Những dĩa bánh cuốn đầu tiên trên đất Mỹ

by Tim Bui
Những dĩa bánh cuốn đầu tiên trên đất Mỹ

YẾN TUYẾT

Người con gái của nhân vật “Bà Lộc” mà tôi sắp đề câp trong bài viết này gặp tôi do một sự tình cờ. Vợ chồng cô đi làm thiện nguyện và chúng tôi cùng ở trong nhóm hỗ trợ bệnh nhân bị bệnh ung thư.

Chúng tôi làm quen với nhau rồi trao đổi những chuyện riêng tư từ gia đình đến con cái, cả công ăn việc làm nữa.

Khi hỏi đã đến Mỹ bao lâu, làm nghề gì lúc mới chân ướt chân ráo đến cái đất nước xa lạ này, L. tên của người phụ nữ con gái của bà Lộc, cho biết là mình từng giúp Mẹ bán bánh cuốn trong những năm đầu tiên đến Mỹ.

Thế là tôi không bỏ lỡ cơ hội để xin làm một cuộc phỏng vấn, vì tôi thấy câu chuyện của hai mẹ con cô L. rất đặc biệt, trong muôn vàn câu chuyện nhập cư khác của người Việt Nam mình.

Và tôi muốn được vinh danh những người Việt như thế.

Theo lời cô L. kể lại thì vào những ngày trước 30/4/1975, gia đình cô cư ngụ tại Việt Nam, gần chợ Hòa Hưng trong khu đình đối diện với rạp hát Thanh Vân. Mẹ cô được người quen gọi là bà Lộc, cùng chồng di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 và hai người có 5 mặt con: hai trai, ba gái.
Làm lụng cực khổ nhưng họ sống chật vật cho nên đến khi chồng bà qua đời vào năm 1967, gia đình bà vẫn còn ở trong cảnh lo ăn từng bữa. Lúc đầu, nhờ hàng xóm thương tình chỉ dẫn cho cách lấy mối bánh cuốn về bán nên bà Lộc bắt đầu bước vào nghề này, nhờ đó, bà mới có thể một mình nuôi đàn con thơ dại. 
Những người chủ lò bánh cuốn tốt bụng đó cho bà lấy bánh cuốn bằng cách “gối đầu”, nghĩa là không phải trả tiền khi lấy bánh mà bán xong mới trả cho họ để lấy số bánh khác.

Khoảng một năm sau, nhờ mua may, bán đắt, có được một số vốn nhỏ, bà Lộc xoay qua việc tự tráng bánh cuốn. Lúc bấy giờ cô L. mới có 9 tuổi, là người phụ tá đắc lực của bà Lộc trong việc buôn bán trong thời gian này.

Chị cô L., đang ở trong tuổi dậy thì, là nữ sinh của trường Trưng Vương nên mắc cỡ, hay trốn tránh việc tráng bánh cuốn và đùn hết cho cô em gái nhỏ của mình trong việc giúp mẹ. Ông anh cô L. đi lính, còn hai đứa em kia thì vẫn còn quá nhỏ nên chỉ để mẹ sai vặt.

Cô L. kể lại là cô đã phụ trách việc pha bột, tráng bánh, làm nhân thịt giúp mẹ trong suốt khoảng thời gian của tuổi mới lớn ấy, và cô thích thú với việc làm này vì được mẹ tin cậy.

Dạo ấy, bà Lộc còn rào một khoảng sân nhỏ trước nhà để cho mấy chị em cô L. nuôi gà. Rồi sau đó, được ông chú cho một con heo sữa, cô L. lại nuôi heo và khi heo lớn lên thành heo nái, nó đẻ được một lứa 12 con heo con. Chỉ ba tháng sau, bầy heo con lớn như thổi vì cô L. một tay chăm sóc chúng rất cẩn thận. Họ phá bầy heo để bán và nhớ đó có thêm vốn làm ăn.

Vào tháng 4 năm 1975, gia đình cô L. cũng xôn xao theo với tình hình đất nước là vì bà Lộc đã từng chứng kiến những hành động dã man của Cộng sản trong các vụ đấu tố trước khi di cư vào Nam ở miền Bắc. Cha của bà Lộc đi lính cho Pháp nên đối với Cộng sản là một người phạm tội, còn người em chồng của bà thì bị Việt Cộng bắt cắt cổ vì bị gán tội làm Việt gian. Thế nên, bà Lộc tìm đủ mọi cách để rời Việt Nam khi nghe tin Việt Cộng đang chiếm dần nhiều tỉnh lỵ ở miền Trung và cao nguyên.

Đêm 29/4/75, bà Lộc đem 4 đứa con (con trai lớn của bà đi lính còn kẹt trong trại) cùng một số người khác chạy lên cơ quan tiếp vận USOM của Mỹ vì người ta đồn nhau là nếu có mặt ở đó, Mỹ sẽ bốc họ đi bằng trực thăng. Thế nhưng, chờ đến sáng 30/4 thì họ không thấy có một chiếc máy bay nào xuất hiện cả. 

Mọi người kéo nhau đi về nhưng bà Lộc ở lại và quyết định chạy ra Hải Quân Cộng xưởng ở bến Bạch Đằng vì nghĩ rằng may ra sẽ có tàu để đi.

Ở bến Bạch Đằng, nguời ta nói cho nhau biết là những chuyến xà lan cuối cùng vớt người đã rời bến từ tối hôm 29/4. Lúc đó, bà Lộc gom mấy đứa con lại dặn dò là nếu có vì một lý do gì đó mà gia đình chia cách nhau, tụi nhỏ cứ ra đi một mình chứ đừng chờ đợi nhau mà dính chùm không ai đi được cả. Do đó, con trai thứ tư của bà, lúc đó mới 12 tuổi đã cùng cậu em họ leo lên một cái tàu neo ở đó và đi thóat, mà sau này họ mới biết đó là tàu Trường Xuân.

Chị của cô L. lúc đó đang có một đứa con 2 tuổi, mệt mỏi vì phải nách con chạy ngược xuôi nên đòi về nhà. Đứa em gái 8 tuổi của cô L. cũng khóc đòi đi theo chị lớn. Giữa lúc hoang mang cùng cực, bà Lộc để cho cô con gái lớn dẫn con gái út trở về, trong khi bà và cô L. ở bến Bạch Đằng cầu may.

Thế rồi, hai mẹ con thấy một đám lính nhảy dù VNCH, nghe đâu từ trại Hoàng Hoa Thám, chạy ùa tới sau khi nghe lệnh đầu hàng. Họ cởi bỏ quân trang và hỏi xem mẹ con bà Lộc có y phục thường cho họ thay hay không? Dù chỉ đem theo vài bộ áo quần để thay đổi, bà Lộc đưa cả cho những người lính đó mặc và theo chân họ đi sâu vào trong khu Hải quân Công xưởng, dọc theo sông Saigon. May mắn thay, cả đám thấy một chiếc tàu sắt đánh cá đang nhổ neo nên vội kêu gọi họ chờ và nhảy lên chiếc tàu đó.

Tàu chở họ rời khỏi Saigon vào trưa 30/4/1975 với độ ba, bốn chục người khác đã có mặt trên tàu từ trước. Đi một lúc, có một ghe nhỏ cặp vô tàu đánh cá này và trong số người mới leo lên tàu có ông chú của cô L. và người em trai họ. Mẹ con cô L. rất mừng rỡ vì ít ra cũng có người thân bên cạnh.

Ra đến cửa biển, họ được tàu Mỹ kéo ra khơi và cặp vô xà lan chở đầy người tị nạn. Ở đó hai ngày, mọi người được chở đến Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ để chuyển lên một con tàu to lớn mà sau này cô L mới biết đó đó là chiếc tàu Midway.

Cô L. kể lại là có những người tị nạn Việt Nam ở trên xà lan đem theo rất nhiều tiền VNCH và dùng tiền ấy để lót nằm vì sàn xà lan rất ẩm ướt. Trong khi đó, cô L. được mẹ buộc vào lưng một mớ tiền thì vì lo chạy tìm đường đi, tiền mất lúc nào cô cũng không hay. Còn bà Lộc thì cũng không còn một đồng dính túi.

Thế nhưng, vì là một người nghiện thuốc lào nặng nên khi chuẩn bị đi vượt biên, bà Lộc có đem theo rất nhiều thuốc lào. Bà liền bán bớt đi cho những người đồng hương một ít bánh thuốc lào ấy để lấy tiền dằn túi.

Cô L. nói rằng trong hoàn cảnh bi đát và lo âu ấy, một hôm, mẹ cô ngồi nói chuyện và than thở với người em chồng thì, một người lính Mỹ còn trẻ khoảng 18, 19 tuổi đến hỏi thăm. Nhờ người chú làm thông dịch vì ông ấy biết chút ít tiếng Anh, bà Lộc kể hoàn cảnh của mẹ con mình. Anh lính trẻ nghe xong nói rằng anh sẽ đi Đại Hàn vào ngày hôm sau rồi bắt tay bà L. và không ngờ trong tay anh có 200 dollars dúi tặng bà Lộc.

Người lính nhìn bà cười hồn nhiên và đưa tay lên môi làm dấu bí mật. Bà Lộc lúc đó vừa ngạc nhiên mà cũng vừa cảm động trước nghĩa cử của một người Mỹ xa lạ vì bà biết số tiền đó rất lớn đối với lương của một người lính vào thập niên 1970.
Hai mẹ con bà Lộc sau đó được chuyển đến đảo Guam rồi đến trại tạm cư Camp Pendleton. Tại đây bà Lộc tìm gặp và đoàn tụ với cậu con trai thứ tư đi trên chuyến tàu Trường Xuân.

Bà Lộc ghi tên cho cả gia đình đi định cư ở California và vào tháng 9 năm 1975, bà và hai con được một gia đình Mỹ ở Rosemead bảo lãnh đến Mỹ qua Hội Thiện Nguyện thuộc Hội Thánh Lutheran.

Ở Mỹ vào thời gian đầu, bà Lộc đi nhà thờ nên tìm được một việc làm cắt chỉ ở một shop may do môt phụ nữ Việt nam lấy chồng Mỹ làm chủ với số lương 40 Mỹ kim một tuần nhưng sau hai tuần lễ làm mà không được trả lương, bà nghỉ việc. 
Bà Lộc được chỉ dẫn đi xin hưởng trợ cấp xã hội và dọn ra khỏi nhà người bảo trợ để đi kiếm apartment thuê ở riêng trong vùng Los Angeles.

Nhờ gặp gỡ một số người Việt Nam ở quanh khu vực thuê nhà, bà nghe nói đến chùa Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thiên Ân nên tìm đến đi lễ để được gần gũi người đồng hương.

Để kiếm thêm tiền chi tiêu, bà Lộc bắt đầu nghĩ đến việc bán bánh cuốn ở nhà. Bà dán một miếng giấy quảng cáo dịch vụ cung cấp bánh cuốn của mình ở chùa nên nhiều người đi chùa biết đến và tìm đến nhà bà để mua. Lâu ngày, người này nói cho người kia biết, thế nên quán tại gia của bà Lộc trở nên đông khách.

Cô L. kể lại rằng việc tráng bánh cuốn vào những ngày đầu tiên ở Mỹ của gia đình cô cũng qua một cuộc hành trình cam go chứ không phải dễ dàng. Nhà cô không có máy sinh tố nên họ phải mượn một người quen cái máy này để xay gạo thành bột làm bánh cuốn. Rồi họ phải thử nhiều loại gạo khác nhau trước khi chọn một loại gạo tốt nhất để xay thành bột để làm sao khi tráng, bánh không bị dai mà cũng không bị bở.

Dạo ấy, chung quanh vùng Los Angeles đó chỉ có vài chợ Đại Hàn và chợ Mễ bán rất ít loại gạo chứ không phải đủ loại khác nhau như bây giờ nên việc mua và lựa gạo không phải giản dị.

Đến dụng cụ tráng bánh là cái nồi và miếng vải mỏng căng ra trên miệng nồi cũng thành hình nhờ sự tìm tòi và thử nghiệm nhiều lần của hai mẹ con bà Lộc.

Không có loại nồi nhôm thấp để tráng bánh, bà Lộc phải cắt ngang cái nồi cao xuống dưới chỗ quai tay cầm nên mỗi lần nhắc nồi là phải bưng dưới đáy. Bà Lộc lại đi lùng kiếm một miếng nhôm mỏng và dài để bẻ cong theo miệng nồi rồi kiếm đinh vít, vặn chắc cái miếng nhôm mỏng đó vào miệng nồi, nhờ đó mới có thể căng miếng vải ra để đổ bánh cuốn được.
Việc lựa vải để căng trên miệng nồi cũng được thử tới, thử lui nhiều lần trước khi lựa đúng được loại vải không mỏng quá và không dày quá nữa.

Cuối cùng, với sự làm việc rất có lớp lang và phối hợp nhịp nhàng của hai mẹ con, quán bà Lộc càng ngày càng đông khách. Cô L. thì pha bột và tráng bánh cuốn, còn bà Lộc thì biết ủ bột sao cho đúng cách. Họ còn làm cả bánh cống để ăn kèm với bánh cuốn nữa.

Có khi bàn xếp ra cho khách ngồi ngoài phòng khách và phòng ăn không đủ chỗ, họ bưng luôn cả bánh cuốn vào phòng ngủ để ăn.

Tuy nhiên, quán bánh cuốn này của bà Lộc chỉ bán vào hai ngày cuối tuần vì cô L. là người tráng bánh cuốn còn phải đi học, chỉ rảnh rỗi để phụ mẹ vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật mà thôi. Họ may mắn có một ông manager người Mễ tốt bụng, biết họ buôn bán mà chẳng nói gì cả. Cửa ra vào căn apartment của bà Lộc chỉ dán một miếng giấy nhỏ đề chữ “Quán Bà Lộc” thế thôi.

Dần dà bà Lộc phát triển việc buôn bán của mình ra tới chuyện bán phở, cháo vịt, bún mộc và cả tiết canh vịt nữa trong phạm vị hạn hẹp của căn apartment.

Cô L. thường lặn lội đến China Town để mua vịt và nhờ những người Mễ làm tiết canh. Còn việc nấu phở thì họ nhờ một người bạn của bà Lộc ăn chay trường chỉ cho mua bột nêm của Đại Hàn bỏ vào nồi phở nên quán bà Lộc nổi tiếng vì phở có mùi vị đặc biệt.

Bà Lộc tiếp tục bán bánh cuốn và phở như thế từ năm 1976 cho đến năm 1980. Khi người phụ tá đắc lực của bà là cô L. bắt đầu phải đi học xa mãi tận bên Long Beach và có nguời yêu rồi lập gia đình thì bà Lộc đành phải nghĩ đến chuyện giã từ nghề bán bánh cuốn của mình.

Người bạn đời của cô L. là M. kể lại một vài kỷ niệm khá ngộ nghĩnh về quán bà Lộc như sau: “Khi họ mới quen nhau và được cô L. mời về nhà chơi. M. đang ngồi chờ cô L. ngoài phòng khách, tự nhiên có một anh chàng thanh niên chạy xộc vào nhà bếp nói: “Bác cho con ly cà phê và tô phở!”. Bữa khác đến nhà lại gặp một người khác đi vào nhà tự nhiên và order dĩa bánh cuốn ăn tại chỗ. M. ngạc nhiên nhưng không hề hỏi gì cả. Cho đến khi anh chàng ngỏ lời cưới vợ mới biết là mình “cuỗm” đi người thợ chính tráng bánh cuốn của quán bà Lộc.

Bà Lộc mất năm 1988, thọ 65 tuổi.

từ lâu lắm rồi, cô L không còn làm cái nghề tráng bánh cuốn truyền thống của gia đình nữa, nhưng cô là một người nấu ăn rất khéo và nghe kể lại là cô đã từng là chủ tiệm ăn của một cửa hàng Food To Go tại quận Cam khoảng hơn 30 năm trước.

Dĩ nhiên tôi không thể chứng minh được những đĩa bánh cuốn của mẹ con bà Lộc đích thực là những dĩa “bánh cuốn đầu tiên trên đất Mỹ,” nhưng không hiểu sao khi nghe cô L. kể chuyện, ý tưởng này len vào đầu tôi và ở luôn trong đó.

Có lẽ tôi cảm động với ý nghĩ những đĩa bánh cuốn, những tô phở… mà người tị nạn chúng ta mang theo vào đất Mỹ trong những ngày đầu bỡ ngỡ, đã đóng một vai trò quan trọng, vừa khiến thực khách có những phút ấm môi vì được nếm thức ăn quê mẹ, vừa giúp không biết bao người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ một có phương tiện kiếm sống và nuôi con ăn học thành tài, tạo ra một cộng đồng người Việt vững mạnh ở nơi chúng ta đã nhận là quê hương thứ hai.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights