TRANG NGUYÊN
Mỹ nhân tự cổ như khanh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Hai câu thơ này là hai câu kết của bài thơ sau:
Nhân tại giang hồ kỷ đa sầu
Hưng suy thành bại tuế tuế thu,
Tiếu trảm thiên nhân đồ nhất khoái
Bi tòng vạn cốt mịch phong hầu
Thanh san vị cải tân tú loạn
Hồi đầu tức khán tịch dương hồng
Mỹ nhân tự cổ như khanh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Dịch nghĩa như sau:
Người trong giang hồ vốn nhiều sầu não
Ngàn năm được mất cũng trôi qua
Ngàn cái đầu rơi trong tiếng cười
Vạn nắm xương khô khóc theo mộng phong hầu
Núi xanh biến thành cỏ loạn
Quay đầu thì thấy đã hoàng hôn
Người đẹp từ xưa như tướng giỏi
Không muốn người đời thấy tóc pha sương
Dù được nhớ và trích dẫn khá nhiều, nhưng người đời chỉ nhớ bài thơ được sáng tác vào cuối đời Khang Hy nhà Thanh, còn tác giả là ai thì…bó tay!
Xưa nay, muốn trở thành khanh tướng rất khó. Để trở thành khanh tướng càng khó. Để là khanh tướng phải đạp lên xương máu vạn người. Nhất tướng công thành vạn cốt khô mà! Người đẹp cũng vậy. Để là người đẹp nhất trong gia đình cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Để là người được công nhận là “giai nhân” càng vô cùng khó. Có người ví “giai nhân là hoa của cuộc sống”. Hoa thì có nhiều loại nhưng hoa đẹp và được mọi người yêu chiều thì rất ít. Vì vậy để được công nhận là giai nhân phải vượt qua hàng trăm thậm chí hàng ngàn người, phải đứng trên đầu nhiều người, phải dẫm trong nước mắt của vạn người mới thành sự thật. Vì vậy, để hình ảnh giai nhân không phải mờ trong trí mọi người, người đẹp không bao giờ dám để mọi người thấy một sự thật là họ đã già, đã quá thì…
Hán sử ghi nhận rằng, khi Triệu Phi Yến, một ái phi của vua Hán, già, bệnh thì nhứt quyết không chịu gặp vua. Không phải cô ta sợ vua không yêu chiều như trước mà chính vì không muốn vua thấy sự “nhan sắc xuống cấp” của cô nhằm bảo vệ những người thân được vua nâng đỡ vì yêu chiều cô!
Nói đến giai nhân thì thời nào cũng có, qua sự phát triển của xã hội của thẩm mỹ từng thời kỳ mà người ta “định nghĩa” thế nào là đẹp. Trong thi ca chúng ta thường nghe ca tụng “Đẹp như Tây Thi” … “đẹp nghiêng thành đổ nước như Điêu Thuyền”… Nhưng đó là điển tích giai nhân của người Trung Hoa. Còn giai nhân nước ta ra sao?
Miss Saigon thời Pháp thuộc
Tác giả Thượng Hồng trong cuốn Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa, rằng cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Sài Gòn được tổ chức vào thập niên 1890 và không mấy ai biết tên thật của người đẹp, chỉ gọi cô Ba Thiệu theo cách gọi tên theo thứ tự trong nhà. Nghe đâu, cô Ba có nhan sắc không ai bì kịp, là con gái thứ của thầy Thông Chánh (thông ngôn) ở Trà Vinh. Cô được bầu là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, lúc ấy báo chí ở Sài Gòn công bố rộng rãi, trong đó có tờ Le Courrier Saigonnais và tờ Le Mekong.
Một nhà báo viết trên tờ Le Courrier Saigonnais rằng, nếu cô Ba chịu đi thi hoa hậu thế giới, thì chắc chắn sẽ có thứ hạng cao! Các tay phong lưu giàu có người Pháp cũng đánh hơi được điều đó, chính thức mời cô Ba ký hợp đồng để sang Pháp dự thi hoa hậu, sau đó tạo điều kiện cho cô Ba tham dự hoa hậu thế giới sắp sửa được tổ chức. Tuy nhiên gia đình cô Ba không đồng ý, mà chính cô Ba cũng không ưng thuận. Bởi cô cho rằng mình tham dự thi hoa hậu là để cho vui, để cho người ngoại quốc biết rằng phụ nữ Việt Nam cũng lung linh nhan sắc.
Người đẹp thời xưa đẹp thật?
Học giả Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn Năm Xưa” rằng: “Cô Ba đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới 3 vòng một ngọn, mướt mượt mà thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây Thép (bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép hoạ hình làm mẫu rao hàng.”
Con tem in hình ảnh cô Ba Thiệu được xuất bản năm 1907 với số lượng lớn phát hành khắp Ðông Dương, hình ảnh đó trở thành biểu tượng cho hầu hết phụ nữ xứ Annam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Thuở đó, nhiều ảnh chụp chân dung phụ nữ đều có chung một lối trang điểm, thậm chí giống nhau cả những chi tiết phụ cảnh. Và tên tấm ảnh đều ghi chung chung là: Femme de Saigon (cô gái Sài Gòn).
Giai nhân thứ hai được người đời nhắc đến nhiều là cô Ba Trà, nguyên tên là Trần Ngọc Trà, có tên Tây là Yvette. Cô không phải là hoa hậu nhưng được tôn danh là đệ nhất hoa khôi Nam Kỳ. Ở Sài Gòn cô được mệnh danh là “Tuyệt thế giai nhân Sài Gòn”, “Ngôi sao Sài Gòn”, “Bà hoàng của vũ trường”, “Bà hoàng sòng bài tại Sài Gòn.” Học giả Vương Hồng Sển, cũng thú nhận ông từng si mê nhan sắc của Ba Trà, đã viết trong “Sài Gòn tả pí lù” rằng: “… những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp… Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc.”
Cô Ba Trà nổi tiếng nhan sắc vào khoảng 1923 đến 1935. Một tờ báo thời ấy mô tả: “Mỗi cái nheo mắt của cô Ba, thì hầu như tay chơi nào cũng tay chân rụng rời, mỗi khi cô cười thì y như rằng rượu rót tràn, tiền tuôn ra… Người ta đã không tiếc tiền của, kể cả nhà cửa ruộng vườn và cả sinh mạng của mình nữa, để chỉ được cận kề bên người đẹp, nhìn người đẹp nheo mắt, nuốt lấy nụ cười như hoa nở của nàng.” Trong số đó có tay Còm-mi Kính (Commis, chức vụ tham tán cho chính quyền).
Còm-mi Kính xuất thân con nhà giàu say mê cô và được cô Ba Trà mến mộ. Cô Ba Trà không chỉ cặp bồ với Còm-mi Kính mà còn cặp nhiều vương tôn công tử trong đó Hắc công tử [Trần Trinh Huy, người Bạc Liêu], Bạch công tử [Goerge Phước, người Mỹ Tho, chồng đầu tiên của nữ nghệ sĩ Phùng Há] nổi tiếng xứ Nam Kỳ, cũng như chủ chi nhánh ngân hàng Ðông Dương ở Cần Thơ Lâm Kỳ Xuyên tặng cho cô Ba Trà số tiền hơn 70,000 đồng Ðông Dương (tương đương 1.150 lượng vàng ngày nay). Ở Sài Gòn, các trí thức thời Pháp thuộc như quan tòa, luật sư, bác sĩ hay cả vua cờ bạc Sài Gòn nổi tiếng là Sáu Ngọ cũng đều mê cô Ba Trà. Họ sẵn sàng cung phụng, yêu chiều mỹ nhân Ngọc Trà trong suốt thời gian xuân thì đẹp nhất của “hoa khôi không vương miện của miền Nam.” Tuy vậy, cuối đời cô Ba Trà chết trong nghèo khổ giữa Sài Gòn hoa lệ.
Giai nhân thứ ba là cô Tư Nhị. Cô nổi tiếng trong giới văn nhân, nghệ sĩ. Cô có bằng diplome ở trường Tây, và khi ra đời đã được các nhân vật có tầm cỡ trong giới báo chí thuở ấy săn đón và mời mọc viết báo. Nhờ sự quen biết rộng với nhiều nhân vật chính trị, nên được họ đưa lên một vị trí đặc biệt hơn cô Ba Trà. Với nhan sắc trời cho và biết quyến rũ nên cô trở thành nhân tình của Toàn quyền Pháp. Khoảng năm 1940 cô lâm vào cảnh sa sút và qua đời trong nghèo khó.
Người đẹp thứ tư trong tứ đại mỹ nhân của nửa đầu thế kỷ 20, là cô Sáu Hương. Theo tác giả Thượng Hồng kể: “Sáu Hương đẹp như Tây Thi! Cô có nước da trắng ngần, đôi mắt lá liễu sáng ngời, bờ môi mọng lúc nào cũng ươn ướt và luôn mỉm cười… Cô là người có học, xuất thân từ trường Áo Tím và có thời được tôn là “Hoa khôi trường Áo Tím.” Cô quá đẹp. Ðẹp đến đỗi những tay chơi, những triệu phú đều say mê, đeo bám như đỉa chung quanh cô. Họ thi nhau cung phụng người đẹp không thiếu một thứ gì, từ nhà lầu, xe hơi, cho đến những trương mục trong ngân hàng. Tuy vậy, cô chỉ vang danh khoảng 10 năm, rồi rút vào im lặng. Chừng như cô biết dừng lại đúng lúc, trước khi nhan sắc tàn phai.”
Từ thập niên 1950, nhiều cuộc thi hoa hậu, ảnh hậu được thường xuyên tổ chức. Trong đó có một cuộc thi hoa hậu vào năm 1955 xem như cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhà báo Công Thị Nghĩa người miền Bắc di cư vào Sài Gòn được chọn vào ban giám khảo, nhưng ban tổ chức nhìn thấy nhan sắc cô đáng để được dự thi. Thế là cô trở thành thí sinh và đăng quang hoa hậu luôn năm đó. Ngay sau đó, cô cũng được mời làm diễn viên chính cho bộ phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hiệp và cũng là nhà sản xuất.
Qua năm 1960, báo Phụ Nữ Ngày Mai ở Sài Gòn đứng ra tổ chức cuộc thi ảnh hậu. Ảnh dự thi được đăng báo và độc giả gửi phiếu chọn. Tối ngày 1/9/1960, vương miện được trao cô Nguyễn Thị Kim Sang, 17 tuổi, nữ sinh lớp đệ Tam trường Huỳnh Khương Ninh, Ða Kao. Hoa hậu Kim Sang phát biểu khiêm tốn: “Em rất hân hạnh và sung sướng nhận Giải thưởng Hoa hậu Phụ Nữ Ngày Mai. Em biết đây là một sự may mắn cho riêng em vì còn nhiều chị em khác vì lý do nào đó không gửi ảnh dự thi.”