Tản mạn nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ

by Tim Bui
Tản mạn nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ

YẾN TUYẾT

Tháng Ba có ngày Quốc Tế Phụ Nữ, nên tôi muốn viết về nữ giới một chút.

Điều đầu tiên tôi ghi nhận về phụ nữ là khi đến những nơi bán cây cảnh như Home Depot, Lowe’s, Amstrong.

Sau những cơn mưa, thời tiết trở nên dễ chịu hơn, cho phép những người yêu thiên nhiên bắt đầu bận rộn với công việc vườn tược. Và trong nhóm người hớn hở mua sắm này, phụ nữ chiếm một số không nhỏ.

Dĩ nhiên, họ không chỉ mua hoa thôi, mà còn ghé qua những nơi bán vật liệu xây dựng, sửa chữa nhà cửa nữa.
Những khách hàng, vẫn thường được xem là phái yếu này, cũng đi mua những thùng sơn, kềm, búa, cuốc xẻng, đinh ốc, chẳng khác gì các đấng mày râu.

Nhiều phụ nữ ngoài công việc ở sở làm, khi về đến nhà còn phải lăn xả vô công việc nội trợ như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Bên cạnh đó, họ còn biết sửa chữa nhiều thứ chung quanh nhà như thay bóng đèn, ráp nối mấy cái máy computer hay máy hát, treo tranh ảnh…v…v… mà không phải chờ đến tay người đàn ông.

Đó là những phụ nữ dù có chồng bên cạnh, hay trở thành độc thân vì chồng chết sớm hay ly dị, nhưng vẫn có thể lo được những điều cần thiết cho đời sống riêng của mình một cách tốt đẹp.

Dĩ nhiên, tôi biết một số phụ nữ được chồng thương yêu, cưng chiều, không phải làm gì nặng nhọc trong nhà. Có người, còn được chồng nấu ăn cho luôn! 

Số người này tôi nghĩ chắc chỉ đếm được trên đầu mấy ngón tay và người Việt Nam mình gọi họ là “đẻ bọc điều”. Họ có số may mắn và chúng ta nên mừng cho họ.

Tôi chỉ lo, một cách rất bao đồng, là nếu những người vợ này khi ông xã ra đi không bao giờ trở lại (vì thình lình qua đời vì bệnh tật hay tai nạn, hoặc ôm cầm sang thuyền khác – và chuyện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào – nhất là bây giờ chuyện về Việt Nam kiếm vợ trẻ xảy ra như cơm bữa) thì không biết đời họ sẽ ra sao?

Chắc chắn là họ sẽ không thể nhờ đến ông hàng xóm, hay mấy đứa con, mà họ hy vọng sẽ ở gần họ suốt đời, để khi họ ới một tiếng là con cái có thể chạy đến ngay được.

Nếu họ có tiền đi Uber thì không nói làm gì, nhưng không lẽ đi đâu cũng nhờ bạn chở? Lúc đó không biết họ có biết dùng hệ thống xe bus để đi chợ hay đi bác sĩ không nhỉ?

Như vậy nên việc học lái xe là cần thiết biết bao! Đúng vậy, bạn có thể không tin, nhưng nhiều phụ nữ Việt Nam cho đến giờ vẫn không biết, không dám, hay vì lý do đó không… chịu lái xe.

Một số phụ nữ khác thì nhận trợ cấp xã hội vì có con nhỏ hay khai bệnh tâm thần (dựa trên lý do trải qua những chấn động tâm lý khi đến từ một đất nước chiến tranh như Việt Nam), nên họ không phải đi làm việc.

Rồi họ cũng không hề đi học Anh Văn hay học nghề làm gì cho mệt. Họ chọn và bằng lòng với lối sống mà họ cho là ‘nhàn hạ’ này.

Nhưng họ không nghĩ rằng lỡ khi trợ cấp của họ bị cắt giảm vì chính phủ thay đổi chính sách xã hội, con quá tuổi vị thành niên rồi mà mình chưa đủ tuổi để lãnh tiền già thì sẽ ra sao?

Số người này lúc đó ngại đủ thứ chuyện vì tuổi nửa chừng xuân: già không già mà trẻ thì không trẻ, lại không có nghề nghiệp chuyên môn, Anh ngữ không biết. 

Lại quen tính chả phải làm gì bấy lâu nay. Lúc đó, không biết họ sẽ xoay sở ra sao?

May thay số người này chỉ chiếm một số rất ít trong công đồng Việt Nam vì hầu hết ở Mỹ, người hưởng trợ cấp xã hội cũng biết lợi dụng thời gian được chính phủ giúp đỡ này để hoạch định cho mình một chương trình đi học Anh văn và đi học nghề; phòng khi có chuyện không may xảy ra, họ vẫn có thể tiếp tục sống vững để đi làm việc kiếm tiền nuôi thân và nuôi con.

Phần đông các phụ nữ khác thì khi được sống ở một nơi có cơ hội được học hỏi và gia nhập khối người có công ăn việc làm, dấn thân ra ngoài xã hội để thử thách tối đa khả năng đa dạng của mình.

Nếu khả năng Anh ngữ ít, một số người đi làm công việc giữ trẻ, coi sóc người già, nấu ăn, đưa đón học sinh. Nghề làm móng tay đã giúp nhiều phụ nữ có một số lương đủ sống, một số người khác trở thành triệu phú.

