MAI BÁ KIẾM
Văn Hường, Hề Minh, Kim Quang là 3 danh hề cải lương mà tôi mê từ thuở lên 7, dường như 3 ông đã khơi gợi tánh cà khịa trong tôi từ nhỏ. Từ năm 1990, khi biết ông nghỉ hát, về mở quán nghệ sĩ Văn Hường ở quê nhà, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, mỗi khi đi lấy tin, viết bài ở Thủ Đức tôi đều ghé quán Văn Hường ủng hộ.
Thật ra tôi không thích nghe mấy cô đào trẻ nghiệp dư hát vọng cổ, tôi chỉ muốn nghe ông hát mấy bài vọng cổ, mà soạn giả tài danh Viễn Châu đã “đo ni đóng giày” từng lời hát cho ông. Đặc biệt, bài Vợ Tôi Nói Tiếng Tây, mà lúc tôi mười mấy tuổi rất thán phục khi nghe ông hát vọng cổ bằng tiếng Tây, bắt đầu nói lối:
“Tôi có con vợ thật là không nói nổi.
Nó bật tiếng Tây thiên hạ hoảng hồn kinh.
Cái tên cúng cơm của nó là Nguyễn Thị Sình.
Vậy mà nó dám đổi lại là Ma-đờ-moaden Ma-rỉ!”
Tới câu 4, nói về chị “me” Tây tiễn anh lính Lê dương về Maroc, Văn Hường hát:
“Hò ơ, ăng- tăng-đồng súp-lê sà-lúp (nghe tiếng còi tàu).
Tú sơ là xừ cúp mông cưa (trái tim em muốn vỡ ra).
Xừ ơi tim mỏa đu-lưa (đau lòng),
Xừ về Ma-rốc bao giờ mới gặp nhau…
Thánh thần ngó xuống mà xem.
Vợ tôi sanh chứng nên hò bằng tiếng Tây.
Thẹn thùng đỏ mặt tía tai.
Tôi lôi con vợ quý chạy ngay về nhà“.
Lần nào đến quán, tôi cũng tìm hiểu cuộc đời Văn Hường vì ngưỡng mộ, chứ không phải để viết báo kiếm nhuận bút. Ông kể, ông sinh năm 1934, tại Long Thạnh Mỹ. Hồi nhỏ nghe vọng cổ trên đài phát thanh Sài gòn, ông tập hát theo, 15 tuổi ông bỏ nhà đi bán đậu phộng ở rạp Nguyễn Văn Hảo, buổi trưa khi đào kép tập tuồng, ông vào xem, rồi hát nhái.
Sau này, ông Bảy Cao (bầu gánh Hoa Sen) đến diễn ở Nguyễn Văn Hảo nghe giọng ca mùi thiên phú của Văn Hường đã tập cho ông đóng vai phụ, kép mùi, phần ca thì ngon lành, nhưng dáng dóc không đạt vì ông thiếu thước tấc so với chiều cao cô đào. Bầu Bảy Cao bàn với soạn giả Viễn Châu tìm cách tận dụng làn hơi Văn Hường.
Thế là kép mùi Văn Hường bị chuyển sang làm hề, nhưng khác với các danh hề trước đó “nói nhiều hơn ca”, các soạn giả cho Văn Hường “ca nhiều hơn nói”. Hiệu ứng tức thời, hề Văn Hường xuống vọng cổ được khán giả vỗ tay không thua gì kép chánh. Điều đó, khiến Văn Hường hứng chí chế thêm chữ “ự” trước khi xuống note hò, tạo style cho hề Sa thừa kế.
Ký giả kịch trường và khán giả đã phong “vua vọng cổ” cho Viễn Châu về viết lời, cho Út Trà Ôn về ca 6 câu và cho Văn Hường về “vọng cổ hài”. Sau Văn Hường, Hề Minh là kép ca cùng thời được các hãng đĩa thu thành, nhưng vô địch số lượng dĩa thu là Văn Hường, với gần 50 bài vọng cổ do Viễn Châu đo ni.
Kim Quang không phải hề ca, nhưng với ngòi bút “móc họng” của Hà Triều – Hoa Phương, ông trở thành hề cải lương lương xuất sắc gây cười lộn ruột khán giả bằng những câu tỉnh rụi, bất ngờ.
Khoảng năm 2000, Văn Hường bị gãy chân, vết thương hở, mổ nẹp xương, sáng nào cũng phơi nắng trên lầu BV Chấn thương chỉnh hình. Lúc đó, tôi nuôi má tôi ở khoa cơ xương khớp, thường đến tâm sự với ông. Đó là lần gặp ông sau cùng.
Ông mất ngày 7/12/2023, hưởng thọ 90. Thành kính phân ưu!