Nữ sĩ Dương Hồng Anh: 93 tuổi vẫn sáng tác thi ca

by Tim Bui
Nữ sĩ Dương Hồng Anh: 93 tuổi vẫn sáng tác thi ca

THANH PHONG

Hai trong số các nhà thơ nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam là cụ Dương Khuê (1839 -1902) và cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909); cả hai là bạn tri kỷ của nhau. Khi nghe tin cụ Dương Khuê mất Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ bất hủ “Khóc Bạn” (Khóc Dương Khuê) Bài thơ được coi là bài Văn Tế viết theo thể thơ song thất lục bát gồm 38 đã được ghi vào văn học sử. Hai câu đầu là tiếng than thở xót xa, bùi ngùi:

Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…”

Cụ Dương Khuê  mất đi song có người cháu ruột là nữ sĩ Dương Hồng Anh, năm nay đã 93 tuổi nhưng chất thơ trong người thi sĩ vẫn chưa cạn và luôn tuôn trào lai láng trên những tập thơ để cống hiến cho đời thêm tươi đẹp.

Cách nay vài ngày, gia đình chúng tôi vinh hạnh đón tiếp  nữ sĩ Dương Hồng Anh ghé thăm.

Với tuổi đời gần 100, thi sĩ Dương Hồng Anh không còn lái xe nên đã nhờ thi sĩ Tha Nhân, một bạn thơ luôn yêu mến, kính trọng và coi nữ sĩ Hồng Anh như người chị, cả về tuổi tác lẫn thơ văn, nên sẵn sàng chở nữ sĩ Hồng Anh khi cần đi đây đi đó. 
Sở dĩ chúng tôi được vinh dự đón tiếp một thi sĩ nổi tiếng như nữ sĩ Dương Hồng Anh và thi sĩ Tha Nhân là vì khi còn học Trung Học tại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ  tôi được học Hán Văn với giáo sư Dương Tự Tám, một niên trưởng trong gia tộc thi sĩ Dương Hồng Anh.

Nữ sĩ Dương Hồng Anh và thi sĩ Tha Nhân (Hình: Thanh Phong)

Mặc dù đã cao tuổi nhưng sức khỏe và nhất là tinh thần nữ sĩ Dương Hồng Anh vẫn rất minh mẫn, nữ sĩ cho chúng tôi biết đôi nét về thân thế và sự nghiệp làm văn thơ của mình:

“Tôi sinh năm 1931 tại Hà Nội, nếu theo thế thứ họ Dương là Dương Nguyệt Anh – Hồng Anh, là cháu nội trực hệ cụ Dương Khuê, Vân Đình, Hà Đông.

Thân phụ tôi là cụ Dương Tự Tám, từng làm Hiệu Trưởng trường tiểu học Nhật Tiến, Hà Nội trước năm 1945; bố tôi là nhà giáo sống thanh bạch nhưng rất ưa chuộng thi ca và nhờ giòng máu của bố, tôi cũng mê thi ca và khi còn nhỏ tuổi tôi đã làm bài thơ đầu tay được đăng trên báo Cậu Ấm Cô Chiêu năm 1949.

Sau đó tôi làm nhiều bài thơ đăng rải rác trên các báo Cải Tạo, Hồ Gươm, Sinh Lực, Giang Sơn, Giác Ngộ. Từ năm 1952 đến năm 1954 tôi làm Thư Ký Tòa Soạn báo Sinh Lực tại Hà Nội.

Tác phẩm đầu tiên là Hương Mùa Chinh Chiến in chung với các tác giả: Minh Tân, Hồng Anh, Minh Đức, Tuyết Lan năm 1952 tại Hà Nội. Sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi sống tại thành phố Westminster và từ năm 2010 đến nay tôi đã xuất bản 11 thi tập: Từ Phương Trời Xa (2010),  Chiều Bến Đợi (2012), Tiếng Thầm (2013), Đôi Bờ Thương Nhớ (2014), Mầu Trăng Thuở Ấy (2015), Sợi Nhớ Sợi Thương (2016), Tình Thu (2017), Vương Vấn Hồn Quê (2018), Nguồn Cội (2019), Mầu Thời Gian (2021), Những Gì Để Nhớ (2023) và tôi vẫn tiếp tục làm bạn với Thơ, vẫn sáng tác cho đến khi Trời không cho sáng tác  nữa mới gác bút!”

Thi sĩ Dương Hồng Anh có biệt tài “Xuất khẩu thành thơ,” nữ sĩ có khả năng làm đủ các thể thơ: Lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú v.v…

Nhà văn Khánh Lan, một văn thi sĩ nổi tiếng tại hải ngoại đã yêu mến và tỏ lòng kính trọng nữ sĩ Dương Hồng Anh nên xin được gọi nữ sĩ Dương Hồng Anh bằng Cô (viết hoa).

Nhà văn Khánh Lan viết về nữ sĩ Dương Hồng Anh như sau:

“…Với văn phong giản dị, nhẹ nhàng, trong sáng và chân thật, chắc hẳn nữ sĩ sẽ đưa khách thưởng ngoạn thi ca đến khu vườn hoa đầy hương sắc, êm đềm và thơ mộng. Trong thi phẩm “Những Gì Để Nhớ” tác giả ghi lại trên trang giấy những kỷ niệm êm đẹp, xen lẫn những vui buồn đã trôi theo thời gian qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, về quê hương cách xa ngàn dặm với Hà Nội mến yêu, về nghĩa mẹ tình cha, tình nghĩa phu thê, lòng hiếu đạo của các con, tình bạn bè, và sau cùng về chính cuộc đời mình. Đọc thơ của nữ sĩ Dương Hồng Anh, chúng ta không thể ngờ rằng Cô đã ngoài  90. Câu nói “90 tuổi vẫn còn xuân” có lẽ đúng với Cô Hồng Anh, bởi tâm hồn Cô vẫn trẻ trung, thơ Cô vẫn hồn nhiên và tươi mát như một đóa hoa mà Thượng Đế đã ưu ái dành cô Cô…”

Ở tuổi đời như nữ sĩ Dương Hồng Anh chắc hẳn đã chất chứa quá nhiều kỷ niệm, và với tài làm thơ thiên phú, lại được sống trong gia đình lễ giáo, nữ sĩ Dương Hồng Anh đã hấp thụ biết bao tinh hoa của ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia tộc, nên trong 11 tác phẩm đều có những bài thơ “Thương cha, nhớ Mẹ”, nhớ quê hương  như bài “Công Cha Nghĩa Mẹ”: 

Ngồi đây mà nhớ sông Hồng
Bờ đê cát trắng nghe lòng nao nao
Giòng sông kỷ niệm tuôn trào
Công cha nghĩa mẹ, lẽ nào dám quên
(Những Gì Để Nhớ) 

Ngoài cha mẹ, nữ sĩ Dương Hồng Anh vẫn mãi không quên phu quân Nguyễn Sĩ Hiệp nay đã ra người thiên cổ:

Thế là đũa đã không đôi
Một người đi để một người cô đơn
Hoàng hôn rồi lại hoàng hôn
Có làn mây trắng  chở buồn lang thang
Mấy mùa mưa nắng ngỡ ngàng
Mấy mùa hoa rụng lá vàng về đâu

Người đi đi mãi phương nào
Có nghe tâm sự gửi vào thiên thu

(Bài Thế Là trong tp Những Gì Để Nhớ)

Khi hay tin danh họa, nhà thơ Vũ Hối từ trần, nữ sĩ Dương Hồng Anh đã làm ngay bài thơ Tưởng Nhớ Vũ Hối:

Thế là xa cách từ nay
Tiếc thương Vũ Hối thiên tài văn chương
Thơ văn, Thư pháp sở trường
Anh đem gom tặng bốn phương bạn bè

Hoa tay, hoa bút đam mê
Lừng danh thế giới chẳng hề tính toan
Với đời, sống trọn nghĩa nhân
Với thơ, anh trải chữ tâm tháng ngày

Quà xuân Mậu Tuất còn đây
Mà sao anh vội về ngay nhà Trời
Tâm hương đưa tiễn ngậm ngùi
Chúc anh thanh thản mỉm cười Tiên Du

Viết về nữ sĩ Dương Hồng Anh đã có rất nhiều bạn thơ, văn  như  các nhà văn Khánh Lan, Trần Việt Hải, thi sĩ Tha Nhân… và theo tôi, nhà văn Trần Minh Trí trong bài “Cảm nghĩ về thơ Dương Hồng Anh” đã nói hết cho người đọc biết về con người, về chất thơ, về tấm lòng yêu quê hương, bạn bè và tha nhân của nữ sĩ Dương Hồng Anh:

“Qua ba tập thơ xuất bản kế tiếp tại Hoa Kỳ: Từ Phương Trời Xa, Chiều Bến Đợi và Tiếng Thầm, tôi cảm nhận được hồn thơ dạt dào của bà trong cuộc sống, từ thời thơ ấu, lớn lên ở miền Bắc, di cư vào Nam ở tuổi thiếu nữ còn cắp sách đến trường Trưng Vương, và nay định cư tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Bà cảm xúc với cuộc đời, với vạn vật, với người thân, với bạn bè, với nơi chốn cư ngụ, với quê hương gấm vóc, với hồn thiêng sông núi, với danh lam thắng cảnh của Hà Nội đẹp như tiên cảnh, với địa danh chiến công hiển hách của các vị anh hùng dân tộc, với ngày vui lễ hội, với thời tiết bốn mùa, và..với tình yêu, không phải chỉ tình yêu ích kỷ của đôi lứa mà là tình yêu bao la cùng thế sự.

Đối với nhà thơ Hồng Anh mọi thứ đã thành thơ. Cả cuộc sống thành thơ trong rung cảm thiết tha say đắm ít ai đạt được. Đọc thơ của bà là một lý thú được chia sẻ cùng bà những cảm xúc tuyệt vời của thơ hay…” (Đôi Bờ Thương Nhớ).

Trước khi ra về, nữ sĩ Dương Hồng Anh còn cho chúng tôi nghe hai bài thơ, một bài nữ sĩ làm tặng nhà thơ Dương Tuyết Lan ở Hà Nội, nhưng cũng có ý nói với chúng tôi, bà “Vẫn Làm Thơ”:

Em ơi! Chị vẫn làm thơ
Vẫn còn đêm trắng thẫn thờ gió bay

Nhớ nhau đếm tháng đếm ngày
Sầu lên khói biếc hồn say ngàn trùng

(Vẫn Làm Thơ trong tập thơ Nguồn Cội)

Bài thứ hai, là bài nữ sĩ vừa viết khi tuổi đời  vừa đúng 93:

Mới đấy, mà nay đã chín ba
Con tàu chở chữ đậu sân ga
Ga này ga nữa đi chưa hết
Bút mực hành trang năm tháng qua
Tôi vẫn đi hoài vẫn bước đi
Mặc đời dâu bể có hề chi
Nâng niu kỷ niệm thương và nhớ
Một góc trời xa nghĩ ngợi gì
…”

Kính chúc nữ sĩ Dương Hồng  Anh vẫn mãi làm thơ nâng niu kỷ niệm thương và nhớ, để cho đời mãi mãi nhớ thương./. 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights