Phú Nhuận thời thơ ấu của tôi – kỳ 2

by Tim Bui
Phú Nhuận thời thơ ấu của tôi - kỳ 2

LÊ NGUYỄN

Trong bài trước, người viết để sót một chi tiết khá quan trọng: Vào thập niên 1950, ở dãy nhà bên phải đường Võ Di Nguy, giữa Ngã tư Phú Nhuận và Lò Đúc, khi chưa đến “rạp hát cháy” (sau là rạp chiếu bóng Cẩm Vân), có tiệm thuốc Bắc lớn của một Đông Y sĩ được mọi người gọi là thầy Ba, có khi là “thầy Ba rỗ”, vì mặt thầy hơi bị rỗ, để phân biệt với ông “thầy Ba móng”, có chiếc am ngay trong chợ Phú Nhuận được nhiều người đến đó cúng bái. Ông thầy Ba móng có bộ móng tay dài không thua gì móng tay của những ông thầy đồ thế kỷ XIX.

Hiệu thuốc của thầy Ba “rỗ” rất đắt khách, bệnh nhân đến nườm nượp. Thầy không mặc Âu phục, trên người thầy luôn là một bộ quần áo lụa bóng màu mỡ gà. Thầy đứng hay ngồi sau một dãy kệ dài, trước mặt có một chiếc gối nhỏ kích thước chừng 20cm x 10cm, chỉ vừa đủ để bệnh nhân tựa cổ tay lên cho thầy “xem mạch”. Thầy xem mạch bằng cách đặt 4 ngón tay, trừ ngón cái, lên cổ tay để ngửa của bệnh nhân, từ những nhịp đập ở đó, thấy biết bệnh nhân đang đau yếu bộ phận nào trên cơ thể.

Từng loại thuốc Bắc được chứa trong các hộc tủ đóng kín, mỗi khi bốc thuốc, thầy nhanh tay mở hộc này, đóng hộc kia, bốc ra từng nhúm dược thảo (đương quy, đỗ trọng, trần bì….) bỏ vào hai tờ giấy dày và vuông vức trải sẵn trên kệ. Khi đủ một toa thuốc, thầy khéo léo gói lại thành một gói thuốc gọn và đẹp, không quên kẹp theo hai quả táo Tàu hay vài viên xí muội, để giúp người bệnh loại bỏ bớt dư vị đắng khủng khiếp của thuốc Bắc sau khi uống xong (Bắc ở đây có nghĩa là Tàu, chứ không phải miền Bắc Việt Nam; thuốc Bắc là thuốc nhập từ Trung Quốc, phương Bắc của Việt Nam).

Thông thường một thang thuốc như vậy, thầy dặn “ba chén sắc còn tám phân” (tám phân có nghĩa là 8/10 của một chén). Về nhà, bệnh nhân đổ vào siêu thuốc 3 chén nước đầy, nấu sôi lên cho đến khi nào sắc lại còn 8 phân thì uống được. Cách thức sắc thuốc này buộc gia chủ phải nhiều lần rót thuốc ra, đổ thuốc vào, cho đến khi nào nó còn được đúng 8 phân. Thuốc cũng phải được sắc trong siêu làm bằng đất nung, không sử dụng ấm nhôm hay inox phổ biến hiện nay.
.
Trẻ ngày nay sướng hơn trẻ ngày xưa về cái vụ uống thuốc này nhiều lắm, vì chắc chẳng còn đứa nào phải uống thuốc Bắc nữa. Với trẻ ngày xưa, ở vào cỡ 5 đến 10 tuổi, cái chất nước đen, sánh đặc, đắng đến mức không thể nào đắng hơn, là một cơn ác mộng. Nhìn thấy chén nước thuốc đen ngòm, mùi bốc lên nghẹt mũi, chúng thường phản ứng dữ dội, đến nỗi trong 10 trường hợp cho trẻ uống thuốc Bắc thì có đến 7-8 trường hợp người lớn phải dùng chiếc đũa bếp cáng giữa miệng nạn nhân cho hai hàm răng không nghiến chặt lại được, rồi cứ múc thuốc nước đổ vào miệng như người ta đổ vào một lỗ cống vậy. Kiều cho uống thuốc này rất nguy hiểm, vì đứa trẻ bị ngáng họng, không còn khả năng điều khiển cổ họng, thuốc nước có nguy cơ rơi tọt vào khí quản!

