Tản mạn 30 tháng Tư

by Tim Bui

DÂN HUỲNH

Tôi trưởng thành trong một thế giới tự do dân chủ nhưng tôi cũng là một nhân chứng của chiến tranh Việt Nam, nhân chứng ngày lịch sử 30 tháng Tư, năm 1975. 

Lớn lên từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ và đầy ắp tình yêu thương của ba, tôi ra đời vào đầu tháng Hai năm 1958 trong niềm hạnh phúc của song thân. Và Ba đã đặt cái tên cho đời tôi, một cái tên đơn giản, không cầu kỳ, kiêu hãnh nhưng hiền hoà khiêm tốn.

Khi mới lớn tôi đã hỏi tại sao ba đặt tên con là Dân? Ba mỉm cười cười nhẹ nhàng nói: “cái tên của con là vì con chào đời đúng vào lúc đất nước thanh bình, thời điểm hạnh phúc nhất của người dân Việt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đơn giản như vậy. Dân là người dân, là người Việt nam đang tận hưởng hạnh phúc trong một xã hội tự do. Ba chỉ mong cho con, cho gia đình, và cho quê hương luôn được sống sung túc thanh bình trong những ngày tháng đó.”

Nghe ba, tôi hiểu tại sao mình tên Dân và yêu thương cái tên đó suốt cuộc đời. Nhưng cái tên đó cũng khiến tôi biết yêu thương người dân Việt Nam. Lớn dần lên từ những ngày cắp sách đến trường, lớn lên từ phong trào hướng đạo, du ca, lý tưởng của tuổi trẻ thắp thêm cho tôi dòng máu yêu quê hương, tôi biết yêu người dân vô tội khi chiến tranh xuất hiện chia cắt hai miền Nam Bắc.
Thuở ấy tôi thù ghét chiến tranh và lý tưởng phản chiến nung nấu trong lòng, cái dấu chân bồ câu chống chiến tranh tôi đeo mãi bên người từ lúc trẻ cho đến tận bây giờ.

Nhưng sau này tôi đã hiểu hết những chiêu trò chính trị, những chủ nghĩa mà những đế quốc từ xa xôi đem đến trên một quê hương nhược tiểu nhỏ bé. Chiến tranh đã gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho người dân Việt. Tôi chống chiến tranh bằng dòng máu nóng của tuổi trẻ, tôi hát nhạc phản chiến, xuống đường đòi hòa bình, tham gia những phong trào sinh viên học sinh trong những tháng ngày quê hương điêu linh chết chóc.

Nhưng những lý tưởng tốt đẹp đó của lớp trẻ chúng tôi cũng không cứu được quê hương của mình, mà bị lợi dụng bởi một thứ chủ nghĩa lai căng hoang tưởng để “thống nhất đất nước” và tạo nên một loại người đeo mặt nạ nhân danh đất nước hút máu người dân vô tội…

Tôi nhớ rõ những hình ảnh của ngày 30/4/1975 đó khi nhìn những người lính Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam bắt buộc phải bỏ cuộc. Tôi nhìn thấy vết thương chiến tranh, kể cả trong tâm của những chiến sĩ mang lý tưởng bảo vệ tự do. Họ bỏ giày, bỏ quần áo, thất thểu rời hàng ngũ đã tán loạn để tìm về với gia đình vì không còn lựa chọn nào hơn. Họ đã bị bỏ rơi và trở thành “kẻ thua cuộc.”

Trong cái ngày cuối của tháng Tư đen đó, tôi lén Mẹ để ra đường nhìn khung cảnh mới lạ khi đường phố đầy những người “thắng cuộc.” Tôi lang thang đạp chiếc xe đạp để nhìn khung cảnh mà người than là ngày mất nước, kẻ lại gọi là ngày “giải phóng” thống nhất đất nước. Những chiếc xe tăng của bộ đội rầm rập trên đường phố, hai bên đường một số người dân Sài Gòn reo mừng vẫy tay chào đón bên thắng cuộc. Riêng tôi lang thang trên chiếc đạp chỉ đi một vòng đường phố với một cảm xúc thật phức tạp. Vui với ý nghĩ từ đây Việt Nam sẽ hết chiến tranh, nhưng cái buồn trong tôi cũng thật sâu đậm khó tả, tôi hiểu mình đang chứng kiến một thay đổi lớn của quê hương, và thấy thật hoang mang cho những ngày sắp tới, khi nhìn thấy vài xác chết cuối cùng của cuộc chiến. Tôi đau xót nhìn những kẻ thay đổi mặt nạ ăn hùa theo “bên thắng cuộc” với cái băng đỏ trên tay và khẩu súng lăm le với nụ cười nham nhở bắn những phát súng liên thanh lên trời như cùng mừng chiến thắng. Tôi thấy những kẻ hôi của xô đẩy nhau của trong giờ phút loạn ly, bến Bạch Đằng vẫn còn cảnh tháo chạy trong những giây phút cuối, toà Đại sứ Mỹ vẫn còn lại những chuyến trực thăng cuối cùng hối hả đưa người ra hạm đội…

Sài Gòn chưa bao giờ rối nùi tan hoang như trong ngày lịch sử đó. Tôi không hiểu mình nên khóc hay nên cười cho những lý tưởng mà mình hằng ôm ấp… Thôi cứ cho là Việt Nam đã hết chiến tranh để tạm an ủi một người tên Dân… Đêm đó tôi không sao ngủ được, và thực sự khóc khi nghe những bài nhạc ầm ĩ giải phóng miền Nam trên radio.

Thôi cũng là định mệnh của nước nhà, kết cục của lịch sử thăng trầm. Tuổi trẻ chúng tôi cứ nghĩ và hy vọng một kết thúc tốt đẹp cho những lần hát cho dân tôi nghe, những đêm không ngủ, ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn và ta còn sống đây bốn ngàn năm trên quê hương này v.v…

Tôi chỉ là Dân, một người dân Việt nhỏ bé sống thầm lặng bên giòng lịch sử đau thương của đất nước.

Đã 49 năm.

Tôi biết nhiệt huyết của tuổi trẻ mình đã từng bị lợi dụng, và dần dà tìm đường đi để trở thành kẻ tha hương. Tôi cũng thầm cảm ơn trên cho tôi được sống nơi xứ sở tự do đến ngày hôm nay. Tôi biết Mẹ đã khóc hết nước mắt trong những lần đưa con đi vượt biên, những lần tù tội và bây giờ Mẹ đã về với biển cả thay cho tôi. Ba ơi con cảm ơn Ba đã cho con cái tên Dân và  mà công nuôi dưỡng sinh thành con vẫn còn nợ Ba, nợ những ai quen biết và cũng cùng lý tưởng như tôi.

Thôi thì xin một lời tạ lỗi để nhớ ngày mà tôi không bao giờ quên được. Ngày 30 tháng Tư!

Dân Huỳnh
Tháng Tư, 2024
California 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights