Về Thầy Tuệ Sỹ

by Tim Bui
Về Thầy Tuệ Sỹ

KIỀU MỸ DUYÊN

– Bác sĩ nói với tôi bệnh của tôi di căn đến phổi rồi.

Thầy Tuệ Sỹ ở bên kia đầu dây. Giọng nói của thầy bình yên, không một chút lo lắng, không một chút sợ hãi. Đó là buổi sáng ngày 3/9/2023. Tôi không ngờ đây là lần cuối tôi được nói chuyện với thầy qua điện thoại. Rồi hơn 2 tháng sau, thầy ra đi. Đồng hương Phật tử khắp nơi trên thế giới cầu an khi thầy chưa đi và cầu siêu sau khi thầy vừa ra đi.

Chúng tôi quen thầy, gặp thầy ở chùa Già Lam, Gò Vấp. Nói chuyện với thầy qua điện thoại chưa bao giờ thầy xưng là Hòa Thượng, Thượng Tọa hay Ôn, và khi thầy ký sách tặng chúng tôi, thầy cũng không bao giờ xưng hô là Hòa Thượng, hay Đại Lão Hòa Thượng. Sự thân thiện của một vị chân tu và Phật tử không có sự xa cách. Mọi người không phân biệt là Việt Nam, Mỹ, Đức, Anh, Úc đều không có khoảng cách giữa một tu sĩ và người dân bình thường.

Mắt thầy sáng, sáng như sao Trời. Thầy gầy, chưa bao giờ thấy một tu sĩ nào gầy như thầy. Giọng nói của thầy lúc nào cũng đầy nghị lực. Nhiều người muốn thăm thầy lần chót.

Thầy Tuệ Sỹ ra đi nhẹ nhàng, đó là cái phước của một vị tu sĩ, cao tăng đắc đạo.

Ngày 24/11/2023, Quảng Nguyện nhắn tin cho tôi: chị ơi, có người ở Việt Nam nhắn tin cho tôi nói thầy Tuệ Sỹ đã đi rồi. Lúc đó chúng tôi đang ở một ngôi chùa nhỏ ở Riverside. Về tới văn phòng, chúng tôi gọi ngay thầy Trí Siêu. Tôi hỏi thầy:

– Thưa thầy, con nghe thầy Tuệ Sỹ qua đời rồi, có đúng không thưa thầy?

Thầy Trí Siêu nói:

– Chưa.

Nhưng sau đó chừng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi nhận được thông báo của thầy Như Điển ở Đức báo tin thầy Tuệ Sỹ đã viên tịch cũng trong ngày 24/11/2023.

Buồn quá, buồn quá, buồn quá, dù mình biết thầy sẽ ra đi, nhưng sao buồn quá!

Thầy Tuệ Sỹ ra đi chưa đầy 2 tuần lễ, mà hàng ngàn văn sĩ, thi sĩ, đã nhỏ lệ bằng thơ, bằng văn. Thầy sống là người hữu dụng cho xã hội, thầy ra đi để lại bao nhiêu tiếc nuối cho người kính trọng, thương mến, ngưỡng mộ thầy, trong đó những người đã quen thầy hơn nửa thế kỷ.

Thi sĩ Phạm Quốc Bảo, sinh viên văn khoa ban Triết, giọng nói gần như khóc và làm bài thơ dưới đây. Kính mời quý đồng hương thưởng thức:

Tiễn người
[(Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ 1943-2023)

Hơi lạnh đâu lén ùa về
Ngoài hiên tối đã tràn trề từ lâu…
Nghe tin tịch mịch chìm sâu
Mấy ngày nay cũng lao đao nổi chìm:
Trong dòng tiểu sử triền miên
giữa nơi trần thế chông chênh đạo – đời.
Tám mươi rũ áo xa người
bao duyên đèn sách – đạo ngời nhân gian
Thế thôi – số kiếp miên man,
rồi ra nhẹ gánh thênh thang cõi trần.
Phạm Quốc Bảo

Nhạc sĩ Nam Hưng phổ nhạc thầy Tuệ Sỹ hai bài: 

1. Tuổi Thầy (thay lời tựa Luống Cải Chân Đồi) Nhạc: Nam Hưng & Thơ: Tuệ Sỹ. Trình bày: Tốp Ca Hải Triều Âm
 2.Dâng Trọn Cả Mùa Xuân (thay lời tựa Bài ca cô gái Trường Sơn) Nhạc: Nam Hưng & Thơ: Tuệ Sỹ. Trình bày: the Sunrise Band

Bài ca cô gái Trường Sơn
Nàng lớn lên giữa quê hương đổ nát
Tay mẹ gầy mà đất sống hoang khô
Đàn em nhỏ áo chăn không đủ ấm
Tuổi trăng tròn quanh má đọng sương thu

Nửa đêm lạnh tóc nàng hương khói nhạt
Bóng cha già thăm thẳm tận u linh
Tuổi hai mươi mà đêm dài sương phụ
Ngọn đèn tàn tang trắng phủ mông mênh

Suốt mùa Đông nàng ngồi thêu áo cưới
Đẹp duyên người mình vẫn phận rong rêu
Màu hoa đỏ tay ai nâng cánh bướm
Mà chân mình nghe cát bụi đìu hiu

Vào buổi sáng sao mai mờ khói hận
Nghe quanh mình lang sói gọi bình minh
Đàn trẻ nhỏ dắt nhau tìm xó chợ
Tìm tương lai tìm rác rưới mưu sinh

Từ những ngày Thái Bình Dương dậy sóng
Quê hương mình khô quặn máu thù chung
Nàng không mơ buổi chiều phơi áo lụa
Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng
Từ buổi ấy nghe tim mình thổn thức
Nàng yêu người dâng trọn khối tình chung
Không áo cưới mà âm thầm chinh phụ
Không chờ mong mà ước nguyện muôn trùng
Rồi từ đó tóc thề cao ước nguyện
Nên bàn chân mòn đá sỏi Trường Sơn
Thân bé bỏng dập dìu theo nước lũ
Suối rừng xa ánh mắt vọng hoa ngàn
Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ
Phận sắn bìm lây lất với hoàng hôn
Quê hương ơi mấy nghìn năm máu lệ
Đôi vai gầy dâng trọn cả mùa Xuân.
Sài Gòn 80
Nguồn: Tuệ Sỹ, Giấc mơ Trường Sơn, An Tiêm xuất bản, California, 2002

Nhac sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc bài thơ “Những Năm Anh Đi” của thầy Tuệ Sỹ khi nghe tin ngài bệnh nặng. 

Những năm anh đi
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở Trường sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông phương.

Và ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.

Trước đây, ở Hoa Kỳ, cố nhạc sĩ Trần Quan Long đã phổ nhạc qua thơ của thầy và thi sĩ Tâm Diệu đã thực hiện thơ của thầy bằng những bài hát rất hay qua các CD Tuệ Ca.

Bao nhiêu nước mắt đã chảy vì thầy, không ai muốn thầy đi. Quảng Nguyện nói:

– Em báo tin thầy ra đi, Vĩnh Hảo khóc quá chị ơi.

Cư sĩ Phan Tấn Hải viết về thầy rất cảm động, cư sĩ Tâm Thường Định, nói:

– Sách “Tri Ân Thầy Tuệ Sỹ” nhất định phải đến với thầy trước khi thầy ra đi.

Thầy Như Điển khuyến khích mọi người:
– Viết nhanh, viết nhanh vì thầy Tuệ Sỹ yếu lắm rồi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận, Hoàng Mai Đạt đọc bài của tôi viết về thầy Tuệ Sỹ lặng lẽ không nói nên lời, vì biết thế nào có một ngày thầy sẽ ra đi, và bài của tôi viết về thầy Tuệ Sỹ đăng ngay trên báo Viễn Đông sau khi thầy viên tịch.
Thi sĩ Phạm Quốc Bảo nhắc về những kỷ niệm với thầy Tuệ Sỹ ở đại học Vạn Hạnh, sư cô Như Ngọc chùa A Di Đà, học trò của thầy Tuệ Sỹ không quên những ngày học với thầy ở đại học Vạn Hạnh.

Phật tử Quảng Nguyện nói: đã in xong Đại Tạng Việt Nam 1, sẽ in Đại Tạng Việt Nam 2 trong những ngày sắp tới. Quảng Nguyện chưa bao giờ gặp thầy, chưa bao giờ nói chuyện với thầy qua điện thoại hay email nhưng rất kính mến thầy. Quảng Nguyện rất quan tâm đến Đại Tạng Kinh công lao của các thầy để lại hậu thế. Tôi còn nhớ hôm đó, 4 chị em ngồi bên nhau ở nhà hàng Brodard, thành phố Fountain Valley: Hoàng Dược Thảo về từ Houston, Diễm Phúc, Quảng Nguyện và tôi. Quảng Nguyện tặng Hoàng Dược Thảo quyển “Tri Ân Thầy Tuệ Sỹ” và nói:

– Em thỉnh 10 quyển, bây giờ hết rồi, chỉ còn 1 cuốn.

Tôi nói với Thảo:

– Cho chị mượn.

Tôi thấy bài của tôi trang 123, vậy mà tác giả không có sách, cho đến khi ra mắt sách ở tu viện Từ Bi. Tôi nói với Thu Anh: 
– Con phải lấy sách ngay, nếu đợi lễ Tưởng Niệm xong sẽ không còn cuốn nào.

Thầy Tuệ Sỹ nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, nếu in 10,000 cuốn sách cũng không đủ cho độc giả thưởng thức.Thi sĩ Triều Lam cầm quyển “Tri Ân Thầy Tuệ Sỹ” trên tay nói với giọng rất cảm động:

– Quà quý nhất Giáng Sinh năm nay của em là quyển “Tri Ân Thầy Tuệ Sỹ.”

Thi sĩ nhiều tình cảm này suốt ngày ngồi tìm những bài viết của thi sĩ, văn sĩ trên mạng về thầy Tuệ Sỹ sau khi thầy qua đời.
Sư cô Phước Quang, trụ trì chùa Đức Phước  ở thành phố Santa Ana nói: sau khi nghe thầy Tuệ Sỹ viên tịch, tôi đang ở Florida, sáng nay ở đây mới vừa làm lễ cầu siêu cho thầy Tuệ Sỹ.

Nếu nói theo vấn đề công nghiệp thì hàng ngàn người, hàng triệu người cầu nguyện cho thầy Tuệ Sỹ, chắc giờ này thầy đã về cõi Niết Bàn.

Cư sĩ Hoàng Mai Đạt, chủ bút báo Viễn Đông đăng liên tục những bài viết về thầy Tuệ Sỹ trên báo giấy cũng như trên online Viendongnews.

Chủ bút Trịnh Y Thư, báo Việt Báo, du học ở Hoa Kỳ lúc còn rất trẻ, nhưng cũng chọn đăng liên tục những bài về thầy Tuệ Sỹ.
Lúc tôi lên 3 tuổi, mẹ tôi đưa đến chùa quy y cho đến bây giờ và tôi có dịp đi khắp nơi trên thế giới, tôi chưa bao giờ thấy một vị tu sĩ qua đời mà được nhiều người quan tâm, cầu siêu, làm lễ tưởng niệm đông đến thế.

Tôi còn nhớ bà Mai Hương tâm sự với tôi:

– Tôi về Việt Nam làm việc xã hội hàng năm. Tôi mong được gặp thầy Tuệ Sỹ một lần nhưng chẳng may lần nào về cũng đúng lúc thầy nhập thất, nên chưa có cơ hội gặp thầy.

Bà Mai Hương năm nào cũng về Việt Nam cho quà những người nghèo ở Quảng Trị. Bà và phái đoàn đi với thầy Nguyên Giác của chùa Già Lam. Phòng của thầy Nguyên Giác và thầy Tuệ Sỹ đối diện với nhau tầng lầu thứ nhì ở chùa Già Lam, nhưng bà không có cơ duyên gặp thầy Tuệ Sỹ thì bà qua đời. Tôi nghĩ chắc bây giờ bà đã gặp thầy ở Niết Bàn?

Tôi rất cảm ơn thầy thị giả Quảng Ngộ đã chuyển điện thoại cho tôi được nói chuyện với thầy Tuệ Sỹ. Thầy Quảng Ngộ gầy gầy, dáng dấp giống thầy Tuệ Sỹ. Thầy Quảng Ngộ khóc hết nước mắt viết không ra lời. Sau khi quyển sách “Tri Ân Thầy Tuệ Sỹ” phát hành, đài truyền hình, đài phát thanh loan tin, nhiều độc giả tìm mua không còn quyển nào. Tiến sĩ Tâm Thường Định cho biết sẽ in quyển 2 về thầy Tuệ Sỹ và yêu cầu đồng hương nào có kỷ niệm về thầy Tuệ Sỹ thì viết tiếp.

Thầy Tuệ Sỹ đã ra đi, nhưng thầy còn ở lại đây với Đại Tạng Kinh, với những bài thơ đã được phổ nhạc, với những tác phẩm của thầy.

Xin thầy linh thiêng phù hộ cho đồng bào Việt Nam lưu vong khắp nơi trên thế giới có cơ hội trở về quê hương sống nơi chôn nhau cắt rốn của mình khi quê hương thật sự có tự do, dân chủ và nhân quyền.

(kieumyduyen1@yahoo.com)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights