TRÙNG DƯƠNG
Sau hơn hai tiếng rưỡi trải qua sáu trận đánh hung bạo người chết như rạ (của tổng cộng 81 trận ghi trong lịch sử, trong đó một nửa là thua) của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonapart (1769-1821), xen kẽ với những cảnh hoàng đế đắm mình làm tình với một Josephine hơi lãnh cảm, bước ra khỏi rạp hát, người xem phim tự hỏi: Chỉ có nhiêu đó thôi sao, với một phim tốn tới 200 triệu Mỹ kim để thực hiện?
Một điều không thể phủ nhận là phim dàn dựng công phu, với những trận đánh sắp xếp tỉ mỉ song vĩ đại, của đạo diễn gốc Anh Ridley Scott, 85 tuổi, lừng danh lão luyện với loại phim lịch sử, như “The Last Duel”, “Gladiator” hay “The Duelists.” Công phu không kém, đặc biệt ở phần cổ trang, là cảnh Napoleon lên ngôi hoàng đế trong tòa thánh đường Notre Dames (hiện đóng cửa để tái thiết) dàn dựng trong ngôi nhà thờ chánh tòa ở Lincoln, Anh quốc, cũng là nơi phim được thu hình. Và diễn xuất của tài tử Mỹ Joaquin Phoenix khiến người xem thấy như mình được “trực diện” với một Napoleon lạnh lùng, tính toán, mưu mẹo, tham vọng ngất trời, trong khi cất quân đi chinh phục cùng khắp Âu châu nhưng lại yêu đương say đắm chỉ có một Josephine góa bụa hơn tuổi mình, do tài tử Vanessa Kirby đóng lôi cuốn và vững vàng.
Nhiều phim truyện cũng như tài liệu đã khai thác đề tài Napoleon, một nhân vật lịch sử độc đáo vươn lên từ một nguồn gốc khiêm tốn tại hòn đảo Corsica nằm dọc theo bờ biển phía tây của Ý, tốt nghiệp các học viện quân sự nhờ học bổng, có biệt tài chỉ huy quân sự và lợi dụng tình thế hỗn mang hậu cách mạng 1789, ông trở thành chính khách rồi hoàng đế không chỉ của Pháp mà cả của Ý, nơi ông đã chinh phục cho Pháp quốc trước khi tự phong cho mình là hoàng đế của Pháp vào năm 1804.
Những phim như “Napoleon” (2000, phim tài liệu 4 kỳ do PBS thực hiện, hiện chiếu trên YouTube), “Napoléon” (2002, phim nhiều kỳ chiếu trên truyền hình), “Campaigns of Napoleon” (2001), “Adieu Bonaparte” hay “Bonaparte in Egypt” (1985, của đạo diễn người Ai cập Youssef Chahine cùng phối hợp với một hãng Pháp thực hiện, về thời kỳ Pháp chiếm đóng quốc gia này) và “Waterloo” (1970, về trận đánh cuối cùng kết thúc với Napoleon bị thua và bị Anh quốc đầy đi đảo St Helena).
Tuy nhiên, không có mấy tác phẩm đi sâu vào thực tế của chính người đàn ông trong Napoleon, cá tính thực sự của con người ông đằng sau bộ quân phục tề chỉnh khít khao với những đường thêu thùa tinh vi màu sắc rực rỡ, cuộc đời tình ái và những vấn đề cá nhân mà ông ta thường xuyên phấn đấu bên trong. Đó là lý do tại sao người hâm mộ Napoleon và cả nhà làm phim không thể chờ đợi bộ phim rất đáng được mong đợi “Napoleon” của đạo diễn Scott, với diễn viên Joaquin Phoenix, người đã từng đoạt giải Oscar trong vai chính của “Joker”, thủ vai Napoleon.
Có lẽ nhiều người đã từng hâm mộ các phim lịch sử trước của đạo diễn Scott qua sự dàn dựng công phu của ông, hay khán giả thích phim chiến tranh với những cuộc dàn binh hùng vĩ, thì sẽ rất hài lòng, vì các cảnh của sáu trận đánh trong phim quả thật làm khán giả phải nín thở khâm phục. Mặc dù ông Scott cho biết ông chỉ dùng có “300 diễn viên, 100 con ngựa và 11 máy quay phim” và ít xảo thuật điện toán như CGI (computer-generated image) hay AI (artificial intelligence), mặc dù trong một cuộc phỏng vấn khác ông Scott lại nói không dùng xảo thuật điện toán. Riêng tôi, thú thật, là bị… bá thở luôn, và có một lúc không khỏi sốt ruột tự hỏi chừng nào thì hết đánh nhau đây. Người ta cũng không khỏi bật cười mỗi khi nhân vật Napoleon bập bập môi chép chép miệng ra hiệu đòi ái ân với Josephine–thực tế hay bịa đặt?–như chú chó con ngóng cái bánh bích quy thưởng của chủ, mà có nhà phê bình đã dùng chữ “puppy love” dành cho mối tình của Napoleon với Josephine.
Chẳng trách được dư luận Pháp không khỏi bất bình, nặng lời phê bình phim. Nhiều tạp chí tên tuổi chỉ trích phim, như tờ GQ (nhắm vào độc giả phái nam) viết là phim “vô cùng vụng về, không tự nhiên và pha trò một cách vô ý thức;” trong khi tờ Le Figaro nhạo báng gán cho phim nhãn “Barbie và Ken thời đế quốc” (Barbie và Ken là hai con búp bê đồ chơi cho trẻ em Mỹ). Nhà chuyên về tiểu sử Napoleon, Patrice Gueniffrey viết trên tạp chí Le Point, tấn công phim muốn viết lại lịch sử, “rất bài Pháp và rất bênh Anh”.
Không vừa, đạo diễn Scott, người đã được Nữ hoàng Anh ban cho tước “Sir”, phản công trong một cuộc phỏng vấn của BBC, đáp: “Tụi Pháp không thích cả chính họ nữa.” Và nặng hơn, trả lời tạp chí The New Yorker về những chỉ trích của báo chí Pháp, ông nhắn họ nên “Đi chỗ khác chơi!” (Get a life!).
Là người tin một phim hay phải bắt đầu bằng một truyện phim hay, rồi mới đến đạo diễn giỏi, diễn viên đa năng và ráp nối tài tình, tôi nghĩ phim sẽ trọn vẹn hơn, nếu đạo diễn cùng nhà viết truyện phim David Scarpa viết một kịch bản bao gồm hơn. Hơn là chỉ mô tả những trận đánh mặc dù dàn dựng công phu, những cuộc trường chinh hàng ngàn dặm; và xen kẽ là những cảnh ái ân giữa Napoleon và người duy nhất ông yêu đến tận hơi thở cuối cùng khi ông thốt tên bà trước khi chết tại nơi lưu đày trên hòn đảo St. Helena heo hút giữa Đại Tây Dương.
Kết thúc phim “Napoleon” là những màn hình liệt kê vài trong số những trận đánh với tổng số cả triệu lính tử trận của mỗi trận–phải chăng đây là tuyên ngôn chống chiến tranh của nhà làm phim?
Đối với một người không biết tí gì về lịch sử thời Napoleon, như thằng cháu ngoại 16 tuổi cùng đi xem phim này với tôi, thì chuyện Napoleon là thế đấy: những cuộc trường chinh vô tận và mối tình với một người đàn bà không mấy nể trọng mình. Tôi biết nó sẽ nghĩ như thế, nhưng cũng đủ hiểu biết để kết luận phim truyện, khác với phim tài liệu, chỉ là một thứ tiểu thuyết hóa, không thể hoàn toàn phản ảnh trung thực lịch sử. Và có lẽ nó cũng sẽ chẳng buồn tìm hiểu thêm làm gì về một nhân vật xa vời của lịch sử đầy dẫy tranh hùng bên trời Âu vốn cũng chả dính dáng gì tới nó so với những lôi cuốn bởi nhiều thứ khác trong cuộc sống nhiều màu sắc, đa dạng và phức tạp hôm nay. Dù vậy tôi cũng nói với cháu, mặc dù tôi ít quan tâm tới nhân vật Napoleon (cho tới sau khi xem phim dàn dựng công phu và tốn kém dựa trên một kịch bản hụt hẫng), rằng đấy không phải là một chân dung đầy đủ về ông ta. Và còn gửi text cho cháu với mấy đường dẫn tới một số nguồn đáng tin cậy về di sản Napoleon đã để lại cho nước Pháp nói riêng và nhân loại nói chung sau một thập niên ở ngôi hoàng đế từ 1804 tới 1814/15, đặc biệt là tài liệu về bộ luật Dân sự, còn gọi là Napoleon Code, dù biết chưa chắc nó đã có đủ quan tâm để mở đọc.
Năm 2021 nhân kỷ niệm 200 năm từ ngày Napoleon qua đời ngày 5 tháng 5, 2021, bình luận gia Aude Mazoue viết một tiểu luận ngắn song khá cô đọng trên trang mạng của cơ quan truyền thông France 24 (tương tự như đài PBS của Mỹ và BBC của Anh), tại https://www.france24.com/en/europe/20210504-napol%C3%A9on-s-rich-global-legacy-from-the-civil-code-to-creative-arts. Xin lược dịch với chú thích thêm dưới đây, như một nỗ lực nhỏ điền vào chỗ trống trong một phim có thể thuộc hàng đại tác phẩm, nếu đã được xây dựng từ một kịch bản hoàn hảo hơn.
Di sản của Napoleon
Napoléon Bonaparte đã để lại một di sản to lớn sau khi ông qua đời tại St Helena hai thế kỷ trước, vào ngày 5 tháng 5 năm 1821–từ Bộ luật Dân sự ảnh hưởng đến các hệ thống pháp luật trên toàn thế giới đến việc tạo cảm hứng nơi các nhà văn và nghệ sĩ tạo hình, bà Mazoue mở đầu bài tiểu luận.
Sau khi Napoléon qua đời tại đảo lưu đày St Helena nằm ở phía nam giữa Đại Tây Dương thuộc Anh, nhà văn và nhà ngoại giao Pháp đáng trọng vào đầu thế kỷ XIX, François-René de Chateaubriand, đã tiên đoán về một di sản khổng lồ của vị hoàng đế một thời này: “Khi còn sống, ông đã đặt dấu ấn của mình trên thế giới. Bây giờ trong cái chết, ông là chủ chính di sản đó.”
Hai thế kỷ sau, dấu ấn của Napoléon vẫn còn trên một loạt các thể chế, ý tưởng và tượng đài, gồm có: Hệ thống pháp luật Bộ luật Dân sự có ảnh hưởng sâu xa mà ông tuyên lập năm 1804; Bắc đẩu bội tinh của Pháp; hệ thống thi tú tài nổi tiếng; trường trung học phổ thông; Hội đồng Nhà nước cố vấn cho chính phủ Pháp; và một loạt các vấn đề tầm thường hơn như hệ thống thu gom rác của Pháp. [Nguyên chịu ảnh hưởng của Pháp trong thời thuộc địa từ 1884 đến 1945, người Việt chắc nhận ra vài sự tương tự trong hệ thống chính trị, xã hội và giáo dục của chúng ta trước 1975.]
Danh sách này cũng vô tận tương tự khi nói đến các di tích tại Paris. Khải hoàn môn-Arc de Triomphe Napoléon hùng vĩ hơn cả được khai trương vào năm 1806; những nơi khác bao gồm Rue de Rivoli–con đường lớn xuyên trung tâm Paris–và Canal d’Ourcq, tuyến đường thủy qua phía đông của khu thuộc giới lao động của thành phố.
Bộ luật Dân sự ‘sẽ tồn tại mãi mãi’
Nội dung của luật Dân sự: Tất cả các công dân nam (hồi ấy đàn bà không đáng kể) đều bình đẳng: quyền nguyên thủy, quý tộc cha truyền con nối và đặc quyền giai cấp của thời quân chủ và phong kiến bị dập tắt. Các tổ chức dân sự được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Giáo hội Thiên chúa. Tự do cá nhân, tự do hợp đồng và bất khả xâm phạm tài sản tư nhân là những nguyên tắc cơ bản.
Việc phổ biến rộng rãi Bộ luật Dân sự trên khắp châu Âu là một di sản lớn trong sự nghiệp của Napoléon. Bonaparte đặc biệt tự hào về việc ban hành hệ thống luật được sắp xếp lại rõ ràng, dễ tiếp cận này. “Vinh quang thực sự của tôi không phải là do tôi đã thắng bốn mươi trận chiến, vì cuộc bại trận tại Waterloo sẽ xóa hầu hết chúng,” ông viết trong hồi ký thực hiện trong những năm lưu đày tại đảo St Helena [có thể tải xuống hồi ký này tại https://www.gutenberg.org/ebooks/3567]. “Nhưng không có gì xóa đi Bộ luật Dân sự của tôi; và nó sẽ tồn tại mãi mãi.”
Bonaparte đã áp đặt bộ luật này không chỉ tại Pháp, mà còn tại các nước ông đã chinh phục như Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, các vùng đất rộng lớn của Đức, Hoà Lan và vùng đất ngày nay là Bỉ. Nhiều vùng lãnh thổ trong số này đã có bộ luật dân sự, nhưng chúng thường trừu tượng và đôi khi cổ lỗ, pha trộn luật La Mã với các nguyên tắc thời phong kiến.
“Việc Napoléon thực thi Bộ luật Dân sự bằng nhiều ngôn ngữ địa phương khác nhau có nghĩa là mọi người đều có thể tiếp cận các quy tắc chi phối họ–đặc biệt khi nói đến các vấn đề như hôn nhân, ly hôn, tài sản và thừa kế liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ,” David Chanteranne, một nhà sử học người Pháp và tổng biên tập của ấn phẩm chuyên đề Le Souvenir Napoléonien, lưu ý. Nhưng Bộ luật Dân sự của Napoléon không chỉ lan truyền bằng vũ lực.
Di sản của Bonaparte cũng đã chinh phục tim óc của nhiều người. Vào thế kỷ 19, những nước như Ba Lan và Romania đã sử dụng Bộ luật Dân sự làm cơ sở cho hệ thống pháp luật của họ vì ngưỡng mộ Napoléon và những lý tưởng khai sáng tự do của nước Pháp cách mạng. “Ảnh hưởng của Napoléon ở Ba Lan đến nỗi ngay cả ngày nay tên của ông vẫn được hát trong quốc ca của họ,” Chanteranne chỉ ra.
[Tưởng cũng nên thêm ở đây: Vào đầu thế kỷ 20, tại một thuộc địa xa xôi bên kia quả địa cầu, có một nhà văn Việt đã nghiền ngẫm sách báo Pháp và thấm đượm các tư tưởng tự do dân chủ đó, đó là Vũ Trọng Phụng, mà một học giả Mỹ đã khai triển trong cuốn sách có tựa là “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vu Trong Phung”. Độc giả có thể đọc bài giới thiệu sách tại https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/sach-vu-trong-phung-co-khuynh-huong-cong-hoa/]
“Cho đến ngày nay, bạn có thể thấy dấu vết của Bộ luật Dân sự của Napoléon ở rất nhiều quốc gia, từ các quốc gia châu Âu tới cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile và vân vân, đến nỗi thậm chí bạn có thể coi nó như một bộ luật phổ quát,” Thierry Lentz, một nhà sử học và giám đốc của Fondation Napoléon nói.
“Thậm chí còn hơn cả Bộ luật Dân sự, toàn bộ mô hình nhà nước hành chính của Pháp đã được xuất khẩu trong suốt cuộc đời của Napoléon,” Lentz tiếp tục. “Đó là một cách quan niệm khác về nhà nước; nhưng vào thời điểm đó, chính quyền hay quan chức ở châu Âu vẫn hoạt động theo các nguyên tắc phong kiến.” Việc thúc đẩy bình đẳng và cải cách xã hội của Napoléon đã gây ảnh hưởng vượt qua hàng ngàn dặm đại dương. Quyết tâm giải phóng đất nước của mình khỏi Đế quốc Tây Ban Nha, chàng trai trẻ người Venezuela Simon Bolivar đã chịu ảnh hưởng của Bonaparte và các nguyên tắc khai sáng mà anh ta ủng hộ. Các chuyến thăm của Bolivar đến Paris vào năm 1802 và 1804 đã khơi dậy cảm hứng này, khiến ông đã phát động các trận chiến giành độc lập ở Mỹ La Tinh nhân lúc Tây Ban Nha bị suy yếu khi Napoléon quay lưng lại với đồng minh cũ của mình vào năm 1808.
Theo nghĩa này, những ý tưởng mà Napoléon truyền bá đã tạo ra sự khác biệt nhiều hơn bất kỳ thành tựu cụ thể nào của Đế chế Pháp đầu tiên của ông. Nhưng Napoléon cũng truyền cảm hứng cho một số bạo chúa nhuốm máu nhất của thế kỷ 20. “Mussolini, Hitler, Franco và Stalin đều tuyên bố chủ quyền Napoleon dưới một hình thức nào đó,” Chanteranne nhận xét. Cựu độc tài cộng sản Cuba Fidel Castro là một người đặc biệt rất hâm mộ Napoléon, đã đến thăm lăng mộ của Bonaparte tại Les Invalides trong chuyến thăm duy nhất của ông đến Pháp vào năm 1995 và tạo ra cái mà Chateranne gọi là “bảo tàng Napoleon tốt nhất thế giới” ở Havana.
Di sản nghệ thuật
Napoléon cũng để lại một di sản lớn trong nghệ thuật sáng tạo. Kiến trúc, hội họa, điêu khắc và nghệ thuật trang trí phát triển mạnh mẽ, qua sự hiện hữu hùng vĩ của một Khải Hoàn Môn trạm chổ các điêu khắc tinh vi và nghệ thuật giữa lòng Paris. Những bức họa lịch sử thời Napoleon, mặc dù là do chính triều đình bảo trợ và có tính cách tuyên truyền, nhưng giá trị nghệ thuật của chúng người ta không thể phủ nhận.
Đặc biệt có lẽ phải kể tới kết quả bất ngờ của cuộc viễn chinh Ai Cập thất bại thê thảm vào các năm 1798-1801. Trong chiến dịch chinh phục này, Bonaparte đã mang theo trên đoàn tàu hàng chục chiến hạm khoảng 160 khoa học gia, học giả, kỹ sư, nhà khảo cổ, kiến trúc sư và họa sĩ để định thiết lập Ai Cập thành một thuộc địa của Pháp. Kết quả: cuộc chinh phạt thất bại thảm khốc vì bị quân Anh phát giác, tấn công phá hoại đoàn chiến hạm của Pháp, chặn đường về khiến Napoleon không còn chọn lựa nào khác là đóng quân ở Ai Cập.
Trong khi đó, nhóm khoa học gia chia nhau tỏa ra dọc theo sông Nile, khám phá, đo đạc, ghi chú vẽ lại theo đúng kích thước khoa học các di tích cổ, thu góp cổ vật từ một vùng đất cho tới lúc đó vẫn là một huyền bí đối với chính dân địa phương. Cũng trong lúc khám phá tìm hiểu các di tích này, họ tìm ra hòn đá đen granite nổi tiếng gọi là Rosetta Stone, cao 3.9 feet ngang 2.45 feet (114cm, 72 cm), trên khắc ba thứ tiếng cổ Ai cập và Hy lạp, nhờ đó mà những chữ tượng hình trên các đền đài của Ai cập được làm sáng tỏ. Hòn đá này nay thuộc về Anh vì là chiến lợi phẩm của quân Anh khi quân Pháp đầu hàng và cả đoàn khoa học gia được Anh chở về Pháp. Riêng Tướng Napoleon thì đã kín đáo lẻn về Pháp trước đó một thời gian.
Cũng từ kết quả nghiên cứu của nhóm học giả trong chiến dịch này mà ngành khảo cổ Ai cập (Egyptology) hình thành, xây dựng trên bộ sách sáu cuốn, tựa Description De L’Egypte, xuất bản từ 1809 tới mãi 1829 mới xong. Bộ sách này có thể xem tại https://www.hellenicaworld.com/Egypt/DescriptiondeLEgypte/en/DescriptionDeLEgypte.html
Dẫu sao, Napoleon là nhân vật lịch sử Napoleon Bonaparte đã và có lẽ sẽ còn là một nguồn cảm hứng của nhiều người thuộc mọi giới, kể cả văn học nghệ thuật. Tính tới nay đã có khoảng 60,000 cuốn sách và trên 100 bộ phim về ông. Phim “Napoleon” tốn kém, vĩ đại song khập khiễng của đạo diễn Ridney Scott có thể chưa phải là tác phẩm cuối cùng về vị hoàng đế xuất thân dân giả, tài ba và cũng nhiều tai tiếng này.
[TD2023-11]