CHU TẤT TIẾN
Ý tưởng tạo nên một ngày lễ để kính nhớ công ơn của người cha đã được đề nghị bởi cô Sonora Smart Dodd từ năm 1909 tại Spokane, Washington, nhưng mãi đến năm 1910, trong một buổi họp mặt của nhóm trẻ Thiên Chúa Giáo YMCA (Young men’s Christian Association), những người cha mới được vinh danh. Cô Sonora đã nói những lời cảm ơn và kính phục cha của cô, một người góa vợ, nhưng đã nuôi được cả sáu anh chị em nên người. Mới đầu, cô đề nghị lấy ngày 5 tháng Sáu là Ngày Từ Phụ, vì ngày đó là sinh nhật của cha cô, nhưng vì gấp rút quá, không kịp chuẩn bị, nên vị mục sư tại Spokane quyết định là Chủ Nhật Thứ Ba của tháng Sáu.
Những năm sau đó, ngày Từ Phụ vẫn tiếp diễn, nỗ lực của cô Sonora đã có kết quả và được đưa vào Quốc Hội năm 1913 để làm thành dự luật, tuy nhiên, Quốc Hội lơ là, không chống đối mà cũng không tranh luận để bỏ phiếu. Năm 1916, Tổng Thống Woodrow Wilson đến Spokane để nói chuyện trong ngày Father’s Day. Ông muốn ngày này được chính thức hóa trên toàn quốc.
Rất tiếc, lúc đó quốc hội vẫn chưa đồng ý. Nhiều dân biểu còn nhạo báng ý tưởng này bằng những câu châm biếm không đẹp. Năm 1924, ngày Từ Phụ được đồng loạt tổ chức tại nhiều tiểu bang, dù chưa được quốc hội công nhận. Vì không được sự đồng thuận của các dân biểu, diễn tiến việc hình thành một ngày Từ Phụ toàn quốc vẫn chưa sáng sủa.
Giận dữ về sự thờ ơ của các dân biểu, năm 1957, Thượng Nghị Sĩ Margaret Chase Smith viết một bài tham luận công kích quốc hội mạnh mẽ vì đã bỏ qua một việc làm quan trọng và cần thiết này. Sự việc được đưa đến văn phòng tổng thống. Năm 1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson cho phổ biến một thông báo công nhận ngày này để vinh danh các bậc làm cha. Tuy vậy, phải mãi đến ngày 24 tháng Tư, năm 1972, Tổng Thống Richard Nixon mới ký thành luật cho ngày Từ Phụ là một ngày được nghỉ phép.
Từ khi Ngày Từ Phụ cũng như Ngày Hiền Mẫu được chính thức trở thành ngày lễ nghỉ trên toàn quốc, có thể nói việc bày tỏ sự yêu kính bậc sinh thành của dân chúng Hoa Kỳ tăng lên đáng kể. Nhiều câu chuyện cảm động đã được viết hay được kể ra để nói lên sự hy sinh thầm lặng của người cha cũng như lòng yêu kính của con cái với cha mẹ.
***
Trong một khu vườn nhỏ, một người cha già và người con trai là một thanh niên đang ngồi trên ghế đá. Người con đọc báo, còn người cha thì nhìn chung quanh. Người cha quay lại hỏi con trai:
-Tại sao chim sẻ lại thích ăn sâu?
Người con ngừng đọc, nhìn cha và trả lời:
-Chim sẻ sống bằng những con côn trùng nhỏ.
Người cha im lặng một lúc, rồi lại hỏi:
-Tại sao chim sẻ chỉ ăn sâu mà không ăn hoa cỏ?
Người con trai đang mê đọc báo, nên ậm ừ trả lời:
-Vì chim sẻ cần protein cho sự sống
Lát sau, người cha lại hỏi:
-Tại sao protein lại cần cho sự sống của chim sẻ?
Bất ngờ, anh con trai quay lại, gắt bố:
-Bố hỏi gì mà hỏi nhiều thế? Bố có để im cho con đọc báo không?
Ông già cúi đầu, thở dài. Chừng một hai phút sau, ông nói nhỏ:
-Hồi con còn bé, con cứ hỏi mãi một câu đến hai, ba chục lần, bố vẫn kiên nhẫn trả lời con mà.
Anh con trai giật mình, ngừng đọc báo, quay lại ôm đầu bố, khóc và nói:
-Con xin lỗi bố! Con xin lỗi bố!
Hai cha con ôm lấy nhau cùng khóc.
Ngoài vườn, chim sẻ vẫn nhảy tanh tách trên những cánh hoa.Để kết thúc bài viết này, xin gửi tặng quý độc giả một bài thơ cũ do người viết cảm tác từ một bài thơ bằng tiếng Anh (đã quên tên) đăng trên một tờ báo Mỹ trong một dịp lễ Father’s Day cách đây đã lâu.
