BAN BIÊN TẬP TYTNT
Sử sách ghi lại là vào ngày 6/9/1620, từ thị trấn Plymouth, Anh Quốc, có 44 người ly khai Giáo Hội Anh và bị chính quyền Anh gạt ra ngoài vòng pháp luật. Những người này bỏ xứ đến Hòa Lan rồi lại sang Pháp, nhưng những quốc gia ở Âu châu mà họ đến, đều không sẵn lòng đón tiếp họ. Cuối cùng nhóm người này dẫn một nhóm 66 người khác có cùng quan điểm tôn giáo, di tản sang Tân Thế Giới (Châu Mỹ) trên con tàu tên là The Mayflower.
Cuộc hành trình kéo dài 65 ngày, trải qua nhiều gian khổ, và họ nhiều lần tưởng như đã mất mạng. Bốn mươi bốn người ly khai tự mệnh danh là “Thánh” (Saints), còn những người khác thì họ gọi là “Người lạ” (Strangers). Vì có nhiều bất đồng ý kiến đã xảy ra giữa hai nhóm, nên lúc sắp sửa cập bến, hai nhóm đồng ý ký kết với nhau một bản hiệp định gọi là Mayflower Compact để bảo đảm sự bình đẳng và thống nhất giữa hai nhóm. Họ kết hợp lại với nhau và tự mệnh danh mình là The Pilgrims (Những người tha hương).
Ban đầu những người Pilgrims này dự tính định cư tại Virginia, một vùng đất đã được thực dân Anh khai phá, nhưng vì bão tố, họ phải đổ bộ lên một nơi hoang vắng và định cư ở đó. Vì họ xuất thân từ thị trấn Plymouth nên đặt tên cho vùng đất này là Plymouth để tưởng niệm quê hương cũ. Địa phương này bây giờ thuộc tiểu bang Massachusetts.
Định cư ở Plymouth
Những người Pilgrims đặt chân đến Plymouth ngày 11/12/1620. Có nhiều cuộc chạm trán nho nhỏ với những bộ lạc da đỏ bản địa, nhưng không nghiêm trọng lắm. Họ phải đi tìm chỗ ở an toàn hơn bởi vì lúc đó là vào mùa Đông, một mùa Đông giá lạnh và đầy giông bão.
Người da đỏ bắt đầu lo lắng vì biết là những người da trắng này sẽ ở lại đó, nên họ cho một nhóm 50 binh sĩ mang một nắm mũi tên gắn với nhau bằng da rắn để tỏ lòng hiếu khách. William Bradford, thủ lãnh của nhóm Pilgrims đáp lại thịnh tình đó bằng cách gửi đến những người da đỏ một da rắn dồn thuốc súng và đạn với thiện chí hòa bình. Và hoà bình cuối cùng được thành lập giữa hai cộng đồng.
Sau 6 tháng lên đất liền, thời tiết khắt khe và thiếu thốn, bệnh dịch đã làm cho 46 người trong số họ thiệt mạng. Những người sống sót là nhờ được người da đỏ giúp đỡ thực phẩm là gà tây và bắp. Những người da đỏ lại dạy họ cách trồng bắp và săn thú rừng, và nhờ vậy mà họ có thể vượt qua được mùa Đông giá rét đầu tiên trên đất Mỹ.
Vụ mùa đầu năm 1621 thành công. Thủ lãnh William Bradford quyết định làm lễ Tạ ơn Trời vào tháng 11 năm đó. Họ mời 91 người Mỹ bản xứ (thổ dân da đỏ) tới cùng chung vui và bày tỏ lòng biết ơn. Đây có thể xem là ngày lễ Thanksgiving đầu tiên được tổ chức ở châu Mỹ.
Một câu chuyện thú vị khác
Nói tới buổi Lễ Hội được Mùa năm 1621 này, cũng nên nhắc lại chuyện một thổ dân tên là Tisquanto hay còn gọi là Squanto. Có lẽ Squanto là một trong số ít người đầu tiên được tiếp xúc với văn minh Âu châu. Rồi, sau khi trở về quê hương để làm gạch nối giữa người da trắng và da đỏ, thì anh lại bị đồng bào anh coi là kẻ thù vì không chấp nhận sự hợp tác của anh với người da trắng. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì với thiện chí làm bớt đi sự chém giết giữa người di dân và người da đỏ.
Khi người Âu châu mới tìm ra Mỹ châu, đoàn thám hiểm đã tổ chức bắt cóc một vài trẻ em bản xứ trong đó có Squanto đem về Anh quốc với mục đích để dạy dỗ cho nói tiếng Anh để làm thông dịch viên sau này. Squanto được trao cho một giáo sĩ nuôi rồi được theo các tàu buôn trở về Mỹ châu.
Những mẫu chuyện được ghi lại
Hồi ký “Of Plymouth Plantation”
Sau này khi thuộc địa Massachusetts được thành lập, thủ lãnh William Bradford chiêu mộ nhiều người di dân khác đến khai phá, ông trở thành Thống đốc đầu tiên. Ông đã ghi lại ngày ăn mừng này trong tập hồi ký “Of Plymouth Plantation” và dưới đây là vài hàng trích dẫn:
Bấy giờ mọi người bắt đầu thu hoạch số hoa màu nhỏ đem chất chứa trong nhà hay kho để dành cho mùa Đông. Tất cả mọi người đều đã phục hồi sức khỏe và mọi thứ đã có đủ. Một vài người đi xa; số ở lại thì đi câu cá và chia phần cho mọi nhà. Suốt mùa Hè đó, họ không thiếu thốn gì. Và bây giờ thì họ kiếm thêm chim chóc chứa vào kho vì mùa Đông sắp tới và nơi này thì chim chóc có rất nhiều. Ngoài chim chóc, còn có rất nhiều gà rừng và nai v.v. Hơn nữa, họ lại có một số lượng thực phẩm thu hoạch như là bắp (Indian corn).
Hồi ký “Mourt’s Relation”
Edward Winslow một người trong nhóm Pilgrims viết trong hồi ký “Mourt’s Relation” như sau:
Mùa màng của chúng tôi đang được thu hoạch, vị thủ lãnh của chúng tôi phái bốn người đi bắt chim chóc để chúng tôi ăn mừng sau mùa thu hoạch do công lao của chúng tôi. Nhóm bốn người đã bắt được chim chóc thật là nhiều có thể dùng hầu như cả tuần cho mọi người. Vào lúc đó, trong những trò giải trí, chúng tôi thực tập bắn súng và có khoảng nhiều thổ dân được mời tới tham dự trong đó có cả Tù trưởng Massasoit. Chúng tôi vui chơi ăn uống suốt ba ngày; một nhóm thổ dân ra ngoài săn bắt 5 con nai đem về tặng cho thủ lãnh và các đội trưâu, Squanto đã tìm cách vượt trốn khỏi vòng tay người da trắng, nhưng rồi bị bắt và bị bán làm nô lệ trôi nổi khắp đó đây kể cả Tây Ban Nha và các bến cảng châu Phi. Định mệnh xui khiến, may mắn sao, Squanto lại được trở về quê hương của mình. Khi đoàn người di dân đổ bộ lên Plymouth, Massachusetts và đang sắp bị chết đói thì Squanto xuất hiện cùng với một số thổ dân người Wampanoag. Họ mang theo thức ăn cho người di dân và sau đó dạy người di dân cách trồng trọt và săn bắt. Nhờ đó mà đoàn di dân đã sống sót qua mùa Đông băng giá năm đó và có thu hoạch tốt vào mùa Thu năm sau. Chẳng bao lâu sau đó, Squanto bị bệnh sốt rét và qua đời. Hiện nay người da trắng và da đỏ vẫn còn nhớ ơn Squanto.
Dòng họ Bush và Roosevelt
… Sau khi rời Plymouth, những ngày đầu tiên, gió tốt yên lành. Nhưng sau đó mây đen ùn ùn kéo tới từ phía Bắc. Cơn giông bão bắt đầu. Một trong những hành khách tên William Bradford bị ngọn sóng khổng lồ quét ra khỏi khoang tàu và được cứu như một phép lạ. Sau này gia đình ông William Bradford có 10 người con và 82 cháu. Ông trở thành Thống đốc của Massachusetts. Tưởng tượng nếu như ông buông tay và không được cứu sống thì sẽ không có hai ông Tổng thống Bush và Roosevelt bởi vì các vị này là cháu chắt của dòng họ ông.
Những buổi tiệc Tạ ơn khác
Ngày 23/5/1541, Francisco de Vásquez de Coronado cùng thổ dân Tejas tổ chức Hội Tạ ơn tại Palo Duro Canyon, Texas để ăn mừng cuộc hành trình của Francisco đi tìm thấy thực phẩm. Trong ý nghĩa tiệc mừng của người Âu châu tạ ơn Chúa, ngày này cũng được nhiều người cho là đích thực ngày lễ đầu tiên Tạ ơn Chúa ở Bắc Mỹ.
Một tiệc mừng kế là tiệc mừng do Pédro Menéndez de Avilés tổ chức tại St. Augustine, Florida, ngày 8/9/1565. Tiệc mừng này cũng được cho là Thanksgiving đầu tiên tại Mỹ.
Một buổi tiệc khác cũng được cho là lễ Tạ ơn đầu Tiên ở Mỹ châu là bữa tiệc của Don Juan de Onate tổ chức ngày 30/4/1598 tại gần San Elizario, Texas.
Điều này nói lên rằng, trong lòng của những người di dân đến châu Mỹ đều có sự biết ơn. Ơn của Chúa đã dẫn dắt họ được sinh tồn ở một vùng đất mới. Ơn của những người địa phương đã giúp đỡ họ trong thời gian khó khăn ban đầu. Vì vậy, nơi nơi đều có những ngày lễ Tạ ơn khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là tấm lòng thành của con người để biểu lộ lòng biết ơn đến Thượng đế và đến những ân nhân của họ. Thật là một truyền thống văn hóa tốt đáng được noi theo!
Lịch sử của những ngày Lễ Tạ Ơn
Có một số tiểu bang ở miền Nam không nhìn nhận những ngày Tạ ơn như các tiểu bang khác. Tới năm 1858 mới có 25 bang và 2 lãnh thổ nhìn nhận ngày lễ Tạ ơn.
Trong cuộc nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố ngày thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 năm 1863 là Thanksgiving cho toàn quốc. Từ 1863, hàng năm toàn quốc Hoa Kỳ đều cử hành lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11.
Nhưng tới năm 1939 thì Tổng thống Roosevelt lại tuyên bố rằng Thanksgiving nên là ngày kế ngày thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 hơn là ngày cuối cùng với mục đích giúp cho thời gian mua sắm vào dịp Christmas được kéo dài hơn. Đề xuất này không có tính bắt buộc nên chỉ có 23 tiểu bang theo khuyến cáo này còn 22 tiểu bang khác không theo. Còn các tiểu bang khác, như Texas, đã ấn định cả hai tuần lễ là ngày Tạ ơn.
Vào thập niên 1940, là thời kỳ Đệ nhị thế chiến, Quốc hội Mỹ đang trong thời kỳ chiến tranh, đã biểu quyết ngày lễ Tạ ơn là ngày Quốc lễ của toàn thể liên bang để tưởng nhớ tới những công lao những người đã hy sinh và Tổng thống Roosevelt quy định lấy ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 của tháng 11.
Ngày 26/11/1941, Tổng Thống Roosevelt ký ngày Tạ Ơn toàn quốc đó thành luật và giữ mãi cho đến bây giờ.
Món ăn trong ngày lễ Tạ ơn
Ngày xưa, lễ Tạ ơn kéo dài ba ngày. Tuy nhiên họ không thực sự chỉ ăn gà Tây (turkey, dindon) bởi vì chữ “Turkey” lúc bấy giờ dùng để chỉ gà Tây, gà, chim cút, chim trĩ …
Chắc chắn là họ không làm bánh nướng nhân bí ngô (pumpkin pie) bởi vì họ không có bột và đường, và phần đông không ăn khoai tây vì họ cho rằng khoai tây độc.
Ngày nay, trong dịp lễ này gia đình đoàn tụ. Khách có thể mang theo món ăn cho lễ nhưng không có quà cáp.
Gà Tây: Thanksgiving đầu tiên được biểu tượng bằng gà tây nên còn được gọi là Turkey Holiday. Thịt gà tây luôn luôn được gắn liền với lễ này.
Bí đỏ: Là loại rau đã cứu sống những người hành hương trong mùa lạnh kinh khủng đầu tiên ấy, đã trở thành món ăn quan trọng gần như thịt gà Tây.
Sinh hoạt trong dịp lễ Tạ Ơn
Trong dịp lễ Tạ ơn, đại đa số trường học, công sở, và một số công ty tư nhân cho nhân viên nghỉ thêm ngày thứ Sáu, sau ngày lễ Tạ ơn.
Khi lễ Tạ ơn chấm dứt thì mùa nghỉ lễ mùa Đông truyền thống lại bắt đầu. Tiếng Mỹ gọi là Holiday Season. Đó là mùa mua sắm cho Lễ Giáng sinh được khởi sự vào ngày Thứ Sáu đen “Black Friday”, ngay sau ngày lễ Tạ ơn. Truyền thống này được thành lập vào thập niên 1930.
Lễ Tạ ơn là một dịp để những người trong gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui. Ở Mỹ, đây là một ngày lễ quan trọng của gia đình và mọi người có thể đi về quê để gặp gỡ các thành viên trong gia đình. Kỳ nghỉ Tạ ơn thường rơi vào “4 ngày” cuối tuần. Dịp này phần lớn được tổ chức ở phạm vi gia đình, không giống như ngày lễ Độc lập, July 4 hay lễ Christmas, vào tháng 12 được tổ chức rầm rộ với sự tham gia của công chúng.
Tại thành phố New York, cuộc diễn hành nhân ngày Tạ ơn của Tập đoàn Macy’s được tổ chức hàng năm tại khu trung tâm Manhattan. Cuộc tuần hành được tổ chức theo các chủ đề đặc biệt nào đó, hoặc mô phỏng các cảnh trong những vở kịch trên sân khấu Broadway kèm theo những chùm bóng lớn vẽ nhiều nhân vật hoạt hình hoặc diễn viên truyền hình nổi tiếng. Diễn hành nhân dịp Tạ ơn cũng diễn ra ở một số thành phố khác như Plymouth, Houston, Philadelphia và Detroit.
Một hoạt động khác không kém phần hấp dẫn trong dịp lễ Tạ ơn tại Mỹ là những trận đấu football. Theo truyền thống, hai đội chuyên nghiệp sẽ giao đấu vào ngày Tạ ơn. Truyền thống này bắt đầu với đội Detroit Lion và sau đó với đội Dallas Cowboy và dần dần có nhiều đội tuyển khác tham dự.
Lễ Tạ ơn năm 2023, sẽ có 6 đội tham dự với lịch trình như sau:
Green Bay Packers at Detroit Lions. FOX | 12:30 p.m. ET.
Washington Commanders at Dallas Cowboys. CBS | 4:30 p.m. ET.
San Francisco 49ers at Seattle Seahawks. NBC | 8:30 p.m. ET.