YẾN TUYẾT
Căn nhà là nơi giữ bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, nơi từng có các buổi họp mặt gia đình ấm cúng và hạnh phúc; nơi có tiếng cười rộn rã của trẻ thơ; nơi những đứa con từng sống trong vòng tay mẹ hiền trước khi trưởng thành, nơi chứng kiến tình yêu của những cặp vợ chồng trẻ, mừng vì mới tạo dựng được tổ ấm; nơi những cặp vợ chồng già đã mơ ước sống ở đó cho đến khi giã từ dương thế.
Tôi nghĩ rằng dù đó là căn nhà trị giá hàng triệu mỹ kim, hay chỉ là một căn mobile home hoặc căn apartment thuê mướn vài ngàn đồng đi nữa, ai cũng có những gắn bó khó quên với nơi chốn mình từng cư ngụ, dù trong một quãng thời gian ngắn hay dài.
Năm mới, tôi bỗng muốn nhìn lại những căn nhà của đời mình trong hơn 70 năm qua, và chia sẻ chút kỷ niệm riêng tư, như một trong muôn ngàn mẩu chuyện của người tị nạn Việt Nam trên đất Mỹ.
Tôi nhớ căn nhà của ông ngoại, nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, còn có tên là đường Hàng Me ở thành phố Huế. Nơi tôi được sinh ra và sống hai năm đầu tiên của cuộc đời, có hình ảnh thơ mộng của lá me bay trong những buổi trưa Hè với tiếng ve kêu dễ thương.
Mỗi buổi sáng có bà bán bún bò quẩy gánh bún nóng hổi, dừng lại trước cửa nhà và ngồi xuống, mở nắp nồi nước lèo bốc khói có màu đỏ của ớt cay, mùi sả, và mùi mắm ruốc thơm phức. Năm bà chị lớn của tôi trong tuổi thiếu nữ lần lượt bưng vào nhà những tô bún bò được bày vài cái chân giò heo nhỏ bên cạnh những miếng thịt bò cắt gọn gàng, trên rải hành ngò xanh và ớt đỏ xắt nhỏ, nhìn thấy chảy nước miếng!
Khi tôi về thăm lại Huế cách đây hơn 15 năm, đường Hàng Me lúc đó chỉ còn lại hai cây me đứng trơ trọi và lạnh lùng dưới những cơn mưa dầm dề của nơi chôn nhau cắt rốn.
Còn bây giờ nghe nói những cây me đã hoàn toàn biến mất trên con đường có tên Hàng Me ấy.
Cũng như phần lớn những căn nhà ở Huế , nhà ông ngoại tôi có hàng rào gạch và cổng ra vào sân trước có cột trụ ở hai bên. Trước khi bước lên các bậc tam cấp dẫn vào gian nhà chính, tôi nhớ mình hay dừng lại để ngắm nhìn những con cá thia lia bơi lội trong hòn non bộ ở sân trước.
Các cậu em họ con ông cậu H. là cháu đích tôn, vẫn còn sống trên lô đất đó nhưng căn nhà cũ của ông ngoại tôi đã được chia ra thành nhiều phần cho mấy gia đình này. Gian chính căn nhà được giữ làm nơi thờ phượng tổ tiên nội ngoại, chung quanh đó, họ xây những căn nhà nhỏ để ở hay mở tiệm ăn.
Khi ông nội tôi mất, ba tôi được thừa hưởng một căn nhà nằm trên đường Hàm Nghi, ở cạnh nhà ông bác tôi, nơi tôi sống đến năm 6 tuổi.
Căn nhà do ông nội tôi để lại cho ba có một ngôi vườn rộng đầy cây ăn trái. Vườn trước trồng ổi sẻ nhỏ mà ngọt ngào, cây mận đỏ hồng, cây nhãn lồng sai trái, cây khế vàng, cây cóc xanh, cây bàng rợp lá ở trước cổng. Vườn sau trồng toàn chuối, cung cấp cho gia đình tôi từ những trái chuối cau, chuối sứ, đến những tàu lá chuối để gói bánh nậm, bánh bột lọc, bánh chưng.
Tôi giã từ Huế từ năm 6 tuổi cho đến năm 1969 khi 18 tuổi, mới trở lại thăm Huế lần đầu như một phần thưởng của gia đình sau khi đậu tú tài Hai. Và lần thứ hai về Huế là để giúp bà me tôi hoàn tất việc bán nhà sau tháng 4/1975.
Căn nhà hương hỏa của ông nội tôi để lại đã bị người thuê nhà đem bà con họ là cán bộ cộng sản vô chiếm ở, và họ cho biết gia đình tôi đã vào định cư ở Saigon trước đó gần 20 năm nên phải chia sẻ tài sản dư giả cho người khác sử dụng.
Lần thứ ba về thăm Huế từ Mỹ xảy ra 16 năm trước trong một chuyến du lịch về Việt Nam.
Tôi có đi ngang qua căn nhà cũ trên đường Hàm Nghi khi đến viếng thăm nơi thờ phượng tổ tiên bên nội của mình gần đó. Và dĩ nhiên, không thể nhận ra dấu tích xưa cũ của căn nhà kỷ niệm.
Năm 1957, ba tôi được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng ở thị xã Quảng Ngãi, khi ấy vẫn còn đìu hiu. Thành phố Quảng Ngãi ở giữa thập niên 1950 khi vừa mới được tiếp thu vẫn còn nghèo và xơ xác nên gia đình tôi ở trong một dãy nhà mái tôn có ba phòng, do chính phủ cấp phát.
Tôi vẫn còn nhớ mỗi năm vào mùa lũ lụt, ba me tôi hay dùng thuyền đi thăm viếng và ủy lạo những nạn nhân vốn đã nghèo, ở trong những tấm lều tranh mỏng manh xiêu vẹo, vậy mà còn bị nước cuốn đi để trở thành kẻ sống cảnh “màn trời, chiếu đất.”
Năm 1959, ba tôi được thuyên chuyển vô Vĩnh Bình làm Phó Tỉnh trưởng. Vì là một tỉnh lỵ thuộc miền Nam, Vĩnh Bình trù phú hơn và ba tôi được nhà nước cấp cho một dinh thự trước kia do người Pháp làm chủ đồn điền cao su ở.
Và đó là lần duy nhất trong đời, tôi được ở trong một căn nhà hai tầng to lớn và sang trọng, có thể nói có kiến trúc gần giống với nhà của cô Scarlett O’Hara trong phim “Cuốn theo chiều gió” vì nó có cái cầu thang rộng ở giữa nhà. Thế nhưng, thời gian đó cũng chỉ kéo dài hai năm và vì còn bé, tôi chỉ nhớ là mình rất thích vì căn nhà rộng thênh thang đó có nhiều chỗ để anh em chúng tôi thả cửa chơi trò trốn tìm bịt mắt bắt dê.
Trước khi nhận thêm chức vụ phó tỉnh trưởng ở Kontum , gia đình tôi từ Vĩnh Bình dọn lên Saigon và mướn nhà ở khu Đa Kao từ năm 1959-1961 vì ba tôi khi đó làm công việc thanh tra cho bộ Nội Vụ, rồi Bộ Xây Dựng Nông Thôn.
Căn nhà thuê này ở gần rạp xi nê Đa Kao nên nhiều khi vào ngày nghỉ cuối tuần, mấy anh em tôi “đóng đô” nhiều giờ ở rạp hát vì chỉ mua vé một lần mà có thể ở lại coi được nhiều phim. (Có lẽ vì cư ngụ ở Đa Kao, cho nên sau này ở tuổi vị thành niên, tôi thích đọc truyện của Duyên Anh viết về nhân vật Dũng ĐaKao, có hình ảnh hơi giống ông anh lớn của mình).
Năm 1961, gia đình tôi mướn một căn nhà kiểu townhouse ở gần nhà nhạc sĩ Văn Phụng. Rồi sau đó lại dọn qua môt căn khác ở gần đó. Sau 4/1975, tôi biết được mình đã từng ở kế bên nhà gián điệp nhị trùng Phạm Xuân Ẩn. Hèn chi căn nhà này luôn đóng cửa im ỉm và không giao thiệp với hàng xóm.
Qua Mỹ, tôi tình cờ gặp được hai người hàng xóm cũ ở cùng dãy townhouse với mình ở đường Cô Bắc ấy. Chi BM xin làm thiện nguyện ở chương trình HICAP; còn NH thì ngày xưa đi học ở trường Nguyễn Bá Tòng với tôi.
Khi ở đường Cô Bắc, gia đình tôi có thể đi bộ ra rạp hát Hưng Đạo hay có những màn diễn tuồng cải lương của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, khiến tôi đâm ra mê cải lương qua giọng hát của Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Út Trà Ôn…
Ở nhà thuê mướn, cứ bị chủ nhà tăng giá hoài nên hai năm sau, ba tôi mua được căn nhà trả góp dành cho công chức ở cư xá Lữ Gia Phú Thọ, nơi tôi đã sống được gần 20 năm cho đến ngày vượt biên khỏi Việt Nam năm 1981.
