HÀ GIANG
Cơn lốc của biến cố 30/4/1975 làm nhiều người Việt Nam bị bứt rễ, ném tung ra khỏi quê hương, mỗi người một ngã, chân thấp chân cao đi tìm chốn tạm dung khắp nơi trên thế giới. Thế rồi, ở những nơi được xem là đất lành chim đậu, từng nhóm từng nhóm người Việt tị nạn tìm cách tụ họp lại, tạo nên những cộng đồng, thoạt đầu mong manh nhỏ bé, rồi dần dà vững mạnh, trù phú.
Đã 49 năm rồi. Nhưng dù đời sống có sung túc như thế nào ở quê hương thứ hai, người Việt chúng ta, nếu đã trải qua biến cố đổi đời ấy, đều không thể quên, như không thể quên mình là người Việt Nam, không thể quên mảnh đất hình cong chữ S, dù đã hòa nhập rất tốt vào sinh hoạt của dòng chính.
Ba mươi tháng Tư, vì thế, là dịp cho mỗi người ôn lại quá khứ, hướng đến tương lai. Qua loạt phỏng vấn nhanh này, Hà Giang kính mời quý vị đọc tâm tình của thành viên trong tòa soạn của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, cũng như những thân hữu đã thương yêu gắn bó với chúng tôi từ những ngày đầu tiên.
Chủ nhiệm tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, ông Lý Thành Phương, chủ nhân của công ty LNA Accounting & Income Tax, hiện sống ở San Diego, California.
Vào ngày 30/4/1975 anh bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Vào năm 1975, mình 19 tuổi, đang học năm thứ nhất ở Đại học Khoa học Saigon. Gia đình mình cũng có người đi lính, làm sở Mỹ, nên nghe nói Cộng sản vào thì rất sợ, mọi người chỉ muốn tìm cách bỏ nước ra đi nhưng không tìm ra phương tiện.
Sau ngày 30 tháng Tư, mình tiếp tục học chương trình 4 năm Đại học Sư phạm lúc đó gọi là Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Qua chương trình này, mình học được nhiều về lý thuyết Cộng sản và xây dựng Xã hội chủ nghĩa, và lúc đó với đầu óc lý tưởng, ngây thơ thấy những lý thuyết này thật là hấp dẫn. Những tưởng là mình, với lòng yêu nước chân thành, có thể đóng góp chút sức mọn trong công cuộc xây dựng đất nước thành một quốc gia văn minh và giàu mạnh.
Giờ đây, 49 năm sau, anh có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Nhưng năm này rồi năm nọ, thực tế đã không như mình tưởng. Dần dần mình mới hiểu ra là những người Cộng sản nói thì nhiều mà làm thì ít. Cụ thể là cả nước không có cơm ăn chứ nói gì mà tiến đến “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Thất vọng quá, năm 1981, mình có cơ hội vượt biên thành công ra nước ngoài.
Mỗi năm đến ngày 30 tháng Tư là dịp để hồi tưởng lại những kỷ niệm và cảm xúc của ngày mất nước. Trong dịp này, mình luôn mong là những người của “Bên thắng cuộc” tìm ra được chân lý cho đất nước của mình, nhưng chỉ thấy buồn là đất nước càng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng hơn. Than ôi: Còn đâu là “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu…”
Ký giả Hà Giang đã về hưu bán thời gian, hiện làm việc và sống ở Long Beach, California.
Vào ngày 30/4/1975 chị bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Ngày 30/4/1975 tôi mới 19 tuổi, cùng đứa em trai đang ở trên một tàu vận tải đạn dược của Hải quân Việt Nam. Chúng tôi và khoảng hơn 300 người khác đã kéo nhau lên con tàu này tại Tân Cảng, Sài Gòn, từ đêm 29/4, chờ giờ khởi hành.
Tàu đi chưa được bao xa thì gặp trục trặc lại phải quay lại bến Bạch Đằng để sửa. Sửa xong, tàu lại đi. Gần trưa, khi tàu ra gần cửa biển, có ai đó bật radio vặn lớn hết cỡ cho mọi người nghe tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Quanh tôi cả đàn ông lẫn phụ nữ, quay đầu về hướng Bạch Đằng, có người bật khóc thành tiếng.
Khi tàu ra đến cửa biển chúng tôi chứng kiến một cái chết bi thảm ngay trước mắt mà không ai làm được gì để cứu nạn nhân. Trên đường đi, một người lính hải quân liên tục trao đổi tình hình với đồng đội trên những chiếc tàu khác qua một máy truyền tin.
Có chiếc tàu nhỏ đi ngược chiều, một người lính Thủy quân Lục chiến đeo lon Đại Úy đứng dáo dác nhìn ra biển.
-Ê giờ này sao còn đi hướng đó?
-Tính ghé về nhà coi bà già sao mày ơi.
-Đầu hàng mẹ nó rồi, về gì nữa mày?
-Đầu hàng hồi nào? Ai đầu hàng?
-Mới nghe trên ra dzô, cha Minh chả đầu hàng rồi. Thôi mày nhảy qua đây đi luôn đi.
-ĐM. Đầu hàng thiệt rồi? Sao lẹ dzậy? Dzậy đi luôn hả?
Quyết định trong tích tắc, người đại úy phía tàu bên kia cho tàu đến gần sát tàu bên chúng tôi rồi nhảy qua, nhưng sóng đẩy tàu ra và ông rơi xuống biển. Một người lính trên tàu chúng tôi nhảy xuống cứu, nhưng sóng xô quá mạnh, ông không thể nào bơi đến gần nên vội bơi trở lại tàu. Chúng tôi lặng người đứng đó nhìn người Đại Uý từ từ chìm nghỉm xuống lòng đại dương. Mạng người nhẹ như chiếc lá.
Giờ đây, 49 năm sau, chị có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Biến cố lịch sử ấy đẩy tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng Việt Nam mãi mãi là một phần của máu thịt mình. Tôi luôn nghĩ về đất nước này, từ những người dân, đa số còn chịu nhiều cảnh bất công đến giới trẻ nhiều người đang mất hướng đi. Mong được góp phần vào ngọn gió tạo nên một chút đổi thay…
Nhà báo kỳ cựu Trần nhật Vy hiện sống ở thành phố Garden Grove, California.
Vào ngày 30/4/1975 anh bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Ngày 30/4/1975, tôi vừa 19 tuổi 3 tháng và đang học năm thứ I khoa Triết ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn.
Trước đó hơn một tháng, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10/3, giới sinh viên gần như mất hồn, không còn tinh thần để học hành dù mùa thi sắp tới. Tôi và một vài bạn bè trong hướng đạo trong Kha Trường Sơn đã rủ nhau đi Vũng Tàu để giúp người tị nạn từ các tỉnh miền Trung chạy về. Đầu tháng 4/75, tiền cảng ở Vũng Tàu người tị nạn từ các tỉnh về trên các chuyến tàu quân sự đông nghẹt và hôi hám sau nhiều ngày không tắm rửa. Tôi cùng mấy anh em trong Hội YMCA [bây giờ tôi không nhớ YMCA là gì nữa hình như là viết tắt của chữ Youngmenn Christian Association sao đó?] đem thức ăn tặng cho những người tị nạn tạm cư trong các trường học, trong trại huấn luyện Chí Linh ở Vũng Tàu. Trong nhóm chúng tôi có nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, một nhạc sĩ của phong trào du ca, người Ban Mê Thuột, cùng tạm ngụ tại biệt thự số 1 Gia Long, Vũng Tàu, đối diện Ty cảnh sát. Cửa phòng anh luôn đóng kín với tấm bảng ghi “Nơi an nghỉ cuối cùng của nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng.” Ban ngày thì đi các nơi phát đồ ăn, thức uống. Ban đêm ca hát và bị mấy thầy cảnh sát bắn cảnh cáo hoài.
Ngày 28/4 chúng tôi quyết định về Sài Gòn vì Vũng Tàu bắt đầu lộn xộn. Súng nổ, cướp giật khắp nơi. Nhưng về bằng xe đò không được vì cầu Cỏ May đã sập. Chúng tôi mướn một chiếc ghe xuất phát từ bãi trước theo sông Sài Gòn về vào tối 28/4, anh Nguyễn Quyết Thắng ở lại. Trên đường về, nhiều tàu tuần tiễu chận hỏi và cho biết “Việt cộng vô gần tới Sài Gòn rồi!” Nhưng ghe của chúng tôi treo cờ hướng đạo nên được đi qua. Chiều 29/4 tôi về tới bến Bạch Đằng, rồi tìm cách về nhà ở Tân Bình. Trên đường về, có rất nhiều trạm gác, barie…
Sáng 30/4, trời đẹp, im ắng sau một đêm súng đạn ầm ĩ. Khoảng hơn 8g tôi chun ra khỏi trảng xê, hé cửa ngó ra đường và thấy mặt đường đầy súng, đạn và không có ai.
Lòng tôi “trong suốt” như thủy tinh, không vui, không buồn, không suy nghĩ gì cả trong giây phút ấy. Gần 10g thì bắt đầu nghe tiếng xe tăng, rồi thấy những ông bà VC ốm tong teo, mặt mày xanh mướt, áo quần bạc phếch, chưn dép râu, đầu nón tai bèo xếp hàng dọc đi ngang nhà hướng về phía Sài Gòn. Mấy bà trong xóm đem bánh, trái… đưa cho họ nhưng ai cũng lắc đầu. Sau này tôi mới biết họ được lệnh “không lấy của dân dù một cây kim, sợi chỉ.” À há! Cho tới giờ họ vẫn chấp hành tốt lệnh ấy. Kim chỉ mà lấy làm gì?
Giờ đây, 49 năm sau, anh có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Vẫn nhớ ngày ấy tôi lặng lẽ ra đập cửa tiệm thuốc Tây gần nhà mua 17 viên thuốc ngủ bỏ trong túi và không nói cho ai biết. Để làm gì, tôi cũng không biết! Và tôi xách xe gắn máy chạy xuống Sài Gòn, ghé nhà bạn LTA rủ đi như mọi người nhưng má của A không cho vì còn phải chờ ba nó về. Bà có biết đâu ông bác chỉ huy một đơn vị biệt kích dù 81, đã bị bắt ở Nha Trang từ cuối tháng Ba. Tôi chạy ra bến Bạch Đằng, nơi chiếc tàu Thống Nhất còn đậu, và rất đông người trên đó. Họ kêu tôi lên tàu vì “Việt Cộng tới rồi!” Tôi dựng xe ngồi ngó những người tay xách, nách mang vội vã xuống tàu như chạy trốn “dịch!” Nếu có A thì tôi đã xuống tàu, dù gì cũng có bạn nơi đất khách quê người. Sau đó, quay về nhà và bây giờ ngồi viết những dòng này…
Bạn hỏi tôi nghĩ gì sau 49 năm đi qua. Biết nói gì đây? Tôi chỉ có thể nói bằng một câu nhại Kiều: “Ngày qua, nghĩ lại bây giờ còn kinh!”
Nhiếp ảnh gia Dân Huỳnh hiện đang sống ở thành phố Corona, California.
Vào ngày 30/4/1975 anh bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Trong ngày 30 tháng 4 tôi, lúc ấy 17 tuổi, lén Mẹ để ra đường nhìn khung cảnh mới lạ của đường phố đầy những người “thắng cuộc”. Tôi lang thang đạp chiếc xe đạp để nhìn khung cảnh mà người cho là ngày mất nước, kẻ cho là ngày “giải phóng” thống nhất đất nước. Những chiếc xe tăng của bộ đội rầm rập trên đường phố, hai bên đường một số người dân Sài Gòn reo mừng vẫy tay chào đón bên thắng cuộc, riêng tôi lang thang trên chiếc đạp chỉ đi một vòng đường phố, trong một tâm trạng khó tả, vui vì từ đây Việt Nam sẽ hết chiến tranh và cái buồn vì hiểu sự thay đổi lớn đang xảy ra cho quê hương và hoang mang cho những ngày sắp tới.
Giờ đây, 49 năm sau, anh có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Tôi chỉ là Dân, người dân Việt nhỏ bé thầm lặng trôi theo giòng lịch sử đau thương của dân tộc. Tôi biết mình đã bị lợi dụng cho ngày thành công của bên thắng cuộc, tuổi trẻ sôi nổi nhiệt huyết đã khiến chúng tôi đem nỗi buồn nhược tiểu trở thành kẻ tha hương cho đến ngày hôm nay. Tôi cảm ơn trên cho tôi được sống nơi xứ sở tự do cho đến giờ. Tôi biết Mẹ đã khóc hết nước mắt trong những lần đưa con đi vượt biên, những lần tù tội và bây giờ Mẹ đã về với biển cả thay cho tôi. Tôi cảm ơn Ba tôi đã cho con cái tên Dân, người mà công nuôi dưỡng sinh thành con vẫn còn nợ. Tôi nợ quê hương món nợ không trả được, nợ những ai cũng lý tưởng như tôi. Thôi thì xin một lời tạ lỗi để nhớ về ngày mà tôi không bao giờ quên được. Ngày 30/4!
Họa sĩ Nguyễn Thanh Vân hiện đang sống ở Garden Grove, California.
Vào ngày 30/4/1975 anh bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 tôi mới 14 tuổi. Lúc đó tôi cùng anh tôi đang ở một hồ bơi công cộng tại Cần Thơ. Bây giờ nghĩ lại, thấy tiếc vì lúc đó mình chưa biết gì cả. Chỉ thấy vào lúc ấy, chung quanh người ta hoang mang, ai nấy hấp tấp trở về nhà mình, máy bay trực thăng lên xuống rất nhiều trên bầu trời, tôi và ông anh cũng tự động trở về nhà.
Giờ đây, 49 năm sau, anh có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Sau 49 năm nhìn lại, tôi nghĩ giá mà tôi hiểu biết điều gì đã xảy ra, có lẽ tôi đã đi khỏi nước từ lúc đó, vì chúng tôi đang ở rất gần nơi các chiếc trực thăng lên xuống… Bây giờ đã không hối tiếc vì mất cả tuổi thanh niên trong chế độ hận thù, độc tài, gian ác đó…
Kevin Dũng Huỳnh là chủ nhân công ty HNA Realty, hiện làm việc và sống ở thành phố San Diego, California.
Vào ngày 30/4/1975 Kevin bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Em sinh năm 1980 cho nên vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 em còn chưa sinh ra đời. Gia đình em vượt biên vào năm 1988, khi đó em mới có 8 tuổi nên chưa biết gì.
Lớn lên ở Mỹ, học ở nhà trường Mỹ gần như cả thời thơ ấu nên không biết nhiều về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Những điều em biết về Việt Nam từ nói chuyện bằng tiếng Việt, hiểu phong tục, và chút ít văn hóa văn học là từ sinh hoạt hằng ngày với cha mẹ.
Khi ra đời làm việc, qua quen biết anh Phương, sau này là chủ nhiệm tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, em mới có dịp học hỏi được nhiều về lịch sử Việt Nam, nhờ vậy biết được nhiều về những giai thoại trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và biến cố lịch sử ngày 30 tháng Tư.
Giờ đây, 49 năm sau, Kevin có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Những năm sau này, mỗi khi đến ngày 30 tháng Tư, thì tòa soạn cùng nhau chuẩn bị bài vở để ghi lại cảm xúc và kỷ niệm của biến cố lịch sử này. Riêng em cũng có nhiều hối tiếc cho một đất nước Việt Nam từng trải qua một thời kỳ văn minh, nay lay hoay muốn trở mình mà chẳng đi được đến đâu.
Nhạc sĩ Kỳ Phát hiện đang sống ở thành phố Santa Ana, California.
Vào ngày 30/4/1975 anh bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Ngày 30/4/1975, lúc đó với 28 tuổi đời, tôi đã trải qua một thời tuổi thơ sống trong chiến tranh khốc liệt, luôn phấn đấu cố vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, nhưng mãi đến khi đoạt được những ước mơ thì biến cố 30/4 ập đến… tất cả đều sụp đổ.
Tôi đã bỏ lỡ cuộc di tản với số bạn nhạc trẻ, trưa 30/4/1975, vì chờ người bạn mà không bước lên kịp chiếc tàu Trường Xuân tại kho 5 Khánh Hội. Sau nhiều cuộc ra đi bất thành, phải kể đến chuyện ba năm kẹt ở Đà Nẵng chờ đi với gia đình, mãi đến năm 1989 mới được đoàn tụ.
Ở Sàigon, vào thập niên 1970, tôi cùng nhà báo Trường Kỳ thuê một phòng ở khách sạn Bồng Lai góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, nơi hội tụ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Công việc của tôi lúc bấy giờ là thực hiện chương trình nhạc trẻ tại vũ trường Queen Bee, ở đường Nguyễn Huệ trong khu thương xá Eden, viết cho nhiều tờ báo văn nghệ Saigon như: Màn Ảnh, Sân Khấu Truyền hình, Điện Ảnh Mới, tuần báo Em… Tôi cũng tham gia với các bạn trong phong trào nhạc trẻ Việt hóa tức soạn lời Việt nhạc ngoại quốc, cùng với nhóm bạn tổ chức chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ , thực hiện băng Nhạc Trẻ từ số 2 đến số 6 và Thế Giới Nhạc Trẻ số 1 và số 2, Dạ Vũ Giáng Sinh năm 1974)… Với công việc và cuộc sống lúc bây giờ tôi cho mình là hạnh phúc lắm rồi không phải đòi hỏi gì nữa.
Biến cố 30/4/1975, với tôi là một trong những nỗi đau khó phai mờ. Thế mà đã 49 năm. Thật xót xa khi nghĩ về ngày này. Giờ đây với tuổi gần U80, tôi vẫn không quên nỗi kinh hoàng, hoảng loạn trong lúc tìm đường bỏ chạy, nhưng bi đát hơn nữa là bị kẹt lại với gần 15 năm ở lại sống với xã hội chủ nghĩa.
Được định cư tại Hoa Kỳ dù hơi trễ, năm 1989, nhưng tôi đã thực hiện được ngành nghề mình yêu thích cùng gắn bó với Trẻ magazine do chính mình thành lập được 25 năm và hiện nay làm youtuber với kênh ‘’Kyphat TV’’. Đó là hạnh phúc của tuổi già.
Nhà văn Trùng Dương hiện vẫn còn viết và đang sống ở thành phố Sacramento, California.
Vào ngày 30/4/1975, chị bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Tôi rời Sài Gòn vào ngày 28 tháng Tư sau rất nhiều đắn đo đi/ở, như thể Việt Nam vào thời điểm đó và nơi tôi sẽ đến (song lúc ấy không có một ý niệm gì về nơi đó là đâu) là âm dương cách biệt.
Tin Sài Gòn thất thủ đến với tôi lúc ấy đang ở đảo Guam. Lúc ấy tôi vừa bước vào tuổi 31, một mình với hai con nhỏ, cháu trai 9 tuổi và cháu gái 2 tuổi rưỡi.
30 tháng Tư, 1975 là một biến cố kinh hoàng và đau thương không chỉ với người dân ở miền Nam mà còn đối với nhiều người ở miền Bắc. Sự kiện nhà văn Dương Thu Hương khi tới Sài Gòn vào ngày này thấy đời sống dân chúng phong phú, sách vở đủ loại la liệt không chỉ trong tiệm sách mà đầy đường phố, bà liền cảm thấy thế hệ của bà đã bị đảng Cộng sản lừa bịp lâu nay vì hiển nhiên Miền Nam có tự do không như chế độ Cộng sản đã tuyên truyền. Sự kiện này đã được ghi nhận và lưu giữ tại nhiều nơi, đặc biệt trên Internet.
Giờ đây, 49 năm sau, chị có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Chuyện gì cũng có mặt phải và trái. Bây giờ nhìn lại ngày này, những nuối tiếc mất mát đau buồn, tức mặt trái của biến cố 30 tháng Tư, bỏ sang một bên, không phải để quên mà để ta có thể hướng tới. Phải nhìn nhận không có biến cố này thì không có cộng đồng Việt hải ngoại, ta không có cơ hội học hỏi và thu lượm những cái hay, đẹp, đầy tình người của những quốc gia đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta mấy chục năm qua. Ngược lại, con cháu chúng ta cũng đã và đang đóng góp nhiều cho các quốc gia này.
Nhiều người Việt ở hải ngoại cũng đã từng mong đem những điều văn minh nhân bản ấy về giúp quê hương gốc của họ. Tiếc thay chế độ độc đảng độc tài ở Việt Nam không, hay chưa, phải là mảnh đất tốt để đón nhận những hạt giống này, mặc dù lâu nay họ hô hào hòa hợp hòa giải với “những khúc ruột ngàn dặm.” Việt Nam rất cần có thay đổi về chính trị thì mới hy vọng khá được.
Nhà báo Yến Tuyết hiện sống ở thành phố Garden Grove, California.
Vào ngày 30/4/1975, chị bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Sáng ngày 30/4/1975 tôi đến làm việc tại đài Phát Thanh Saigon. Lúc đó tôi được 24 tuổi và là nữ phóng viên của Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam.
Tôi đã cùng anh V.A, chánh sở Thời Sự của ban Tin Tức và Bình Luận của Đài Saigon đón nhận cuốn băng thâu lời tuyên bố đầu tiên của Đại tướng Dương văn Minh về việc “bàn giao chính quyền trong vòng trật tự” cho phía Bắc Việt.
Cuốn băng này do đồng nghiệp của tôi là anh LPB, phóng viên trực thuộc Phủ Tổng Thống, được cử đi thâu băng tại Dinh Độc Lập mang về, và đã được anh VA cho phát thanh môt lần vào khoảng 10:30 sáng 30/4/75.
Sau đó, chúng tôi đã chứng kiến cảnh một nhóm người mang quân phục Cộng sản Bắc Việt hay mặc thường phục đeo băng đỏ áp giải cựu ĐT Dương văn Minh đến Đài Phát Thanh để buộc ông đọc một thông báo khác do họ viết sẵn, nội dung tuyên bố “miền Nam đầu hàng vô điều kiện”.
Giờ đây, 49 năm sau, chị có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Dù chỉ là một chứng nhân nhỏ cho sự kiện lịch sử ấy, tôi luôn cảm thấy đau lòng khi nhớ đến kỷ niệm nói trên, trong 49 năm qua.
Biến cố 30/4/1975 đã thay đổi hoàn toàn đời sống của người dân cả hai miền Nam Bắc. Cho dù Việt Nam không còn chiến tranh và người dân vô tội được sống an bình nhưng cộng sản tiếp tục áp dụng chế độ độc tài và tước đoạt nhân quyền của họ. Hiện nay, tuy Việt Nam có những tiến bộ về mặt kinh tế và thương mại nhưng xã hội nói chung, lại bị suy đồi về mặt đạo đức và xã hội. Tôi không hy vọng thấy được quê hương mình thoát khỏi chế độ cộng sản trước ngày mình nhắm mắt
Những người Việt Nam ở hải ngoại dù phải sống xa quê hương với tư cách tị nạn hay di dân rất may mắn được hưởng tự do và sự tôn trong nhân quyền tại các quốc gia như Hoa Kỳ. Thế hệ trẻ có cơ hội học hỏi được vô số kiến thức chuyên môn và đa dạng. Hy vọng họ là những công dân tốt giúp quê hương thứ hai này hùng mạnh hơn. Còn chuyện họ có muốn giúp Việt Nam hay không là quyết định riêng của họ.
Bà Kiều Mỹ Duyên là nhà báo, cựu phóng viên chiến trường, hiện là chuyên viên địa ốc ở Garden Grove, California
Vào ngày 30/4/1975, chị bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, làm gì?
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Kiều Mỹ Duyên, lúc ấy 35 tuổi, đang ở Sài Gòn, vừa đi cứu trợ đồng hương chạy từ các tỉnh miền Trung về Phước Tuy, Vũng Tàu. Chúng tôi tháp tùng với phái đoàn ông bà Việt Định Phương, chủ nhiệm báo Trắng Đen tặng đồng bào tị nạn gạo, mền, mì, thực phẩm, thuốc men. Linh mục Joe Devlin, người Mỹ, đi bộ với đồng bào. Sau này, linh mục Joe Devlin giúp đồng bào tị nạn ở Thái Lan, cho đến khi linh mục bị bệnh về Hoa Kỳ rồi qua đời. Đồng bào nhớ ơn ân nhân, nên hàng năm đúng ngày giỗ của linh mục, đồng bào làm lễ tưởng niệm cho ân nhân ở trung tâm công giáo giáo phận Orange County và ở khắp nơi trên nước Mỹ.
Ngày 30/4/1975, tòa báo Trắng Đen chỉ lo cứu trợ. Sau khi nhật báo Hòa Bình đóng cửa, Kiều Mỹ Duyên làm cho nhật báo Trắng Đen của ông bà Việt Định Phương.
Giờ đây, 49 năm sau, chị có cảm tưởng gì khi nghĩ về biến cố này?
Ngày 30/4/1975 là ngày đau buồn nhất của người dân miền Nam, ngày mà vợ xa chồng, con xa cha mẹ, hàng trăm ngàn chiến sĩ ưu tú đi vào tù, hàng trăm ngàn đồng hương bỏ mình trên biển cả, ở rừng núi, khi vượt biên bằng thuyền, bằng đường bộ tìm tự do. Chỉ vì hai chữ Tự Do mà nhiều người chấp nhận liều mạng đưa gia đình, con cái của mình vượt biên.
Thượng Đế thương xót người liều chết được sống sót thì con cháu của họ trở nên người hữu dụng cho xã hội. Người Việt tị nạn có con cháu là khoa học gia, tướng lãnh, chánh án, thượng nghị sĩ, Dân biểu, giám sát, thị trưởng, v.v…
Dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, người Việt Nam vẫn mong cho nước Việt Nam có tự do, dân chủ, nhân quyền, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải.
Kiều Mỹ Duyên mơ ước người dân trong nước ở những nơi hẻo lánh có đủ cơm ăn, áo mặc, trẻ con đến trường học, có thuốc uống khi đau bệnh, người già được chăm sóc, trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tử tế và tôn giáo được tự do hành đạo. Xin Thượng Đế ban phúc lành cho người dân Việt Nam được sống hạnh phúc như những nước tân tiến.