NGUYỄN TIẾN ĐỨC
Sau khi uống ly cà phê đen buổi sáng ở quán Nụ Cười Sài Gòn, tôi tới phòng vẽ của Lê Chi.
Qua một con đường có tên Bird, tôi tới căn nhà góc phố. Trước cổng có một cái hộp thư công cộng có hình con Ó Mỹ. Bên hông cổng nhà Chi cũng có một cái lồng chim trống rỗng.
Chi mở cổng và mời tôi vào ngay studio. Trong phòng vẽ, Chi đang vẽ một bức tranh khổ lớn. Bức tranh được tạo bằng bông gòn. Hai con gà trống đang chọi nhau. Đầu và cổ gà được tạo hình một cách táo bạo mang hình ảnh của dục tính. Sự táo bạo ít thấy trong các bức họa của phái nữ.
Trên tường, Chi cũng treo một bức họa khá lớn có cái tên The Good, The Bad and The Ugly. Cái Thiện, Cái Ác Và Cái Xấu Xa. Trong bức họa, một người đàn ông mầu đen đang đánh nhau với một người đàn ông mầu đỏ. Cạnh đó là một con búp bê mặt và tóc bị cháy xém một phần.
Có thể nói, cái studio của Chi lúc này được tạo từ những mảnh thịt rữa nát, những mảng sình lầy vấy máu. Không thể thấy sự óng ả mượt mà, chải chuốt ở tranh của Chi. Sự tàn bạo, cái chết, sự đổ vỡ, cái rữa nát, cái tàn hư, luôn luôn hiện diện trong đường nét, bố cục, hình thể, mầu sắc ở tranh của Chi.
Chi bảo tôi:
– Chi thường nghĩ tới cái đẹp, nhưng Chi không thể nào vẽ được cái gì đẹp như chim, hoa, cỏ, đàn bà, thiếu nữ, con trẻ như nhiều nữ họa sĩ khác. Thực sự, Chi thích cái gì êm đềm, lãng mạn, nhưng lúc vẽ thì Chi lại thích những nét tàn bạo, những mầu tái, mầu chết, những bố cục mất thăng bằng, nát vụn.
Chi dáng nhỏ nhắn, mảnh mai với mái tóc nâu kiểu bờm sư tử. Nhưng cái kích thước tranh của cô luôn luôn quá khổ!
– Chi bắt đầu vẽ từ hồi nào?
– Chi bắt đầu từ trại Pendleton.
Một hôm, có đám sinh viên Việt Nam của trường đại học Long Beach đến quảng cáo cho trường họ. Tức cười là họ còn mang cả mì gói, nước mắm, tôm khô để bán cho dân tỵ nạn ở đấy nữa! Thực sự Chi có biết cái trường Long Beach nó ở đâu đâu! Tiếng Anh thì mình bập bẹ. Trước Chi cũng học anh văn ở Hội Việt Mỹ, nhưng còn yếu lắm. Có lần Chi hỏi mấy anh thủy quân lục chiến Mỹ ở đây có biết đại học Long Beach mặt mũi nó như thế nào không. Họ nói một thôi một hồi. Chi hiểu lõm bõm thôi nhưng cũng cười, cũng gật đầu tưới đi. Mà trong trại thì nó cấm lính nói chuyện với đàn bà con gái. Lính Mỹ thấy con gái Việt Nam mình thân hình nhỏ nhắn, mảnh mai, tóc thề thì mê lắm. Lúc đó Chi mặc một cái jacket lính Mỹ họ phát cho trông tức cười lắm. Chi nhỏ xíu trong cái jacket rộng thùng thình đó. Lạnh lắm. Phải jacket lính mới chịu nổi.
… Tối ngày ở trại chỉ xếp hàng đi lãnh thức ăn, xong rồi lại ngồi tán dóc. Ở mấy tháng thì Chi đến Long Beach xin học.
Anh biết không, ngày 19 tháng 4 năm 75, Chi đi mà không lọt. Ngày 20, Chi liên lạc với MACV và lần này mới thoát. Lính Mỹ cho gia đình Chi trốn trên một chiếc xe van. Những người trong xe phải trùm mền kín mít. Nếu đi gần 30 tháng 4 thì chưa chắc gì mình đã có mặt ở đây. Từ Tân Sơn Nhất, Chi đi máy bay sang căn cứ Clark ở Phi Luật Tân. Ở đây hai ba tuần rồi sang Hạ Uy Di. Từ đây mới đi Mỹ. Chi được chuyển tới trại Pendleton và sống rất là tà tà với đám bạn cùng học Văn Khoa Sài Gòn.
Về Long Beach Chi ở chung với một cô bạn. Chi ghi tên học business. Một hôm tình cờ đi qua một lớp học hội họa, thế là Chi đổi ý. Chi bỏ business để học vẽ. Chi vốn vẽ khá lại không ưa mấy con số. Chi thấy tụi sinh viên Mỹ nó nghệ sĩ quá mà mê. Tóc tai quần áo chẳng giống ai. Có đứa cạo trọc đầu để lơ thơ vài sợi như thằng Bờm Việt Nam. Quần Jeans thủng lung tung. Đơn giản như thế đấy!
Chi có kỷ niệm vui lắm. Lần đầu tiên vẽ đàn ông khỏa thân, Chi mắc cỡ quá không dám nhìn vào chỗ ấy của người mẫu, ông thầy dậy kêu quá, bảo Chi chưa tập trung! Đàn ông, nên Chi vẽ cái phần nhỏ nhưng quan trọng nhất của đàn ông. Vì nếu Chi nhìn chỗ đó kỹ thì chỉ sợ tụi bạn nó tưởng mình thích chỗ đó. Còn tụi nữ sinh viên Mỹ thì tỉnh bơ. Lần khác vẽ người mẫu da đen, Chi vẽ anh chàng đen thui như cục than. Ông thầy lại bảo Chi chưa biết quan sát ánh sáng trên da. Phải biết nhìn ánh sáng thì mới vẽ đúng một người da đen.
Ở trường, đa số không thích tranh của Chi. Họ bảo Chi bị ám ảnh toàn thứ xấu, thứ đổ nát, chết chóc, tàn bạo trong chiến tranh Việt Nam. Chi bảo họ có lẽ không bao giờ Chi có thể bỏ được điều ám ảnh đó trong đầu.
Chi chưa biết đến bao giờ mới có thể vẽ được những cái đẹp, cái lãng mạn. Chi bảo họ Chi không thể vứt lại cái quá khứ ở sau lưng. Chi đã sống với cái quá khứ đó gần mười năm trời học vẽ ở Long Beach. Nó bám dính hồn mình như chất kẹo chewing gum.
Chi ít khi vẽ nổi cái gì êm đềm vì ngay trong chính gia đình Chi có bà giúp việc, bà ấy có con trai đi lính chết trận. Con người Việt Nam mình sinh ra và lớn lên trong đọa đày triền miên.
Tuổi trẻ mình có gì đâu. Toàn là sự nghèo khó, khắc khoải, đổ vỡ, bất ổn, hỗn loạn. Người phụ nữ Việt Nam đa số khổ vì chồng, vì con. Cả cuộc đời toàn là hy sinh, chưa kể chiến tranh cướp đi của họ bao nhiêu cái đẹp.
Có lẽ Chi thuộc phái bi quan. Chi bị ảnh hưởng của nhóm họa sĩ Đức sau đệ nhị thế chiến như họa sĩ Edvard Munch chẳng hạn. Họ thích vẽ những con người với những bộ mặt kinh hoàng.
Chi cũng thích cái performance art. Bà thầy Chi là một performance artist tuyệt vời. Có lần ở đại học Long Beach, Chi đã diễn loại nghệ thuật này với cái đề tài Protection – Sự Bảo Vệ – Mở đầu, trên sân khấu, đèn tắt hết. Khán giả thấy một vật di động trong cái mùng. Lúc đó Chi dùng đèn pin soi cổ và mặt. Trông quái đản lắm. Có bốn người đàn ông mặc đồ đen lẫn vào bóng tối cầm bốn góc mùng. Mặt Chi hóa trang mầu trắng bệch. Chi quấn người bằng vải trắng. Mắt tô quầng thật đen. Rồi từ từ đèn sân khấu sáng dần. Có tiếng khóc của con nít. Khóc đứt quãng như muốn hết hơi. Đèn mầu đỏ. Chi từ trong mùng bò lồm cồm ra lấy cái rổ đi tìm thức ăn. Một lúc sau, có một con quỉ cái xuất hiện. Nó nhẩy múa ở ngoài. Bên trong Chi khoác áo cà sa mầu vàng mượn của má. Chi bắt đầu gõ mõ cầu nguyện. Con quỉ vẫn dụ Chi ở ngoài mùng. Cuối cùng, nó đã thắng. Chi đã cởi áo cà sa bước ra khỏi mùng. Con quỉ dẫn Chi ra một cái bơm xe đạp. Chi nghe theo lời của nó và bơm xe theo một điệu nhảy cuồng loạn, hối hả. Cuối cùng, nó dẫn Chi đến một cái máy chém ở đó treo tòn teng một cái bịch plastic đựng nước đỏ như máu.
Theo dự tính, Chi sẽ chọc cái bọc máu đó và máu sẽ nhỏ giọt xuống mặt. Nhưng Chi chọc mạnh quá, cả bịch máu vỡ tóe lên mặt Chi. Chi không còn trông thấy đường trên sân khấu nữa. Tức cười quá, nhưng khán giả không biết. Cảnh tượng lại rùng rợn hơn. Đấy, cái sự chống lại dục vọng, chống lại sự cám dỗ trước quỉ sứ mong manh như lớp vải mùng. Đấy! Con bạn người Lebanon đóng chung với Chi trông giống Chi lắm nên khán giả muốn hiểu là con quỉ đó chính là mình cũng được. Trong mỗi người đều nằm sẵn một con quỉ. Có thắng được con quỉ này không thì không phải dễ.
– Hồi Chi triển lãm ở UCLA, tôi không có dịp đi xem. Chi thích bức nào nhất?
– Chi thích bức “Thịt Rừng”. Đây là bức diễn tả tính tàn bạo của con người. Chi vẽ cái quầy bán thịt giống hệt những tảng thịt nai, thịt mến, thịt heo rừng bầy bán ở bìa rừng cao su Long Khánh. Hồi nhỏ qua đây nên Chi chỉ có ấn tượng lờ mờ. Hôm vẽ bức này Chi mua thịt bò có cả xương. Nấu súp xong. Chi giã nhỏ xương bò để tạo bức tranh. Bức thứ hai khá to. Nó có cái tên là Toys are us. Chi vẽ một đoàn chiến binh đang diễn hành nhưng chính họ chỉ là những xác chết. Mặt họ Chi vẽ theo mầu thịt rữa. Trên mặt họ là những dương vật đắp nổi, tượng trưng sự cường tráng.
– Còn về đề tài phụ nữ Chi có bức nào không?
– Có. Chi tạo hình bằng đất sét, bông gòn và gỗ. Đề tài là California Dreaming. Giấc mơ California. Chi định diễn tả cuộc đời bình thường ở California với những giấc mơ cũng bình thường. Chi nặn đầu người đàn bà bằng đất sét. Thân người đàn bà bằng bông gòn gắn keo trắng. Chi dùng hơn 10 pounds bông gòn tất cả. Cái thân người đàn bà nằm trong cái hòm. Hòm phủ nhiều mầu. Đầu người đàn bà Chi nhốt trong một cái lồng chim trong đó Chi thả một con chim sống mầu sặc sỡ. Chi để thức ăn và nước cho nó. Thật tội nghiệp con chim góp phần vào nghệ thuật! Mỗi ngày con chim ỉa cả lên mặt người đàn bà đang mơ những Giấc Mơ California đó! Chi cứ để nguyên không dọn sạch cho nó có chất tả chân. Người đàn bà tay trái đang cầm tay lái xe hơi. Cái tay lái này được treo từ trần phòng triển lãm.
Tôi hỏi Chi tiếp:
– Hôm triển lãm tranh với các họa sĩ Việt Nam, Chi có mặc ngông như Chi thường mặc không?
Chi cười:
– Không! Kín mít như một nữ tu! Hồi còn học ở Long Beach thì mới ngông được!
– Nghe nói Chi sắp mở lớp hội họa phải không?
– Anh hiểu không. Tức cười lắm. Hôm rồi có một thanh niên Mỹ ghi tên xin làm người mẫu. Chi bảo rất tiếc không đủ số học trò. Chi bảo anh ta chỉ trả 10 đô la một giờ nếu khỏa thân hoàn toàn. Mặc quần thì có 7 đô la thôi. Anh ấy chịu 10 đô la hơn, mặc dầu độ này trời mưa phùn rất lạnh!
– Sao Chi không mở lớp vẽ cho con nít?
– Lại càng khổ! Rút cục mình chỉ babysit cho chúng thôi. Ít có bố mẹ nào mua đủ cọ, đủ mầu. Chăn chúng cực hơn chăn con mình! Lớp của người lớn mới có mấy người ghi tên mà tới gần hai chục người mẫu cả nam lẫn nữ xin việc! Điệu này Chi lại phải bỏ hội họa, xâm lông mày, xâm môi kiếm tiền thôi. Thời buổi này, bánh mì vẫn quan trọng hơn nghệ thuật! Buồn anh nhỉ? Kiếm tiền trên da mặt phụ nữ có khi lại còn khá hơn trên mặt khung vải!
Trước khi tôi rời studio, Chi pha cho tôi một ly cà phê đen uống với viên Domino Dots. Lúc uống cà phê cùng Chi thì có người gọi điện thoại cho Chi. Trong khi nghe điện thoại, Chi vẽ trên một tờ giấy một bông hoa tạo toàn bằng con số không với cái bút bic mực đen.
Tiễn tôi ra cổng, Chi bảo tôi:
– Cái lồng chim này đã nhốt đầu người đàn bà mà Chi kể cho anh đấy.
Tôi hỏi đùa:
– Con chim mầu trong đầu Chi có đang hót không?
– Làm sao có thể hót được lúc này!
Với gió, tóc Chi xù lên như bờm một con sư tử trong nắng. Mắt Chi lóe vui một thoáng lúc Chi bắt tay tôi tạm biệt.