Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 11 Ba anh kép đa tài

by Tim Bui
Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu - kỳ 11 Ba anh kép đa tài

THANH HIỆP

Năm 1957, khi bộ tứ bầu gánh Kim Thanh: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga, Thanh Tao rã phần hùn, giải tán gánh cải lương Kim Thanh – Út Trà Ôn, nữ nghệ sĩ Thúy Nga quy tụ một số nghệ sĩ cũ của Kim Thanh, thành lập gánh Thúy Nga – Phước Trọng, mời nghệ sĩ Thành Được làm kép chánh với contract 150.000 đồng trong hai năm.

Tuồng khai trương của gánh Thúy Nga – Phước Trọng là Ngưu Lang – Chức Nữ của soạn giả Kiên Giang. Thành Được thủ vai Ngưu Lang, nữ Bích Sơn vai Chức Nữ, tuy nhiên tuồng này chỉ đạt được sự thành công tương đối. Sau đó, Thúy Nga – Phước Trọng dựng tuồng cải lương hương xa Nhật: Khi Hoa Anh Đào Nở của Hà Triều Hoa Phượng, với kép chánh Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn và đã thành công lớn về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu.

Vì sao như vậy?

Vì lúc đó, các rạp chiếu phim đang tung ra phim: Địa ngục môn, Người phu xa của Nhật, khán giả trẻ xem phim, rồi xem cải lương Nhật với các tuồng: Khi hoa Anh Đào nở, Đợi anh mùa lá rụng, Cầu sương thiếp phụ chàng… như một sự đáp ứng được sở thích của khán giả. Chính vì thế cải lương không thể xa rời sự tác động của xã hội, mà thành công của đoàn Thúy Nga giai đoạn này là hiện tượng đặc biệt đáng ghi nhớ.

Nếu so sánh ba nam nghệ sĩ ăn khách nhất lúc bấy giờ: Hữu Phước, Thành Được và Hùng Cường, thì Thành Được có giọng ca truyền cảm tuy kém hơn Hữu Phước nhưng hơn hẳn Hùng Cường; về sắc vóc thì Thành Được đẹp trai hơn Hữu Phước và khôi ngô không kém Hùng Cường. Nên một dạo điện ảnh Việt Nam đã có sự tham gia của hai nam nghệ sĩ này bên cạnh các gương mặt minh tinh của điện ảnh Sài Gòn thời đó: Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, La Thoại Tân, Trần Quang, Kim Vui…

Tuy nhiên theo tôi, nếu gọi là đạt chuẩn về giọng ca, phải nói đến Hữu Phước và Thành Được. Còn Hùng Cường từ ca nhạc chuyển sang, cuộc dạo chơi của anh kép này rất bảnh, ghé vào khóm hoa nào cũng thơm ngát mùi hương nhưng về diễn xuất, không thể có bề dày để quyền biến như Hữu Phước và Thành Được. Hơn nữa, hai nghệ sĩ này có nhiều thuận lợi hơn Hùng Cường vì được nhiều soạn giả tài danh đương thời cung ứng tuồng mới, “đo ni đóng giày” để cả hai nắm bắt nhiều cơ hội biểu dương tài năng ca diễn. Ký giả Nguyễn Ang Ca, (tức soạn giả Ngọc Huyền Lan) hồi đó đã tặng biệt danh “Giọng ca vàng” cho Hữu Phước (anh ca bài Nhớ mẹ do tôi sáng tác rất cảm động) và “kép hát thượng thặng” cho Thành Được. Thế nhưng khi nhắc đến ba ngôi sao sáng rực của nghệ thuật thời đó, thì sân khấu đã ban tặng cho đời tên tuổi: Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường. Họ có nhiều vai diễn bất hủ với thời gian và đã tạo ra nhiều huyền thoại về sự làm rung động trái tim của bao người.

Mối tình huyền thoại

Trong gánh Kim Thanh – Út Trà Ôn tách ra, bà Kim Chưởng cũng lập gánh hát mang tên Hoa Anh Đào – Kim Chưởng. Bà liền ký hợp đồng mời ngay Út Bạch Lan và Thành Được sau khi Thành Được rời gánh Thúy Nga. Bà Bầu Kim Chưởng xuất thân từ gánh hát Bầu Bòn, học nghệ có căn bản, lại là nữ nghệ sĩ tài danh đã từng trải qua nhiều gánh hát lớn nên khi bà lập gánh hát và đích thân tập luyện, chỉ dạy cho nghệ sĩ trong đoàn theo phong cách ca, diễn rất riêng. Thành Được, Út Bạch Lan được cái may mắn khi mới bước chân vào nghề hát, đã được Kim Chưởng chỉ dạy. Đoàn Kim Chưởng hồi đó nổi danh là “Anh hùng lưu diễn,” vì đi đến sân bãi nào thì “cỏ không thể mọc nổi” vì khán giả quá đông. 