Một số khác ghi tên đi học Anh văn, đi học nghề ở các trung tâm dạy nghề hay trường Đại học. Ở Mỹ mà không học thật là uổng phí vì trường học có những chương trình giúp đỡ tài chánh chỉ cần chúng ta chịu khó cắp sách đến trường.

Phụ nữ Việt Nam ngày nay ở Mỹ có mặt trong hầu hết các môi trường xã hội, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y khoa, luật khoa mà còn trong lĩnh vực tài chánh, nghệ thuật, văn chương, hội họa, phim ảnh, báo chí…

Họ có thể giữ những chức vụ quan trọng hay không nhưng điều quan trọng là họ có cơ hội thi thố tài năng của mình.
Nếu có chồng và được chia sẻ và hỗ trợ họ từ trong gia đình thì khi ra ngoài xã hội, họ còn có thể thành công hơn nữa.

Nhưng nếu là người chọn sống đời độc thân hay do ly dị và thường là người đòi quyền nuôi dưỡng các đứa con, những phụ nữ này phải rất can cường trong cuộc sống, khi người chồng cũ có thể chỉ giúp về mặt cấp dưỡng, nhưng biến mất, không hề thăm viếng mấy đứa con còn rất nhỏ và khi từ chối chia sẻ trách nhiệm làm cha.

Những phụ nữ này bỗng nhiên thấy mình vừa đảm nhận vai trò vừa là mẹ, vừa là cha mà không có một chọn lựa nào khác.
Trong trường hợp này, một là họ vật vã khóc lóc suốt ngày, bị tâm bệnh vì tủi thân, đau khổ vì phụ bạc, hai là phải đứng dậy, nuốt nước mắt, giữ cho mình được mạnh khỏe, sáng suốt và bình tĩnh để còn đi làm việc và chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ con cái.

Rồi thì họ cái gì cũng phải biết làm, từ việc giúp bài học cho con buổi tối, tới việc nấu nướng bữa ăn trong ngày, thay cái bóng đèn hư, đem xe đi thay nhớt v…

Họ sẽ phải lo toan việc chợ búa, lo bills trả tiền nhà, tiền điện thoại. Nghĩa là không biết bao nhiêu công việc không tên trong một gia đình mà giờ đây chỉ mình họ gánh vác.

Nhờ biết lái xe nên khi muốn đi chơi đâu xa, họ sẽ lái xe trên những xa lộ từ Orange County đi lên miền Bắc, xuống miền Nam, dù đi một mình hay với bạn gái hay với con cái.

Một lúc nào đó, số phận run rủi, nếu họ có lập gia đình lại, thói quen tự lập đó cũng sẽ khó rời bỏ họ lắm lắm.

Trong đời sống, may mắn thay tôi đã có dịp gặp bao nhiêu phụ nữ mạnh mẽ ở mọi lứa tuổi, những người mà sức mạnh tinh thần của họ là những tấm gương cho tôi ngưỡng mộ. Đó là câu chuyện của những người chị, những người mẹ, người vợ, người bạn, người phụ nữ ở Việt Nam trong thời chiến tranh, khi đất nước hòa bình nhưng hận thù vẫn tiếp diễn. Và ngay cả trên đất Mỹ. nơi tôi chọn làm quê hương thứ hai từ hơn 40 năm nay.

Không thể nào kể cho hết những câu chuyện đặc biệt, những việc xảy ra trong đời thường, mà cứ như được hư cấu viết ra trong tiểu thuyết, gồm những gian truân và nước mắt, những đau khổ và hạnh phúc trong đời của nhiều phụ nữ.

Nếu bạn ở trong số phụ nữ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững thì vấn đề còn lại chỉ là “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn” mà thôi. 

Cả hai vợ chồng đều giỏi lo từ trong nhà đến ngoài ngõ thì khỏi phải bàn tán thêm gì nữa!

Ở Hoa Kỳ, xã hội văn minh và tân tiến này, với quyền làm người được tôn trọng nhưng đồng thời đẩy con người chạy đua với thời gian và công việc, người phụ nữ không còn bị giới hạn ở bên trong khuôn khổ của cánh cửa gia đình nữa mà  có cơ hội bước ra ngoài xã hội để tạo cho mình một nền học vấn cao và kiến thức rộng rãi, chọn lựa và tham gia trong nhiều nghề nghiệp chuyên môn khác nhau.

Tuy phụ nữ ở thế kỷ 21 này có thể chứng tỏ khả năng đa dạng trong nhiều lãnh vực hơn, nhưng họ vẫn đồng thời phải đối diện với nhiều bổn phận và trách nhiệm từ trong gia đình đến ngoài xã hội, trong vai trò làm mẹ và làm vợ.

Hy vọng dù trong hoàn cảnh nào, phụ nữ vẫn có thể là người vợ yêu thương, người mẹ hiểu biết, người bạn đời thủy chung, nhưng bên cạnh đó họ vẫn là những nhân viên tận tâm, những chủ nhân sáng suốt dù họ giữ bất cứ vai trò nào trong xã hội.

Tháng Ba xin viết đôi dòng, vừa ghi nhận vai trò dễ thương của người phụ nữ trong đời sống, vừa vinh danh họ, thế thôi.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights