Nâng chén say… Xuân

by Tim Bui
Nâng chén say… Xuân

AN MIÊN

 “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”  Mượn lời bài hát “Ly rượu mừng” xin tràn ly chúc tụng tân niên, nơi nơi, người người, chan hòa hạnh phúc và cùng hân hoan “nâng chén” mở cửa, mở cõi lòng… “ôm nàng Xuân” đến. 

Ở đây Xuân không phải là quý danh “Xuân” của quý bà quý cô, mà là mùa Xuân, và ý lời cũng là do nhạc sĩ Hoài An trong bài hát “Câu chuyện đầu năm”

“…Mong đầu năm cuối năm gặp may 
Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy
Trên bước đường danh lợi rồng mây
Duyên vừa đẹp ý đắp xây
Ôm nàng Xuân đẹp vào tay…” 
(Câu chuyện đầu năm– Nhạc sĩ Hoài An) 

 Nhạc sĩ Hoài An có ẩn ý gì chăng?  khi danh lợi thì “rồng mây”; còn duyên thì “nàng Xuân” ôm trong tay? Có lẽ nhạc sĩ muốn nhắc đến những vàng son thời trước:

Công thành danh toại về làng
Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau

Thành ngữ Việt của thư sinh vinh quy bái tổ; cũng “như rồng gặp mây” có nghĩa là gặp được cơ hội, điều kiện thuận lợi mà bản thân đang khao khát mong chờ.  

Nhưng bài viết này phải rõ ràng, vì sợ tiếng oan là say sưa sanh tật, mượn rượu làm càn, “ôm nàng” thì nguy khốn lắm!

Mới nhắc đến “say” mà đã thấy chếnh choáng hơi men nồng rượu, lời lẽ tràn đầy, rượu chưa vào, lời đã ra, quả rượu là thứ không thể thiếu với cánh mày râu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” thường được hay nhắc đến.

Ông bạn thân của tôi có lần bảo nếu nước uống (drinking water) được ví là tinh hoa của trời đất, thì rượu chính là tinh hoa của những tinh hoa (!).

Nghe xong tôi cũng “say” vì lối lý luận của trường phái “rượu” này, tôn vinh và đưa rượu lên hàng “mỹ tục”; có lẽ vì đó mà rượu hiện hữu, ngự trị từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ vương giả đến hàng dân dã, nơi nơi rượu phổ cập đầy hũ, đầy bình, đầy chai, tràn ly… cạn chén… tung hê.

Thiên nhược bất ái tửu,
Tửu tinh bất tại thiên.        
Địa nhược bất ái tửu,   
Địa ưng vô tửu tuyền
Thiên địa ký ái tửu
Ái tửu bất quý thiên…”

(Nguyệt Hạ Độc Chước – bài 2 Lý Bạch)-(Trần trọng San dịch)

Tạm dịch:

Nếu trời không thích rượu
Sao rượu ở chi trời?
Nếu đất không thích rượu
Suối rượu ở chi đời?
Trời đất đã thích rượu
Thích rượu không thẹn trời…

Không thẹn trời, không ngượng đất, nên những anh chàng “Tửu sinh túy mộng” cứ thế mà say sưa chè chén quên đời, quên người, quên bản thân, quên tất cả…

Buồn thì  rượu giải sầu (nhưng có câu “Nâng ly giải sầu …sầu thêm sầu”).

Vui thì rượu chúc mừng.
Hội ngộ thì rượu đoàn viên.

Chia ly thì rượu tiễn biệt… chưa hết nào là lễ, Tết, đình đám, Hội Hè, ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, giỗ kỵ… đủ nguyên cớ để say sưa chè chén.

Một mình thì…độc ẩm.
Hai người thì…đối ẩm.

Ba, bốn, năm người trở lên…thì quần ẩm hay nôm na là đồng ẩm.
Thế mới biết linh hồn của những ai thích nhậu đều nằm trong đáy cốc…rượu say!

Tửu bất túy nhân, nhân tự túy
Sắc bất mê nhân, nhân tự mê” (Cadao)

Tạm dịch:

“Rượu không say người, tự người say rượu
Sắc không mê người, tự người mê sắc”

Tửu sắc xưa nay đều là hậu hoạn, lớn thì tan nát giang sơn, nhỏ thì tan nhà nát cửa, biết là vậy nhưng trên đời mấy ai qua được ải mỹ nhân?
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái nào hay cái ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà
(Tú Xương)

Trong cái tâm trạng vui Xuân đón Tết, “Bồ đào mỹ tửu” thi tứ dạt dào thử hỏi ai mà dửng dưng khi rượu mời không uống (chả nhẽ lại chờ rượu phạt). 

Phi tửu bất thành lễ” (không có rượu thì lễ không thành).

Chung rượu tất niên tiễn đưa năm cũ. Nâng chén tân niên cung chúc tân Xuân. Nhà nhà, người người, Tây, Tàu, Ta Việt khui rượu mừng Xuân an lạc kiết tường. 

Rượu không chỉ nghi thức lễ, Tết mà còn mang lại lợi lộc cho thân thể, nếu chúng ta biết xử dụng đúng công năng của rượu. Trong bài “Bán dạ tam bôi tửu” (một thời cho là của ngài Hải Thượng Lãn Ông, nhưng những nhà Ngôn Ngữ gần đây lại chứng minh là không có tác giả chính xác) có 4 câu:

Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà 
Nhật nhật cứ như thử 
Lương y bất đáo gia

Tạm Dịch:

Nửa đêm ba ly rượu
Sáng ra uống chén Trà
Ngày ngày cứ như thế
Thầy thuốc khỏi tới nhà

Tới đây tôi cũng phân vân không biết thực hư thế nào, khi nửa đêm nào cũng ba ly, thầy thuốc khỏi tới nhà nhưng liệu thầy cúng cầu siêu cần phải mời chăng?

Hoài nghi thế, nhưng say vẫn say, vì men cay, vị nồng của rượu, là chất đời hương tình nhân thế. Nồng cay khi mới chạm môi thấm lưỡi, nhưng tê mê, dịu ngọt khi nhấp cạn ly đầy.

Một ly…tâm thần hưng phấn.
Hai ly…thống khoái nội tâm.

Ba ly… sương sương… cõi lòng bay bổng… rồi cứ thế quần ẩm bạn hiền, rượu ngon chén thù chén tạc, chuyện vắn chuyện dài, chuyện xưa chuyện nay, thơ ngâm đàn ca hát xướng vang trời. Say men Xuân, say nghĩa tình tương liên tri ngộ.

Công danh sự nghiệp mặc đời
 Bên thời be rượu bên thời bài thơ
(Tản Đà – Xuân Sắc)

Tôi viết “Nâng chén say Xuân” chúc Tết mọi người, cho dù tôi không là người uống rượu, thích uống rượu hay cổ xúy cho rượu, nhưng trong cái lâng lâng phiêu diêu “mỗi năm mỗi tuổi như đuổi Xuân đi” tôi phải cạn ly “say” với tuổi đời thêm mới, với mái tóc thêm thưa, với đuôi mắt thêm nhăn và với trái tim thêm rộng mở.

Tôi yêu từng buổi sáng thức giấc đón chào ngày mới…dù nắng, dù mưa.

Tôi yêu từng cây cỏ, con đường, dù gập ghềnh, dù tràn lan hoang dại.

Tôi yêu những sợi tóc bạc, thêm trắng mái đầu, yêu cả bốn mùa qua từng ngày, hay mỗi ngày trở trời trái gió, và yêu cả cái tuổi xế chiều, mong manh tàn phai, vô thường nhân ảnh.

Hãy say! Say cùng tôi bạn ạ; không cần thiết phải mượn rượu tìm say, mà là:

Vui say với hương Xuân vị Tết.

Say trong cái say đất trời chuyển mùa Xuân tới, mạch sống luân lưu trong từng hơi thở, màu lá, sắc hoa.

Say để mãi mãi ta vẫn là ta, là vạn vật trong từng sinh vật biến hoá tuần hoàn.

Say…say men mùa Xuân.

Say đón mừng Xuân chan hòa… nâng chén say đời…

Rồi đây ta sẽ nhớ nhung 
Cái ly rượu đế vô cùng trần gian
(Bùi Giáng)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights