LÊ NGUYỄN
Thời quân chủ, sự phân biệt các giai cấp trong xã hội rất rõ nét, từ trang phục, nhà cửa đến cách sống. Chỉ có nhà vua mới được sử dụng trang phục màu vàng, sơn phết cung điện màu vàng, ngay cả chúa Trịnh là những người có thực quyền nhiều hơn cả vua Lê, cũng chỉ được mặc áo bào màu tía. Quan lại tùy phẩm cấp mà mặc trang phục màu sắc dành cho phẩm trật của họ, tất nhiên ngoại trừ hai màu vàng và tía.
Về nhà ở, cách xây dựng và bài trí của quan lại (tất nhiên) cũng khác với dân thường. Chúng ta thử lấy nhà ở của Chưởng cơ Nguyễn Văn Thắng (Jean Baptiste Chaigneau), một người Pháp giúp vua Gia Long trong việc đóng và điều khiển các tàu biển, làm tiêu biểu. Chaigneau ở cách kinh thành Huế chừng 1km, cả nhà và đất đai chung quanh chiếm khoảng 3 hecta, nằm bên một chi nhánh của sông Trường Tiền, con sông bắt nguồn gần khu vực lăng tẩm các chúa Nguyễn. Chaigneau trồng chung quanh nhà những loại cây ăn trái miền nhiệt đới như cam, quýt, xoài, ổi… bao bọc bằng một hào sâu và ngoài cùng là một hàng rào tre um tùm.
Thời Gia Long, nhà ở của các quan lại thường nằm giữa vuông đất, gồm có ba gian, lợp ngói phẳng. Gian nhà chính có mái ngói được nâng đỡ bởi 70 – 80 cây cột, hình thành một khoảng không gian hình chữ nhật. Phần mặt tiền nhà day ra hướng sông có ba gian nhỏ, ở giữa là một phòng rộng dành cho các cuộc tiếp tân chính thức và những buổi thăm viếng long trọng. Khách đi vào căn phòng này bằng ba lối đi có bậc thang, lối giữa dành cho chủ nhân và những khách quan trọng.
Việc bày biện trong phòng khách khá đơn giản, cạnh bức tường phân cách các gian là tấm phản (hay bộ ván) để ngồi, dài 3m, ngang 1m, làm bằng một tấm gỗ duy nhất, có hai chân kê cũng bằng gỗ (người miền Nam gọi là “con ngựa”). Trên phản, người ta để sẵn hai chiếc gối vuông bằng lụa thêu. Ngay phía trước tấm phản này là một cái bàn cao hơn, trên có hai cái khay. Khay thứ nhất đặt hai chiếc hộp bằng đồi mồi, mạ vàng hay mạ bạc. Chiếc hộp lớn đựng trầu, cau, chiếc nhỏ hơn đựng thuốc rê hay thuốc điếu. Khay thứ hai đặt các tách uống trà. Một cái lư đồng hình bát giác đặt trên một cái đế cũng bằng đồng dùng để châm thuốc hút hoặc xông trầm hương.
Hai bên tấm phản chính, nhô cao hơn một chút là hai tấm phản vuông, giống như hai cái thùng gỗ lật úp xuống, cao chừng 25cm, bốn cạnh sơn màu đỏ, được chạm trổ công phu, phủ những chiếc chiếu bông lên trên, dành cho những người có vai vế thấp hơn trong các cuộc hội kiến. Phía sau phản là các đồ binh khí: giáo mác, gươm, kiếm, súng…
Trên tường giáp với gian bên, người ta treo móc hai chiếc quạt to bằng lông chim bồ nông, cán dài bằng gỗ sơn màu trắng dành để quạt mát cho các quan trong mùa nóng bức. Ngoài ra, trong phòng khách, còn có những cây gỗ sơn màu đỏ gắn lông đuôi ngựa dùng để đuổi ruồi, muỗi trong bữa ăn hay trong giấc ngủ trưa của các quan. Ở cửa sổ mặt tiền ngó ra ngoài là một cái bàn gỗ trên đặt các lò nấu bằng đồng hay đất nung dành nấu nước pha trà. Cạnh bàn, người ta treo trên tường những chiếc quạt bằng nan tre dùng quạt lửa khi đun nấu.
Trong gian nhỏ ở một bên phòng khách, đằng sau những bức màn to có vẽ phong cảnh trang trí là hai cái giường của ông bà chủ nhân ngôi nhà. Chúng là những tấm phản hình chữ nhật bốn chân được bào tròn và chạm trỗ, cao khoảng 40-45 cm. Trên mỗi tấm chiếu trải lên phản là một chiếc gối bằng vải thêu. Nhiều gia đình người Việt thời đó thích dùng gối làm bằng mây, êm và ít nóng hơn gối vải.
Trong gian nhà phụ thứ nhất, có một phòng dành riêng cho các phụ nữ khác ngoài nữ gia chủ. Theo phong tục thời đó, dù là thân nhân ruột thịt trong nhà, nam giới không ai được phép vào trong gian nhà này, ngoại trừ gia chủ cũng là gia trưởng, thỉnh thoảng có việc cần lắm mới vào đó. Gian nhà phụ thứ hai cũng được ngăn thành ba phần, phần giữa là bếp ăn, một bên là chỗ ở của gia nhân, bên còn lại là nơi để nồi niêu, xoong chảo.
Nhà bếp chiếm vị trí rộng rãi hơn cả. Thông thường tại nhà các quan lại, có hai đầu bếp, một lo riêng phần nấu cơm, người kia lo các thức ăn khác. Trong lúc một bữa ăn của vua triều Nguyễn có thể bao gồm hàng trăm đĩa thức ăn và chỉ có bốn hay năm đĩa là được hân hạnh nhà vua nhúng đũa vào, bữa ăn của giới quan lại thời đó gồm khoảng 5-6 món, đặt trên một cái mâm bằng đồng.
Thức ăn của họ thường gồm có: một hoặc hai quả trứng dầm với nước mắm, một con cá nướng dầm với nước mắm tỏi ớt, thịt heo luộc xắt thành những miếng thật mỏng, một que thịt chó nướng, các trứng lộn… Người Việt đầu thế kỷ XIX không uống trong bữa ăn, cùng lắm là vài ly rượu nếp nhỏ. Ăn xong, họ uống những bát nước trà to.
Các quan lại cùng những gia đình nề nếp xưa thường đặt trước gian nhà chính của họ một tấm bình phong, có lẽ với dụng ý chính là ngăn các cặp mắt tò mò nhìn vào sinh hoạt gia đình của họ. Bên dưới bình phong thường là những tiểu cảnh với đá ghép và cây cối thu nhỏ mà ngày nay được gọi là bonsai. Người Việt xưa rất sính thú chơi bonsai, giá cả của loại cây kiểng này cũng vô giới hạn.
Riêng nhà Chưởng cơ J.B. Chaigneau, sau cổng vào, thay vì một tấm bình phong là hai hàng cây thục quỳ (althaeas) khổng lồ được cắt tỉa như hai bức tường thiên nhiên. Ngoài non bộ và cây bonsai, quan lại và nhà giàu có thời đó cũng có những bồn nuôi cá kiểng trong sân nhà. Trong bồn, ngoài những cặp cá Tàu, họ cũng trang trí thêm bằng những viên đá gồ ghề giả cảnh thiên nhiên, một ông câu với chiếc cần dài, một ngôi chùa có những cây nhỏ thòng rễ xuống nước.
Khi một vị đại thần tiếp một bạn đồng liêu tại nhà, binh lính phải đứng nghiêm ở một khoảng cách nhất định, trong khi đó, những người phục dịch phải túc trực bên cạnh, người thì pha trà, người thì đốt thuốc cho chủ nhân hay khách. Thường thì khi đốt thuốc, người phục vụ rít nhiều hơi trước khi chuyển cho chủ nhân, điều này theo Michel Đức Chaigneau, tác giả của Souvenirs de Hue (Những hồi ức về Huế – Paris 1867), không phù hợp với tập tục phương Tây.
Khi đến thăm một bạn đồng liêu, vị quan cũng mang theo lính và người phục dịch; người phục dịch ở bên mình để hầu hạ, còn lính thì đứng ngoài sân. Michel Đức không đề cập đến cách chào hỏi nhau của các quan lại, nhưng điều này về sau được bộ sách Đại Nam điển lệ toát yếu ghi rõ những quy định chi tiết do triều đình ban bố:
” Lệ năm Minh Mạng (sic) thứ mười bảy định rằng quan Tổng đốc (chánh nhị phẩm – LN) với quan Tuần phủ (tòng nhị phẩm) gặp nhau, thì quan Tuần phủ trước phải đối vào quan Tổng đốc làm lễ chào một vái. Quan Tổng đốc gặp quan Đề đốc (chánh nhị phẩm, hàng quan võ – LN), nghi lễ cũng thế. Quan Tuần phủ với quan Đề đốc gặp nhau thì đôi bên cùng phải vái chào nhau. Quan Bố chánh (chánh tam phẩm – LN) gặp quan Tổng đốc, thì đối vào quan Tổng đốc, làm lễ chào một vái, quan Tổng đốc chắp tay dơ (sic) lên đáp lại. Quan Bố chánh gặp quan Tuần phủ, nghi lễ cũng thế, gặp quan Đề đốc, đôi bên cùng vái chào nhau. Quan Án sát (chánh tứ phẩm) gặp quan Tổng đốc, quan Tuần phủ và quan Đề đốc, cũng như nghi lễ quan Bố chánh (đã nói trên). Quan Bố chánh, quan Án sát gặp nhau, đôi bên cùng vái chào…” (Đại Nam điển lệ toát yếu – bản dịch của Nguyễn Sĩ Giác – NXB thành phố Hồ Chí Minh – 1993- trang 339).
Các quan đại thần thời Gia Long còn sở hữu một hay nhiều chiếc thuyền riêng. Một trong những công dụng của loại phương tiện này là đưa họ tháp tùng nhà vua trong những chuyến đi trên sông nước. Cũng như những chiếc kiệu sử dụng trên bộ, họ trang hoàng, chạm trổ tàu thuyền theo một cách thức quen thuộc và không vượt quá những giới hạn do triều đình quy định.
Ngay trong giới quan lại cũng có những quy định riêng, quan lại cấp thấp không được chạm trổ và thếp vàng tàu thuyền nhiều bằng quan lại cấp cao hơn. Ngoại trừ những phần chạm trổ, thuyền được sơn hai màu đỏ sậm và đen. Phía trước thuyền của J.B. Chaigneau là một chiếc ghế có lưng và tay để tựa dành cho ông, cạnh đó là một bục thấp hơn dành cho người ngồi che lọng cho ông. Phía đuôi thuyền là băng ghế dài và hẹp dành cho người lái thuyền. Vị trí sau người lái là một cây cột gỗ nhỏ trên có gắn một thanh sắt nằm ngang dùng để treo hai chiếc đèn lồng tròn hay vuông, phủ lụa trắng với một vài tranh vẽ bằng mực đen. Trong những buổi lễ lớn như lễ an táng nhà vua hoặc một đại thần chẳng hạn thì mặt ngoài chiếc đèn lồng được ghi tên và phẩm trật bằng chữ Hán của vị quan ngồi trong thuyền. Giữa thuyền là một chiếc nhà nhỏ bằng gỗ, sơn màu xám hay màu vàng sậm, trên lợp lá khô. Căn nhà này chia ra ba ngăn, ngăn giữa dành làm phòng khách, một ngăn dành cho người phục vụ và một ngăn dành làm nơi nấu nướng.
Theo thông lệ, hàng năm, nhân dịp đón năm mới, vua Gia Long tặng quà cho các đại thần. Quà thường là vải vóc hay quần áo dệt bằng vải vóc sản xuất tại Trung Quốc. Thể thức tặng quà cũng thật đặc biệt. Quà đựng trong một chiếc hộp sơn màu vàng, được lính trong cung mang đến tận nhà người được tặng quà. Đi sau người lính mang hộp quà của nhà vua thường có một người lính khác cầm lọng theo, không phải để che nắng cho hộp quà, mà nhằm tăng thêm tính trang trọng của nghi thức tặng quà.
Trong hàng quan lại với nhau, cũng có nghi thức tặng quà, quan nhỏ tặng quà cho người chỉ huy trực tiếp của mình. Quà thường là một cặp gà hay vịt, một giỏ cam, vài phong pháo. Cách tặng quà của nhà vua cho các đại thần biểu lộ sự chiếu cố của bậc thiên tử đối với những người từng đồng cam cộng khổ với mình, còn việc tặng quà của quan lại cấp thấp cho viên chức chỉ huy không nhằm mưu cầu tư lợi về sau, nó chỉ nhằm thể hiện lòng tôn trọng đối với họ mà thôi.
Riêng binh lính, vì họ thuộc số đông nên quà của họ dành cho cấp chỉ huy thường có chất lượng hơn. Quà thường gồm một con lợn sống bỏ trong lồng và nếp. Lễ tặng quà diễn ra khá đơn giản tại công đường. Viên quan ngồi giữa phòng, binh lính quỳ lạy ba lạy để tỏ lòng tôn kính. Quan đáp lại bằng một cái gật đầu, nụ cười rạng rỡ rồi hô gia nhân mang quà vào nhà sau, buổi tặng quà kết thúc.
Đại để sinh hoạt của quan lại triều Gia Long là thế. Phần lớn được kể lại bởi người từng mắt thấy tai nghe nên có thể giúp chúng ta hiểu được ít nhiều cách sống của một tầng lớp có địa vị trong xã hội xưa.
Lê Nguyễn
14.12.2015 – 14.12.2023 (có bổ sung)