THANH HIỆP
Có rất nhiều bài báo ca ngợi nghệ sĩ Thanh Tuấn khi tên tuổi của anh vừa lóe sáng trên sân khấu và làng dĩa nhựa Sài Gòn trước 1975. Đa số đều ngợi khen anh là một danh ca với cách hát đa dạng, biến hóa thật đẹp để một bài ca cổ đọng lại trong lòng người nghe sự da diết, thương yêu, não lòng mà trên hết là sức tươi trẻ của ngân nga, luyến láy rất độc đáo. Với ưu thế biết sáng tạo cách lạng lách, biến hóa rất duyên dáng đó, những dĩa nhựa ca cổ có tên Thanh Tuấn phát hành tại Sài Gòn một thời đem lại doanh thu và làm giàu cho biết bao hãng dĩa.
Nói một chút về sự xuất hiện của dĩa hát tại Sài Gòn. Đất Tiền Giang xưa là nơi lưu dấu biết bao kỳ tích về con người bằng cái tâm, cái đức, trí tuệ và sự đam mê đã làm rạng danh bộ môn nghệ thuật cải lương, mà theo tôi công đầu thuộc về Thầy Năm Tú – người truyền bá nghệ thuật cải lương qua dĩa hát “Con gà trống đỏ.”
Lịch sử hình thành và phát triển cải lương nhớ công ơn của người này bởi ông được xem là bầu gánh hát đầu tiên của Nam Kỳ, là người xây rạp hát cải lương ở Mỹ Tho, đặt nền tảng cho việc khai sáng nghệ thuật ca diễn trên sân khấu chuyên nghiệp theo mô hình của người Pháp thời đó. Ông là chủ gánh có óc tiến bộ, ông chủ trương làm nghề bầu gánh để chơi chứ không chú trọng đến kinh doanh vì ông vốn đã quá giàu có. Tôi nhớ lời kể của anh Năm Châu, chị Bảy Phùng Há, rằng thầy Năm Tú sống chí tình, chí nghĩa với anh em nghệ sĩ. Sau sự kiện rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được bà con khán giả đủ mọi thành phần sĩ, nông, công, thương đón nhận, thầy Năm Tú đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi rạp hát nhằm quảng bá cải lương để bộ môn nghệ thuật còn non trẻ này tiến xa hơn trên toàn cõi Đông Dương thời đó. Và chính vì thế mà dĩa hát “Con gà trống đỏ” ra đời.
Ký ức khiến tôi nhớ lại lúc anh Năm Châu kể việc lân la tìm hiểu về gốc gác của Thầy Năm Tú và dĩa hát “Con gà trống đỏ”. Anh Năm nói khi đại diện hãng dĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp Thầy Năm Tú xem cải lương, họ đã rất thán phục cách tổ chức biểu diễn của ông. Lập tức chủ hãng dĩa này đồng ý ký hợp đồng với Thầy Năm Tú cho sản xuất dĩa hát cải lương và phát hành rộng khắp. Đó là giai đoạn năm 1920-1921. Lúc này để có thể cho dân chúng nghe dĩa một cách phổ biến, ông liên kết với các chủ sản xuất máy hát dĩa và để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên dĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Đây là loại dĩa hát tiếng Hoa và Việt, dành cho người Hoa nghe thì ông sản xuất dĩa nhạc Hoa, hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương. Do dĩa có dung lượng thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 dĩa. Nghe thì phải canh hết dĩa rồi lại thay, nên bà con nông dân thời đó trúng mùa vẫn thường nói vui khi hết dĩa “con gà trống hết gáy rồi”, hoặc “thay con gà khác đi”. Phải nói, nhờ có máy hát dĩa và dĩa con gà trống đỏ mà người dân lục tỉnh thuộc làu làu các bài ca trong tích tuồng, cải lương nhờ đó nhanh chóng lan truyền.
Nói về Thầy Năm Tú, có lần anh Hai Trần Văn Khê kể anh cùng quê với Thầy Năm Tú, nên có nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của con người này. Tôi gặp anh Hai Khê thì say mê nghe kể về câu chuyện của người đồng hương, tới lúc quên cả đói và quên mất việc phải viết bài ca theo đơn đặt hàng.
Theo anh Hai Khê, từ sau ngày 15/3/1918, ông Lê Văn Thận sang gánh hát cho ông Châu Văn Tú, gọi là gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho, chủ rạp Cinéma Théâtre – tức rạp Thầy Năm Tú, thì cải lương được phát triển. Thoát thai từ đờn ca tài tử, rồi ca ra bộ để hình thành bộ môn nghệ thuật cải lương. Như vậy, từ đờn ca tài tử Nam Bộ – cái gốc của di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, đã được các nghệ nhân đờn và ca phát huy thành ca ra bộ, rồi từ nhiều thế hệ vun đắp, nó thành ra nghệ thuật cải lương.
Thầy Năm Tú thời lập gánh hát đã sắm cho một chiếc ghe rất lớn, đào kép có thể ăn ở, tập tuồng ngay trong ghe. Năm 1922, ông đem gánh hát lên Sài Gòn biểu diễn tại Chợ Lớn. Có ý kiến tranh cãi về chuyện này, thật ra là từ năm 1918 gánh của thầy Năm Tú đã lên Sài Gòn biểu diễn lai rai theo lời mời của các quan lớn, chứ không đợi gì đến năm 1922.
Nhưng theo cụ Vương Hồng Sển có lần gặp và nói chuyện với giới ký giả, trong đó có tôi và anh Kiên Giang, thì năm 1922 chính thức gánh hát Thầy Năm Tú gây chấn động Sài Thành, khi mang cả bầu đoàn thê tử lên Sài Gòn biểu diễn. Và tuồng cải lương đầu tiên có hát vọng cổ là tuồng Kim Vân Kiều của ký giả Trương Quang Tiền của gánh Thầy Năm Tú diễn tại rạp Modern [nay là rạp Lê Lợi] ở sau chợ Sài Gòn diễn ra vào tháng 11 năm 1922. Tuồng này kéo dài ba đêm diễn đã đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật cải lương ngày nay.
Thầy Năm Tú là người có óc tiến bộ, sáng kiến ra kiểu giới thiệu đào kép (tableau vivant) bằng cách cho họ ra chào khán giả trước giờ biểu diễn, hoặc sau suất hát tại đâu, ông cho đào kép ăn bận thật đẹp ra chợ đêm ăn cháo khuya, lân la chốn công cộng vào buổi sáng để bà con khán giả chiêm ngưỡng, nhìn ngắm. Y như rằng, đêm diễn hôm sau, khán giả ùn ùn kéo đến xem hát. Với dĩa hát “Con gà trống đỏ” cũng vậy, ông thu âm gần như đầy đủ những tuồng tích của gánh hát mà ông làm chủ. Cho tới ngày nay đó là một nguồn tài sản quý báu của nghệ thuật cải lương xưa và theo tôi đó là niềm tự hào khi đất Việt có dĩa hát mang đặc trưng riêng đầu thế kỷ 20.
Thầy Năm Tú có quan điểm về chuyện đặt nghệ danh cho đào kép. Ông sống rất đơn giản nên suy nghĩ về cái tên cũng đơn giản. Ông cho rằng kép hát, đào hát cũng là người sống trong giang hồ, bầu gánh như ông cũng vậy, nên lấy quy củ giang hồ mà đặt nghệ danh. Thường để cái thứ trong gia đình trước cái tên như: Tám Danh, Ba Du, Năm Châu, Tư Sạng, Sáu Thoàng, Tư Long, Ba Được, Năm Cần Thơ… và chính ông cũng mang tên Năm Tú! À, cái này ăn sâu trong tiềm thức, nên Út Bạch Lan cứ nhất quyết xin chủ Đài Phát thanh Pháp Á lúc lăng xê cô thì gắn thêm chữ Út vào, vì lúc đó không thể giới thiệu nghệ sĩ Nguyễn Thị Hai như khai sanh, mà phải có cái tên cạnh tranh với cô Bạch Huệ thời điểm đó rất nổi.
Và trên những dĩa hát “Con gà trống đỏ” vẫn in đầy đủ tên nghệ danh của các đào kép thời đó. Thầy Năm Tú còn được gọi là Pierre Tú vì ông có quốc tịch Pháp, có vợ là cô Tám Hảo (em ruột cô Năm Thoàn là đào hát của gánh hát Thầy Năm Tú). Ông là người có tính cách nhã nhặn, cũng là người Việt đầu tiên mua chiếc xe hơi. Sau mấy năm nhờ có rạp hát và bán dĩa con gà trống đỏ thu nhập cao ngất, ông sinh tật ăn xài lớn. Vốn liếng bị hao hụt nên kinh doanh dĩa hát và rạp hát ngày càng sa sút, phải bán rạp hát cho người khác.
Mặc dù thầy Năm Tú không phải là kép hát nhưng ông có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn đúng tính chuyên nghiệp và bán vé. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh. Ông đã tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ biểu diễn tài nghệ và gầy dựng tên tuổi. Dĩa hát “Con gà trống đỏ” nào cũng khởi sự bằng câu “Alô! Bạn hát cải lương của Thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, ca cho Hãng Pathé Phono nghe chơi.” Theo tôi, chữ “bạn hát” chứ không phải “ban hát” như một số tài liệu ghi chép trật. Mà có lẽ do cách dùng văn chương thời đó ghi một cách khiêm nhường không hát cho thính giả toàn quốc nghe mà chỉ hát cho Hãng Pathé Phono và bạn hát nghe. Hoặc lời ca trong câu hát của các tuồng tích thì nghe rất rối… nhưng nó là nét đặc trưng của Hãng Pathé Phono “Con gà trống đỏ”, “Than ôi! Cầu ô thước chung chinh (chông chênh) gió bấc, còn cái dải Ngân Hà dâu biển mấy bi ai.” Chính vì được thu âm với chất giọng mùi mẫn của cô Tư Sạng, cô Năm Cần Thơ, mà các bà các cô thính giả mê mẩn mủi lòng. Máy hát và dĩa hát bán chạy như tôm tươi. Sau mùa lúa thời đó, bà con đem tiền đến mua về, để ngày Tết quây quần bên trà, bánh mà nghe dĩa hát “Con gà trống đỏ.”
Nhờ dĩa hát dần dần người dân Mỹ Tho khơi mào cho những chuyện làm ăn, buôn bán, các thương lái đem dĩa hát, máy hát biếu xén nhau thay cho câu chuyện làm ăn. Chuyện về dĩa hát Thầy Năm Tú thời đó trở nên rất nổi tiếng khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Nhiều người Sài Gòn xem Thầy Năm Tú như là một nhân vật, một sự kiện đặc biệt, đến mức khi hỏi về vật dụng khác dính liền đến sở thích của ông, người ta cũng đề cập đến chẳng hạn: “Cái nón này chắc sắm từ thời Thầy Năm Tú?”, hoặc “Sao nó quay chậm như dĩa hát Thầy Năm Tú vậy ta?”… Nhiều nhà chuyên môn trong đó có nhà báo Trần Tấn Quốc, người sáng lập ra giải Thanh Tâm dành cho nghệ sĩ cải lương, nhận xét: Thầy Năm Tú là tổ sư của ngành tiếp thị. Nội cái việc ông có dụng ý bắt hãng dĩa “Con gà trống đỏ” phải trực tiếp quảng cáo cho gánh hát, mà đi đến đâu người dân cũng biết tiếng gánh hát Thầy Năm Tú, nơi giải trí thượng thặng thời đó.
Thầy Năm Tú và soạn giả Trần Hữu Trang, tuy hai thế hệ khác nhau nhưng đều có chung dòng máu đam mê nghệ thuật cải lương. Đất Tiền Giang nhớ ơn hai ông, hai vị tiền bối đã góp phần đặt nền tảng cho sân khấu cải lương có những bước thăng hoa tột đỉnh.
Và nói đến danh ca Thanh Tuấn, thuộc thế hệ đàn em “hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, nhưng đạt đến đỉnh điểm của việc làm mới bài ca cổ, sau thế hệ Minh Cảnh, tạo sức sống cho bài ca này với cách thể hiện rất sang trọng, quý phái, đã một lần nữa gắn thêm cho việc phát triển thị trường dĩa hát tại miền Nam nhiều huyền thoại sân khấu.
Dĩa hát Thanh Tuấn bán chạy đã mang lại cho khán giả sự say đắm.Tôi còn nhớ được xem chương trình Những cánh chim không mỏi” do HTV tổ chức với chủ đề “Tiếng tơ vàng không dứt.” Thanh Tuấn lúc này được xem là một hiện tượng của sân khấu cải lương khi mà những vai diễn và bài ca cổ của anh có tuổi thọ và sức lan tỏa rất lớn. Vai Chu Văn An trong tuồng cùng tên, Thanh Tuấn diễn năm 2000, đã đem về huy chương vàng cho vở diễn và anh được giải diễn viên xuất sắc. Điều đó chứng tỏ một nội lực thâm hậu để Thanh Tuấn xứng đáng là một cánh chim không mỏi.
Thời đó, tôi viết nhiều bài ca cổ cho Thanh Tuấn ca tại Hãng dĩa Việt Nam. Tôi đã nghe anh kể về quá trình thâm nhập nghề hát. 15 tuổi anh đã tham gia làm giao liên ở thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là cán bộ tập kết ra miền Bắc từ năm 1954. Nên từ nhỏ mẹ đã dạy phải nuôi ý chí quật cường của một gia đình cách mạng. Hồi nhỏ, theo lời Thanh Tuấn thì anh gan lì lắm, ngoài việc làm công tác giao liên, anh còn tham gia văn nghệ và là cây đinh của đội ca xã. Nhờ vậy mà anh được mời thu Đài Phát thanh Quảng Ngãi. Có lẽ nhờ vốn sống gan lì, gai góc đó mà các vai diễn mà Thanh Tuấn chọn trình bày trong chương trình Những cánh chim không mỏi là những vai mang số phận khắc nghiệt như: Nguyễn Trãi (Rạng Ngọc Côn Sơn), một nghi án tốn hao rất nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu; một chàng Tuấn khốc liệt, gian truân trong Lỡ bước sang ngang; một kép hát Châu Tuấn giàu lòng can đảm và có một trái tim nhân hậu (trích đoạn Khúc ly hương). Ngoài ra, anh ca lại các bài ca cổ đã đi vào huyền thoại với giọng ca Thanh Tuấn như: Dòng sông quê em (Trương Quang Lục, Huyền Nhung), Cung đàn mới (Ngô Hồng Khanh), Cô gái tưới đậu (Trần Nam Dân), Chuyến xe Tây Ninh (Thanh Hiền), Nhớ Nha Trang (Minh Thùy) và giới thiệu một Thanh Tuấn rất mới trong lĩnh vực sáng tác ca cổ qua bài Mặt trời đêm do anh sáng tác. Tôi có cái may mắn là Thanh Tuấn ca rất nhiều bài ca cổ do tôi viết, nhất là Tân cổ giao duyên như: Mưa nửa đêm, Mùa sầu riêng, Hoa vẫn nở, Tấm ảnh ngày xưa, Tiếng sóng Cửu Long…
Khán giả nữ dễ yêu giọng ca Thanh Tuấn vì trong từng câu chữ dường như có lửa yêu đương trong đó. Thế hệ thính giả thích nghe dĩa thời đó yêu mến Thanh Tuấn vì anh là một trong những nam nghệ sĩ biết chắc chiu sáng tạo, hun đúc tâm huyết để gầy dựng niềm tin cho bản thân qua cách sáng tạo cách ca bài vọng cổ.
Ông bà xưa nói thầy già con hát trẻ. Sân khấu là một ngôi nhà chung của nhiều thế hệ nên nếu không có người trước dìu dắt kẻ đi sau thì khó mà làm nên chuyện.