Nước mắt và nụ cười của mẹ

by Tim Bui
Nước mắt và nụ cười của mẹ

YẾN TUYẾT

Cả tuần nay, thời tiết ở quận Cam lạ ghê bạn ạ. Tháng Năm nhưng trời thì xám xịt và có những cơn gió mang hơi hướng của gió Santa Ana. Rồi chúng ta lại có một cơn động đất nhỏ 4.3 đến thăm, rất gần Little Saigon.

Thế nhưng, dù cho trời có nắng hay mưa, nhân dịp lễ Mother’s Day, tôi muốn được viết xuống cảm nghĩ và tình yêu dành cho Mẹ, vì đó là một đề tài bất tận, ghi xuống bao nhiêu cũng không đủ, nói bao nhiêu cũng không thể cạn lời.

Tuần trước, tôi nhận được email của một người bạn, báo tin vừa mồ côi mẹ ở tuổi 70. Người nào mất mẹ thì có lẽ cũng buồn đau giống nhau, thế nhưng từ cái tuổi sống hơn nửa đời người trở đi, người ta những tưởng là mình đã già, đã chai đá với những thăng trầm của cuộc đời, chắc hẳn mình sẽ sắt đá lắm trước bất cứ nghịch cảnh nào. Thế mà khi mẹ mất, mình vẫn cảm thấy hụt hẫng, trống trải và bơ vơ chẳng khác gì một đứa bé mồ côi.

Cho dù Mẹ tôi mất đã hơn 20 năm, tôi luôn nhớ đến sự ân cần, trìu mến bà dành cho tôi. Nhớ mãi hoài những nụ cười bao dung, cái ôm hôn nhẹ nhàng của mẹ từ khi tôi còn nhỏ cho đến khi tôi đã ở tuổi 50. Nhớ mùi hương của mẹ còn vương lại trên áo quần của bà mà tôi còn cất giữ.

Tôi nhớ những giọt nước mắt mẹ tôi chảy xuống vì vui mừng khi nhìn thấy tôi trở về bình an sau môt cuộc vượt biên thất bại.
Cũng như nhiều người mẹ già có con trai bị đi tù Cộng Sản, mẹ tôi đã vượt qua hàng ngàn dặm đường từ Nam ra Bắc để thăm con. Chắc hẳn nước mắt mẹ tôi cũng đã rơi, khi thấy anh tôi tiều tụy vì đói ở trại tù Vĩnh Phú.

Khi mẹ tôi xuất hiện ở cửa phi trường LAX khi đến Mỹ đoàn tụ với anh Q của tụi tôi sau 13 năm xa cách, và gặp lại tôi sau gần 10 năm kể từ “đêm giã từ Sài Gòn” của tôi 10 năm trước, nụ cười của bà là niềm hạnh phúc vô biên của chúng tôi. Và nước mắt của mẹ và của những đứa con xa mẹ quá lâu chan hòa trong vui mừng.

Trong thời gian chiến tranh và hòa bình, tôi chắc rằng có hàng chục ngàn người mẹ ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã khóc vì hàng trăm ngàn đứa con ra đi mà không bao giờ trở lại.

Chúng ta không thể so sánh nỗi đau lòng của người con mất mẹ hay người mẹ mất con, bởi vì tình cảm mẹ con từ phía nào cũng đem lại những nỗi đau buồn bất tận.

Tôi hiểu điều này vì mới vừa đi dự đám tang của một người đàn ông 51 tuổi.

Cậu là con trai của một chị bạn. Tôi thương cảm nỗi đau của người mẹ mất con khi thấy chị ấy rũ người đi trong nước mắt.
Tôi thương cảm vì từng là chứng nhân cảnh ngộ mất con của hai bà chị tôi trong hai chuyến vượt biên khác nhau.

Đã 42 năm qua kể từ ngày tôi rời Việt Nam đi vượt biên trong một đêm mưa gió. Tôi nhớ hoài hình ảnh mẹ cầm tay tôi khóc và bịn rịn vì biết lần ra đi ấy dữ nhiều, lành ít.

Bà cũng đề nghị tôi ra đi một mình vì sợ đứa con gái đầu lòng của tôi mới có hai  tuổi không chịu nổi những cực khổ trên Biển Đông. Thế nhưng, tôi bảo với mẹ rằng nếu có những bất trắc xảy ra thì tôi muốn mẹ con tôi có nhau. (Khi đó, tôi thật ích kỷ chỉ nghĩ đến mẹ con tôi nhiều hơn là mẹ và tôi).

Cùng lúc ấy, ba bà chị tôi cũng khóc giã từ mấy đứa con trai trong tuổi vị thành niên, chia tay mẹ để lên cùng một chuyến tàu đi tìm tự do với hai bà dì của chúng.

Cũng như nhiều người vượt biên bằng đường biển khác, tôi không có một kinh nghiệm nào về sự cuồng nộ của thiên nhiên, về sự hung dữ của loài người qua nạn hải tặc đang chờ đón chúng tôi trên Biển Đông, mà bao nhiêu đồng bào của tôi đã phải trải qua và chịu đựng.

Chúng tôi chỉ quyết định bỏ nước ra đi bất kể sống chết vì không thể chịu đựng được sự bất công của chế độ Cộng sản với phần lớn chúng tôi là người dân miền Nam sau những năm đầu tiên họ chiếm đóng.

Tuy không bị hải tặc tấn công nhưng vào ngày thứ nhất sau khi ra khơi, sóng to đã hất tung con thuyền vượt biên nhỏ bé 3 thước X 12 thước của chúng tôi lên cao và dù may mắn thuyền không bị lật, cơn sóng đã tàn nhẫn gửi xuống lòng đại dương ba người thanh niên, thiếu nữ trong đó có cháu NKĐ của tôi.

Chiếc tàu nhỏ bé chở 75 người ngồi như cá hộp sau đó bị chết máy, trôi lênh đênh vô định trên biển khơi trong 13 ngày nữa, và chứng kiến tình cảnh đói khát và mệt lả, sống dở, chết dở của mọi người.

Đến buổi chiều thứ 14 của một ngày định mệnh, trên chuyến hải hành từ Nhật Bản đến Thái Lan, môt thương thuyền Na Uy đã cứu vớt chúng tôi sau khi 22 chiếc tàu khác đi qua mà không dừng lại.

Cuộc hành trình đi tìm tự do ấy mang đầy nước mắt dành cho đứa cháu bất hạnh và để lại vết thương lòng khó hàn gắn trong lòng chi BL, mẹ của cháu, cho dù hơn bốn thập niên đã trôi qua.

Do lòng tham của chủ tàu nên họ chở một số lượng quá tải đến 78 người do đó, khi ai nấy bị say sóng, chúng tôi ói mửa lên người nhau và không khí dưới thân tàu thật là ngột ngạt và khó thở. Thế nên, mấy đứa trẻ đã leo lên bong tàu để tìm một chút không khí trong lành khi trời đang sập tối, và một cơn bão đã thình lình ập tới. 

Con tàu lắc lư dữ dội rồi hất nhiều người xuống nước. Lúc ấy, ngồi trong khoang tàu, tôi chỉ biết ôm ghì lấy con gái nhỏ hai tuổi vì sợ hãi. Tôi nghe tiếng la hét, nghe thấy tiếng mấy chiếc phao được liệng xuống biển cho những người bị rớt. Tôi không hề hay biết ai còn, ai mất…

Sáng hôm sau, hoàn hồn lại và nghe những người trên tàu bàn tán là có ba người rớt xuống biển không cứu được, tôi và cô em mới biết được rằng trong số đó có một đứa cháu trai của tôi.

Những ngày sau đó tôi vật vã khóc vì không biết nếu còn sống, làm sao tôi có đủ can đảm để báo tin cho bà chị của tôi về sự ra đi của đứa cháu mới 15 tuổi, làm sao báo tin cho bà mẹ là con trai bà không còn nữa?
Cùng với nỗi lo sợ về sự đói khát, nan hải tặc, niềm hy vọng sống còn rất mỏng manh và một tương lai mịt mù trước mặt, tôi buồn khổ và cắn rứt vì đã không bảo vệ được cháu mình!

Đã là mẹ, tôi hiểu và thông cảm hơn ai hết lòng yêu con và nỗi đau khổ của việc mất đi đứa con thương yêu của mình.

Năm năm sau đó, bà chị thứ hai của tôi lại rơi vào cảnh ngô mất con khi gửi cả hai cháu trai lớn và út đi vượt biên cùng một lần. Chuyến tàu sau đó mất tích và cho đến nay không một tin tức nào về môt ai trên đó được tìm thấy!

Chị Th. tôi là một trong những gương can đảm hiếm hoi vì đã im lặng, không than thở và trách cứ ai. Chị âm thầm ôm sự đau khổ ấy cho dù mất đi một lúc đến những hai đứa con.

Tôi chắc chắn trong những tháng năm dài đi qua đời sống, hai bà chị của tôi đã trải qua những đau khổ, xúc động cùng cực vì nhớ thương mỗi khi nghĩ đến hay nhìn thấy con ai cùng tuổi với con mình.

Hai năm trước, chị Th. tôi đã từ giã đời sống trên trái đất và có lẽ bây giờ chị đã gặp lại hai con trai của mình nơi cõi thiên đàng.
Nước mắt dành cho hai đứa con đã ra đi của chị Th. tôi sẽ không còn rơi xuống nữa trên giòng đời.

Đã có không biết bao nhiêu bà mẹ của miền Nam Việt Nam mất đi những đứa con yêu vì nạn hải tặc trên Biển Đông. Và hình ảnh của những cô con gái ngây thơ vô tội bị chết oan đó sẽ hiển hiện mãi hoài trong tâm trí họ.

“Trinh nữ trầm oan nổi giữa giòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang”.
(Viên Linh -Thủy Mộ Quan

Vì biết không bao giờ nhìn thấy được mặt con, đã có biết bao nhiêu bà mẹ tiếp tục tìm kiếm con mình trong giấc mơ.
Tôi thấy lòng mình rưng rưng mỗi khi lắng nghe những câu thơ trong một bài Đạo ca của Phạm Thiên Thư do Phạm Duy phổ nhạc:

“Bốn mùa hoa mai nở,
Bốn mùa mẹ lang thang
Tìm con lòa đôi mắt.
Gọi con lời đã khan
Khóc con lệ đã cạn
Thương con lòng vắng hoang
Đến nay già tóc trắng
Chờ con đã mấy trăng…”

Mất mẹ hay mất con điều là những đau thương khó hàn gắn được.

Từ ngày mẹ tôi mất đi, khi nhìn bất cứ một cụ già nào, hay bất chợt thấy hình ảnh một người con nào đang dắt tay mẹ đi trong đám đông, được ngồi gần mẹ và săn sóc mẹ, tôi lại không cầm được nước mắt vì nhớ thương mẹ, rồi tủi thân vì mồ côi mẹ.

Tôi muốn nhân ngày lễ của mẹ, cầu nguyện cho những bà mẹ thương yêu đã ra đi.

Cầu nguyện cho tất cả những đứa con không may mắn chỉ có một đời sống ngắn ngủi trên dương thế, luôn được yên nghỉ trong tình thương yêu của mẹ.

Sung sướng thay cho những ai còn có mẹ để được gửi tặng mẹ những chiếc hoa hồng đỏ thắm với tình yêu chan hòa cho mẹ. Thế nhưng, nếu mẹ không còn bên cạnh, chúng ta biết rằng mẹ vẫn mãi mãi ngự trị ở trong tim mình.
Nụ cười của mẹ luôn đẹp rực rỡ như đóa hoa hồng đỏ, ngự trị miên viễn trong từng tháng năm của cuộc đời. Nước mắt mẹ là những hạt kim cương vô giá, trang điểm những con đường ta đi dù chông gai hay êm ái.

Hãy nhắm mắt lại để nghe Thái Thanh hát:
Sóng vỗ miên man như đôi tay êm của Mẹ dịu dàng…
(Phạm Duy)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights