gần như không có mây từ Bắc xuống Nam. Bãi biển mênh mông làm như dài vô tận về cả hai hướng. Giang đã từng đến bãi biển chỗ đó rồi, và nàng đưa chàng đến chỗ nàng thích nhất, một nơi có hàng cây thông che ở phía sau trong khi phía trước nhỉn ra một vịnh nhỏ thoai thoải. Hôm đó biển lặng uể oải đưa từng làn sóng nhỏ lên bờ cát vàng.
Chàng cởi giày ra và chạy ra mép biển. Cua dã tràng chạy lung tung đây đó trước khi rút vào hang của chúng dưới mặt cát mỗi khi chàng đến gần chúng. Không khí biển tươi mát nhưng hơi có mùi mặn, khác với những gì chàng đã quen. Chàng hít một hơi thật sâu và cảm thấy được thêm sinh lực.
Tâm thấy Giang đã buộc con ngựa vào một trong những cây thông ở phía sau. Chàng vội quay về phụ nàng đem hai túi đồ trên lưng ngựa xuống. Trong đó có mấy quả dừa xanh tươi đã được chặt sẵn để uống, và mấy bó thực phẩm gói bằng lá chuối. Ngoài ra còn có hai tấm vải hình chữ nhật. Nàng trải một tấm lên mặt cát gần hàng cây. Nàng yêu cầu chàng buộc tấm vải kia vào cành thông để chắn nắng và tạo bóng mát. Trong khi chàng làm chuyện đó, nàng gom góp cành cây khô để nhóm lửa trong môt hố nông đào trên bãi cát.
Xong xuôi hai người ngồi xuống và uống nước dừa cho đỡ khát sau chuyến đi bộ dài suốt buổi sáng. Nàng kiên nhẫn đợi cho lửa tắt trước khi đặt mỗi con tôm lên trên than đỏ rực. Tôm cháy và khi mầu đổi thành đỏ và đen, nàng kéo tôm ra khỏi lửa. Sau khi tôm nguội đi một ít, nàng bóc vỏ rồi đặt những con tôm còn đang bốc hơi lên gói cơm nếp nấu sẵn từ nhà. Gia vị là muối biển trộn với ớt đỏ. Nàng đưa đũa ra và hai người bắt đầu ăn. Chuyến đi bộ dài đã làm cho cả hai đói, và bữa ăn trưa đơn giản có hương vị tuyệt vời. Nàng cũng mang theo vài quả măng cụt thật ngọt và có nhiều nước để ăn tráng miệng.
“Giang, bữa ăn trưa nay rất giản dị nhưng thật ngon. Làm sao mà em biết tổ chức đủ mọi thứ cho hôm nay?”
Nàng tỏ vẻ hài lòng với lời khen.
“Gia đình em đã ra chỗ này vài lần rồi cho nên em biết phải mang theo những gì. Em cũng biết nếu khởi hành sáng sớm mình sẽ gặp thuyền đi đánh cá về để đem ra chợ bán. Với những đồ em chuẩn bị sẵn, em biết trước mình có thể mua cá hay tôm cho bữa trưa. Hay cả hến nữa, nhưng hôm nọ Thầy đã ăn cơm hến rồi, cho nên em nghĩ hôm nay phải đổi sang món khác.”
Mặt trời lúc đó đã lên tới đỉnh, và độ nóng cũng vậy. Hai người cố gắng ở dưới bóng râm của tấm vải treo lên cao và của những cành thông đung đưa. Bãi biển trải dài gần như vô tận. Không một ai ở trên đó và dường như chỉ có người trên những con thuyền nhấp nhô xa xa trên đại dương. Từ ngoài khơi gió tiếp tục thổi vào bờ làm cho nhiều gợn sóng nổi lên khắp nơi trên mặt biển. Trên bầu trời có vài đám mây trông vô hại vì gió mùa chưa bắt đầu. Chàng đứng dậy.
“Mình ra đi bộ trên bãi biển chứ!”
Nàng nắm tay chàng để kéo mình đứng dậy. Hai người đi chân không men theo bờ biển về phía Bắc. Đằng xa, chàng nhìn thấy vết tích của hai pháo đài canh gác phía Bắc và phía Nam của cửa bể, nơi sông Hương hòa nhập với đại dương. Hai pháo đài đổ nát và trông như bị bỏ hoang, nhưng có một lá cờ Pháp ba màu tung bay trên pháo đài phía Bắc.
“Gia đình em có ở trong kinh thành không khi quân Pháp đến tấn công Huế?” Tâm hỏi.
Nàng không ngờ câu hỏi đó, suy nghĩ một lúc và cuối cùng trả lời một cách đều đặn và tỉ mỉ.
“Vào tháng này cách đây mấy năm, đây chính là con đường mà quân Pháp dùng để đi xâm chiếm kinh thành. Tầu sắt của họ pháo kích vào hai pháo đài giữ cửa bể Thuận An, và hai pháo đài đó rơi vào tay quân Pháp sau khi gần 2.500 lính người Việt tử trận. Sau trận đánh, quân thủy quân lục chiến Pháp dùng lưỡi lê giết chết những lính Việt bị thương, mặc dù quân Pháp không mất một mạng sống và chỉ có khoáng mười hai lính Pháp bị thương. Sau đó con đường đi vào tấn công Huế mở rộng cho họ.”
“Gia đình em hồi đó ở góc Đông Bắc của hoàng thành. Ba em đã dày công để thuyết phục triều đình mở cửa đất nước cho Tây phương, cho nước Pháp. Ba nói rằng càng cố gắng bao nhiêu, nhà Vua và các quan triều thần càng cố chấp bấy nhiêu. Ít nhất là có một lần ba em lo sợ cho tính mạng của mình. Và việc mẹ em theo đạo thiên chúa lại càng cô lập hóa ba em tại triều đình.”
“Các vua nhà Nguyễn, ngay cả vua Gia Long, người đã lên ngôi được vì sự giúp đỡ của người Pháp, đều không muốn bất cứ ảnh hưởng nào của ngoại bang. Nhưng năm 1883, trước trận đánh Thuận An, Vua Tự Đức qua đời và một loạt vua yếu kém lên thay thế. Trận đánh ở đây, và mối đe dọa phá tan kinh thành cũng như toàn bộ triều đình, đã bó buộc chính quyền ký Hiệp Ước Huế. Miền Nam phải dâng cho người Pháp làm thuộc địa trong khi hai miền Bắc và Trung trở thành bảo hộ của Pháp.”
“Hai năm sau, một số quan lại cầm đầu một cuộc nổi dậy chống Pháp và cuốc chiến bắt đầu ở kinh đô. Súng đại bác của triều đình bắn khu vực Pháp, rồi quân Việt Nam bao vây quân Pháp. Hồi đó chúng em còn nhỏ tuổi. Mai và em hét lên mỗi khi đạn đại bác bay vút qua đầu hoặc rơi xuống gần nhà. Tuy nhiên, sau những bất ngờ ban đầu, quân Pháp phản công và giành lại được thế thượng phong. Trong mấy ngày liên tiếp họ giết và cướp phá cả kinh thành, kể cả Tử Cấm Thành và các cung điện hoàng gia kín mật nhất. Hàng nghìn lính và thường dân Việt Nam đã thiệt mạng. Mạ em lo sợ cho mạng sống của cả nhà. Bà không cho Mai và em đi ra khỏi nhà trong nhiều tuần, mãi đến khi Ba bảo đảm với Mạ là mọi sự đã an toàn trở lại.”
Nàng nói thêm: “Đa số những đứa trẻ ở cô nhi viện gần chùa Thiên Mụ đều mất cha mẹ trong thời gian đó. Ba em bao giờ cũng nói phải giúp đỡ chúng bằng mọi cách.”
Câu chuyện lúc đó đưa đến một vấn đề mà Tâm có lúc muốn hỏi nàng nhưng chưa có dịp nào thuận tiện để đề cập đến. Chàng nhìn nghiêng mặt nàng để xem phản ứng như thế nào.
“Giang, vì em là người nửa Việt nửa Pháp, em nghĩ sao về tất cả những điều này?”
Nàng suy nghĩ một lúc rồi quay về phía chàng. Đôi mắt xanh của nàng nhìn chàng với một sự chân thành hồn nhiên nhưng đượm một ít nỗi buồn.
“Thầy có biết rằng em suốt đời tự coi mình là một người Việt Nam, dù cha em nỗ lực muốn làm cho chúng em thành người Pháp, như việc bắt chúng em phải mặc quần áo Tây phương mỗi buổi tối? Cách đây một năm, Cha em đem cả gia đình đi nghỉ hè ở Pháp. Ban đầu em háo hức muốn đi lắm. Em muốn thấy những nơi mà ông đã kể cho chúng em biết nhiều lần. Em muốn thấy và làm quen với những người dân Pháp bình thường. Nhưng một khi lòng hiếu kỳ được thỏa mãn rồi, em không thể đợi cho đến khi lên tàu trở về Việt Nam. Em buồn và nhớ nhà trong suốt thời gian ở bên đó.”
Nàng cười lời nói của chính mình trước khi tiếp tục.
“Cha em cũng cảm thấy như vậy, Thầy có tin được không? Ông ấy thích sống ở đây hơn là ở bên Pháp. Tuy nhiên, ông cũng nói ra một điều này mà em muốn Thầy biết. Đất nước này không thể nào chống lại sức mạnh của Pháp. Việt Nam đã bị suy yếu nhiều vì nội chiến qua nhiều thế kỷ, vì sự thối nát của triều đại nhà Nguyễn, và vì những chính sách thiển cận của giai cấp lãnh đạo hiện thời.”
Nàng nắm hai bàn tay lại và đưa lên ngực như thể cầu nguyện.
“Em muốn mọi chuyện có thể khác đi. Phải chi nước mình giống Nhật Bản nhiều hơn là giống Trung Quốc. Cha em nói nước Nhật, sau khi mở cửa ra, đang nhanh chóng trở thành một quốc gia hiện đại, ngang hàng với bất cứ quốc gia phương Tây nào. Trong khi đó, ở bên Trung Quốc, triều đại Mãn Thanh vẫn còn nắm quyền nhưng đã thối nát đến tận xương tủy, và các nước Tây phương đã chia cắt nước lớn đó theo ý muốn của họ. Họ gọi Trung Quốc là người bệnh hoạn của Á Châu. Còn nước ta là người em của Trung Quốc, và cũng bệnh hoạn như vậy. Mình có thể mạnh mẽ trở lại được nhưng phải cần nhiều năm. Trong khi chờ đợi, chúng ta nên thôi giao chiến với người Pháp. Chúng ta nên mở cửa và tập trung nỗ lực vào việc học hỏi càng nhiều càng tốt từ họ và từ các cường quốc phương Tây khác.”
Tâm giữ im lặng và chỉ nhìn nàng nói. Nàng tỏ ra am hiểu về thời cuộc hơn nhiều người mà chàng được biết. Cha mẹ nàng và những linh mục Công giáo dạy dỗ nàng ở trường học phải hãnh diện về nàng.
Chàng cũng không quên ghi nhận rằng nàng luôn luôn nói Việt Nam là nước mình và Pháp là một nước ngoài.
“Còn Thầy thì sao? Thầy nghĩ Ba em nói có đúng không?” nàng bỗng nhiên hỏi.
Chàng nhìn ra biển nơi những làn sóng vỗ vào bờ liên tục. Tuy không nói với ai, chàng đã nhiều lần nghĩ đến điều nàng hỏi.
“Cha em nói đúng lắm, và có lẽ nhiều người đồng ý với ông ấy. Nước ta rõ ràng đã mất độc lập. Các vị Vua của chúng ta, những con người do Khâm Sứ Pháp chọn lựa, có lẽ không cai trị ai ngoài một số ít dân và những hoạn quan và kẻ nịnh thần vây quanh họ. Những cuộc nổi dậy ở nhiều nơi trong nước không thể thành công được vì nước mình nghèo nàn quá, vả lại thiếu sự đoàn kết và lãnh đạo sáng suốt. Dù muốn hay không, người Pháp sẽ còn ở đây lâu dài.”
“Thế thầy có bằng lòng làm việc với chính quyền thuộc địa không?” Giang hỏi, rồi vội vàng nói thêm. “Thầy không phải trả lời nếu thầy không muốn.”
Chàng ngừng chân và quay lại nhìn về phía sau. Nàng cũng chuyển động theo. Dấu chân hai người hiện rõ lên trên cát ướt. Có hai bộ dấu chân dọc theo bờ biển, của chàng là những dấu lớn bên cạnh những dấu nhỏ và thon thả hơn. Các dấu chân không bao giờ chồng lên hay chạm vào nhau, nhưng không ai có thể nghi ngờ rằng hai người đang đi sát nhau và tiến về cùng một hướng. Tâm và Giang lại quay lại một lần nữa và tiếp tục đi.
“Tôi đã bỏ ra nhiều năm, gần như cả đời mình, để chuẩn bị đi thi. Trước khi đến kinh thành, có lúc tôi nghĩ đến sẽ thi đỗ và được nhà Vua ban thưởng một chức vụ nào đó. Tôi tưởng tượng mình sẽ phục vụ đồng bào bằng cách trở thành một ông quan tốt, một người có thể đem lại trật tự, công lý và thịnh vượng cho ít nhất một góc nhỏ nào đó của đất nước.”
“Bây giờ tôi mới biết mình đã ngây thơ như thế nào. Tôi cảm thấy như là một con dã tràng luôn luôn xây tổ chỉ để nhìn thấy nó bị làn sóng tiếp theo xóa đổ. Mấy năm vừa qua, tôi đã tham dự hết kỳ thi này đến kỳ thi khác, nhưng thực sự đã chẳng làm nên việc gì. Kiến thức của tôi về Tứ Thư và Ngũ Kinh, hay về thơ Đường, giúp tôi thi đỗ. Ngoài ra những kiến thức đó không mấy liên quan đến những gì mà nước nhà thực sự cần đến.”
“Có kẻ khác tự cho họ hơn hẳn những kẻ không được học như họ, nhưng tôi không đồng ý. Giang, em đã được thấy nhiều chỗ trên thế giới mà tôi không biết đến. Em lại có một căn bản giáo dục thực tiễn hơn và phù hợp với thời đại của chúng ta. Em, chứ không phải tôi, là hạng người mà Việt Nam cần có.”
“Với tình hình nước ta hiện nay, một số người đang cố bám víu vào chế độ cũ, chỉ vì họ không muốn mất đi những quyền lợi mà gia đình họ đã được hưởng qua bao nhiêu đời làm thuộc hạ của vua chúa nhà Nguyễn. Một số khác đi xu nịnh người Pháp vì thấy bọn cai trị mới sẽ mang lại cho họ những quyền lợi tương tự trong tương lai. Tất cả mọi người đều nói họ làm như vậy cho đất nước và cho đồng bào. Tất nhiên họ chỉ phục vụ cho quyền lợi cá nhân trên hết, và tôi không muốn giống như họ.”
“Vậy thầy không muốn làm việc cho người Pháp? Với những người như cha em, một người yêu đất nước này hơn là xứ sở mình?”
Tâm quan sát nàng từ khóe mắt. Nàng đang hướng về phía trước, đôi mắt có lẽ nhìn về chân trời xa, vẻ mặt đăm chiêu, gần như lo lắng.
“Bao giờ cũng có người tốt và người xấu ở bất cứ nước nào, bất cứ chính quyền nào. Nếu người Pháp cướp bóc nước ta như là quân của họ đã làm ở Huế, tôi sẽ không làm việc cho họ và sẽ chống đối họ bằng mọi cách. Nếu họ giống như cha em và quan tâm đến việc giúp Việt Nam hiện đại hóa, tôi sẽ sẵn lòng làm việc cùng với họ.”
Nàng thở dài, nhìn xuống, khẽ lắc đầu.
“Em đồng ý với thầy, tuy em không thấy vui khi nghe thầy nói như thế. Cha em cho chúng em biết là trong số người Pháp đang ở đây hoặc sẽ đến trong tương lai, có những kẻ phiêu lưu và những thành phần bị xã hội bên kia ruồng bỏ. Những con người đó chỉ tìm kiếm cái gì có lợi cho họ, và họ sẵn sàng bóc lột, ăn trộm, và cướp bóc. Còn một số khác là những kẻ kỳ thị chủng tộc kiêu căng, hoàn toàn tin tưởng vào cái mà người Pháp gọi là mission civilisatrice, sứ mệnh thiêng liêng đi văn minh hóa khắp thế giới. Họ tin chắc vào ưu thế của phương Tây và của chủng tộc da trắng. Em chỉ lo những cái xấu sẽ nhiều hơn cái tốt, và như vậy sẽ làm cho những người như Thầy không muốn hấp thụ những gì tốt đẹp mà Tây phương có thể đem lại cho đất nước chúng ta.”
Hai người tiếp tục đi trong im lặng, không còn gì để nói nữa về vấn đề đó. Các nhà Vua và các tướng lĩnh sẽ đến rồi lại đi, các cuộc nổi dậy sẽ bùng lên và lắng xuống, và lịch sử vẫn diễn ra và bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nằm ngoài khả năng của hai người.
Tâm và Giang chỉ là hai cá nhân mà số phận ban đầu đã đưa đẩy đến nhau. Sau đó là sự ngưỡng mộ và sự hấp dẫn hồn nhiên giữa cả hai. Cả chàng lẫn nàng đều biết mình chỉ có đủ thế lực để ảnh hưởng đến đời sống và định mệnh của riêng mình.
Sau một hồi im lặng, Giang quay trở lại câu hỏi khởi sự cuộc thảo luận chính trị trước đó.
“Thầy Tâm, thầy coi em là người Việt hay người Pháp?”
Tâm mỉm cười: “Em chắc chắn là người Việt nhiều hơn là người Pháp. Đối với tôi, em bao giờ cũng là Giang chứ không phải là Françoise.”
Nàng không cho chàng thoát khỏi dễ dàng như thế. “Thầy Tâm, phần nào của em là người Việt, phần nào là Pháp?”
“Trước hết, em trông giống như người Việt, ngoại trừ đôi mắt xanh đó,” Tâm bắt đầu, nhưng không muốn nói thêm là chính bộ mắt đó, thật trong sáng và đẹp, đã làm chàng say mê ngay từ khi gặp nàng lần đầu.
“Thầy tiếp tục đi, em đang chờ.”
“Em cũng tự cho mình là người Việt. Cử chỉ, cách ứng xử, và toàn thể hành vi của em là của người Việt.”
“Thế thầy không thấy em thô lỗ và man rợ như những con quỷ ngoại quốc đó?”
Chàng cười và lắc đầu.
“Không, nhất định là không.”
Sau một thời gian chờ đợi ngắn, nàng nhẹ nhàng nhắc nhở.
“Thầy chưa nói xong đúng không? Em giống người Pháp ở điểm nào?”
“Đây là chỗ tôi thấy đang ở thế yếu, vì thực sự tôi chưa tiếp xúc với người nước ngoài nào cho tới khi gặp em và gia đình em.”
“Thầy cứ thử nói cho em nghe.”
“Từ lần đầu tiên gặp em, tôi cảm thấy có điều gì khác thường trong cách em đối xử với tôi. Em đã tỏ ra thật dịu dàng, tử tế và thông cảm với tôi.”
Tâm nói câu sau cùng thật chậm, dừng lại từng chữ một, như đang cố tìm ra chữ thích đáng nhất để dùng.
Nàng nghiêng đầu nhìn chàng.
“Thế không có ai khác dịu dàng, tử tế, và thông cảm với thầy?”
“Không có ai như vậy.”
“Không có cô nào mà thầy để lại ở quê nhà để vào Huế đi thi?”
(Còn tiếp)