BÀI THƠ CHO CON
Con yêu dấu, khi đến tuổi về già
Cha mẹ không còn tươi như hoa
Mà nhăn nhó, mặt cau, mắt ướt
Con sẽ thấy không còn vui như trước
Nhưng cũng đừng cau có lại mẹ cha
Vì khi xưa, con khóc óe vang nhà
Mẹ cha vẫn vui tươi như hội
Nếu cha mẹ tay run không cầm nổi
Một tô cơm mà đánh đổ ra nhà
Xin con đừng gắt mắng hạng người già
Vì lúc bé, con vẫn thường rơi vãi
Mẹ cha vẫn phải khom lưng nhặt lại
Từng miếng cơm, chút thịt con làm văng
Mẹ vừa cười vừa nhìn con lăng xăng
Nghe con “xin lỗi” mà ấm lòng hơn Tết
Nếu cha mẹ có nói nhiều, phát mệt
Có những câu lảm nhảm, không đầu đuôi
Con hãy nhớ năm xưa, nằm trong nôi
Mẹ kể mãi một chuyện xưa cổ tích
Cha cũng vậy, những khi con không thích,
Lên giường nằm để ngủ giấc hồn nhiên
Cha kể đi kể lại chuyện ông Tiên
Chuyện Tướng Cướp, Thạch Sanh, nhiều chuyện bịa
Nếu cha mẹ rồi ít năng tắm rửa
Con cũng đừng bịt mũi, dang xa
Bởi khi xưa, mẹ phải gọi cả nhà
Mới tắm được cho con một lát
Con nghịch chơi, người dính đầy bụi cát
Mực lấm lem, tay chân bẩn như ma
Mẹ mới dội nước, con đã khóc la
Không chịu tắm, không chịu vào bồn rửa
Cha phải dỗ con hoài, con mới sửa
Mãi lớn khôn, mới đi tắm một mình
Nếu mẹ cha rồi không hiểu văn minh
Máy móc mới đủ hình đủ kiểu
Cũng đừng cười chê ông bà già hủ lậu
Mà nên giảng cho cha mẹ cách dùng
Vì năm con hai tuổi, cái gì cũng lạ lùng
Cha mẹ phải cầm tay con, chỉ dẫn
Rồi lớn lên, cha dạy con cẩn thận
Đừng nghịch máy này, đừng đụng vật kia
Cha giảng cho con từng chút, từng ly
Cách mở radio, bật đèn, mở bếp, vặn tivi
Con đã nở những nụ cười hạnh phúc
Nếu mẹ cha mà nhớ, quên tùy lúc
Đừng cằn nhằn cha mẹ ngu khờ
Biết bao lần con quên sách vở ở nhà
Cha phải chạy như bay về nhà lấy
Điều quan trọng là cha mẹ cần được thấy
Dáng hình con quanh quẩn đâu đây
Ngửi hơi con mà trong mắt cay cay
Con còn đó, tim cha đầy máu nóng
Nếu mẹ cha quá già không muốn sống
Con hãy hiểu cho: rồi tới lúc con cũng già
Sẽ tới hồi cuộc sống như lướt qua
Ý sống hết, mà chỉ còn tồn tại
Một cây khô, một cánh hoa vương vãi
Một bộ xương có hiểu biết vật vờ
Những kỷ niệm xưa đầy ắp, chan hòa
Trong ánh mắt, trong dấu tay run rẩy
Hơi thở ngập ngừng, âm thanh lẩy bẩy
Không ham vui, chỉ còn chút tình yêu
Tình yêu con, yêu cháu thật nhiều
Óc chỉ thấy tên con và dáng dấp
Tim chỉ chứa bóng hình con tấp nập
Dấu chân xưa chạy nhảy tung tăng
Từng nốt muỗi đau, từng cơn nhức trong răng
Từng cơn sốt đổi da, đổi thịt
Mẹ cha đã từng bao đêm quên mệt
Ngồi bên con, nghe hơi thở đều hòa
Dù cho con khó chịu, khóc la
Cha mẹ vẫn dấu yêu con trên hết
Và, bây giờ, khi tới gần cõi chết
Vật dụng mang theo vẫn chỉ bóng hình con
Còn chút hơi tàn, cha mẹ mong tặng con:
Niềm hạnh phúc, sướng vui bất tận.
Thôi, vài hàng, của mấy người sắp lẫn.
Cha mẹ sẽ quên đã từng tặng hành trang.
Kiến thức, thông minh, sắc đẹp… con đang mang.
Những hiểu biết về cuộc đời gian khó.
Những can đảm, chai lì, không biết sợ.
Để con thành người tài giỏi hôm nay.
Những bằng cấp mà con có trong tay.
Là kết quả của bao đêm mẹ khóc.
Là rụng rơi của bao nhiêu sợi tóc.
Của ngàn ngày đưa đón con đi.
Thôi, nói làm chi? Nhắc làm chi?
Mẹ đang nói: hãy đừng làm con mệt…
Nghỉ đi con, để vui thỏa ngày mai…
Chu Tất Tiến