Về mảng uống thuốc Bắc này, tôi lại là đứa trẻ ngoan cường nhất, bình thản đón nhận chén thuốc mà không có một phản ứng tiêu cực nào. Chén thuốc vừa đưa lên miệng là tôi lấy 2 ngón tay bóp chặt hai lỗ mũi lại, nhắm mắt nốc cạn. Dù không có một cuộc thương lượng nào, song vì thương con, bao giờ khi tôi nốc cạn chén thuốc Bắc xong, má tôi cũng thưởng cho tôi 2 đồng, đủ để ăn tô mì gõ.

Trở lại với Hội đồng xã Phú Nhuận nằm bên phải đường Võ Di Nguy, sau ngày 1/11/1963, cơ quan này có dịp tiếp một người đặc biệt, đó là phu nhân cựu Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng Trần Trung Dung đến khai tử cho hai người cậu của bà là các ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, bị người của Hội đồng Quân nhân Cách mạng (Đại úy Nhung) sát hại dã man. Tờ khai tử do xã Phú Nhuận lập ghi chức vụ của ông Diệm là “cựu Tuần vũ”, thay vì “cựu Tổng thống”. [mộ của hai ông hiện ở nghĩa trang Lái Thiêu với hai tên khó nhận ra là Huynh (Ngô Đình Diệm) và Đệ (Ngô Đình Nhu)].

Qua khỏi Hội đồng xã Phú Nhuận, trước khi đến chợ Phú Nhuận, khách bộ hành còn gặp một tiệm chụp hình kỳ cựu có tên Trần Cửu, là nơi mà năm lên 10 tuổi, tôi được má dẫn đến đó chụp ảnh hai mẹ con. Trên đường về, má cứ dặn đi dặn lại là về đừng kể cho ba nghe chuyện này, chắc sợ ba xót tiền. Giá một tấm ảnh “xít-nớp” (6×9) lúc đó là 10 đồng, bằng 3 tô hủ tíu.
Chợ Phú Nhuận là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất của vùng Sài Gòn – Gia Định. Mặt tiền chợ nhìn ra đường Võ Di Nguy, còn đuôi chợ ngó ra đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Nó thường nhắc tôi những ký ức não lòng về Bà Ngoại tôi, người rất mực thương tôi. Già cả, không làm ra tiền, bà tằn tiện từng chút một, mỗi lần đi chợ Phú Nhuận, bà mua về những quả xoài thanh (nhiều nơi gọi là xoài thanh ca) có dấu đen trên mình, chứng tỏ bắt đầu bị thối nên người ta bán với giá rẻ. Bà về nhà gọt bỏ phần chớm thối trên quả xoài, xắt ra từng miếng nhỏ ăn với cơm. Đó là kiểu ẩm thực độc đáo của một người Sài Gòn-Gia Định. 

Song nhớ nhất là những ngày bà dắt tôi ra chợ Phú Nhuận, cho ngồi vắt vẻo trên chiếc xe mì của chú chệt (cách gọi vui người Hoa lúc bấy giờ) ở đầu chợ, ăn món mì mà tôi rất khoái. Trong lúc chờ mì nấu xong, thực khách có cái thú ngồi ngắm nhìn những tranh vẽ sơn chung quanh xe mì, miêu tả những sự tích trong truyện cổ của Tàu (Tam Quốc chí, Đông Châu liệt quốc …) mà trong đầu óc một cậu bé 7-8 tuổi lúc bấy giờ chẳng có một ý niệm gì. Ấn tượng về những chiếc xe mì đó sâu đậm đến nỗi ngày nay, thỉnh thoảng có dịp nhìn thấy chúng, hình ảnh Bà ngoại tôi lại hiện ra, lúc đầu rõ nét, sau cứ mờ dần, mờ dần, như nhìn qua một làn sương khói mỏng! 

Đó là những gì đáng để nhắc lại về sinh hoạt của dãy nhà nằm bên phải đường Võ Di Nguy. Quay trở lại Ngã tư Phú Nhuận, ta tiếp tục đi về hướng chợ qua những dãy nhà bên trái con đường này. Đầu tiên phải kể đến trường trung học tư thục Chu Mạnh Trinh, mà ngày khai giảng 1/7/1955, chỉ mới có 3 lớp: một lớp Đệ lục, một lớp Đệ thất và một lớp Nhất (sẽ kể thêm ở phần sau).

Mặt tiền trường Chu Mạnh Trinh lúc đó chỉ là một căn phố hẹp, bên ngoài dành làm văn phòng, các lớp học được bố trí trên lầu và ở một căn phòng phía sau, giáp với cư xá Chu Mạnh Trinh sau này. Sát cạnh và chung vách với trường là hiệu sách Quảng Thuận, một “hiệu sách gia đình” chỉ có người bán duy nhất là bà chủ, sách vở cũng không nhiều, song lại cực kỳ hấp dẫn đối với cậu học trò nghèo mê võ thuật như tôi. Kệ sách của hiệu Quảng Thuận có bộ 3 quyển “Nhu đạo thực hành” do võ sư nhu đạo (Judo) đệ tứ đẳng huyền đai (cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ) Phạm Lợi biên soạn. Túi học trò rỗng tuếch, thỉnh thoảng được cho dăm đồng, qua hiệu sách mua thếp giấy ca-rô, mượn cớ này mò đến mấy quyển Nhu đạo thực hành, cố nhồi nhét thật nhiều chữ nghĩa và hình ảnh trong đầu để về nhà tập luyện. Có khi không có tiền mua gì hết, song cũng lân la qua hiệu sách, giả bộ kiếm cuốn này cuốn nọ, rồi cuối cùng cũng sà vào bộ Nhu đạo thực hành, đọc lấy đọc để.

Cách hiệu sách Quảng Thuận mấy căn là cơ sở dạy đánh máy, kế toán của thầy Lê Bá Khanh, em thầy Lê Bá Kông, người nổi tiếng với các tập Ngữ vựng Anh văn dành cho học sinh học bộ L’Anglais Vivant, từ lớp Đệ Thất trở đi. Đây là bộ sách học Anh văn đầu tiên của học sinh miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa. Nó gồm có 3 bậc: septième, sixième và cinquième, để học từ lớp Đệ thất đến lớp Đệ tứ. Mỗi bậc lại có hai loại ấn bản khác nhau: bìa màu xanh dương gọi là  septième (sixième, cinquième) bleu; bìa màu nâu xám gọi là septième (sixième, cinquième) beige. Trong cùng một bậc, sách bìa màu beige có trình độ cao hơn sách màu bleu.

Qua khỏi cơ sở Lê Bá Khanh không xa, sẽ gặp một con hẻm nhỏ là nơi dành cho cư dân khu cư xá Chu Mạnh Trinh đi ra đường Võ Di Nguy. Gần con hẻm này là một ngôi chùa khá lâu đời: chùa Giác Tâm. Chùa nằm sâu trong một khu đất lớn, bên ngoài, người ta tranh thủ làm một vựa củi và chỗ bán lu hủ. Đi qua chùa Giác Tâm, sẽ gặp nhà sách Như Ý (?), một trong những nhà sách rộng lớn nhất của vùng Phú Nhuận. Tới nữa sẽ gặp hiệu giày Mạnh Cung, là nơi nhiều lần đón bước chân nhỏ bé của người viết bài này.

Bên trái đường Võ Di Nguy, không xa rạp Văn Cầm là lăng Quận công Võ Di Nguy, một dũng tướng của chúa Nguyễn Ánh đã tử trận trong trận thủy chiến có tính quyết định với nhà Tây Sơn tại vùng biển Thị Nại vào năm 1801. Vì chạy qua khu lăng mộ của vị Quận công này (nay nằm trên đường Cô Giang) mà suốt thời gian trước năm 1975, con đường mang tên Võ Di Nguy. 
Cách đây 5-7 mươi năm, lăng nằm trong một con hẻm nhỏ, nơi thờ tự xen lẫn với nhà cửa đông đúc, không rõ bây giờ tình trạng của lăng ra sao? 

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights