NGUYỄN ĐÔNG THỨC
LGT: Thầy tôi là nhà văn-nhà thơ-nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, hoạt động trên văn đàn và báo giới miền Nam trong các năm 1930-1960. Mẹ tôi là Tùng Long Lê Thị Bạch Vân, nhà văn-nhà báo ở miền Nam trong các năm 1940-1970. Một gia đình văn chương, thi phú, theo nhận định của nhiều người lúc bấy giờ.
Anh Trần Nhật Vy, Thư ký tòa soạn báo “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”, hôm gặp ở Cali đã đặt tôi viết một bài cho số Xuân Giáp Thìn 2024. Gợi ý là năm xưa, ở miền Nam, một gia đình văn chương ăn Tết như thế nào? Thiệt là đúng người đúng việc!
***
Đầu tiên vẫn là những việc mà gia đình nào ở miền Nam cũng làm trong dịp Tết:
Trước ngày đưa Ông Táo về Trời (23 tháng Chạp), không khí đón Tết trong gia đình tôi đã bắt đầu và rộn rịp lần. Tới ngày rằm thì mẹ tôi đã lo xong quần áo, giày dép mới để bận ngày Tết cho cả nhà, từ thầy mẹ cho tới 9 đứa con. Trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh mẹ kêu từng đứa con lại đặt bàn chân lên trên tờ giấy trắng, để mẹ lấy cây viết tô theo đường viền hai bàn chân lên giấy, ghi tên từng đứa rồi cầm cả xấp ra chợ Sài Gòn mua. Quần áo thì mẹ ướm bằng mắt. Chớ làm sao mà dắt cả lũ xảy lố cố ra chợ được! Vậy mà giày dép áo quần đứa nào cũng vừa y. Kiểu mẫu hợp thời, màu sắc đúng sở thích từng đứa, không đứa con nào không ưng ý.
Rồi mẹ bắt đầu phân công đám con lau dọn nhà cửa cho thật gọn gàng, sạch sẽ. Thay màn cửa mới cho các cánh cửa. Vài năm thì quét vôi lại nhà. Và vài năm lại soạn ra những bộ quần áo cũ, đem cho người nghèo…
Không hiểu sao những gì liên quan đến thờ cúng đều được giao cho 4 đứa con trai. Anh tôi đi mua dầu chùi đồ đồng, rồi 4 anh em lui cui ngồi chùi bộ lư và mấy cái chưn đèn, bát nhang, đem phơi nắng rồi đánh bóng sáng giới. Tới sát Tết thì lo xếp giấy tiền vàng bạc để cúng ông bà. Tôi rất thích ngồi xếp những tấm giấy đủ màu, được coi là những khúc vải, để gửi xuống ông bà may áo mới. Dù xếp xong thì hai bàn tay lấm lem đủ màu!
Cánh con gái thì tíu tít phụ mẹ làm mứt, đồ chua, dưa món. Lúc mẹ còn khỏe và các chị còn đi học, nhà làm luôn mấy loại mứt đơn giản: dừa, bí, thơm, chùm ruột… Đồ chua thì có củ kiệu làm riêng, rồi cà rốt, củ cải, dưa chuột đèo, ớt chung mấy hũ. Món sau cùng, dưa món, mới chính là nghề của mẹ. Rửa sạch và bào vỏ xong, ai xắt củ cải, củ kiệu, cà rốt, đu đủ… thì xắt, rồi xắn răng cưa, xắn hình tròn hình vuông… tùy ý. Dưa món mẹ tôi làm khá cầu kỳ, phải có đủ cà rốt, củ cải, củ kiệu, đu đủ, thơm, dưa đèo, tỏi, ớt… Xắt xong thì xếp lên nia, đem phơi 2-3 nắng. Lúc đó mẹ mới ra tay nấu nước mắm. Cũng chỉ là nước mắm, rồi đường, rồi nước, không biết mẹ nấu cách nào mà sau khi đã chế vào các hũ thuỷ tinh xếp đều đủ thứ thành phần, đậy nắp lại và để trong mát vài ngày, mở ra đã thấy thơm phức, quyến rũ gì đâu! Dưa món mẹ làm, giòn và thơm, mặn ngọt rất vừa miệng, ăn với bánh chưng, bánh tét phải nói là ngon tuyệt. Kể cả ăn với cơm chiên, cơm nguội cũng ngon. Mẹ thường làm nhiều, cả chục hũ, vì luôn luôn có bà con, bạn bè dặn dò trước.
Đại khái đó là những chuẩn bị cho ngày Tết ở nhà tôi, không khác lắm với những gia đình ở miền Nam lúc trước. Rồi đưa ông Táo về trời, đón ông bà về nhà chiều ba mươi…, mọi thứ đều đúng phong tục của một gia đình người miền Trung. Trang nghiêm mà ấm áp tình gia tộc.
Điều khác biệt so với những nhà khác, đầu tiên là buổi sáng ngày mùng Một. Thức dậy là cả nhà rộn ràng diện quần áo mới, cúng mừng tuổi ông bà, đốt pháo rồi ăn sáng thật nhanh. Sau đó là phần được chờ đợi nhất: các con chúc Tết thầy mẹ. Thầy là thi sĩ nên 4 đứa con trai đều được Thầy dạy làm thơ từ nhỏ: thơ Đường luật ngũ ngôn, thất ngôn bát cú, lục bát. Các chị và em gái nào thích học thì thầy cũng dạy, nhưng con trai thì bắt buộc. Như đã bắt buộc phải học viết và đọc, hiểu nghĩa bộ “Tam Tự Kinh”, mà anh em tôi hay lén đùa giỡn: “Nhân chi sơ tay rờ vú mẹ, tánh bổn thiện cái miệng đòi ăn…”
Theo thứ tự từ lớn xuống nhỏ, lần lượt các con đến trước mặt thầy mẹ và khoanh tay chúc Tết. Con gái thì tuỳ nghi (có chị Thế và em Bình cũng làm thơ) nhưng con trai thì ai cũng phải đọc một bài thơ chúc Tết tự làm. Trước đó, trong đêm giao thừa, 4 anh em thưởng người nằm người ngồi một góc, cố “rặn” cho ra bài thơ. Thầy mẹ sẽ là ban giám khảo chọn bài thơ nào hay nhất để thưởng.
Không khí văn chương trong những ngày Tết còn có trong những buổi bạn bè thi phú của Thầy tới chơi (từng có những Phan Khôi, Lưu Trọng Lư và bao nhiêu nhà thơ khác đến chơi với Thầy). Các bác các chú lai rai vài ly rượu thuốc mẹ bổ ngâm cho Thầy với dĩa tôm khô củ kiệu, uống trà Tàu nhâm nhi mứt gừng mứt hạt sen, và… bắt đầu thi nhau đọc thơ vang nhà. Tới khúc này thì mẹ và anh chị em tôi bắt đầu rút lui có trật tự, nhường không gian phòng khách cho các thi hữu. Vì hầu hết là người miền Trung nên các buổi thơ này thường kết thúc bằng một cuộc tranh cãi ai hay ai dở, và dĩ nhiên không ai chịu ai!
Không khí văn chương còn có trong một buổi Cầu Tiên (*) thường là dịp cuối năm. Cuộc Cầu Tiên bao giờ cũng bắt đầu bằng một bài thơ. Và khi ông Tiên nào đó đã nhập vào người hầu đồng, hầu hết đều là những ông Tiên biết làm thơ. Cho dù người ngồi hầu đồng không hề biết làm thơ, nhứt là thơ tiếng Tàu, thì khi đã được Tiên nhập, ông ta đọc thơ Tàu ào ào! (Cái này đúng là không thể hiểu được!) Thầy tôi thích hỏi ông Tiên về chuyện thế sự sắp tới, ông thường trả lời bằng những câu thơ bí hiểm. Mẹ thì hay hỏi về sức khỏe các đứa con, mà tôi là đứa bệnh tật nhất nhà, thường phải uống những lá bùa Tiên cho đốt thành tro quậy trong nước.
Cuối cùng, không khí văn chương còn có trong những tờ báo Xuân của miền Nam, có gần như đầy đủ trong nhà tôi. Anh em tôi tha hồ vừa ngồi đọc vừa cắn hạt dưa. Thơ, câu đối và truyện và tuỳ bút, ký sự…
Và có thể nhờ từ nhỏ đã được sống trong không khí thấm đẫm văn chương thi phú đó, anh chị em tôi đều ít nhiều viết được văn làm được thơ. Có 3 người đã trở thành người viết chuyên nghiệp, dù ngày xưa Thầy Mẹ đều không ai muốn con cái tiếp tục con đường của mình… (**)
N.Đ.T.
(30-11-2023)
__________
* Bạn có thể biết rõ hơn về một buổi Cầu Tiên qua bài viết của Nhà văn Nguyễn Đức Lập.
** 3 trong 4 người con trai của Bà Tùng Long đều là nhà văn: Nguyễn Đức Trạch (Trạch Gầm), Nguyễn Đức Lập và Nguyễn Đức Thông (Đông Thức).