Người ta say mê những vai diễn của Thành Được – Út Bạch Lan qua các tuồng: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp Thành Bát Đa. . .và chính cuộc tình thắm đượm nhân nghĩa trên sân khấu đã se mối lương duyên để cả hai trở thành đôi uyên ương trên sân khấu lẫn ngoài đời. Tôi còn nhớ tại Kim Chưởng, cuộc hôn nhân của Thành Được và Út Bạch Lan có hôn thơ giá thú, được cô Phùng Há đứng chủ hôn bên đàng trai, cô Kim Chưởng, chủ hôn đàng gái. Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường, soạn giả và đồng nghiệp nghệ sĩ tài danh đều được mời tham dự. 

Đầu năm 1962, Út Bạch Lan và Thành Được rời gánh hát Kim Chưởng về gánh Thanh Minh Thanh Nga với contract một triệu năm trăm ngàn đồng, lương hát một suất 1200 đồng. Gánh này lưu diễn miền Trung để tập tuồng Nửa đời hương phấn của Hà Triều Hoa Phượng. Sau đó cả hai tiếp tục tạo dấu ấn qua các tuồng: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi, Rồi ba mươi năm sau, Giấc mộng giữa hoàng lăng, Tiếng hạc trong trăng… và khi ấy xuất hiện bóng dáng Thanh Nga trong cuộc tình giữa họ. Tôi nhớ giai đoạn ở Kim Chưởng, vì một lý do khách quan, mà Thành Được phải ra tòa, ngồi tù vì vi phạm quy tắc hợp đồng với bà bầu Kim Chưởng. Ngày đó tôi đã viết bài ca cổ “Đêm lạnh trong tù,” để sau đó Thành Được thu dĩa, bán rất chạy. Còn soạn giả Quy Sắc thì viết bài “Xách cơm vô khám nuôi chồng,” khán thính giả nghe xúc động với giọng ca sầu nữ Út Bạch Lan. Năm 1970, nhờ Thành Được giới thiệu, bà Trương Thị Mai – chủ gánh cải lương Thái Dương muốn khai trương ở rạp Quốc Thanh đã tới gặp tôi để đặt hàng kịch bản. Tôi viết Hai nụ cười xuân để Thái Dương tập dợt kịp khai trương. Hồi đó gần tết, Thành Được than hết tiền xài, tôi lấy liền 50 ngàn đồng sau khi bà Mai đưa 100 ngàn đặt cọc kịch bản, đưa Thành Được. Anh lắc đầu: “Em hổng dám.” Tôi nói: “Chú cầm đi, không có chú giới thiệu lấy gì tôi có số tiền này.” Tôi thương Út Bạch Lan và Thành Được như em út trong nhà. 

Tình duyên đào kép thường đến rồi đi, sum vầy đó rồi lại chia biệt đó. Trong chốn tình trường của nghệ sĩ, có lẽ khó tránh khỏi những phút bồng bột, thiếu suy nghĩ khi mà tính tự ái, cái tôi bung lên dữ dội. Một số nghệ sĩ khó giữ được hạnh phúc lâu bền là vậy. Ngay cả với đôi tài danh tiền phong được báo chí Sài Gòn ca ngợi hết lời là cặp chung thủy nhất thời đó: Việt Hùng – Ngọc Nuôi, nhưng rồi ở tuổi 60, họ vẫn chia tay trên đất Mỹ khi anh đã bảo lãnh chị qua. Theo tôi không thể đổ lỗi do ai, vì ai, mà chỉ nên xét về mặt hiệu quả của nghề hát. Huyền thoại cuộc tình Thành Được – Út Bạch Lan đã để lại cho đời nhiều vai diễn hay, nhiều bài ca cổ bất hủ cùng năm tháng, bởi trong lời ca dạt dào tình cảm, có phần đời của chính họ. 

Vết thương cần chữa lành

Nhắc đến nỗi đau về chuyện hôn nhân của đời nghệ sĩ, không ai khổ bằng sầu nữ Út Bạch Lan. Sống trong phận người hữu hạn, phần lớn không chỉ có nghệ sĩ luôn cảm được nỗi đau nơi vết thương tâm hồn khi tình duyên đã mất. Với cô Út những lầm lỗi, thất bại trong quá khứ của cuộc hôn nhân với anh kép tài hoa Thành Được, là những đối xử bất công, những nỗi sợ hãi, mặc cảm tự ti về gia cảnh. Vết thương lòng đó cứ âm ỉ ray rứt con người cô Út suốt cuộc đời sau này. Khi tôi được nghe cô kể để viết bài Hoa lan trắng, nói về phận đời của cô, thì câu hỏi cứ ám ảnh tôi: “Làm sao để chữa lành những vết thương tâm hồn hả thầy?” Nghe cô kể, rồi nhìn những dòng nước mắt. Tôi không dám khoét sâu vết thương không thể chữa lành trong lòng cô.

Và nghe cô Út kể tôi lại càng đồng cảm hơn với những tâm trạng mà cô thường đem vào vai diễn trên sân khấu. Đặt vào tâm trạng của sầu nữ khi bị chồng bỏ, một mình lo gánh hát, tối lên sân khấu diễn với anh kép khác, mà trong đầu vẫn in đậm bóng dáng của chồng, thì nỗi đau nào bằng. Tôi thấy rằng, con người chúng ta dù là ai không ít thì nhiều đôi lúc cũng cảm thấy chới với khi đối diện với những thực tại của những vết thương trong lòng mình. 

Như bản thân tôi, có hai cô con gái đều vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh ung thư. Lá vàng khóc lá xanh, mà biểu để tôi viết bài ca cổ hoặc tuồng cải lương khoét sâu vào nỗi đau của chính mình, thì tôi không thể. 

Vết thương lòng nhiều lúc gây cho tôi sự bất an. Nhất là khi tôi đặt mình trong nỗi đau của người nghệ sĩ. Bà xã tôi biết điều này vẫn thường nói tôi quá mẫn cảm. Đau cái đau của thiên hạ, không biết thương con tim của chính mình. Nhưng bả đâu có biết, chính những điều đó giúp tôi có thêm chất liệu để sáng tác, rót thật đầy cảm xúc, trút giọt máu từ tim xuống ngòi bút mà truyền lại cho đời những bản tình ca.

Thêm vào đó, có lẽ phần lớn các nỗi sợ hãi hiện diện trong tôi đều xuất phát từ những ám ảnh tâm lý một cách vô thức lúc tuổi thơ. Hình ảnh quê hương tôi chìm trong khói lửa, chiến tranh ly tán, gia cảnh nhiều mảnh đời bất hạnh do cha mẹ chết, con cái bơ vơ, hoặc nhà cháy, tài sản tiêu tan, cảnh phụ nữ bị hãm hiếp, cướp bóc, cứ in sâu trong lòng một đứa con nít như tôi.

Và khi tiếp cận nhân duyên với những nỗi đau của thân phận nghệ sĩ, tôi được đón nhận và trị lành lại vết thương lòng của mình. Thay vì cứ than khóc thì tôi lạc quan hơn, chính vì vậy mà tôi nghĩ ra cách viết bài vọng cổ hài, làm khán giả cười cái sự ấu trĩ trong lối sống của con người mà xã hội thực dụng đã biến họ như vậy.

Cứ vậy, theo thời gian những vết thương của tôi đã được vá lại. Theo tôi nếu không được khắc phục sớm nó sẽ lớn dần lên, rướm máu trong sự dằn vặt bản thân và chẳng làm được gì cả nếu cứ than khóc về nó. 

Khi tôi phát hiện giọng ca của Hà Bửu Tân, anh ấy chỉ mới 15 tuổi. Làn hơi rất độc đáo, lại thông minh nên giao bài ca, chỉ cách thể hiện, anh ấy làm ngay. Một lần tôi nghe Tân tâm sự về tuổi thơ, gia cảnh nghèo nàn, cha mẹ ly dị, Tân la cà chơi với đám bạn giang hồ. Công việc ban đầu là đi canh cửa cho một ổ điếm. Sống ở dưới đáy xã hội, nhờ giọng ca mà ngoi lên tìm sự sống đúng nghĩa. Tân lâm vào cảnh làm người tình của một cô gái điếm. Đến khi Tân được mời thu âm và có chút tên tuổi, khó dứt khỏi cô nàng. Ngày tháng chung sống bên nhau, Tân lâm vào cảnh nghiện ngập ma túy. Tân phụ tình một cô gái ở Bến Tre, yêu thương anh hết mực. Tôi nhớ hoài câu nói của Tân, để trị lành một vết thương có thể phải khoét thật sâu mới lành. Đó là vết thương tâm hồn của Tân. Tôi có phân tích cho Tân hiểu, con tim là bộ phận nằm bên trong nhưng lại là phần rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Đã là người thì ai cũng có những khiếm khuyết gây chướng tai gai mắt cho cả đương sự lẫn người chung quanh. Cháu đã biết sai nhưng sao lại dấn thân vào?

Tân cúi đầu: “Cháu biết mình phải nhẹ tay với nó nhưng cháu tin phải khoét sâu mới trị lành. Ông hãy giúp cho cháu.” Tôi lặn lội đi tìm cô gái điếm. Mong cô buông tha cho một tài năng. Tâm trạng tôi chẳng khác gì nhân vật Cang trong vở tuồng “Nửa đời hương phấn” của Hà Triều, Hoa Phượng, bởi chính tôi đã kể cho anh Hoa Phượng nghe cốt chuyện này. Và Cang là cấu tứ đầu tiên để hình thành câu chuyện “Nửa đời hương phấn,” hay nói đúng hơn Hà Bửu Tân chính là nhân vật sống của Tùng nhưng Tùng trong tuồng hát là một người hiền lành, đạo đức, còn Tân của đời thật thì dày dạn sương gió. 

Cô gái điếm tên rất hiền: Thương. Sau khi nhìn tôi bằng ánh mắt tiếp đón một gã đàn ông đi tìm của lạ. Cô Thương chợt nhận ra sắp bài ca vọng cổ mà tôi cầm trên tay, vì hồi đó đi đâu tôi cũng kè kè theo để rảnh thì ngồi xuống và viết. Qua chào hỏi tôi biết cô là người Vĩnh Long, đã trải qua một đời chồng, gặp Tân lúc mới vừa tan rã hôn nhân và dấn thân vào chốn buôn hương, bán phấn. Cô yêu Tân nhưng nghịch nỗi lại lớn hơn Tân 12 tuổi. Với vóc dáng phụ nữ như Thương, mỗi ngày tiếp khách bộn tiền. Thương chu cấp gần như đầy đủ cho Tân, bảo đảm cho Tân cuộc sống phủ phê với việc ăn, ngủ, hút, chích. Tôi xin cô buông bỏ Tân vì lòng ích kỷ khư khư giữ Tân sẽ bào mòn một tài năng của sân khấu. Cô cười sặc sụa, cho rằng tôi quá lời. Và mời tôi về vì cô nhất định không buông bỏ người tình. Trước khi ra về tôi có hỏi cô Thương một câu: Vậy cứ yêu, cứ sống nhưng danh phận của một đời người, cô đã mang lại điều gì cho Hà Bửu Tân?

Cô nghe câu hỏi, ứa nước mắt. Thực tế, không biết tôi có làm được lương y đúng nghĩa trong việc dùng “thuốc đắng dã tật” để cứu rỗi tâm hồn cô gái điếm. Nhưng với Tân, cách sửa sai của tôi đã làm bằng cách làm cho cuộc tình đó đau đớn hơn, thì thuốc mới có tác dụng. 

Và như vậy chuyến đi của tôi đã không rủi ro. Vết thương lòng của Tân thêm sâu nhưng cửa tâm hồn đã không khép chặt. Một ngày sau, Tân gặp tôi và khóc trong phòng thu âm của hãng dĩa Việt Nam. “Ông ơi, Thương bỏ cháu rồi!” Tân lãnh công tra bạc triệu quay về Bến Tre tìm gặp cô gái nghèo đã yêu anh bằng trái tim vàng mười. Nhưng di căn khó trị dứt là Tân đã nghiện ma túy cấp độ nặng. Ngày Tân chết thảm bên lề đường do hút quá liều, người dân đắp lên thân xác Tân mảnh chiếu, còn chiếc khăn che mặt người ta đắp bằng bản vọng cổ mà tôi đã đưa cho Tân cách đó vài ngày.

Tóm lại, bao lâu còn làm người thì tôi vẫn còn khắc khoải trong lòng nỗi niềm của Hà Bửu Tân. Phận đời nghệ sĩ vì thế long đong lắm. Có rất nhiều và vô cùng tận những “nỗi đau không tên” gợi những vết thương lòng. Nhờ vậy, cảm được nỗi đau nơi vết thương lòng, người nghệ sĩ dễ cảm thông và tế nhị hơn với vết thương lòng của người khác. Và họ chuyển tải bằng thanh âm, bằng diễn xuất để rót cho thật đầy những tâm tư dưới ánh đèn sân khấu. 

Trong sáng tác, tôi cũng thường nhắc nhở mình rằng cuộc đời vốn dĩ đã nhiều nỗi nhọc nhằn thì ngòi bút của tôi đừng vì danh lợi mà làm cho khán thính giả thêm nặng lòng. Những sáng tác của tôi vì thế không than khóc cho một quá khứ hoặc tuyên ngôn cho một tương lai mù mịt. Tất cả đều nói về hiện tại với trung, hiếu, tiết, nghĩa. Sống sao cho vẹn tròn với bản thân, gia đình. Chủ đích trong sáng tác của tôi chẳng làm điều gì khác hơn, hướng tâm thiện đến mọi người, để cùng nhau gánh vác những yếu đuối của nhau mà sống trọn kiếp người.

Tôi nhớ khi viết kịch bản “Vụ án Huỳnh Thổ Cang,” có một khán giả sau khi xem tìm gặp tôi, chỉ để khóc và cảm ơn. “Nhờ coi tuồng của chú, cháu đã có cách hành xử rất phải với mẹ mình.” Tôi bận rộn lắm nhưng nghe câu nói đó, liền bắc ghế mời cậu thanh niên đạp xe từ Củ Chi lặn lội lên đường Trần Hưng Đạo, tìm đến nhà tôi để bày tỏ. Số là mẹ của cậu bài bạc, đỏ đen, lại sinh tật rửng mỡ, có tiền nuôi trai tơ. Của cải trong nhà cứ đội nón ra đi. Cậu đã viết đơn từ mẹ, định gửi đến chính quyền và báo chí đăng tải. Nhưng rồi xem “Vụ án Huỳnh Thổ Cang,” tôi viết về hai anh em cùng cha khác mẹ, cùng đỗ trạng nguyên về làng, hai đứa trẻ bị bà nội hành hạ, đuổi ra khỏi nhà phải đói rách ăn xin, đọc cáo trạng, hai quan phát hiện bị cáo chính là mẹ của mình. Người anh đòi xử mẹ cho ra lẽ, người em là con can ngăn, xin được thay mẹ đền tội với pháp luật. “Cha mẹ mình dù có lầm lỗi, công sanh thành dưỡng dục thì không thể đem ra công đường mà hành xử được. Nhờ pháp luật phân xét cặn kẽ, chứ không thể viết đơn từ bỏ tình máu mủ.” Cậu thanh niên gạt nước mắt cảm ơn tôi lần nữa, rồi đạp xe về nhà. 

Trong việc chữa lành vết thương của nhân gian, tôi luôn tin rằng, nếu không thể khoét sâu để chữa lành thì những khiếm khuyết và vết thương được cảm thông và nâng đỡ, có thể sẽ được lành lại. Hơn nữa, để được giải thoát khỏi những mặc cảm thì chúng ta cần có cái nhìn lạc quan để tự tha thứ cho nhau. Để từ đó có thể chấp nhận và sống vui với những khiếm khuyết. Tôi đã nói với cô Thương – người tình của Hà Bửu Tân, yêu và dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu chính là sự bao dung. Còn với Tân, tôi đã dạy, hãy chữa lành vết thương tâm hồn thay vì cháu cứ tạo những hố sâu cay đắng. Tân đã mở lối thoát thay vì cứ cố xây thêm những ngục tù. Tân đã được cô gái ở Bến Tre tha thứ vì đã bỏ bê cô một thời gian nhưng rồi vì ghiền hút chích mà cuộc tình tan vỡ. Tân đã cho chính mình cơ hội để sống tốt nhưng quá khứ đã không cho anh cơ hội để được giải thoát.

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights