TRUNG NAM
Đồ sứ men lam Huế hay còn gọi là đồ ký kiểu đã được nhiều người chú ý, nghiên cứu và sưu tầm từ đầu thế kỷ 20.
Đối với người phương Tây, danh từ Bleu de Hue là tên đặt cho đồ sứ được sản xuất ở bên Tàu cho triều đình Việt Nam (nôm na gọi là đồ xác Tàu hồn Việt).
Đồ sứ Bleu de Hue được thợ Tàu sản xuất từ thế kỷ 18, 19 cho đến sau cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên. Phần lớn các món đồ men lam Huế được đặt làm ở lò Cảnh Đức Trấn. Đến thế kỷ 19, có mấy lò ở Giang Tây mới tham gia vào việc sản xuất đồ sứ này.
Đồ men lam Huế có đặc điểm là các rìa miệng đĩa, chén, tô đều bọc kim loại như bạc, kẽm, đồng để giúp chúng khỏi bị nứt, rạn, hay bể.
Trong bài này, chúng tôi, dưới tư cách một người sưu tầm, trình bày về đồ sứ men lam Huế qua 3 phần sau đây.
Phần 1: Sơ lược về nguồn gốc đồ Bleu de Hue, từ thời vua Lê chúa Trịnh đến thời nhà Nguyễn
Phần 2: Giá trị đồ Bleu de Hue hiện nay
Phần 3: Chia điều cần biết cho người mới bắt đầu sưu tập
Phần 4: Giới thiệu vài món đặc biệt trong sưu tập của chúng tôi
Lịch sử đồ sứ men lam Huế
Khởi đầu, đồ sứ thời vua Lê chúa Trịnh có dấu hiệu chữ Hán, màu xanh dưới lớp men. Những đồ sứ thời này có hiệu đề:
-Nội phủ thị Trung (chính điện), dành cho vua chúa sử dụng. Trang trí trên mặt đa số là rồng.
-Nội phủ thị Hữu (hữu cung), danh cho hoàng hậu. Hoa văn thường là rồng và phượng.
-Nội phủ thị Đông (Đông cung), dành cho hoàng tử. Hoa văn trang trí thường là kỳ lân, chim và hoa.
-Nội phủ thị Nam (Nam cung), dành cho sự sinh hoạt của cung phi, cung tần hay cho ngự trù (bếp). Hoa văn thường là hoa sen, tôm cua và vịt.
-Nội phủ thị Bắc (Bắc cung), dành cho các công chúa.
-Nội phủ thị Đoài (Tây cung), dường như dành cho cung phi. Hoa văn thường là phong cảnh.
Đặc biệt và đẹp nhất là các món có dấu Khánh Xuân (Khánh Xuân Thị Tả, Khánh Xuân Thị Trung…) của thời chúa Trịnh Sâm.
Nhiều ý kiến khác nhau về dấu Khánh Xuân, có người cho rằng đây là đồ mừng Xuân, có người cho rằng đây là đồ khánh thọ vua Lê, tổ chức ở điện Cần Chánh để mừng Xuân, còn có người khác cho rằng đây là đồ tế tự trong cung. Tựu chung, đồ sứ ký kiểu thời vua Lê chúa Trịnh là sản phẩm của lò Cảnh Đức Trấn bên Tàu, dưới thời vua Càn Long, thế kỷ 18.
Cảnh Đức Trấn thời này, dưới sự điều hành của Hiệp Lý Quan Đường Anh, một nhân tài về ngành sản xuất gốm sứ, văn thi họa, đồ sứ Trung Hoa đã lên đến tuyệt đỉnh. Đồ sứ cho cung đình nhà Thanh, có dấu Đại Thanh Càn Long Niên Chế, ngày nay trị giá hàng triệu đô la.
Dưới thời nhà Nguyễn, các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị và Khải Định có gửi sứ bộ sang Tàu với mục đích cầu phong, chúc mừng, mua và đặt đồ ký kiểu cho triều đình. Các món đồ sứ được đặt từ các lò chuyên nhận sản xuất đồ sứ cho các sứ bộ khắp nơi. Lò này thường có dấu hiệu Ngọc (Nhã Ngọc, Thanh Ngọc, Ngoạn Ngọc…)
Cũng trong thời điểm này, bắt đầu có những món đồ ký kiểu với bài thơ Nôm kèm theo cảnh họa thiên nhiên. Nổi tiếng nhất là bộ chén trà Mai Hạc. Tương truyền rằng dưới thời vua Gia Long, Nguyễn Du khi được cử đi làm sứ thần sang Tàu đã nhân dịp này tìm đến lò Ngoạn Ngọc đặt riêng cho ông bộ trà với bài thơ Nôm:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen
Bộ trà Mai Hạc có bài thơ chữ Nôm thì quý và đắt hơn bộ trà Mai Hạc chữ Hán.
Ngoài ra, những món đồ có ký hiệu nào có dấu hiệu đời vua Nguyễn cũng rất hiếm và có giá trị cao. Giáp Tý Niên Chế, Minh Mạng Niên Chế, Thiệu Trị Niên Tạo, Tự Đức Niên Chế, Khải Định Niên Tạo.
Những món đồ men lam Huế mang dấu hiệu chữ Nhật, thuộc về đời vua Minh Mạng, Tự Đức có mỹ thuật đẹp. Ngày nay, rất khó tìm, trị giá trên 3,000 US đôla.
Dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, có một lò ở Huế (lò Long Thọ ở ngoại ô) có sản xuất đồ men lam Huế nhưng không được phổ biến và ưa chuộng bằng đồ sản xuất bên Tàu.
Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhiều đồ sứ men lam ký hiệu Nội Phủ (neifu) được sản xuất cho công chúng. Những món này mỹ thuật rất kém, men lam lợt lạt, nét vẽ tầm thường, giá trị không bao nhiêu.
Trị giá đồ men lam Huế thời nay
Vào ngày 23 tháng 11, năm 2021, một đĩa Khánh Xuân đã được nhà đấu giá Adam’s ở Ireland bán được 140,000 Euro (tương đương $151,890 đôla Mỹ). Đây là giá kỷ lục cho đồ sứ men lam thời chúa Trịnh Sâm.
Trên thị trường ngày nay, chúng tôi thấy một nhà đấu giá ở Bỉ quốc, Rob Michiels là nơi được tin cậy vì có kiến thức sâu rộng về đồ men lam Huế. Nhà đấu giá Rob Michiels thường hay tổ chức các buổi đấu giá thường xuyên hằng năm. Phần đông là đồ cổ Á Đông.
Vào buổi đấu giá vào tháng 5 năm 2022, một tô vẽ cảnh đèo Hải Vân hiệu Thanh Ngoạn với bài thơ Ải Lĩnh Xuân Vân của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) bán được 61.000 Euro ($66,000 đôla Mỹ). Xuất xứ của tô này từ bộ sưu tập của ông Thomas Ulbrich, một nhà nghiên cứu đồ gốm sứ Việt Nam.
Bài thơ Ải Lĩnh Xuân Vân (Mây xuân trên Ải Lĩnh (Hải Vân):
隘嶺春雲 – Ải Lĩnh xuân vân
越南衝要此山巔 – Việt Nam xung yếu thử sơn điên,
絕嶺还如蜀道偏 – Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên.
但見雲橫三峻嶺 – Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh,
不知人在幾重天 – Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.
冷沾鬚髮非同雪 – Lãnh chiêm tu phát phi đồng tuyết,
濕濺衣裳豈是泉 – Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền.
惟願海風吹作雨 – Duy nguyện hải phong xuy tác vũ,
正宜千里潤桑田 – Chính nghi thiên lý nhuận tang điền.
道人書 – ‘dao ren shu’ (Daoist Book)
Còn các đồ có hiệu “ngọc” thì trung bình từ vài trăm đô la Mỹ đến $2.000 đôla.
Những điều cần biết khi sưu tầm đồ men lam Huế
Hiện tại, số lượng các đồ sứ men lam Huế còn rất ít ỏi. Các đồ thời vua nhà Nguyễn thì còn dễ gặp chứ các món Nội Phủ và Khánh Xuân thời Lê Trịnh thì coi như không thể “impossible”.
Điều quý vị phải lưu ý là thị trường hiện nay tràn ngập đồ men lam xứ Huế “giả”, “nhái”, “phỏng”.
Theo tôi được biết, cách đây 20 năm, có các tay sealer đem đồ thật tới lò Cảnh Đức Trấn bên Tàu để nhờ thợ ở lò này “nhái” lại các món Nội Phủ, Khánh Xuân, rồi đem về niềng bạc hay đồng, xong tung ra thị trường, rêu rao là “hàng thật”.
Dĩ nhiên những món này được bán với giá “trên trời” (cả trăm ngàn đôla, hoặc tới cả triệu đôla). Ngày nay, ai cũng biết dân Tàu là “vua” nhái đồ. Các đồ sứ giả trông như thật, men lam và nét vẽ tuyệt vời, dễ làm người sưu tầm lầm lẫn.
Một trong những yếu tố quan trọng khi chọn mua đồ men lam Huế là nguồn (provenance) của món đồ.
Ở Âu Châu, đồ sứ men lam Huế được đem từ nước Việt sang từ thời Pháp đô hộ, nên số lượng đồ thật nhiều hơn bên Mỹ. Gần đây, các nhà đấu giá ở Pháp, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo như Drouot, Tajan, Gallerie Zacke, Rob Michiels là nơi đáng tin cậy. Ở Mỹ thì có Christie’s, Sotherby’s, Doyle, Freeman.
Ở Mỹ vào tháng 11, năm 2017, một nhà đấu giá tên GWS ở vùng Bắc California đã tung ra nhiều món “đồ sứ men lam Huế”. Trong đó có một bình sứ men lam được ghi chú là từ cung An Định Huế, và giá thẩm định từ $1 triệu US đôla tới $1,2 triệu US đôla (nghe thật kinh khủng). Cuối cùng không ai thèm đấu vì ai cũng biết đồ “giả”. Hiện tại (2024), nhà đấu giá GWS đã đóng cửa.
Câu “tiền nào của nấy” rất đúng với nhiều trường hợp. Có lúc ta tưởng “trúng mánh”, mua được đồ “quốc bảo” (national treasure) hay đồ “gia bảo”, nhưng mua về, vỡ mộng, đắng cay vì mua lầm. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, người sưu tầm nên cẩn thận khi chọn mua những đồ sứ men lam Huế trên mạng (eBay) hay từ các nhà đấu giá không được tín nhiệm.
Vài món đặc biệt trong sưu tập của chúng tôi
Chúng tôi cũng có cơ duyên sở hữu vài món men lam Huế, xin chia sẻ với quý bạn đọc.
-Bình trà độc ẩm hiệu Gia Thái Phương Trai
Bình trà vẽ cảnh 2 người ngồi trên con thuyền đậu dưới 2 cây bên tảng đá. Trên nắp cũng vẽ cùng một cảnh 2 người trên thuyền. Ở trên không, một bầy ngỗng bay ngang trời. Bên hông bình, có ghi 7 câu thơ “Thu giang câu nguyệt ngỗng hoàn phi” (tạm dịch). Có thể xem đây là một bình trà độc ẩm hiếm có. Thông thường, các bộ trà men lam gồm có dĩa dầm, dĩa bàn, 4 chén quân, tống, thì có bình trà Nghi Hưng đi chung. Ít khi thấy bình trà men lam. Bình trà này, do chính họa sĩ Văn Mộch đem từ Việt Nam về khoảng năm 1980.
Bình điếu đề hiệu “Gia Thái Tùng Thân”
(Câu này chúng tôi nhờ một người bạn Việt Nam dịch dùm), thân và quai xách bọc bằng kẽm. Vẽ cảnh một ông dẫn trâu ra đứng cạnh 2 thân cây khô lá, một ông khác đứng nhìn con trâu. Bên hông bình, một bài thơ với dấu hiệu tác giả, bài thơ được dịch nghĩa: Làm biếng nghe chuyện thị phi. Để tai lắng nghe chuyện thanh tịnh. Nét vẽ thật tinh tế, men lam đậm đà chứng tỏ men Hồi nhập cảng chứ không phải men nội địa. Tôi đoán bình điếu này được ký kiểu đời vua Tự Đức (1847-1883).
Một dĩa hiệu Ngoạn Ngọc
Vẽ cảnh một người trong thuyền được người chèo thuyền đưa vào bến. Trên có câu thơ:
Ngư gia độ hoàng gia
Âm tinh độ đế tinh
(Nhà chài đưa nhà nhà vua qua sông
Sao Âm được gặp gỡ sao Đế)
Dựa theo tích “Bình kiều nhân hoán độ” nhắc lại sự tích vua Gia Long lánh nạn ở miền Nam (Gia Long tẩu quốc). Đây là một trong lô đồ men lam Huế do vua Thiệu Trị ký kiều để tưởng nhớ vua Gia Long.
Nguồn:
–Những Nét Đan Thanh. Trần Đình Sơn. Nhà xuất bản Văn Nghệ. 2007.
-Bleu De Hue, Chinese Porcelains for The Vietnamese Court. Ha Thuc Can. Art of Asia May 1993.
-“Elegant Vessels for the Lofty Pavilion”. Peter Lam. Art Gallery, The Chinese University of Hong Kong. 1993.Dĩa Khánh Xuân thị Tả. Nhà đấu giá Adam’s ở Ireland bán được 140,000 euro (23 tháng 11, 2021)
Tô rồng với dấu chữ Nhật (đời vua Tự Đức). Nhà đấu giá Rob Michiels bán được 3,600 euro vào tháng 1 năm 2023
Đáy tô rồng ký chữ Nhật
Tô hiệu Thanh Ngoạn vẽ cảnh đèo Hải Vân.
Đề bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725)
Nhà đấu giá Rob Michiels bán được 61.000 euro ($66,000 đô Mỹ).
Phần đầu của bài thơ trên tô Thanh Ngoạn
Đĩa Mai Hạc với bài thơ Nôm
“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ hạc là người thân”
(sưu tập của Trần Đình Sơn)
Tách trà độc ẩm ký hiệu “Gia Thái Phương Trai”
(sưu tập của tác giả)
Bài thơ trên bình trà độc ẩm
Bình điếu ký hiệu Gia Thái Tùng Thân
(sưu tập của tác giả)
Hình vẽ ở một bên bình điếu
Dĩa hiệu Ngoạn Ngọc với bài thơ
Ngư gia độ hoàng gia
Âm tinh độ đế tinh
(Sưu tập của tác giả)
Chén bịt bạc vào đầu thế kỷ 20. Đồ sứ cho dân dụng
Dấu “Nội Phủ” dưới đáy chén. (sưu tập của tác giả)