HÀ GIANG
Làm việc cho đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia-RFA) gần 2 năm, lại chỉ trong vai trò một thông tín viên, tôi chắc chắn đã không được huấn luyện kỹ như nhân viên làm tại văn phòng, nhưng kinh nghiệm tự rút tỉa trong thời gian này cũng giúp tôi gom được mớ hành trang cần có cho một người mới tập tễnh bước chân vào nghề làm báo.
Và điều đầu tiên tôi học, lạ thay, không phải là kỹ thuật tìm nguồn tin, nghiên cứu đề tài, viết bài sao cho hay, hoặc xướng âm sao cho lôi cuốn (dù đây đều là những yếu tố cần thiết) mà là mục đích của bài viết.
Nhìn xa hơn thì phải nói đến mục đích hay sứ mệnh của cơ quan truyền thông mình đang cộng tác.
Sứ mệnh “điền thế”
Với đài RFA, sứ mệnh này có tên là “điền thế,” (tiếng Anh gọi là surrogate news service), tức dịch vụ cung cấp thông tin, không bị kiểm duyệt, tập trung vào tình hình địa phương, thay cho các cơ quan truyền thông tại những quốc gia không có tự do báo chí, như Lào, Miến Điện, Bắc Hàn, Tây Tạng, Trung Quốc và Việt Nam v.v…
Lý do là ở một nơi không có tự do báo chí, người dân không được tiếp nhận tin tức đầy đủ, đa chiều và từ nhiều nguồn khác nhau, vì truyền thông tại đó hoàn toàn do nhà nước kiểm soát. Không những thế, người dân ở những nước này cũng không có cơ hội cất lên tiếng nói, bày tỏ quan điểm của mình, nhất là khi những quan điểm này khác biệt với chính sách của nhà nước.
Làm thế nào để một cơ quan truyền thông ở nước ngoài như đài Á châu Tự Do có thể đóng được phần nào vai trò điền thế?
Phóng viên hay cộng tác viên của đài có vài lựa chọn: a) phỏng vấn giới giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền và hỏi họ những câu hỏi khó (điều không thể thực hiện, vì không ai trong họ bằng lòng, hay được phép [?] trả lời báo chí ngoại quốc, nhất là đài RFA); b) phỏng vấn người dân trong nước; c) phỏng vấn các chuyên gia đang quan sát tình hình Việt Nam và d) quan sát và viết bài phân tích.
Ngay từ những ngày đầu gia nhập RFA, tôi nhớ mình đã, bất chấp cái giá có thể phải trả, tìm nguồn, đưa tin, viết bài và phỏng vấn, với tất cả sự đam mê và nhiệt tình của một người muốn làm một cái gì đó cho Việt Nam, cho bạn bè, và nhiều người trong gia đình còn ở lại nơi tôi vẫn gọi là quê hương, nhưng ngày càng trở nên xa lạ này.
Bạn bè nhiều người nói tôi không thực tế. Một cô bạn nhỏ tuổi khá thân, khi biết tôi viết bài cho RFA, gạn hỏi:
-Nhưng chị biết là làm thế thì sẽ không được về Việt Nam chứ?
Rồi cô đăm đăm nhìn tôi với ánh mắt ngỡ ngàng, dù không nói gì thêm, khi tôi bình thản gật đầu xác nhận “chị biết chứ!” Với tôi, đó là cái giá phải trả để theo đuổi điều mình muốn làm.
Không chỉ cô bạn trẻ này, nhiều người thân đã hết sức ngạc nhiên không chỉ vì tôi nhận lời làm việc với một cơ quan truyền thông, mà còn là cơ quan truyền thông bị nhà nước Việt Nam cho là thuộc thành phần “thế lực thù địch.”
Mãi sau này có dịp ôn lại quá khứ, tôi mới nhận ra rằng sở dĩ lúc đó tôi sẵn sàng ôm chầm ngay lấy sứ mệnh “điền thế” của RFA, là vì từ lâu đã cảm thấy xốn xang bứt rứt về tình hình Việt Nam.
Từ khoảng cuối năm 2006, khi chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ duyên đi làm báo, để hiểu thêm về mảnh đất tôi đã bỏ đi từ sau tháng Tư năm 1975, tôi đã, nếu không chúi đầu đọc những blog cá nhân trên Yahoo 360°, thì chui vào những phòng thảo luận tình hình đất nước trên Paltalk để nghe chính những người dân sống ở đó nói về những gì đang xảy ra cho họ và quanh họ, thay vì chỉ nắm bắt thời sự qua những gì đọc được trên truyền thông chính thống của nhà nước, như các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VN Express, VietnamNet v.v…
Mạng xã hội trước thời Facebook
Có thể nói các blogger người Việt thời đó là một “đồng minh chiến lược” của đài RFA trong sứ mệnh truyền thông “điền thế”. Ngược lại đài RFA giúp đưa tiếng nói của họ vượt ra khỏi không gian luôn bị vây hãm ở Việt Nam đến với thế giới, và cho thế giới biết điều gì đang xảy ra cho những người dân thấp cổ bé miệng muốn thay đổi thân phận của mình.
Ngoài tin được các cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam đăng tải, biến động của tình hình trong nước vào những năm 2007, 2008 được ghi lại trên nhiều blog cá nhân, đương nhiên, theo góc nhìn và đánh giá rất khác với những gì truyền thông chính thống miêu tả. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thời đó, thì trong số khoảng 120 triệu blog trên toàn thế giới, blog ở Việt Nam chiếm hơn 3 triệu, và con số này tăng lên mỗi ngày, nhanh hơn mức tăng ở những quốc gia khác.
Một blog tạo nhiều chú ý của cả độc giả lẫn chính quyền Việt Nam là blog có tên “Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do.”
Lúc ấy, trăn trở trước những sự kiện xảy ra tại Việt Nam như việc ngư dân Thanh Hóa đi ra Hoàng Sa đánh cá bị ngư dân Trung Quốc bắn, và việc hàng trăm người dân oan kéo nhau đi khắp nơi khiếu nại đòi đất bị chiếm đoạt, nhưng “không một tờ báo nào dám đưa tin”, blogger Ðiếu Cày cùng các blogger Uyên Vũ, Thiên Sầu, Huy Cường và Xuân Lập, quyết định thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào ngày 19/9/2007.
Trong một cuộc phỏng vấn với tác giả, Blogger Ðiếu Cày cho biết câu lạc bộ là nơi ý niệm “mỗi blogger là một nhà báo công dân” dần dà được thành hình và cổ xúy. Blogger Điếu Cày tâm sự đã từng mơ ước sẽ có hàng trăm, rồi hàng nghìn nhà báo công dân, trăm hoa đua nở, chen vai thích cánh đưa tin bên cạnh tin của các tờ báo nhà nước.
Nhưng chưa kịp đẩy mạnh phong trào, blogger Ðiếu Cày bị bắt, các đồng sáng lập viên và nhiều thành viên nòng cốt khác như blogger Tạ Phong Tần, người bị bắt giam, người gặp đủ mọi khó khăn. Sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do gần như bị hoàn toàn tê liệt.Tôi nhận việc với đài RFA trong một bối cảnh như vậy, khi đã có thói quen thường xuyên vào đọc những blog cá nhân trên Yahoo 360°, liên lạc với mọi người qua Yahoo instant messenger, hay vào các phòng họp của Paltalk, như một đam mê quái lạ.
Từ những mạng xã hội trước thời Facebook này, tôi theo dõi việc dân oan bị thu tóm đất đai mà không được đền bù thỏa đáng, từ nhiều thành phố kéo nhau về thủ đô khiếu kiện hàng nhiều tháng năm mà không có kết quả. Vụ chiếm đất của tòa Khâm sứ khiến hàng ngàn giáo dân tụ họp để cầu nguyện nhưng cũng chẳng thay đổi được tình thế. Vụ hàng loạt học sinh, sinh viên bị đàn áp, vì biểu tình chống Trung Quốc chiếm Biển Đông. Sự ra đời của blog Bauxite Việt Nam, nơi tụ họp biết bao tiếng nói, rất nhiều người trong giới trí thức, và cả lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, phản đối việc nhà cầm quyền cho phép Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Những gì đọc, nghe, và thỉnh thoảng thấy được qua những khúc video rất nhạt nhòa được tung vội vã lên mạng làm tôi sững sờ, thương cho hoàn cảnh của người dân và thấy mình phải cố gắng hơn nữa để giúp họ. Lúc ấy, dù chỉ là một thông tín viên tôi thấy mình bỏ hết thì giờ theo dõi mọi sự kiện, liên tục tìm cách móc nối nhân vật, miệt mài phỏng vấn, cắm cúi viết bài, rồi thu thanh và gửi lên cho RFA.
Dĩ nhiên không phải bài viết nào của tôi cũng mạch lạc, dễ đọc.
Trưởng ban Việt ngữ của RFA hồi đó, anh Nguyễn Minh Diễm, trong thời gian đầu, thỉnh thoảng đã nhắc tôi là từ những câu đầu tiên, người viết phải luôn nhớ cốt truyện (storyline) của mình là gì, phải thẳng tay tàn nhẫn cắt bỏ những chi tiết không liên quan, làm loãng câu chuyện, khiến người đọc chẳng hiểu bài viết muốn nói gì.
“Viết ngắn khó hơn viết dài!” Anh Nguyễn Minh Diễm nói.
Huấn dụ của anh Diễm làm tôi nhớ lại điều tương tự học được trong một lớp writing ở Mỹ, nơi vị giáo sư luôn bắt học sinh phải khắt khe với bài viết của mình trong quá trình biên tập. Biên tập viên, theo ông, phải cắt, cắt tối đa, cho tới khi không thể cắt được nữa. Nghĩa là chỉ để lại những chữ nào mà nếu cắt đi, bài viết sẽ không còn đủ nghĩa, hay bị hiểu sai.
“Redundancy (thừa thãi) và huyên thuyên (rambling on) là kẻ thù của những bài viết súc tích, cô đọng, và quan trọng hơn, truyền tải được cốt truyện.” Người thầy tôi rất quý mến nhấn mạnh.
Những người không được nói
Sau một thời gian thử nghiệm, tôi tập trung vào hai kiểu viết chính gồm loại bài viết sâu (news feature) trong đó, như yêu cầu của RFA, phải có ý kiến đa chiều, và đặc biệt là bài phỏng vấn, vì tôi rất thích phỏng vấn.
Thoạt nhìn nhiều người sẽ cho rằng viết một bài báo dạng phỏng vấn quá dễ. Chỉ việc đặt cho đối tượng một loạt câu hỏi, rồi chép những gì họ trả lời là thành một bài viết. Điều này cũng có thể đúng trong một số trường hợp, nhất là trong trường hợp những câu hỏi qua loa.
Bài phỏng vấn hay, theo tôi là bài phỏng vấn với những câu hỏi khó, sao cho làm bật ra vấn đề cần được viết, phân tích, hay làm cho mọi người thấu hiểu. Những câu hỏi này đến từ kết quả của việc tìm hiểu kỹ lưỡng mọi khía cạnh của chủ đề. Được như vậy, phỏng vấn rất hữu hiệu trong việc tạo cơ hội cho người trong nước có thể cất lên tiếng nói, giúp họ đưa ra quan điểm của mình một cách khúc chiết, hay cho những chuyên gia phân tích những vấn đề mà truyền thông nhà nước không nói đến hay những thắc mắc của người dân không bao giờ được đặt ra.
Danh sách của những người tôi tiếp xúc và phỏng vấn dài lê thê. Họ là những chuyên gia như các Luật sư Lê Công Định, Lê Trần Luật, Lê Quốc Quân, Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ; những lãnh đạo tinh thần như Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Thượng tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý; những blogger như Mẹ Nấm, Điếu Cày, AnhBaSG; Trần Huỳnh Duy Thức, các cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chuyên gia phân tích chính trị như Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư Jonathan London, nhà ngoại giao David Brown… và hầu hết các nhà bất đồng chính kiến hay bất cứ ai dám can đảm lên tiếng trả lời phỏng vấn… của đài Radio Free Asia. Những người mà, buồn thay, đa số đã phải ngồi tù, hay giờ đây vẫn đang phải ngồi tù, với bản án có khi dài hơn 20 năm.
So với nhiều đồng nghiệp cũ tại RFA, tôi không chuyên nghiệp bằng, nhưng luôn có bài đúng thời điểm vì may mắn nắm bắt được đầu tin. Mỗi khi có biến chuyển gì, rất ít khi tôi không nhận được lời nhắn từ một số contact trong nước, chị ơi chuyện này chuyện kia đang xảy ra, chị liên lạc ngay, đây là số phôn hay Yahoo messenger, họ đang chờ chị liên lạc… Điều này cũng dễ hiểu thôi. Với những người không được quyền nói, hay bị đàn áp khi lên tiếng, thì trả lời phỏng vấn của RFA, cũng như một số cơ quan truyền thông nước ngoài là cơ hội được thế giới chú ý và có khi can thiệp. Và tôi là khuôn mặt họ hay nhìn thấy trong những lúc “dầu sôi lửa bỏng.”
Điều đáng nói là để cho bài viết được công tâm và đa chiều, chúng tôi, những phóng viên của RFA luôn luôn tìm cách phỏng vấn giới chức Việt Nam về những vấn đề liên quan đến bài viết, nhưng mười lần như một, yêu cầu phỏng vấn của chúng tôi hoặc rơi vào hư không, hoặc được trả lời thẳng thừng là “chúng tôi không trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài.”
Hóa ra không chỉ người dân hay giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam không được quyền lên tiếng, mà các giới chức ở các cấp chính quyền cũng thế. Họ hoặc bị cấm không cho tiếp xúc với truyền thông, hoặc vì lý do nào đó, đã tự kiểm duyệt chính mình.
(còn tiếp)
Đọc thêm:
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/tieng-goi-cua-rung-tham-toi-di-lam-bao-ky-1/