Sau khi ba tôi mất, con cái may mắn đều lần lượt ra đi theo diện vượt biên, HO hay đoàn tụ nên mẹ tôi là người cuối cùng ở lại căn nhà đó. Bà đã phải bán nhà với giá rẻ mạt cho một người làm cho nhà nước cộng sản để giấy tờ ra đi không bị chậm trễ, khi được anh tôi bảo lãnh qua Mỹ vào năm 1990.
Sau khi thay đổi nhiều chủ trong vòng hơn 30 năm qua, tin mới đây do cô cháu tôi về thăm Việt Nam cho biết, căn nhà ở cư xá Lữ Gia Phú Thọ thời đó bây giờ biến thành quán cà phê Hoa Tím, vì nằm ở đầu dãy, sát đường xe chạy.
Căn nhà ở cư xá Lữ Gia Phú Thọ cũng là nơi ghi lại những hình ảnh buồn và khốn khó của gia đình tôi sau tháng 4/1975.
Khi ông anh và 4 anh rể của tôi là sĩ quan VNCH nên bị cộng sản bỏ tù, hai trong số năm bà chị tôi bị đuổi ra khỏi mấy căn nhà trước đây do quân đội VNCH cấp cho gia đình sĩ quan ở, mang đem đám con nheo nhóc về xin cư ngụ trong ngôi nhà chỉ có hai phòng ngủ trên lầu của ba me tôi ở Phú Thọ.
Căn nhà ấy từng chứa đến 15 người lớn và trẻ con với vỏn vẹn chỉ một cái bathroom. Trừ căn phòng riêng dành cho ba me tôi riêng biệt ở phía sau, buổi tối chúng tôi nằm ngủ ngổn ngang từ trên lầu xuống dưới phòng ăn và phòng khách. (Có lẽ vì trải qua kinh nghiệm phải sống trong một ngôi nhà đông đúc ở Việt Nam trong thời gian sau khi miền Nam thất thủ, nên sau này qua Mỹ, khi mua nhà riêng, tôi cố gồng trả tiền nhà chứ không cho ai share như nhiều gia đình khác?!)
Tưởng ở Việt Nam mới phải theo cha mẹ dọn nhà nhiều lần, vậy mà khi qua Mỹ sống, trong hơn 40 năm qua, tôi cũng dọn nhà cả chục lần. Nghĩ lại, thấy mình sống giống đời của người du mục.
Trong năm đầu tiên ở Mỹ, tôi dọn nhà hai lần. Thành phố đầu tiên tôi ở là Downey thuộc phía Nam Los Angeles vì ông anh tôi bảo lãnh về địa chỉ này. Vài tháng sáu cha của mấy đứa con tôi liên lạc với ông anh họ làm chủ tiệm Winchell Donut ở North Hollywood và được mướn làm thợ bánh donut cho ông ấy.
Chúng tôi được vợ chồng ông chủ cho ở trong cái garage chứa đầy đồ đạc và không có nhà vệ sinh riêng. Con tôi mới ba tuổi nên tôi ở nhà giữ việc dọn dẹp nhà cửa cho họ và hàng ngày tôi đều ăn bánh donut. Lúc đó tôi đang có thai đứa con thứ hai nên ghiền ăn ngọt, không sao hết! Nhưng bây giờ thấy bánh donut không dám ăn.
Ở đó được 6 tháng, ông anh tôi đến thăm và khuyên gia đình tôi dọn về Downey lại, thuê nhà ở gần nhà ông ấy vì thấy tụi tôi phải ở trong garage cực quá.
Tụi tôi thuê căn nhà nhỏ ở đằng sau nhà ông anh ở Downey và ba mấy đứa con tôi đi học nghề quay phim để cùng ông anh làm cho chương trình TV Việt Nam Program của một ông Mỹ tên Jim. Ông Mỹ này sau đó định sản xuất phim “Người di tản buồn” nhưng nửa chừng thì hết vốn nên phim ấy chưa bao giờ ra mắt công chúng.
Căn nhà ở Downey này có cái vườn rộng mênh mông ở phía sau và tôi đã từng nhận cắt cỏ để được bà chủ bớt tiền thuê nhà, mặc dù khi về đó đang có thai 7 tháng.
Anh em ở gần nhau mới được một năm thì chủ đòi bán nhà nên hai anh em tôi phải chia tay. Tôi tiếp tục thuê nhà ở Los Angeles. Di chuyển từ thành phố Downey đến Bellflower, rồi Norwalk sau khi trở thành một người mẹ độc thân.
Sau đó, tôi đã từng dọn đi Boston ở 1 năm làm waitress, rồi lại về San Diego làm thợ móng tay. Trong thời gian 9 năm ở San Diego tôi cũng dọn nhà hai, ba lần cho đến khi về quận Cam.
Kinh nghiệm ở trong những căn Apartments cũng không đến nỗi tệ vì tôi luôn chọn những căn chung cư tương đối yên tĩnh và sạch sẽ, ở những khu vực an toàn và gần trường học tốt vì tôi muốn các con được giáo dục tốt khi gia đình chỉ có một phụ huynh.
Khi lập gia đình lần thứ hai vào năm 1994, anh ấy muốn giúp tôi trở lại nghề viết báo, hay làm radio nên tôi dọn về Orange County sống. Sau 9 năm ở một căn nhà thuê vùng Huntington Beach để các con có thể đi học trường tốt, cuối cùng, chúng tôi mua được căn nhà ở Garden Grove, nơi tôi đang sống, tính đến nay đã gần 21 năm.
Như vậy, thời gian ở căn nhà hiện nay lâu dài nhất, sau khi trải qua không biết bao nhiêu lần di chuyển nhà trên đất Mỹ.
Cho dù rất yêu thương và gắn bó với căn nhà hiện giờ của mình, tôi cũng không biết chắc đây sẽ là ngôi nhà cuối cùng của mình hay không, bởi vì không ai biết được những bất ngờ sẽ xảy ra trong cuộc đời.
Tôi không muốn đổ thừa cho số phận nhưng cuối cùng phải công nhận là mỗi người đều có số khổ hay sướng, bất hạnh hay may mắn, ngay cả chuyện căn nhà để ở, vì rất nhiều người tôi biết, được ở mãi trong căn nhà của mình từ khi qua Mỹ đến giờ, gần 50 năm.
Thế nhưng, tôi thì nhờ phải di cư nhiều lần, mới có nhiều chuyện để kể cho bạn đọc, cũng vui thôi trong những ngày Xuân.
Tôi thấy mình hay có thói quen quan sát những căn nhà của thiên hạ rồi nghĩ đến những người sống ở trong nhà đó, với những buồn, vui xảy ra cho cuộc đời họ.
Ở quận Cam nói chung và ở thành phố Garden Grove nơi tôi ở, những ngôi nhà được xây từ thập niên 60 mang bộ mặt sáng sủa và khang trang hơn rất nhiều so với thời gian tôi dọn lên đây từ San Diego hơn 22 năm trước. Phần lớn vì những chủ nhân ở lâu năm đã trả hết nợ nhà nên bây giờ có tiền sửa sang, nên nhà cửa của họ nhìn mới và đẹp hơn.
Còn những người chủ mới, đa số là Việt Nam, thì hay đập những căn nhà cũ xuống để xây lên những căn nhà đồ sộ như lâu đài, bên cạnh những căn nhà cũ, thấp lè tè của mấy người hàng xóm người Mỹ bản xứ (trong đó có căn nhà của tôi).
Đi trên đường khi thấy có những ngôi nhà to như dinh thự thì biết ngay là nhà của người Việt Nam làm chủ. Người Mỹ khi muốn ở nhà lớn và mới sẽ dọn ra những khu có các căn nhà tương đương với nhà của mình, chứ không muốn mình nổi hơn thiên hạ như người Việt.
Nhiều căn nhà ở quận Cam vẫn có ba thế hệ người Việt mình sống chung với nhau, nhưng có không ít những căn nhà rộng rãi khác chỉ có một người ở mà thôi.
Rất nhiều căn nhà do người Việt làm chủ cho người ta share hết từ phòng ngủ cho đến phòng khách, garage…, trước nhà cho thuê 5, 6 cái xe hơi đủ kiểu từ Toyota cho đến Tesla đậu sát nhau nên biết liền.
Bây giờ nhiều người lớn tuổi dọn vô ở nhà mobile home hay ở khu nhà housing hơn là ở những căn nhà mình đã từng mua. Tôi cũng biết có người làm chủ 2, 3 căn nhà nhưng cho thuê hết và chọn ở một căn nhà cũ. Họ sung sướng vì hàng tháng ngồi thu tiền thuê nhà.
Thiệt là “trăm người, trăm cảnh, trăm chọn lựa” miễn sao thích hợp và tùy thuộc hoàn cảnh và ý muốn của mình.
Tôi thì nghĩ rằng làm chủ một căn nhà hay không, chẳng quan trọng cho bằng việc có một nơi chốn thân yêu và ấm cúng để mình và những người thân muốn trở về.
Cho nên tôi rất thích câu “Home sweet home.”
Ôi, căn nhà yêu dấu của mình.