NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Cả nhà Vua lẫn quan Thái Giám đều chìm đắm trong suy tư sau buổi bệ kiến. Tổng Quản Thái Giám đã phục vụ năm đời Vua. Trong đa số thời gian ấy, Tổng Quản thường đứng im lặng sau lưng nhà Vua, phục vụ nhu cầu và đòi hỏi cá nhân của Hoàng Thượng.
Hoàng Đế Minh Mạng đã ấn định giới hạn nghiêm ngặt về những gì các Thái Giám có thể hoặc không thể làm để tránh các hành động thái quá của các Thái Giám ở Trung Quốc, nơi mà giai cấp thái giám đã có lần nắm trong tay quyền kiểm soát vận mệnh quốc gia và chiếm đoạt quyền lực của các Hoàng Đế mà họ phục vụ.
Do đó, Tổng Quản Thái Giám có rất ít ảnh hưởng bên ngoài các bức tường của Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, Tổng Quản đã tích lũy được rất nhiều tin tức và dữ kiện qua sự hiện diện của mình sau ngai vàng, bằng cách lắng tai nghe và quan sát cách nhà Vua và các cận thần tác động lẫn nhau. Ngài cũng là một người có học và là một học giả có quyền tham khảo tất cả các quyển sách trong thư viện hoàng gia.
Khi được đưa vào Tử Cấm Thành, nhà Vua lúc đó chỉ là một cậu bé kinh hồn sợ sệt. Tổng Quản Thái Giám đã tự mình khuyên nhủ và giáo dục cậu bé đó. Cha mẹ của cậu bé không đủ khả năng làm như vậy, trong khi các cận thần chỉ quan tâm đến việc tranh giành lẫn nhau. Thảm cảnh đó phù hợp hoàn toàn với kế hoạch của người Pháp muốn có một kẻ bù nhìn đứng đầu quốc gia mà họ đô hộ.
“Muôn tâu Bệ Hạ, Lễ Bộ Thượng Thư đã nói sai khi Ngài ấy nói rằng tội phạm húy phải bị trừng phạt bằng cách xử trảm. Tội phạm húy luôn luôn khó tránh khỏi, và thế kỷ trước, học giả Lê Quý Đôn đã đề nghị bãi bỏ những quy luật về tội phạm húy. Thực vậy, vào năm 1772, ông đã cố tình sử dụng tên của Hoàng Đế nhà Lê và của Chúa Trịnh trong các chủ đề được đưa ra tại một trong những kỳ thi Hương.”
“Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại thi hành các quy luật đó?” nhà Vua hỏi.
“Muôn tâu Bệ Hạ, hạ thần nghi ngờ vấn đề này liên quan đến việc triều đại chúng ta muốn khác biệt với nhà Lê. Tổ tiên của Bệ Hạ rất quan tâm đến việc tuân theo càng nhiều càng tốt các truyền thống thi cử của Trung Quốc. Hoàng Đế Minh Mạng thường đọc các bài thi của những học giả đã thi đỗ bên Trung Quốc để so sánh với các bài thi của học giả của ta để bảo đảm rằng học giả Việt Nam ngang tầm với họ.”
Tổng Quản Thái Giám tiếp tục: “Măc dầu vậy, hạ thần chưa bao giờ nghe nói về hình phạt tử hình cho những tội phạm húy. Vâng, đã có những vụ hành quyết, nhưng đó là cho trường hợp những người phạm tội khác như làm giả bài thi để cho những thí sinh không xứng đáng được thi đỗ.”
“Đó là trường hợp của Nguyễn Tú năm 1834. Người này lãnh án tử hình, các đồng bọn bị bỏ tù hoặc bị giáng chức, còn các nhà khoa bảng thì bị tước hết bằng cấp và không bao giờ được quyền đi thi nữa. Rồi năm 1841, Cao Bá Quát, một vị giám khảo ở kinh đô, sai sửa một số bài thi có lỗi phạm húy để các tác giả có thể đỗ đạt. Quát bị kết án xử trảm. Tuy nhiên, Quát là một học giả thuộc hạng huyền thoại, nổi tiếng thông minh và uyên bác vô song từ khi còn nhỏ tuổi. Nhận thức được điều này và cho rằng Quát chỉ muốn giúp đỡ người khác chứ không phải lừa đảo vì tư lợi, Hoàng Đế Thiệu Trị đã hai lần giảm án cho Quát và hình phạt chỉ là bị giáng chức và bị lưu đày.”
Tổng Quản Thái Giám sau đó lại nói thêm.
“Muôn tâu Bệ Hạ, nếu nước ta theo truyền thống Trung Quốc, chúng ta không thể quên rằng Hán Tuyên Đế của triều đại Tây Hán đã đổi tên của mình, trong đó có hai ký tự mà dân gian hay dùng, thành một tên khác với hai ký tự ít ai sử dụng. Hán Tuyên Đế làm như vậy để giúp các thí sinh dễ tránh phạm húy hơn.”
Nhà Vua vẫn còn ở tuổi thiếu niên, nhưng đã biểu lộ sự khôn ngoan mà hầu hết các cận thần không tin rằng nhà Vua có thể có được. Câu hỏi tiếp theo của Ngài đi thẳng vào điểm then chốt của vấn đề.
“Vậy tại sao Lễ Bộ Thượng Thư lại muốn trừng phạt thí sinh bất hạnh này?”
“Muôn tâu Bệ Hạ, Lễ Bộ Thượng Thư có thể có thù hận cá nhân với thí sinh ấy, hoặc Ngài đang dùng anh ta như một con tốt trong một kế hoạch rộng lớn hơn. Những sự việc trong kinh thành bao giờ cũng có mặt trái nào đó.”
“Vậy hãy cho Trẫm biết nên làm gì. Trẫm không muốn Lễ Bộ Thượng Thư tự do làm gì thì làm, nhưng Trẫm cũng không muốn thay đổi quy luật thi cử vào lúc này”.
***
Bà Trang cho vào mồm một miếng trầu nhỏ trong đó có những lát cau, chanh, và bắt đầu nhai ngấu nghiến. Chị người hầu đang chuẩn bị thêm miếng trầu và đặt từng cái một lên một khay sơn mài nhỏ. Phu nhân viên Đặc Sứ Pháp lơ đãng nhìn đôi bàn tay khéo léo đưa đi đưa lại giữa chiếc thúng đầy lá trầu và cau tươi, một bình vôi nhỏ và khay sơn mài. Bà chỉ thỉnh thoảng nhai trầu vì người chồng Pháp của bà không ưa thích điều đó. Nhưng bà cần nhai trầu để nâng cao tinh thần và lấy thêm nghị lực để giải quyết những vấn đề của cuộc sống trong một gia đình Việt Pháp với hai cô con gái lai tuổi mới lớn, vừa cứng đầu vừa ngây thơ dại dột.
“Vậy mi đã trở về sau khi mang cho hắn một ít thức ăn, trong khi hai cô con gái yêu quý của tôi đã quên kể cho tôi biết về cuộc gặp gỡ với người đó, tuy rằng tôi đã cấm hai cô đừng bao giờ gặp lại người ta nữa.”
“Thưa Bà, Thầy Tâm đã cứu chúng con khỏi những tên côn đồ làm phiền hai cô nương. Và Thầy ấy đã bị vệ sĩ của một trong những tên côn đồ đó làm cho bị thương.”
“Ta biết, ta biết,” Bà Trang nói. “Không cần phải nhắc lại chuyện ấy. Đó là lý do tại sao ta vẫn chưa nói bất cứ điều gì với hai đứa. Chúng nó hiện đang ở đâu?”
Hai cô con gái của bà đã không đề cập đến chuyện gì trong bữa ăn tối hôm qua trước mặt bà và chồng bà. Tuy nhiên, từ sự im lặng bất thường của hai chị em và những cái nhìn lén lút với nhau, bà Trang đoán biết có chuyện lôi thôi gì đó. Vì vậy bà đã tra khảo và lôi ra sự thật từ chị người hầu của mình. Nhưng ngay bây giờ, bà chưa muốn ông chồng biết gì về chuyện đã xảy ra chiều hôm trước.
“Thưa bà, hai cô đang ở chợ Đông Ba,” chị hầu thở dài. Mặc dù phải báo cáo mọi việc với bà chủ nhà, nhưng gần đây chị đã thấy thương hại hai chị em cùng với anh thầy giáo làng đã từng cứu họ hai lần.
“Còn công tử kia đã trở lại cửa hàng chưa?”
“Thưa bà, chưa. Con nghĩ người đó sẽ không quay trở lại cho tới khi mặt của hắn không còn sưng nữa.”
Chị giúp việc quay đi để dấu nụ cười hiện ra trên mặt mình, hy vọng bà chủ sẽ không nhìn thấy.
Bà Trang tự hứa sẽ tìm cho ra kẻ lạ mặt là ai. Có lẽ là con trai của một quan chức nào đó hoặc một thương gia giàu có. Anh ta có triển vọng trở thành một chàng rể tốt. Anh ta có lẽ mê hoặc Giang hoặc Mai, và nếu thế bà ta đã hoàn thành một nửa công việc cần thiết rồi.
Điều mà bà muốn làm là cô lập hóa anh thầy giáo làng và kéo Giang ra khỏi tầm tay của hắn. Chuyện không phải dễ, nhưng bà ta đã từng đối phó với nhiều vấn đề khó hơn là sự say mê nhất thời của cô con gái mình với một anh thầy giáo làng tầm thường. Bà ngừng nhai và hướng một dòng chất nhờn đỏ vào một ống nhổ bằng đồng.
Thư ký Kham lại một lần nữa thấy mình đứng trước vị Thượng Thư Bộ Lễ. Hắn thấy Ngài còn giận dữ hơn lần trước. Hắn nghi ngờ tâm trạng này có liên quan đến kết quả kỳ thi mà cả kinh đô đang nóng lòng chờ đợi.
Ông chủ người Pháp của hắn đã hỏi tại sao triều đình lâu quá vẫn chưa công bố kết quả kỳ thi. Vì hắn đang đứng trước người duy nhất có thể biết, hắn đang tìm cách xem liệu quan Thượng Thư sẽ cho hắn biết bất cứ tin tức nào hay không. Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên của Thượng Thư Toản làm hắn ngạc nhiên.
“Mi kể cho ta nghe về thí sinh miền Bắc, người thân thiết với gia đình Bonneau. Người ấy đang làm gì mấy ngày nay?”
“Thưa Ngài, gần đây không thấy hắn đến nhà của họ nữa, Những người giúp việc thì thầm rằng bà vợ của viên Đặc Sứ Pháp đã bắt hai cô con gái cắt đứt liên lạc với hắn.”
Thượng Thư Toản gõ lên tay ghế khảm xà cừ tinh xảo.
“Tại sao?”
“Thưa Ngài, con đoán rằng bà ta đã đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho những người rể tương lai, và hắn không thể đáp ứng được bất cứ tiêu chuẩn nào trong số đó. Trừ khi hắn thi đỗ kỳ này, lợi tức hàng năm của hắn với tư cách là một thầy giáo làng sẽ không đủ để mua một chiếc ghế giống như chiếc ghế mà Ngài đang ngồi lên. Có thể bà ta đang để mắt đến một ai đó khá hơn nhiều và có phả hệ tốt hơn.”
Thượng Thư Toản tự hỏi không hiểu Kham có biết về chuyện mới nhất xảy ra ở chợ Đông Ba, khi con trai của mình hành động quá khích với hai đứa con của Bonneau. Trịnh Dần không thể hoặc không muốn nói cho cha biết ai đã gây tổn thương cho mình, và người vệ sĩ của Ngài chỉ xác nhận rằng hắn đã phải đối chọi với một người đàn ông có kỹ năng chiến đấu cao hơn hắn.
Thượng Thư Toản vẫn còn tức giận về điều đó. Ngài cảm thấy vết bầm trên mặt con trai như là ở trên mặt của chính mình. Trong suốt cuộc đời của mình, Ngài luôn luôn được tự do lựa chọn các cuộc chinh phục ái tình và chưa từng có ai dám tấn công Ngài, dù chỉ bằng một sợi lông.
“Người chồng Bonneau nghĩ sao?”
“Ông ấy không quan tâm hoặc không biết vợ mình đang có kế hoạch gì. Cho tới bây giờ ông ta vẫn có ấn tượng rất tốt về anh thầy giáo làng.”Thượng Thư Toản khịt mũi và xua tay đuổi Kham đi. Ngài sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để được nhìn thấy khuôn mặt của Bonneau khi phát hiện ra tình trạng khó khăn mà anh thầy giáo làng yêu quý của hắn sắp lâm vào.
Mùi hoa đại
Tâm thức dậy và cảm thấy hơi sốt. Chàng cố gắng sinh hoạt bình thường và học hành, nhưng đến giữa buổi sáng chàng lại phải nằm xuống. Cơ thể đang bốc cháy, chàng mê man lúc tỉnh lúc mê và ngủ không yên giấc. Có khi chàng cảm thấy sự hiện diện của ai đó trong phòng và một bàn tay áp một thứ gì mát mẻ lên trán hoặc lau mồ hôi trên mặt chàng.
Đến tối, Tâm tỉnh dậy lần nữa và nhận thấy cơn sốt của mình đã biến mất. Miếng băng trên ngực chàng đã khô và vết thương không còn nhói lên đau nữa. Chàng nghe thấy tiếng chân bước, đứng dậy định đi ra cửa nhưng cảm thấy chóng mặt và phải ngồi xuống giường.
Chủ quán trọ mở cửa bước vào, cau mày, vẻ mặt quan tâm, và nhìn Tâm một cách thận trọng.
“Thầy ngủ suốt hai ngày rồi. Thầy có biết cô nương đã ở đây trong hầu hết thời gian đó không?”
“Tôi ngủ hai ngày à? Cô ấy ở đây à?”
“Thầy không biết, phải không? Thầy sốt và mê sảng mà! Cô nương lo lắng ra mặt. Cô ấy ngồi bên cạnh Thầy và lau người cho Thầy cứ vài phút một lần để giữ cho Thầy mát mẻ, trong khi tôi phải đi thay nước và múc đầy chậu, hết chậu này đến chậu khác.”
“Tôi cảm thấy có ai đó ở trong phòng, vậy người đó là cô ấy!”
“Cô nương không rời khỏi chỗ này cho đến khi Thầy ngủ say, ngay trước khi bình minh,” người chủ quán lắc đầu thông cảm. “Tôi biết không phải việc của tôi, nhưng không có ai khác, ngoại trừ mẹ của Thầy, có thể chăm lo cho Thầy bằng cô ấy.”
Người chủ quán xem xét kỹ lưỡng miếng băng rồi chuyển sang đề tài khác.
“Sáng nay, người giúp việc của cô nương mang cháo đến. Tôi sẽ đi hâm lại cho nóng rồi mang lên cho Thầy. Cô nương muốn Thầy ăn để lấy lại sức. Thầy biết không, cô này đang chiếm nhà trọ của tôi và điều hành tôi đấy!”
Chủ quán cười híp cả mắt. Giang đã đòi hỏi rất nhiều ở quán trọ và chủ quán, nhưng nàng cũng đã đền bù thật xứng đáng cho ông ta.
“Từ nay trở đi, Thầy phải nghỉ ngơi và không được tham gia vào vụ ẩu đả nào đấy!”
(Còn tiếp)