Thương hoài một nhịp Song Lang

by Tim Bui
Thương hoài một nhịp Song Lang

NGÔ NGỌC LOAN

Năm năm trước, bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Lê ra đời, mở lại cánh màn nhung sân khấu cải lương một thời rực rỡ của thập niên 80. Bước ra từ đó, là bối cảnh Sài Gòn xưa, cổ kính trong từng tính chất. Tiếng đờn ca vọng cổ vang lên trong ngõ vắng. Quán mì khuya dưới ánh đèn rệu rã của con hẻm bình dân. Những áp phích quảng cáo nhạt màu theo mưa nắng. Những chiếc cầu thang dẫn lối vào khu chung cư xập xệ mà người xem có thể ngửi được cả cái mùi ngai ngái đang bốc lên giữa trưa nắng cháy. Tiếng hát cải lương của những nghệ sĩ ngày nay đã hoá thành thiên cổ vang lên từ chiếc cassette cũ kỹ…

Leon Lê đã dùng tất cả những chất liệu ấy để làm khung nền tôn vinh cho cải lương, thể loại nghệ thuật đang dần trở thành quá khứ. Và hơn thế, một cuộc tình “đanh thép,” mang cao độ vang xa như tiếng nhịp gõ song lang đã bước ra ngoài tấm màn nhung, đi vào cuộc đời thật ẩn sau sân khấu của nhân vật.

Sài Gòn của Song Lang

Một buổi sáng của tháng Mười Một, Leon Lê và tôi có buổi trao đổi thân tình về âm vang xa rộng của nhịp Song Lang còn rơi lại sau đêm bộ phim ra mắt khán giả ở Mỹ. Ngồi trước tôi, là một Leon Lê mảnh khảnh, nói tiếng Việt thật sõi. Thì ra gã đàn ông hay “khoe cơ thể chuẩn” của mình bằng những tấm ảnh với vũ đạo thật đẹp trên mạng xã hội (Leon vốn được đào tạo chuyên nghiệp  về nhạc kịch và trình diễn trên Broadway,) lại là một người rất yêu cải lương. Câu chuyện với anh về Song Lang bắt đầu bằng tình yêu ấy. 

“Giấc mơ của tôi là lớn lên trở thành một nghệ sĩ cải lương nhưng khi định cư năm 13 tuổi thì tôi biết giấc mơ đó sẽ không trở thành sự thật. Nhưng cũng như cuộc tình của Dũng và Linh Phụng, những gì không thực hiện được thì nó ám ảnh tôi mãi. Năm 2007 tôi về Việt Nam lần đầu tiên với ý định làm vở cải lương trên sân khấu, vở Trọng Thuỷ Mỵ Châu. Lúc đó, cải lương đã quá thoái trào, đã chết. Lúc đó, tôi mới có ý định chuyển thành dự án phim. Tôi bắt đầu tìm hiểu, làm phim những phim ngắn từ đó.”

Một cảnh trong phim Song Lang (Hình: Leon Lê cung cấp)

Leon không chọn cải lương của thời điểm thập niên 50, 60 để mang vào Song Lang vì anh không từng sống trong khoảng thời gian ấy. “Tôi muốn làm những gì mà tôi hiểu, không muốn đoán mò, làm thể loại mà hiểu chưa tới. Tôi muốn loại bỏ càng ít càng tốt cho sản phẩm đầu tiên của mình. Đó là lý do tôi chọn thập niên 80 chứ không phải 50 hay 60, ” Leon nói. 

Nói rõ hơn, Leon không muốn dựng lên một bối cảnh mà anh không thuộc về, chỉ là người đứng ngoài nhìn vào, biết qua báo chí, băng đĩa. Leon nhớ rõ một rạp cải lương của thập niên 80 như thế nào khi anh đã là cậu bé đứng bên ngoài nhìn hàng người xếp hàng mua vé, từng đứng ngoài hậu đài nhìn những nghệ sĩ chuẩn bị bước lên sân khấu ra sao.

Chính Leon chứ không ai khác đã hàng tuần đi dự thính các lớp cải lương. Anh muốn mình phải thuần thục từng bước, bộ của cải lương hồ quảng. Cũng chính anh là người viết lời cho những bài cải lương trong Song Lang. 

“Trên nhánh sông quê nghèo
Ai vẫn nhanh tay chèo
Cũng giọng hò vút cao
Cho lòng rộn ràng xuyến xao…” (Lý Son Sắt – Leon Lê)

Hay “Trường Tương Tư”, bài ca cổ chính của Song Lang, bản “tình ca” liền hai tâm hồn đồng điệu Dũng Thiên Lôi và anh kép hát Linh Phụng.

“Nhịp song lang
Tôi vẫn giữ âm thầm giữa cuộc sống đa đoan
Chờ đợi buổi tương quan
Nối lại đá vàng, hàn gắn tơ loan…” (Trường Tương Tư – Leon Lê)

Song Lang của Leon Lê không chỉ là ký ức về một Sài Gòn đẹp và đầy hoài niệm, mà còn là một thời vàng son của sân khấu cải lương, của những người yêu tiếng đàn kìm, yêu hò xang xê cống, yêu những điệu ngâm luyến láy theo làn hơi hồ quảng. Leon nói về việc phục hiện cải lương của thập niên 80 trong cuốn “Song Lang Nhìn lại”:
“Song Lang không phải là một phim tài liệu về cải lương để giới thiệu lịch sử hình thành, khai thác hay tập trung đi sâu. Cải lương ở đây đơn giản chỉ là một phần của cuộc sống Sài Gòn, của các nhân vật, là sợi dây kết nối họ với nhau qua lăng kính sân khấu cuộc đời.”

Thương hoài một nhịp Song Lang

Phải! Leon Lê đã mở ra lăng kính ấy bằng cánh màn nhung của rạp hát Kim Châu. Đây là một rạp hát cải lương chính thống, có thật ở Sài Gòn ngày trước. Khi cánh màn được kéo ra, đèn vụt tắt, chỉ có một luồng ánh sáng chói lòa, tinh khôi, rọi thẳng vào gương mặt của Dũng Thiên Lôi đang ngồi ở hàng ghế khán giả. Đêm đó, Dũng để hai chữ “Thiên Lôi” bên ngoài rạp hát, bước vào, mộ điệu một thể loại nghệ thuật đã gắn liền với tuổi thơ của anh.

Tia sáng ấy không phải chỉ báo hiệu vở diễn Trọng Thuỷ Mỵ Châu bắt đầu. Mà nó làm sống dậy một nhân sinh quan mới cho cuộc đời của Dũng. Cũng từ đêm hôm ấy, chiếc cassette cũ kỹ trong căn phòng của Dũng luôn vang lên tiếng hát của anh kép Linh Phụng.

Song Lang không chỉ là Sài Gòn hoài niệm. Song Lang không chỉ là sân khấu cải lương. Song Lang còn là tình yêu – tình yêu của hai người ở hai thế giới có vẻ như đối nghịch nhưng thật ra họ thuộc về nhau từ sâu thẳm trong tâm hồn.
Có những cuộc tình cần không phải đi đến nơi nào rõ rệt cả, nhưng nó là một cuộc tình có sức ám ảnh mãi mãi. Cuộc tình của Dũng và Linh Phụng là một cuộc tình như thế.

Leon thừa nhận: “Những cảm xúc của Dũng, của Linh Phụng chính là những cảm xúc mà Leon đã trải qua trong đời. Đó là những giây phút đẹp của tình yêu, là mãi mãi. Nó không phải cảm xúc chóng đến rồi chóng đi.”

“Mình đã từng đứng trấn an con tim loạn nhịp của mình như thế nào khi có cảm xúc với một người nào đấy. Khi mình đứng cạnh một người nào đấy, không cần chạm vào họ mà vẫn cảm luồng điện của họ vì sự tưởng tượng của mình, có thể vì mình quá lãng mạn hoá? Có thể khi mình chạm vào thì luồng điện ấy sẽ vỡ toang như bong bóng? Nó càng kềm nén thì nó càng mãnh liệt.”

Một cảnh trong phim Song Lang (Hình: Leon Lê cung cấp)

Leon đã truyền tải sự mãnh liệt ấy vào cuộc tình Song – Lang (tiếng Hàn nghĩa là hai người con trai) bằng những tình tiết rất đời, rất “song lang.” Từng cử chỉ, ánh mắt, lời đối thoại của Dũng và Linh Phụng đều là những ngôn ngữ tình yêu rõ ràng nhất, nồng nàn nhất.

“Thì còn cần gì những động chạm thể xác?” Leon tự vấn.

Đối thoại rất ít, ngắn gọn nhưng quyết định tất cả.  

Nếu hôm đó tôi không đến kịp, anh có tính đốt đóng đồ hát đó thật không?

Nhưng tới kịp rồi.

“Leon rất thích câu trả lời của Dũng,” anh nói. “Bạn đã đến rồi. Bạn đã đến kịp lúc, đã xuất hiện trong cuộc đời tôi kịp lúc, là người dừng tôi không đi xa hơn vào tội lỗi, là phá hoại cái nghề của gia đình, cái truyền thống, văn hoá.”

“Lần gặp đầu tiên không phải là lần đòi nợ” – Dũng nói với theo khi Linh Phụng rời khỏi nhà, sau buổi cà phê sáng, cùng cái hẹn đêm đó sẽ gặp nhau ở rạp Kim Châu để Dũng đàn cho bà bầu gánh hát nghe.

Câu này là câu xác định quá rõ ràng tình yêu đang cháy bừng trong trái tim của Dũng. Chỉ khi mình quan tâm đến ai đấy thì mình mới nhớ buổi gặp gỡ ban đầu. Có những người mình chỉ gặp một lần nhưng ám ảnh mình cả đời. Leon Lê đã cho Dũng “tỏ tình” như thế.

Và đáp lại, giây phút Linh Phụng đứng tựa lưng bên ngoài nhà trọ, cố gắng trấn an con tim đang đập loạn nhịp, cũng chính là ngôn ngữ tình yêu đắt giá nhất trong Song Lang.


A couple of men riding a motorcycle down a street

Description automatically generated
Một cảnh của hai nhân vật chính trong phim Song Lang (Hình: Leon Lê cung cấp)

Phải tinh tế lắm, nội tâm sâu lắm, nhiều nghiền ngẫm lắm mới có thể lột trần tất cả những góc khuất ẩn ý, lắng đọng trong từng tế bào sống của nhân vật.

Với Leon, không có gì đẹp bằng sự tưởng tượng của con người. Quan niệm của anh về tình yêu là sự bất tử của cảm xúc. Sự vật có thể tan biến. Người để cùng đụng chạm xác thịt có thể thay đổi. Nhưng cảm xúc tình phải êm dịu mà sáng rực như ánh trăng, phải đanh gọn nhưng vang rộng như tiếng gõ song lang.  

Rõ ràng, Leon Lê là một đạo diễn có đủ lãng mạn để làm cho nhịp song lang kết nối hai tâm hồn đồng điệu của Dũng và Linh Phụng. Nhưng anh cũng đủ trải nghiệm cuộc đời để không cho phép hai nhân vật của mình chạy rong với cảm xúc. Do đó, ngay từ ban đầu chấp bút kịch bản, Leon biết Dũng phải chết.

Sâu thẳm hơn, theo Leon, Dũng chết là một món quà vô giá đối với Linh Phụng. “Vì Linh Phụng được hiểu chỉ có nếm trải đau khổ trong tình yêu thì mới thăng hoa trong nghệ thuật,” Leon nói. “What if…? Nếu hai người gặp nhau chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu không gặp nhau chuyện gì sẽ xảy ra? Câu hỏi ‘what if’ ấy sẽ còn mãi mãi. Cái gì mình không biết nó sẽ ám ảnh mình cả đời. Dũng không đến và Linh Phụng không biết Dũng đã chết, đây là một món quà vô giá.”

Góc quay khi Dũng nằm trên vũng máu trước cửa rạp hát chính là góc quay gương mặt của Linh Phụng khi nằm ngủ trên chiếc giường của Dũng. Dũng đã nhìn Linh Phụng bằng ánh mắt bình an không một chút gợn màu nhục dục. Hoàn toàn không có sự thèm muốn, khao khát, để phải dẫn đến một cảnh quay đặt tả va chạm xác thịt thường thấy ở thể loại phim tình cảm đồng giới.

Hơn tất cả, với nét mặt ấy, góc quay ấy, Dũng đã nhìn thấy cái đẹp, cái tử tế của cuộc đời trên gương mặt của Linh Phụng. Đó là cái đẹp mà chỉ có Linh Phụng mới có thể mở ra cho Dũng Thiên Lôi, cái đẹp mà anh đã khát khao có được trong suốt cuộc đời làm kẻ giang hồ.

Rồi một đêm sau đó, cũng biểu cảm ấy, cũng góc nhìn ấy, cũng gương mặt ấy, nhưng ở vị trí ngược lại, trên chính gương mặt của Dũng nằm trên vũng máu, trước rạp hát, bên cây đàn . Anh lựa chọn mang theo những điều tốt đẹp nhất đã đi vào cuộc đời mình. Anh đã có được cái đẹp mà anh khao khát.    

Leon nói: “Có người nói rằng sao phải kết thúc cải lương như thế. Ồ không, không hề cải lương, mà cuộc đời chính là cải lương.”

Cái chết của Dũng không phải là một bi kịch. Đối với Leon, đó là một kết thúc hạnh phúc. Dũng chết ngay ở thiên đường của tuổi thơ, của gia đình, của Dũng, thiên đường nghệ thuật. Dũng kết thúc một vòng luân hồi của chính mình trong cuộc đời thật.

Chính những điều mong manh, hư hư ảo ảo, mơ mơ, thực thực đã làm nên chất xúc tác cho cuộc sống, tạo ra mùi vị cho cuộc đời, kết thành những giấc mơ tuyệt đẹp ẩn sâu trong mỗi đời người. Song Lang là một sân khấu cuộc đời đong đầy những giấc mơ đó, giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. 

Năm năm sau khi ra đời, tiếng gõ nhịp Song Lang của Leon Lê vẫn văng vẳng trong dòng chảy nghệ thuật, để “nối lại đá vàng, hàn gắn tơ loan”(*)

(*) Câu cuối của Trường Tương Tư

Tại Liên hoan phim quốc tế HIFF 2024 vào Tháng Tư vừa qua tại Sài Gòn, Song Lang đoạt giải “Phim TP.HCM xuất sắc nhất.”

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights